(HBĐT) - Theo số liệu thống kê từ Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, năm 2016 và tháng 1/2017, lần đầu tiên sau 7 năm tình hình tai nạn giao thông (TNGT) của tỉnh có sự gia tăng. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp nào để kéo giảm các tiêu chí về TNGT trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới?.

 

Gia tăng số vụ TNGT  

Năm 2016, mặc dù tiếp tục có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp, các ngành, cấp uỷ, chính quyền địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT), đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp. Theo số liệu thống kê của Ban ATGT tỉnh, tính từ thời điểm 16/12/2015 đến ngày 15/12/2016, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 113 vụ TNGT làm 92 người chết, 83 người bị thương. Đặc biệt đã xảy ra 1 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách làm 3 người chết, 24 người bị thương. So với năm 2015, tăng 3 vụ, tăng 10 người chết và giảm 9 người bị thương. Đây là lần đầu tiên sau 7 năm trên địa bàn có số vụ TNGT và số người chết tăng. Năm 2016 cũng là năm đầu tiên kể từ khi tái lập tỉnh (tháng 10/1991) trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 vụ TNGT đường thuỷ nội địa làm 2 người chết. Trong số 11 huyện, thành phố, có 2 huyện tăng cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương là huyện Mai Châu và Lạc Sơn. Có thể thấy, năm 2016 tỉnh chưa đạt mục tiêu kéo giảm 2 tiêu chí về số vụ và số người chết do TNGT,  không giảm được 5% số người chết vì TNGT như mục tiêu đề ra.

  Lực lượng chức năng Công an thành phố Hòa Bình bảo vệ hiện trường, giải quyết vụ TNGT xảy ra trên tuyến đường Hoàng Văn Thụ ngày 7/2/2017.

Không chỉ trong năm 2016 mà tính từ đầu năm 2017 đến nay, dù các ngành, các cấp, các địa phương và lực lượng chức năng đã cố gắng, nỗ lực hết sức nhưng tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh tiếp tục có diễn biến phức tạp. Theo thống kê của lực lượng chức năng, trong tháng 1/2017, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 9 vụ TNGT, làm chết 5 người, bị thương 10 người. So với cùng kỳ năm 2016 tăng 1 vụ, số người chết không tăng, số người bị thương tăng 6 người. Đáng chú ý, trong dịp Tết Nguyên đán, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ TNGT làm 5 người chết, 3 người bị thương. So với dịp Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016 tăng 2 vụ, tăng 3 người chết, giảm 4 người bị thương. Địa bàn xảy ra gồm huyện Lương Sơn 4 vụ; thành phố Hoà Bình, huyện Mai Châu, Cao Phong mỗi nơi xảy ra 1 vụ. Trong đó, có 4 vụ giữa xe mô tô với xe ô tô, 1 vụ xe mô tô với người đi bộ, 1 vụ đi xe mô tô tự ngã và 1 vụ đi xe mô tô đâm vào xe ô tô đang dừng ở lề đường.

Ý thức chấp hành pháp luật - yếu tố cốt lõi để kéo giảm Tai nạn giao thông

Trên thực tế, trong những năm qua, việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đảm bảo TTATGT của tỉnh đã phát huy tối đa hiệu quả. Do vậy đã kéo giảm cả 3 tiêu chí về TNGT trong nhiều năm liền.

Dù vậy, tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cao khi một số điểm đen về TNGT chưa được giải quyết triệt để; ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của một bộ phận người dân chưa cao.

Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề này, trung tá Đinh Thị Thu Hằng, Phó trưởng phòng CSGT (PC67) - Công an tỉnh cho rằng: Nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNGT là do ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của một bộ phận người dân còn kém. Nếu ai cũng có ý thức chấp hành tốt, tuân thủ đúng quy tắc đảm bảo TTATGT khi tham gia giao thông, đi đúng phần đường, không phóng nhanh, vượt ẩu, sau khi sử dụng rượu, bia không điều khiển phương tiện tham gia giao thông sẽ ít xảy ra TNGT. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông hiện nay của tỉnh chưa đáp ứng sự gia tăng của số lượng phương tiện giao thông. Theo thống kê, tính đến nay, toàn tỉnh có trên 15 nghìn xe ô tô, gần 330 nghìn xe mô tô và gần 10 nghìn xe máy, đạp điện. So với năm 2012, số lượng xe mô tô, tăng hơn 100 nghìn chiếc; xe ô tô tăng gần gấp đôi. Chính vì sự gia tăng nhanh của các loại phương tiện đã gây áp lực lớn đến hạ tầng giao thông của tỉnh. Thế nên việc đảm bảo TTATGT, kéo giảm TNGT trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn.

Trước mắt cũng như trong thời gian tới, để thực hiện tốt mục tiêu đảm bảo TTATGT, lực lượng CSGT sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng, huy động tối đa lực lượng, phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nắm chắc địa bàn, tuyến một cách kịp thời, không để xảy ra các tình huống đột xuất, bất ngờ về TTATGT; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT. Trong đó, tập trung vào các nhóm hành vi có nguy cơ gây TNGT cao như chạy quá tốc độ, không đi đúng phần đường, phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, chở quá số người quy định, điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia... Đó là những giải pháp “cứng”, còn giải pháp “mềm” theo trung tá Đinh Thị Thu Hằng, trong năm 2017, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu cho các cấp lãnh đạo, quản lý đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là pháp luật về ATGT đến với người dân ở cơ sở. Trong đó chú trọng tuyên truyền vào đối tượng thanh, thiếu niên một cách phù hợp. Công tác tuyên truyền pháp luật về TTATGT sẽ được thực hiện trên tinh thần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ xóm, xã đến từng gia đình và từng đối tượng.

Cùng với đó, Phòng CSGT sẽ tiếp tục phối hợp với Sở GD&ĐT đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về đảm bảo TTATGT trong trường học nhằm mục tiêu xây dựng thế hệ công dân có ý thức thực hiện tốt văn hoá giao thông. Ngoài ra, đơn vị tiếp tục kiến nghị, đề xuất với cấp có thẩm quyền xử lý, giải quyết dứt điểm các “điểm đen” về TNGT trên tuyến quốc lộ 6. Bởi đây là tuyến đường có đèo, dốc nguy hiểm nhưng trên cả tuyến không có điểm lánh nạn. Do vậy, khi các phương tiện gặp sự cố bất ngờ rất khó tránh được các vụ TNGT. Tuy vậy, giải pháp căn cơ để kéo giảm TNGT vẫn là ý thức của người dân trong việc chấp hành quy định của pháp luật về đảm bảo TTATGT.    

                                                                              Mạnh Hùng 

 

 

* Làm tốt công tác phòng ngừa vi phạm, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên tuyến

                                                                

                                                               Đại uý Bạch Công Thi

                                                          Đội phó Đội CSGT đường thuỷ

 

Là lực lượng hoạt động đặc thù, trong thời gian qua, Đội CSGT đường thuỷ - phòng CSGT - Công an tỉnh đã chú trọng triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, mệnh lệnh, kế hoạch của cấp trên về công tác đảm bảo TTATGT đường thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh.

 

Trong đó thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến đông đảo quần chúng nhân dân, chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện. Đặc biệt là nhân dân sinh sống trên tuyến nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân góp phần làm tốt công tác phòng ngừa tai nạn. Đồng thời, lực lượng CSGT đường thuỷ đã chủ động, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật giao thông đường thuỷ nội địa như chở quá số người quy định, không trang bị áo phao và phương tiện cứu hộ... Cương quyết xử lý, đình chỉ hoạt động đối với các trường hợp vi phạm không đảm bảo an toàn kỹ thuật, chứng chỉ của phương tiện, người lái; phối hợp với các đơn vị chức năng làm tốt công tác phòng ngừa vi phạm, đảm bảo TTATGT đường thuỷ, nhất là trên vùng lòng hồ sông Đà trong mùa lễ hội đền Bờ. Chúng tôi xác định có làm tốt công tác phòng ngừa vi phạm thì mới có thể tích cực góp phần đảm bảo TTATGT trên tuyến đường thuỷ.

 

* Đừng lái xe khi đã uống rượu, bia

                                                              

                                                              Ông Bùi Văn Ngôm

                                                        xóm Rên, xã Gia Mô (Tân Lạc)

 

Qua phản ánh của báo chí, hàng ngày ở nước ta đều xảy ra các vụ TNGT khiến nhiều người tử vong. Nguyên nhân của những vụ tai nạn là do người điều khiển phương tiện chạy nhanh, vượt ẩu, không có trách nhiệm với chính bản thân và xã hội. Việc uống rượu, bia khi tham gia giao thông cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều gia đình mất đi người thân. Nhiều người vì một phút lỡ làng mà phải chịu di chứng nặng nề. Thực tế, ở xã Gia Mô, cũng như một vài xã lân cận của huyện Tân Lạc đã có những người phải trả giá đắt vì uống rượu khi tham gia giao thông.

 

Hiện nay, dù pháp luật đã tăng mức phạt gấp nhiều lần đối với một số hành vi vi phạm giao thông, trong đó có hành vi uống rượu, bia khi tham gia giao thông nhằm bảo vệ tính mạng cho chính chúng ta. Tuy nhiên, nhiều người không nhận thức được điều đó hoặc vẫn cố tình vi phạm để rồi phải nhận lấy những hậu quả đáng tiếc. Điều này không chỉ khiến bản thân đau đớn mà còn ảnh hưởng đến gia đình và xã hội. Do đó, mỗi người phải nâng cao ý thức tự giác cũng như nhắc nhở con cháu, người thân chấp hành tốt Luật giao thông đường bộ để bảo vệ cho chính mình. Đã uống rượu, bia thì không lái xe.

 

* Cần xử lý nghiêm những trường hợp không chấp hành quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông

                 

                                                                         Bùi Thị Điểm

                                                        Xóm Đình B, Yên Lạc, Yên Thủy

 

 

Hiện nay, khi ra đường có thể bắt gặp nhiều hình ảnh chướng tai, gai mắt về việc không chấp hành quy định của pháp luật về đảm bảo TTATGT. Đó là tình trạng không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ hay chở quá số người quy định của một bộ phận học sinh, sinh viên và thanh niên.

 

Việc chở hàng hóa cồng kềnh khá phổ biến, trong đó, nhức nhối nhất là đối với các loại xe kéo tự chế dùng để chở tôn. Cùng với đó là tình trạng tụ tập họp chợ, bày bán hàng tràn lan ven đường tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với người và các phương tiện tham gia giao thông. Thực trạng này có xu hướng gia tăng với nhiều biểu hiện “nhờn luật”.

 

Thiết nghĩ, để ngăn chặn thực trạng trên, lực lượng chức năng cần đẩy mạnh việc tuần tra, kiểm soát và xử lý thật nghiêm minh đối với những trường hợp không chấp hành quy định của pháp luật về đảm bảo TTATGT.

                                  

 

                                                                  

 

 

 

Các tin khác


Mô hình “Bình đẳng trong hôn nhân” hỗ trợ thiết thực cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Đồng chí Bùi Thị Dịnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Định Cư (Lạc Sơn) cho biết: Định Cư là xã đặc biệt khó khăn của huyện, dân tộc Mường chiếm 90%. Khi được lựa chọn tham gia dự án "Nâng cao quyền năng cho phụ nữ thông qua tiếp cận luật Luật An ninh mạng và Luật Hôn nhân và gia đình”, nhất là thành lập mô hình "Bình đẳng trong hôn nhân” tại xóm Mương Chóng với 30 thành viên tham gia, cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến về giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã giúp nâng cao nhận thức, trình độ cho cán bộ, hội viên phụ nữ (CB, HVPN).

Hiệu quả mô hình câu lạc bộ - “Phụ nữ hội nhập trên môi trường mạng”

Mô hình câu lạc bộ (CLB) "Phụ nữ hội nhập trên môi trường mạng” là 1 trong 2 mô hình cơ bản của dự án "Nâng cao quyền năng cho phụ nữ thông qua tiếp cận Luật An ninh mạng, Luật Hôn nhân và gia đình” do Quỹ JIFF - EU JULE tài trợ. Đây là mô hình tổ chức hoạt động xã hội tình nguyện tại cộng đồng, mục đích nâng cao nhận thức của hội viên phụ nữ và cộng đồng thông qua tiếp cận Luật An ninh mạng. Đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng và vai trò của mỗi người dân trong công tác phòng, chống lừa đảo, tội phạm trên không gian mạng, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Huyện Cao Phong ứng phó với thiên tai bất thường

Thực hiện phương châm chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục nhanh, có hiệu quả với các tình huống bất thường có thể xảy ra trong mùa mưa bão năm nay, các cấp ủy, chính quyền huyện Cao Phong đã chú trọng chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khảo sát việc thi hành Luật Công đoàn tại huyện Lương Sơn

Sáng 7/5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn đã khảo sát việc tổ chức, thi hành Luật Công đoàn tại Khu công nghiệp Lương Sơn (Lương Sơn).

Thẩm định mô hình, điển hình tiên tiến tại huyện Đà Bắc và các sở, ngành

Ngày 7/5, đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm định các mô hình, điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Đà Bắc, Hội LHPN tỉnh, Hội Đông y tỉnh và Sở Y tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục