Nhiều lễ hội dân gian của người Mường được tổ chức vào dịp đầu xuân.

Nhiều lễ hội dân gian của người Mường được tổ chức vào dịp đầu xuân.

(HBĐT) - Hoà Bình là một tỉnh miền núi có nhiều dân tộc anh em sinh sống, trong đó điển hình là các dân tộc Mường, Thái, Mông Đen. Đây là những tộc người có quá trình cộng cư lâu đời ở các huyện Tân Lạc, Mai Châu của tỉnh Hoà Bình, đã bảo lưu được những nét văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, đóng góp vào kho tàng di sản văn hoá dân tộc Việt Nam.

 

Hoà Bình – nơi có người Mường tập trung đông đảo nhất và cũng là nơi văn hoá Mường rõ nét nhất, chính vì thế nói văn hoá dân tộc ở tỉnh Hoà Bình thì trước hết phả nói tới văn hoá của dân tộc Mường. 

 

Do những đặc điểm về lịch sử và vị trí địa lý cho nên người Mường còn bảo lưu được nhiều giá trị văn hoá cổ truyền. Phần lớn đồng bào Mường vẫn ở nhà sàn, uống rượu cần và có nhiều sinh hoạt văn hoá cộng đồng trên nhà sàn. Truyền thống đạo đức gia đình giữ được những nét đẹp: Yêu trẻ, kính già, hiếu khách. Người Mường vẫn giữ được những lễ hội cổ truyền: Hội xuân Xéc bùa, hội Xuống đồng, hội cầu Ma, lễ Rửa lá lúa, lế Cơm mới...Trong các lễ hội không thể thiếu cồng chiêng – một nhạc cụ gần như bất hủ của đồng bào Mường.

 

Người Mường có dân số khoảng trên 1 triệu người, sống xen kẽ với các dân tộc anh em tại các vùng Thanh hoá , Sơn la, Phú thọ, Hà tây, Ninh Bình và miền tây Nghệ an. Riêng ở Hoà bình có khoảng 400.000 người, chiếm 60% dân số của tỉnh.

 

Là một tộc người bản địa có cùng nguồn gốc xa xưa với người Kinh, sau khi phân hoá thành hai tộc người với đầy đủ yếu tố của từng dân tộc, người Mường tiếp tục lưu giữ và phát triển nền văn hoá của mình rất phong phú và độc đáo, đó là ngôn ngữ, phong tục tập quán, văn học nghệ thuật...

 

Tiếng Mường thuộc ngữ hệ Đông Nam Á, nhóm Việt Mường. Tiếng Mường có nhiều phương ngữ khác nhau nhưng trên cơ sở của phương ngữ Bi, Vang, Thàng, Động là trung tâm cư trú của người Mường, đó cũng là những nơi phát tích của người Mường. Theo các nhà nghiên cứu ngôn ngữ thì tiếng Mường Bi có nhiều thanh điệu nhất, gồm 6 thanh điệu. Tiếng Mường còn có những đặc điểm gần giống một số tộc người ở miền Trung như Chút, Pọng, Arem.

 

Người Mường ở nhà sàn, nhà sàn Mường thấp và nhỏ hơn so với nhà sàn của người Tày, người Thái. Kiến trúc đơn giản và thanh thoát. Người Mường thờ tổ tiên, Thành Hoàng, Thánh Tản Viên, thờ Vua Mỡi, Thần bảo hộ sự yên lành, thờ thổ công và một số thần khác, người mường có tục thờ cây, thờ đá...

 

Trang phục của người Mường kế thừa và phát triển lối trang phục thời Hùng Vương, ngày nay còn thấy biểu hiện rõ nét nhất ở trang phuc phụ nữ, nhất là phụ nữ quyền quý.

Trang phục Mường khá độc đáo. Nam giới mặc bộ quần áo cánh màu nâu, màu chàm dệt bằng bông sợi thô; phụ nữ đội khăn trắng hình chữ nhật nơi đỉnh đầu, mặc yếm và áo cánh ngắn thân có xẻ ngực, không cài cúc. Váy Mường thả dài từ ngang vồng ngực xuống chấm gót chân làm tôn thêm vẻ mềm mại của người xứ núi. Sự tinh sảo thể hiện ở cạp váy được dệt bằng tơ nhiều màu tạo ra những hoa văn hình học và những hình chim thú, rồng phượng cách điệu.

 

Đồ trang sức gồm vàng, bạc đeo tay chạm trổ hình hoa leo, hình chữ chi chồng lên nhau, lng đeo bộ dây xà tích 4 cạnh, cả quả đào, chùm vuốt hổ bọc bạc, tay đeo những hạt cườm bằng đá nhiều màu.

 

Người Mường xưa ăn xôi nếp, gặp mùa đói kém thì ăn cơm tẻ nhưng cũng ngâm đồ như cơm nếp. Người Mường đặc biệt ưa chuộng các món ăn chua và đắng, món ăn đặc sản là cá đồ măng chua, canh đắng. Họ biết làm rượu từ rất lâu, khi chưa biết chưng cất rượu thì thức uống chính của người Mường trong lúc vui là rượu cần. Người ta đặt ra các luật uống để kéo dài thời gian vui chơi, ngày nay rượu cần được coi là đặc sản.

 

Lễ hội lớn nhất và phổ biến nhất ở khắp Mường là lễ hội "Khuống mùa" (xuống đồng), lễ hội này chỉ tổ chức vào đầu năm mới, người ta rước Thánh Tản về miếu thờ, trên đường rước cũng nh khi đã hành lễ xong, người ta vui chơ, ăn uống, ca hát, cồng chiêng đến tối mới tan hội. Còn nhiều lễ hội khác như Hội làm thuỷ lợi, Lễ cầu ma, lễ Thành Hoàng... cũng tổ chức vào dịp đầu năm. Lễ mừng cơm mới, mừng nhà mới tổ chức ở phạm vi gia đình, có họ hàng, láng giềng đến dự.

 

Lễ cưới người Mường tiến hành theo các bước tìm hiểu, ướm hỏi (kháo thiếp), sau lễ kháo thiếp là lễ ăn hỏi chính thức, sau lễ ăn hỏi là lễ "đi mòn", sau lễ đi mòn là lễ "đi cháu". Rể đến nhà bố mẹ vợ trong lễ này và họ hàng hai bên tổ chức ăn uống tại nhà gái. Sau lễ đi cháu vài năm mới tổ chức đón dâu, lễ này cùng đi với cô dau về nhà chồng còn có đại diện bên nội, ngoại cô dâu rất đông đến vui ăn uống tại nhà trai. Lễ cưới của người Mường thường tổ chức vào ban đêm. Một đặc điểm hôn nhân của người Mường là phải sau lễ cưới một thời gian khá dài, đôi vợ chồng mới chính thức được cha mẹ hai bên cho chung chăn gối, lúc đó nàng dâu mới ở hẳn bên nhà chồng để thực sự bắt tay vào xây dựng cuộc sống vợ chồng.

 

Tang lễ người Mường nếu thực hiện đầy đủ phải mất 12 ngày đêm vì nó là một chuỗi các nghi lễ phức tạp quy tụ nhiều loại hình văn hoá dân gian mang tính nhân bản sâu sắc.

 

Văn học dân gian Mường rất phóng phú đa dạng: Trường ca "Đẻ đất đẻ nước" dài hàng vạn câu thơ được diễn xướng bằng nhiều khúc đoạn. Toàn bộ Trường ca phản ánh quan niệm của người Mường về vũ trụ, con người; phản ánh lịch sử đấu tranh lâu dài gian khổ của con người trước thiên nhiên để tồn tại và phát triển. Truyện thơ dài có "Vườn hoa núi cói, "Hùng nga Hai mối", "út lót Hồ liêu", "Tràng đồng"... Đó là những truyện thơ được người Mường yêu quý và nhiều người trong cộng đồng Việt Nam biết tới. Truyện cổ, truyện ngụ ngôn, truyện cười, ca dao, tục ngữ, thành ngữ, vè, câu đối rất phong phú đã được tập hợp xuất bản ở nhiều đầu sách của Trung ương và địa phương.

Lối hát giao duyên, hát chúc hát mừng được thể hiện ở các hình thức hát "thường đang, "bộ mẹng", hát ví gồm hàng loạt bài thơ dài ngắn khác nhau được định hình từ lâu và ngày càng được sáng taọ, bổ sung. Người Mường thường ví sự phong phú của thể loại văn học này là "Thường đang chín gánh bảy mùa" hát mãi không hết. Sự phong phú đa dạng của văn hoá Mường đã đóng góp xứng đáng vào văn hoá dân gian Việt Nam.

 

Nhạc cụ của người Mường gồm cồng, chiêng, cò ke, ống sáo, kèn gỗ, ống ôi, phỉ đôi, bòng beng, trống đồng, trống gỗ, đàn máng (đàn bầu), đàn tam, đàn tớ ính (đàn môi), kiểng, chũm choẹ.

 

Về hoà tấu, có hai loại tấu: Dàn chiêng sắc bùa gồm từ 6 đến 12 chiếc chiêng to và dàn nhạc cò ke ống sáo. Hoà tấu chiêng thường vào các dịp tết, ngày vui. Người Mường coi chiêng là vật gia bảo, là sự giàu có thịnh vượng. Độc tấu sáo ôi thường được tấu lên trong khung cảnh đêm trăng thanh vắng để gọi bạn tình.

 

Nghệ thuật múa có múa "quạt ma" là điệu múa của các nàng dâu trong đám tang với ý nghĩa là quạt hầu cho hồn người quá cố. Điệu múa này có trang phục lộng lẫy và trang sức rất đẹp mắt. Ngoài ra còn có múa tế lễ vật cũng thực hành trong lễ tang, múa tế cờ thực hành trong giờ phút trước khi ra trận.

 

Trò chơi dân gian là một bộ phận quan trọng trong văn hoá Mường. Người lớn có trò chơi ném còn, chơi đu, bắn nỏ, bắn súng hoả mai thường diễn ra trong các dịp lễ hội. Phong phú nhất là các trò chơi của trẻ em, đó là các trò như đánh mảng, đánh cắt, đánh chò rất độc đáo, khoẻ khoắn lôi cuốn nhiều trẻ em tham gia. Những trò chơi gắn với đồng giao như "chằn chỉ, chằn chăn", trò "đập boồng boông". Trò chơi dân gian góp phần vào sự phát triển toàn diện của trẻ em, do đó nó không thể thiếu vắng trong đời sống văn hoá của người Mường.

 

Văn hoá Mường đã góp phần xứng đáng vào sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hoá Việt Nam.

 

Cùng với văn hoá Mường, văn hoá các dân tộc Thái, H’Mông, Dao sống trên mảnh đất Hoà Bình đã tạo nên sự phong phú đa dạng cùng những nét riêng của văn hoá trên mảnh đất này.

 

Cũng giống như nguời Mường, người Thái Hoà Bình cũng làm nhà sàn, song nhà sàn Thái rộng hơn, sắp xếp quy củ hơn. Trang phục của người Thái đa dạng và hết sức độc đáo. Trang phục phụ nữ Thái có những hoa văn trang trí mang biểu tượng thiên nhiên đa dạng: chim muông, cây cỏ. mặt trời. Đai thắt lưng và khăn Piêu là những tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo. Dân tộc Thái có nhiều lế hội mang sắc thái riêng: lễ ra lửa. lễ cưới, lễ cơm mới, lễ hội ném còn, múa quạt. Đặc biệt xoè Thái là hấp dẫn nhất. Nếu vào các bản thái và được thưởng thức hương vị cá đồ, măng đắng, là coi như bạn đã trở thành người khách quý. Một số bản Thái ở Mai Châu từ lâu đã cuốn hút và làm cho du khách sững sờ trước vẻ đẹp của thiên nhiên cùng sự phong phú, độc đáo của nếp sinh hoạt Thái.

 

Dân tộc H’Mông Hoà Bình sống trên các đỉnh núi cao. Trang phục của người H’Mông có kết cấu hoa văn khác lạ. Con trai H’Mông có tục “Bắt vợ” rất thú vị và là quy ước để nâng cao giá trị ngườ con gái. Ngườ H’Mông là tác giả của tục chơi cù quay, một trò chơi sôi động cuốn hút nhiều người tham dự. Tiếng khèn và những điệu múa khèn mang nhiều sắc thái tình cảm, văn hoá rất độc đáo. Cái khèn kà ngườ bạn tâm tình của người H’Mông, nó đã ăn sâu vào từng phong tục, nếp sống của người H’Mông.

 

Người Dao mỗi khi có cháu bé chào đời thường tổ chức lễ “Dâng hương cúng Mạ” để cầu mong cho cháu bé được lơn lên trong sự đùm bọc yêu thương. “Tết nhảy” là một nét độc đáo của người Dao mang sắc thái gia đình. Tết tổ chức ở một vài nhà nhưng được bản coi như tết chung. Tất cả mọi người đều ăn uống, nhảy múa vui vẻ trong 3 ngày liền. Du khách nếu có dịp đến đúng vào “tết Nhảy” thì khó mà từ chối một lời mời nhiệt tình của chủ nhân, chỉ khi nào bạn được ăn uống no say mới được về.

 

Có thể nói, văn hoá Hoà Bình với sự phong phú, đa dạng của nền văn hoá các dân tộc, đã để lại những giá trị to lớn không chỉ cho Việt Nam mà còn của cả thế giới. Các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể mang đậm nét bản sắc văn hoá của các dân tộc, bản sắc văn hoá núi rừng Hoà Bình như: cơm lam, rượu cần, nhà sàn, vải thổ cẩm, kỹ thuật trồng lúa nước trên các chân ruộng bậc thang, ngôn ngữ, chữ viết, các áng mo mỡi, các làn điệu dân ca (ví đúm, thường rang, bọ mẹng), các nhạc cụ cồng chiêng, các điệu múa quạt và múa xoè, nhảy sạp, các phong tục, tập quán và lễ hội khác là sản phẩm trí tuệ được nhân dân các dân tộc Hoà bình đúc rút, sáng tạo trong lao động và được giữ gìn qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Những giá trị văn hoá đó tạo nên nền văn hoá Hoà Bình đậm đà bản sắc dân tộc, tạo nên nét đặc trưng văn hoá, cốt cách nhân dân các dân tộc thiểu số Hoà Bình.

 

 

 

                                                             HBĐT tổng hợp

 

Các tin khác


Đất nước tươi đẹp qua ảnh của Vũ Hải

Ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Hải - vừa nhận kỷ lục quốc gia ‘Người được nhiều giải thưởng triển lãm ảnh thế giới nhất’ - mang đến những khung cảnh khi mát lành, khi lộng lẫy về đất nước tươi đẹp, và những khoảnh khắc trân quý cuộc đời.

Đồng bào Khmer đón Tết Chôl Chnăm Thmây vui tươi, ấm áp

Kiên Giang có hơn 13% dân số là đồng bào Khmer (đứng thứ ba khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sau Sóc Trăng và Trà Vinh) với khoảng 56.400 hộ, 238.000 nhân khẩu. Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer năm nay diễn ra từ 14 - 16/4/2023 (nhằm 24, 25 và 26 tháng 2 Âm lịch).

Tự hào với 22 di sản thế giới tại Việt Nam

Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng cùng kho tàng văn hóa đồ sộ, độc đáo trải dài 4000 năm lịch sử dân tộc, tất cả những điều đó góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia du lịch nổi tiếng thế giới với 22 di sản được UNESCO vinh danh.

Kiến trúc độc đáo nhà dài truyền thống của người Ê Đê

Đồng bào Ê Đê sinh sống tập trung chủ yếu trên cao nguyên Đắk Lắk, ngoài ra còn có một số nhóm người Ê Đê định cư ở các địa bàn thuộc tỉnh Đắk Nông, Gia Lai, Phú Yên, Khánh Hòa… Từ thời xa xưa, người Ê Đê đã làm những ngôi nhà sàn dài để ở và tránh thú dữ. Nhà dài truyền thống Ê Đê đã đi vào sử thi, truyện cổ, âm nhạc, hội họa như những trang huyền thoại.

Khám phá di sản văn hóa nổi tiếng thế giới – Qua chuỗi 6 nước châu Âu “Ý – Thụy Sĩ – Pháp – Bỉ – Hà Lan – Đức”

Châu Âu đã quá nổi tiếng với quá trình xây dựng lịch sử văn hóa và kinh tế tương đối lâu đời, mang đậm nét Hy Lạp cổ đại. Với bề dày lịch sử, các thành phố luôn là điểm thu hút đối với những du khách muốn tìm hiểu một trong những nền văn hóa và văn minh bậc nhất thế giới này.

Việt Nam có bao nhiêu di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận?

Bạn có thể tự hào khi biết rằng ngoài 3 di sản thiên nhiên thế giới thì Việt Nam có tới 15 di sản văn hóa thế giới và 4 di sản tư liệu thế giới được UNESCO vinh danh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục