(HBĐT) - Chưa nói đến nước sạch, đảm bảo vệ sinh hay không, nhiều hộ dân ở xã đặc biệt khó khăn Tuân Đạo (Lạc Sơn) thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, nhất là vào thời điểm mùa khô. Những con suối “chết” vì khô hạn càng khiến người dân nơi đây chật vật trong thảm cảnh “đói” nước…

 

Con suối ở xóm Sào, xã Tuân Đạo (Lạc Sơn) đã đứt dòng, bà con phải đào các hố nhỏ ở chân núi để lấy nước về sinh hoạt.

 

Theo đồng chí Bùi Văn Bèo, Chủ tịch UBND xã cho biết: Tuân Đạo có 12 xóm, trong đó xã mới có 3 công trình nước sạch được xây dựng từ năm 2008 với 4 xóm được hưởng lợi gồm: Mới, Mọi, Khụ và Mọng. Để có nước sinh hoạt, bà con ở các xóm còn lại phải dùng ti ô dẫn nước từ các khe suối ở trên núi, đồi về sử dụng. Các xóm: Sào, Nạc, Chạo và Rài là khó khăn nhất về nước sinh hoạt. Bà con phải kéo nước cách nhà từ 1 - 1,5 km, thậm chí có hộ đến 2 km. Thế nhưng, trong thời điểm mùa khô, nguồn nước ở các con suối cạn kiệt, có suối không chảy nữa nên việc lấy nước vô cùng khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của bà con.

 

Xóm Sào có 94 hộ, tất cả các hộ đều dùng ti ô dẫn nước từ trong chân núi về sử dụng. “Dòng suối đứt dòng rồi, không còn nước chảy nữa. Để có nước sinh hoạt, bà con đào các hố dưới chân núi để tích tụ nước ngấm rồi dùng ti ô dẫn về nhà. Nhiều hộ không có nước phải đi xin hàng xóm”, ông Bùi Văn Niên, Trưởng xóm Sào cho biết. Dọc đường vào chân núi xóm Sào, dòng suối ngày nào còn chảy rì rào, nay trơ sỏi và rậm rạp cỏ dại. Trên con đường mòn, hàng chục ti ô nhỏ bằng ngón tay út của người lớn xoắn vào nhau chằng chịt, chạy vào phía chân núi.

 

Đầu nguồn con suối Sào đây rồi, không một giọt nước chảy xuống. Nói như người dân nơi đây “Suối Sào như một người mẹ già đã tắc sữa nhưng vì khát, đàn con vẫn cố gắn hút”. Hàng chục hố nhỏ, đường kính từ 30 - 40 cm được đào sâu xuống từ 1 - 1,5 m. Hố có nước, có hố khô khốc, mặc cho vài đầu ti ô đã cắm sẵn. Anh Bùi Xuân Tượng, người dân xóm Sào cho biết: “Nếu trời không mưa thì gia đình tôi phải đi xin nước hàng xóm vì chỗ mình đào rất ít nước. Không biết có sạch hay không, có nước để sinh hoạt là may lắm rồi. Nhiều hôm, trâu, bò giẫm vào ti ô lại phải đi kiểm tra nối lại. Nói chung, không ai khổ vì nước như chúng tôi. Vì nước mà nhiều khi anh em trong xóm to tiếng với nhau”.

 

Gia đình anh Bùi Văn Nam may mắn hơn gia đình anh Tượng vì đường ti ô còn có nước chảy về, dù chỉ chảy nhỏ giọt. “Nước chỉ chảy thế này thôi, chả khác gì người ta nấu rượu, trong khi, gia đình tôi có 7 người và 10 con lợn. Mọi sinh hoạt đều rất tằn tiện, thiếu nước nên làm gì cũng khó khăn. Chúng tôi mong muốn được Đảng, Nhà nước quan tâm, đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt cho xóm”, anh Nam bày tỏ.

 

Suối đứt dòng, thiếu nước sinh hoạt cũng đồng nghĩa với thực trạng thiếu nước sản xuất nghiêm trọng. Không ít ruộng ở xóm Sào hay Mọng và một số xóm khác không đủ nước gieo cấy phải trồng cây màu, thậm chí bỏ hoang. Thực trạng này đã từng được phản ánh trên Báo Hòa Bình nhưng đến nay, theo thông tin mà lãnh đạo UBND xã Tuân Đạo cho biết, sản xuất của bà con chỉ biết phụ thuộc vào “nước trời”.

 

Trở lại với vấn đề thiếu nước sinh hoạt, đồng chí Bùi Văn Bèo, Chủ tịch UBND xã Tuân Đạo cho biết: Giải pháp đào giếng không khả thi vì nhiều hộ đào sâu đến 20 mét nhưng lượng nước vào mùa khô rất ít. Còn khoan giếng thì chi phí cao, trong khi đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trước mắt, chúng tôi mong muốn được các cấp, các ngành quan tâm, đầu tư xây dựng công trình nước sạch cho 4 xóm: Sào, Nạc, Chạo và Rài. Thực tế, các xóm: Đanh, Đào, Quàn cũng khó khăn không kém nhưng địa bàn rộng, dân cư phân bố thưa thớt thành các chòm xóm nên để đầu tư là rất khó khăn”.

 

 

                                                                  Viết Đào

Các tin khác


9 đội tham gia Hội thi Nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ “Tổ liên gia an toàn PCCC” huyện Kim Bôi

Sáng 25/4, UBND huyện Kim Bôi tổ chức Hội thi Nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ "Tổ liên gia an toàn PCCC” năm 2024. Tham gia hội thi có 9 đội từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Diễn tập phương án phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại khu công nghiệp Lương Sơn

Sáng 25/4, Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh phối hợp Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCC và diễn tập phương án PCCC&CNCH tại KCN Lương Sơn.

Trợ giúp pháp lý nâng cao quyền năng cho phụ nữ

Trong khuôn khổ Dự án "Nâng cao quyền năng cho phụ nữ thông qua tiếp cận Luật An ninh mạng, Luật Hôn nhân và gia đình” do Quỹ JIFF - EU JULE tài trợ, được triển khai tại 4 xã: Lạc Thịnh, Đoàn Kết (Yên Thủy) và Hương Nhượng, Định Cư (Lạc Sơn), nội dung tư vấn, trợ giúp pháp lý nâng cao quyền năng cho phụ nữ là hoạt động điểm nhấn, thu hút sự quan tâm của thành viên tham gia dự án và người dân địa phương.

Cảnh giác khi mua hàng khuyến mại, giảm giá

Trong thời đại công nghệ thì việc mua bán hàng qua mạng là phổ biến. Tuy nhiên đây là kênh dễ lừa khách hàng nhất. Để tạo lòng tin, kẻ xấu giả mạo nhiều fanpage nổi tiếng với ảnh đại diện, ngôn ngữ, có đường dẫn tới web mua hàng rồi đồng loạt chạy quảng cáo, khiến người dùng lầm tưởng hãng thực sự có chiến dịch khuyến mãi.

Thời tiết ngày 25/4: Nắng nóng đến mức đặc biệt gay gắt nhiều nơi trên cả nước

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 25/4, Bắc Bộ bắt đầu tăng nhiệt mạnh. Riêng Trung Bộ nắng nóng đến mức đặc biệt gay gắt, có nơi trên 39 độ C. Tây Nguyên, Nam Bộ trên 37 độ C.

Công đoàn ngành Giáo dục chăm lo lợi ích đoàn viên, người lao động

Xác định việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động (NLĐ) là nhiệm vụ then chốt góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Thời gian qua, các cấp Công đoàn ngành Giáo dục đã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn, chú trọng hướng về cơ sở. Đồng thời thực hiện đa dạng giải pháp, kịp thời chia sẻ những khó khăn giúp đoàn viên, NLĐ yên tâm công tác. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục