Đồng chí Phạm Thanh Trưởng, Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Cao Phong cho biết: Không chỉ người lao động từ các xã vùng thấp như Dũng Phong, Đông Phong, Thu Phong... mà ở các xã vùng cao Yên Lập, Yên Thượng và các em học sinh lớp 12, trường THPT Thạch Yên cũng tham gia phiên giao dịch việc làm. Đến đây, người lao động và học sinh được các đơn vị, doanh nghiệp tư vấn, định hướng nghề nghiệp để lựa chọn công việc hoặc học nghề phù hợp với khả năng của mình. Sàn giao dịch việc làm được tổ chức lưu động ở các địa phương là một trong những kênh hữu hiệu kết nối cung - cầu lao động trên địa bàn.
Việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm là một trong những giải pháp giải quyết việc làm trong năm 2018 của tỉnh. Theo thống kê, trong năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm phối hợp tổ chức 11 cuộc tư vấn giới thiệu việc làm tại các địa phương cho gần 2.000 lao động, trong đó có 150 lao động được doanh nghiệp tuyển dụng. Ngoài ra tổ chức tư vấn việc làm thường xuyên tại trung tâm, Trung tâm đã tổ chức 11 phiên giao dịch việc làm, trong đó có 6 sàn lưu động tại các huyện, 5 sàn giao dịch online kết nối các tỉnh với gần 200 lượt doanh nghiệp tham gia. Các sàn giao dịch đã tư vấn cho trên 2.500 lao động, có 206 lao động được tuyển dụng.
Đồng chí Ngô Ngọc Thu, Trưởng phòng Việc làm - an toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Năm 2018, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu UBND tỉnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình giải quyết việc làm của tỉnh giai đoạn 2017-2020 (ban hành tại Quyết định số 1965/QĐ-UBND ngày 13/10/2017 của UBND tỉnh). Thẩm định hồ sơ và giới thiệu 13 doanh nghiệp về các huyện, thành phố trong tỉnh để tư vấn và tuyển chọn lao động. Tổ chức ký kết chương trình phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh trong việc hợp tác tuyển sinh học nghề và cung ứng lao động. Thực hiện thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động trên địa bàn tỉnh năm 2018.
Tham gia tuyển dụng lao động tại các địa phương, nhiều doanh nghiệp ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn như: Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam ở khu công nghiệp Đại An, TP Hải Dương tuyển dụng 1.000 lao động; Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng ở khu công nghiệp Tràng Duệ, TP Hải Phòng tuyển dụng 600 lao động; Trường cao đẳng Than khoáng sản Việt Nam - Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam ở tỉnh Quảng Ninh tuyển 500 chỉ tiêu…
Tuy nhiên, người lao động vẫn quan tâm, ưu tiên các doanh nghiệp, trường nghề trong tỉnh với chế độ đãi ngộ tốt như: có xe đưa đón công nhân, chỗ ở và hỗ trợ học phí cho các đối tượng theo quy định. Tiêu biểu có Công ty TNHH sản xuất hàng may mặc Esquel Việt Nam - Hòa Bình tại khu công nghiệp Lương Sơn tuyển dụng 600 lao động; Công ty CP may Sông Đà tuyển 250 lao động; Trường cao đẳng nghề sông Đà tuyển 200 chỉ tiêu… Ngoài ra, các công ty may xuất khẩu ở các huyện: Tân Lạc, Yên Thủy, Công ty Sanko ở huyện Lạc Sơn có nhu cầu tuyển số lượng lớn lao động có lợi thế đóng trên địa bàn thuận lợi hơn rất nhiều, người lao động giảm được chi phí ăn ở, đi lại. Bên cạnh đó, trong năm, công tác xuất khẩu lao động cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Ngoài các thị trường truyền thống, các thị trường cho thu nhập cao như Hàn Quốc, Nhật Bản thu hút nhiều lao động tham gia hơn.
Với nhiều biện pháp kết nối cung - cầu lao động hiệu quả, năm 2018, công tác giải quyết việc làm của tỉnh có nhiều khởi sắc. Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, kết quả giải quyết việc làm trong nước đạt 18.259 lao động, bằng 110% kế hoạch. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp, xây dựng giải quyết việc làm cho 6.059 người; nông, lâm, ngư nghiệp giải quyết việc làm cho 8.575 người; thương mại, dịch vụ giải quyết việc làm cho 3.625 người. Cơ cấu lao động trong nhóm ngành nông, lâm, ngư nghiệp giảm theo hướng tích cực, còn khoảng 62,5%. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động khu vực thành thị chiếm khoảng 3%. Hỗ trợ giải quyết việc làm thông qua Quỹ quốc gia về việc làm cho 1.260 người. Xuất khẩu lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đạt 360 người.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả Dự án phát triển thị trường lao động và việc làm (Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp - việc làm và an toàn lao động) và các đề án, chính sách về giải quyết việc làm; chú trọng hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp, chuyển dịch việc làm khu vực nông thôn theo hướng phi nông nghiệp. Nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm; tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động; tăng tần suất, nâng cao hiệu quả tổ chức sàn giao dịch việc làm. Đẩy mạnh hoạt động kết nối cung - cầu lao động trên thị trường.