(HBĐT) - Gió ào ào như lay, như lắc trên khắp ngọn cây, từ dãy bạch đàn, hàng me, cả cây phượng già. Gió như giằng bứt những chiếc lá vàng đang cố níu bám trên thân cành để rắc đầy xuống lòng đường hè phố, cả cái ngõ nhỏ vừa thân quen, vừa là lối đi về của Diệu Tú.

 

Diệu buông rơi cây chổi xuống vệ đường, em ngả nón như muốn hứng cả cơn mưa những úa vàng đang bay lả tả. Được thể, gió như đùa dai lại thổi tung lá lên, chẳng còn mấy lá đọng trong nón. Diệu bật cười, em cũng hất mạnh chiếc nón lá bay lên rồi rải đầy xuống lòng đường, chỉ riêng em đứng lặng nhìn về phía dải rừng xa mùa lá đổ. ôi ! Lá nhiều ơi là nhiều, lá rơi như pháo hoa, ngữ này có quét đến chiều cũng chẳng hết đoạn đường. “Tập thể dục hay muốn thành con nai vàng ngơ ngác đấy cô bé?”.  Diệu quay lại và bắt gặp nụ cười của gã con trai cao ngồng, đen thui, trông vừa quen, vừa lạ rồi Diệu cũng nhớ ra là anh chàng ngồi cùng bàn trong kỳ thi tuyển vào chuyên của khối trung học hồi đầu năm. Phòng thi được bố trí ngồi xen kẽ theo chẵn lẻ cho hai môn toán và vật lý. Diệu lên nộp bài mà anh ta vẫn còn cắm cúi viết rất nhanh, người cao ngồng vậy mà chữ viết lại rất đẹp. Diệu phải nhắc lại mấy lần “Bạn cho tôi ra nộp bài”, hắn mới ngẩng lên và né người cho Diệu lách qua. Nhận bài thi, thầy giám thị còn nhắc: “Thời gian còn nhiều, em đã xem lại bài kỹ chưa?”, “Dạ rồi ạ”. Diệu bước ra khoảng sân còn vắng lặng, mọi người vẫn đang miệt mài viết, vật lộn với những dữ kiện đầy ẩn ý của đề. Diệu thở phào, em đã hoàn thành bài thi với niềm tự tin vừa là mong muốn được vào lớp chuyên để không phụ lòng mong đợi của bố mẹ và cô chủ nhiệm, khi đi cô còn dặn: “Cố gắng lên em,  đừng để cha mẹ và các thầy, cô thất vọng, Diệu nhé!”

Nhà Diệu nghèo, bố mẹ em đều là công nhân môi trường, nhiều người vẫn quen gọi là dân quét rác. Mỗi sớm, khi có tiếng gà eo óc gáy là bố mẹ em đã bật dậy đi làm. Bố kéo chiếc xe thùng và xủng xoảng nào xẻng, hót rác, còn mẹ vơ vội chiếc nón chạy theo đẩy xe giúp bố. Họ chỉ dừng lại khi trên đường có lá rụng, có rác hoặc chất thải của gia súc. Bố mẹ lại hối hả quét, hót, xúc vào xe và chở ra bãi rác ngoại thành, trả lại cho con đường, lối phố phong quang, sạch đẹp để đón những bước chân ríu ran của trẻ thơ đến lớp và dòng người hối hả trước bình minh. Công việc là thế mà thu nhập của bố mẹ Diệu cũng chỉ đủ đắp đuổi cho bốn miệng ăn, cho chị em Diệu được đến lớp. Vào năm mới, Diệu học lên trung học phổ thông, nhu cầu chi tiêu càng nhiều hơn. Ngày nghỉ, cha mẹ em lại nhận làm thêm ở những quán xá tư nhân, còn lại thời gian ít ỏi, mẹ  nuôi thêm con lợn, con gà để có thêm thu nhập. Những bữa cơm đạm bạc chỉ rau dưa, muối vừng, đậu phụ. Riêng chị em Diệu vẫn có thêm thịt, cá. Bố thường bảo: “Các con cần được ăn đủ thức ăn bổ dưỡng để phát triển cơ thể và với Diệu còn rất cần cho việc học, mới thành tài được”. Diệu luôn nghĩ “Bố mẹ cũng cần ăn để có đủ sức để làm việc và nuôi sống cả nhà”. Mẹ lại dịu dàng “Chỉ cần chị em con  học giỏi thì dù thiếu ăn, thiếu mặc bố mẹ vẫn vui”. Bố còn thêm “Cuộc sống gia đình ta chưa bằng ai nhưng thấy các con học hành tiến bộ là bố mẹ khoẻ và vui rồi”. Diệu còn biết nói gì thêm, ngoài việc em chuyên tâm gắng sức vào học và bằng việc em luôn dẫn đầu lớp chuyên để thỏa lòng bố mẹ. Cũng không vì quá bận bịu, vậy mà bố mẹ Diệu chưa một lần đến trường dự sơ, tổng kết mỗi khi có giấy mời và Diệu kịp đưa tận tay. Có đứa con nào chẳng muốn tự hào trước cha mẹ khi được lên nhận thưởng của trường. Diệu thấy tủi thân có lần về đến nhà, em đã oà khóc. Mẹ lại dịu dàng ôm em vào lòng: “Không phải cha mẹ không muốn đi để được tự hào về con trước bao ánh mắt thầm ao ước nhưng mẹ lại ngại với thầy, cô, các phụ huynh khác, bạn bè của con lại coi rẻ con vì bố mẹ con làm nghề quét rác”. Nghe mẹ nói, Diệu hiểu, em càng kính trọng, yêu thương và biết ơn cha mẹ hơn. Từ ấy, Diệu thản nhiên thưa với các thầy, cô giáo và bạn bè: “Cha mẹ em là công nhân môi trường, làm nghề quét rác, quét đường phố”. Cũng từ ấy, những khi tan lớp, có thời gian là Diệu lại giành lấy cây chổi thay mẹ quét. Về sau, bố mẹ phải dành hẳn cho em quét những đoạn đường chỉ có lá rụng như đoạn đường thanh niên - xanh này.

Học xong, Diệu chạy ra đây, trời đầy nắng mà đường nơi đây vẫn râm mát, hai hàng cây xanh vẫn đứng song hành, níu lá giăng cành cùng gió hát. Cây tiếp cây, lá tiếp lá xây nên những thành luỹ xanh giữa phố thị. Thỉnh thoảng từ lâu đài xanh lại rung lay, từng vảy vàng rơi để cho những chồi non thắm biếc. Dưới tán xanh, Diệu nhẹ nhàng đưa từng nhát chổi như một vũ điệu gom những héo vàng và chờ cha mẹ em chở chúng ra  nơi ngút ngàn xa.

Hắn thét lên: “Tôi hỏi mà bạn không trả lời”. Giật mình, Diệu quay lại và cũng bắt chiếc hắn cũng gắt lên: “Không nghe thấy nên không trả lời,  có sao không?” Hắn lại cười:

 - Chẳng sao hết. à, hôm thi bạn giải toán bằng cách gì mà được các thầy khen mãi thế ?

- Giải cách gì, liên quan gì tới ấy.

- Bạn đang làm gì ở đây?

- Quét đường - Diệu trả lời một cách vênh váo .

- Quét đường? - Tuấn tròn mắt nhìn Diệu

- Là công nhân môi trường, quét rác, quét đường, bạn lạ lắm sao?

Diệu quay đi, nhặt cây chổi quét tiếp. Những lá vàng bị lùa hối hả thành đống. Đứng lặng một lát, Tuấn cũng đâu chịu: “Cho mình quét với!”,  “Việc gì đến ấy mà đòi quét?”

Nhưng trong Diệu cũng đã dịu lại. “Thì chổi đây, ấy tập quét đi”. Tuấn khom lưng quét, Diệu lững thững bước theo rồi Diệu cầm nón phe phẩy quạt cho Tuấn. Tuấn dừng chổi nhoẻn cười. “Giờ đến lượt mình, Tuấn vào gốc phượng mà nghỉ, mồ hôi ướt đẫm rồi kìa”.

Cũng vừa lúc, một chiếc xe máy ào tới, phanh gấp bên lề đường. Người trên xe gọi “Tuấn Tú ơi, có kết quả thi rồi, lên xe cậu chở đi xem”. Tuấn vội lên xe, chợt nhớ, Tuấn ngoái lại “ Còn bạn tên gì để mình xem giúp kết quả thi”. Diệu cuống lên: “Mình là Đỗ Thị Diệu Tú ”. Chiếc xe rú ga lao đi, tiếng Tuấn vọng lại “Còn mình là Trần Tuấn Tú”.

Diệu đứng ngóng theo, những nhát chổi dập dồn theo hơi thở. Diệu tựa vào gốc xà cừ, mắt dõi về hướng xe vừa đi. Hết ngồi lại đứng lên, Diệu bỏ lại cả nón và chổi, chạy dọc theo hàng cây theo hướng xe đi. Tiếng xe đã vọng lại và là tiếng của Tuấn: “Đỗ rồi Tú ơi”. Diệu cũng hét lên “Ai đỗ?”. “Cả hai  đỗ rồi”. Xe vừa dừng, Tuấn đã nhảy xuống nói trong hơi thở: “Cả hai đỗ rồi, còn Diệu Tú, thủ khoa môn toán”, như sợ bạn không tin, Tuấn  đọc rõ Đỗ Thị Diệu Tú số báo danh…, phòng 5, thủ khoa. “Còn anh?”. Diệu buột miệng gọi Tuấn bằng anh thật tự nhiên. Dựng xe bên lề đường, người chở Tuấn đến bên Diệu “Cháu học giỏi thật, nhà cháu ở đâu?”,  “Dạ, cũng gần đây nhưng nhà cháu nghèo lắm bác ạ!”, “Điều đó không quan trọng đâu cháu. Cái đáng nói là từ cái khó lại ló cái khôn mới là đáng quý. Bác mới chuyển về gần đây, bác rất vui khi Tuấn Tú con trai bác có bạn mới lại học giỏi như cháu”. “Cảm ơn bác!” Diệu Tú chỉ nói được có vậy và đã oà khóc vì em nhớ đến bố mẹ em. Em nghĩ, giờ này hẳn bố mẹ em đang ngóng đợi và sẽ mừng vui khi đón nhận tin này. Gió chiều, lại những lá vàng rơi, nhường chỗ cho những nụ non lộc biếc. Nắng như dát vàng trên tóc Tuấn Tú lấp lánh ánh chiều. Diệu Tú giang rộng vòng tay đón làn gió mát trong lành thổi tới. “Chào bác, chào anh Tuấn Tú, cháu phải về cho bố mẹ cháu vui. Hẹn gặp anh Tuấn Tú ở trường mới nhé’’. Diệu Tú chạy mà như bay trên con đường tinh khôi trong chói chang nắng chiều.

 

 

                                                  Truyện ngắn của Đức Thắng

 

 

Các tin khác


Hạnh phúc ngọt ngào

Hải béo đứng sừng sững trước cửa nhà khiến Hội bất ngờ. Hội ú ớ như chỉ muốn kêu lên: "Tôi còn 2 cái báo cáo nữa và lát còn đi đón con…”. Thế nhưng trước nụ cười đầy ắp như phù sa của Hải, Hội không thể thốt ra được như thế.

Đom đóm và hoa gạo

Tản văn của Đức Dũng


Chuyện của nắng mưa

Nắng sớm, mưa chiều là câu cửa miệng của cư dân miền nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều. Nói rộng ra là thế, còn nhìn gần, hình như nó giống với câu chuyện của một ngày mùa hạ. Đầu ngày là nắng đổ gay gắt và cuối ngày đong đầy những giọt mưa.

Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục