(HBĐT) - Vừa qua, Ban Biên tập Báo Hòa Bình nhận được đơn của bà Cao Thị Ngọc, tổ 11, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) phản ánh về việc đất vườn của gia đình bị sụt lún nghiêm trọng do đoạn suối Ngòi, địa phận tổ 11 chưa hoàn thành kè chống sạt lở theo dự án kè chống sạt lở bờ sông Đà tại phường Đồng Tiến và xã Sủ Ngòi (TP Hòa Bình) năm 2011. Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo Hòa Bình đã tìm hiểu thực tế và trao đổi với cơ quan chức năng để làm rõ.


Công trình phụ của gia đình bà Cao Thị Ngọc, tổ 11, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) đổ sập do đất bị sụt lún.

Theo đơn phản ánh, lô đất gia đình bà Cao Thị Ngọc đã sinh sống từ nhiều năm có mặt trước giáp đê Quỳnh Lâm, mặt sau giáp suối Ngòi. Những năm gần đây, nhất là vào mùa mưa, diện tích đất khu vực giáp suối Ngòi của gia đình bà Ngọc và các hộ lân cận bị sụt lở, xói mòn rất nghiêm trọng.

Theo quan sát của chúng tôi, ngay tại khu vực vườn nhà bà Ngọc, hiện có một rãnh sụt khá sâu khoảng gần 1 m, diện tích sụt rộng. Ngay phía trên, toàn bộ công trình phụ đã đổ sập vẫn còn dấu vết của mảng tường bị kéo nứt khá lớn. Bà Ngọc cho biết: Trước đây, lô đất có chiều rộng 6 m, chiều dài gần 60 m, khu vực giáp suối Ngòi được tận dụng trồng rau. Tuy nhiên, hiện nay, diện tích đất vườn đã bị sạt lở gần hết. Bụi tre gia đình trồng để chống sụt lún cũng bị sạt lở trôi ra sông Đà. Mùa mưa năm 2018, do sụt lún, gia đình tôi bị sập 1 chuồng bò, công trình phụ. Cuộc sống hiện nay rất bất an, đặc biệt là trong mùa mưa lũ.

Không chỉ nhà bà Ngọc, một số hộ có đất giáp khu vực suối Ngòi cũng trong tình trạng sụt lún liên tục. Cạnh nhà bà Ngọc là nhà bà Khuất Thị Duyến. Trước đây, để bảo vệ phần đất của gia đình, bà Duyến đã trồng một bụi luồng nhưng do quá trình sụt lún, xô đẩy đất, bụi luồng của gia đình bà Duyến trôi hẳn sang phần vườn nhà bà Ngọc và xuống gần lòng suối.

Được biết, năm 2011, Sở NN&PTNT đã triển khai dự án công trình kè chống sạt lở bờ sông Đà tại phường Đồng Tiến và xã Sủ Ngòi. Theo đó, dự án thực hiện kè bê tông 2 bên bờ suối Ngòi, bắt đầu từ cầu Đồng Tiến trở vào. Cùng với đó, UBND TP Hòa Bình đã thu hồi 712,88 m2 đất để xây dựng công trình. Thực hiện chủ trương của thành phố, gia đình bà Ngọc đã chấp thuận bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 35 m2 để xây dựng công trình. Trao đổi về vấn đề này, bà Ngọc cho biết: Gia đình tôi đã bàn giao toàn bộ mặt bằng, đơn vị thi công đã cho máy móc đến đào, lu xử lý để tiến hành kè. Tuy nhiên, dự án triển khai gần 10 năm nay, khu vực gia đình tôi không hiểu vì lý do gì không được kè. Đến bây giờ, tình trạng sụt lún diễn ra rất nghiêm trọng. Gia đình tôi và các hộ dân trong những năm qua đã tự mua bương, tre về đóng cọc để bảo vệ đất nhưng không xuể, hiện tượng sụt lún vẫn diễn ra.

Mới đây nhất, tháng 8/2019, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, khu vực nhà bà Ngọc và một số hộ lân cận tiếp tục có hiện tượng sụt lún mạnh. Ông Phạm Tiến Thịnh, Tổ trưởng tổ dân phố số 11, phường Đồng Tiến xác nhận: Khi có thông báo của bà Ngọc, đại diện khu dân cư đã tiến hành kiểm tra toàn bộ khu vực. Đợt mưa lớn trong tháng 8 vừa qua, đã làm đất vườn của gia đình bà Ngọc bị sụt lún nghiêm trọng.

Dự án công trình kè chống sạt lở bờ sông Đà tại phường Đồng Tiến và xã Sủ Ngòi đã hoàn thành khá lâu. Tuy nhiên, gần 10 năm nay, người dân tổ 11, phường Đồng Tiến vẫn phải sống trong nỗi lo sợ mỗi khi mùa mưa tới, đất vườn, công trình phụ và cả nhà ở có nguy cơ trôi xuống lòng suối. Người dân ở đây cho rằng, chính việc nạo vét, đào bới để xây dựng công trình kè nhưng không tiến hành xây kè là nguyên nhân dẫn đến hiện trạng sụt lở ngày càng nghiêm trọng. Vì vậy, người dân mong muốn chính quyền địa phương, các ngành chức năng kiểm tra hiện trạng, làm rõ nguyên nhân, kịp thời đưa ra giải pháp xử lý triệt để đoạn bờ suối sạt lở để người dân ổn định cuộc sống.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hòa Bình đã làm việc với Sở NN&PTNT, theo đó, Sở NN&PTNT khẳng định: công trình kè chống sạt lở bờ sông Đà tại phường Đồng Tiến, xã Sủ Ngòi thuộc dự án khắc phục hậu quả sau thủy điện Hòa Bình do Ban Quản lý dự án đầu từ xây dựng các công trình NN&PTNT thực hiện, khởi công ngày 10/5/2008, hoàn thành tháng 10/2011. Tuy nhiên, phần phía bờ trái từ cọc CA đến cọc C 17+10 m dài 475 m (vị trí nhà bà Cao Thị Ngọc khoảng cọc C7 - C8) mới thi công phần mái từ đáy đến cao trình cơ + 11.45, phần từ cao trình cơ đến cao trình đỉnh kè đình hoãn không thi công theo thiết kế do thiếu kinh phí tại Văn bản số 1575/UBND-NNNT, ngày 25/11/2016 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh khối lượng thi công các hạng mục công trình thuộc dự án khắc phục hậu quả sau thủy điện Hòa Bình giai đoạn I. Hiện nay, phần từ cao trình cơ đến đỉnh kè chưa được xây dựng ở khu vực nhà bà Cao Thị Ngọc phía trong vườn có vết nứt, có hiện tượng sụt lún đất và một số hộ lân cận cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Để giải quyết triệt để tình trạng sụt lún, Sở đã kiến nghị UBND tỉnh bố trí nguồn vốn cho tiếp tục triển khai công trình kè chống sạt lở bờ sông Đà tại phường Đồng Tiến. Trước mắt, để đảm bảo an toàn cho các hộ dân, Sở đã giao UBND thành phố Hòa Bình kiểm tra, rà soát các hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng do sụt lún cắm biển cảnh báo, xây dựng phương án đảm bảo an toàn, di dời dân khi cần thiết, báo cáo đề xuất UBND tỉnh biện pháp xử lý.

P.V


Các tin khác


Ký kết chương trình phối hợp công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho đoàn viên, thanh niên 

Chiều 16/4, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Tỉnh Đoàn Hoà Bình tổ chức ký kết chương trình phối hợp công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho đoàn viên, thanh niên giai đoạn 2024 - 2027 nhằm đẩy mạnh và phát huy vai trò của các cơ quan liên quan trong quá trình phối hợp triển khai nhiệm vụ. 

Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tại tỉnh Sơn La

Hội liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Hòa Bình vừa tổ chức chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” năm 2024 tại xã Mường Hung, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La.

Nâng cao quyền năng cho phụ nữ

Dự án "Nâng cao quyền năng cho phụ nữ thông qua tiếp cận Luật An ninh mạng, Luật Hôn nhân và gia đình” tại địa bàn 2 huyện Yên Thủy, Lạc Sơn đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần giải quyết các vấn đề mang tính cấp thiết và có biện pháp ứng phó giảm thiểu các rủi ro cho phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Dự án cũng nhằm nâng cao nhận thức về Luật An ninh mạng, Luật Hôn nhân và gia đình, từ đó nâng cao quyền năng cho phụ nữ, đặc biệt là quyền quyết định trong gia đình và quyền năng kinh tế thông qua việc sử dụng môi trường mạng an toàn, lành mạnh, hiệu quả.

Lương tối thiểu vùng tăng 6% từ 1/7/2024 tác động thế nào tới lương hưu?

Từ 1/7/2024, lương tối thiểu vùng sẽ tăng 6% so với hiện nay. Cùng với đó, các cơ quan liên quan đang xây dựng phương án điều chỉnh lương hưu. Dự thảo tờ trình Nghị định quy định mức lương tối thiểu với người lao động làm việc theo hợp đồng đang được lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan.

Triển khai công tác lao động, người có công và xã hội quý II

Ngày 15/4, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức hội nghị sơ kết công tác quý I, triển khai nhiệm vụ công tác quý II/2024.

Phương án phân luồng sau lệnh cấm ô tô lên Đèo Cả

Trước sự cố hầm đường sắt Bãi Gió trên đường sắt Bắc - Nam, Khu Quản lý đường bộ III đã thông báo chi tiết phương án tổ chức phân luồng cho các phương tiện giao thông.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục