Toàn cảnh đêm khai mạc Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018. Càng vinh dự hơn, trong ngày vui đầy ý nghĩa này, đồng bào, các
nghệ nhân, nghệ sĩ được đón đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị,
Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư
Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư; đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ
trưởng Bộ Công an, cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư; đại diện đại sứ
quán, lãnh sự quán các nước LB Nga, Hàn Quốc, Campuchia; các nhà nghiên cứu
trong và ngoài nước; lãnh đạo các tỉnh trong khu vực miền trung và Tây Nguyên
về dự và chia vui.
Dưới tượng đài "Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên”, lễ khai mạc
chương trình nghệ thuật tổng hợp với các điệu múa, biểu diễn cồng chiêng do
hơn 1.000 nghệ nhân, nghệ sĩ thuộc 26 đoàn nghệ nhân đến từ năm tỉnh Tây
Nguyên là Gia Lai, Kon Tum, Đác Lắc, Đác Nông, Lâm Đồng trình diễn. Ngoài ra,
trong thời gian ba ngày diễn ra Festival, sẽ có nhiều hoạt động phong phú, hấp
dẫn như lễ hội đường phố với chủ đề "Cồng chiêng và lễ hội dân gian Tây
nguyên”; các hoạt động phục dựng nghi lễ, lễ hội truyền thống cộng đồng các
dân tộc thiểu số Tây Nguyên diễn ra tại công viên Diên Hồng, công viên văn
hóa Đồng Xanh và sân nhà rông làng Ốp ở TP. PlâyCu. Bên cạnh đó, là các triển
lãm ảnh tư liệu, nghệ thuật về không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; triển
lãm và trình diễn nhạc cụ các dân tộc Việt Nam; công bố tour du lịch cộng đồng,
tổ chức khảo sát du lịch và tọa đàm liên kết phát triển tour du lịch các địa
phương trong vùng; lễ hội cà phê đường phố; lễ hội ẩm thực Tây Nguyên và ẩm
thực ba miền...
Phát biểu tại buổi khai mạc Festival cồng chiêng Tây Nguyên
2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Năm 2005, UNESCO đã trao cho
chúng ta một danh hiệu cao quý: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là
Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể nhân loại. Năm 2006, tại thành phố
PlâyCu xinh đẹp này, chúng ta đã tổ chức đón nhận danh hiệu ấy. Chúng ta đã
có những cam kết mạnh mẽ với UNESCO, rằng chúng ta sẽ thực sự giữ vững danh
hiệu đó. Trong hàng chục năm qua, nhà nước ta đã có nhiều chính sách, sự đầu
tư thích đáng để bảo vệ, phát triển văn hóa Tây Nguyên. Bộ Văn hóa, Thể thao
và Du lịch cùng các tỉnh Tây Nguyên đã làm được nhiều việc tốt, giúp không
gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tiếp tục tồn tại sống động trong tình
hình mới. Chúng ta cần phải tạo điều kiện hơn nữa cho người dân, vì chỉ có đồng
bào Tây Nguyên, chủ thể của nền văn hóa độc đáo ấy, bảo tồn, phát huy giá trị
của văn hóa Tây Nguyên truyền thống là giữ gìn môi trường sinh tồn của không
gian văn hóa cồng chiêng. Tôi đề nghị chính quyền, đồng bào các tỉnh Tây
Nguyên ra sức bảo tồn và phát huy nghệ thuật văn hóa cồng chiêng, bảo về
không gian văn hóa cồng chiêng giữ được những nét đặc trưng của văn hóa truyền
thống thông qua các lễ hội, nghi lễ, phong tục tập quán, kiến trúc nhà cửa,
do đó, cùng với bảo tồn văn hóa, các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải miền Trung cần
phải nhanh chóng liên kết lại để phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có đẩy mạnh
phát triển du lịch. Chúng ta liên kết lại không chỉ để mạnh về kinh tế, xã hội
mà còn để vững vàng về an ninh chính trị, nhằm bảo vệ thật tốt cuộc sống bình
yên cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, những người luôn tin tưởng vào Đảng
và Bác Hồ, đã vượt qua nhiều gian khổ, mất mát suốt hai cuộc kháng chiến vừa
qua. Festival văn hóa cồng chiêng lần này tiếp tục là một cuộc biểu dương lực
lượng. Nó chứng tỏ rằng sức sống nội tại của cồng chiêng và văn hóa Tây
Nguyên là bất diệt. Điều đáng mừng, trong nhiều đội chiêng, các nghệ nhân ở đủ
mọi lứa tuổi, giới tính, đặc biệt rất đông các cháu thiếu nhi. Đó là tín hiệu
đáng mừng, vì cồng chiêng Tây Nguyên luôn có sự kế thừa, tiếp nối các thế hệ”.
Festival cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018 sẽ diễn ra trong ba
ngày từ 30-11 đến 2-12.
|
TheoNhandan