(HBĐT) - 12 năm khoác trên mình chiếc áo blouse trắng thì có tới 10 năm, bác sỹ Quách Thị Lơ, Phó trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) gắn bó với những bệnh nhi nhiễm, phơi nhiễm HIV. Bằng sự tận tâm, chia sẻ, đồng cảm, nữ bác sỹ đã thắp lên hy vọng cho những người mang trong mình căn bệnh thế kỷ, cùng họ nối dài sự sống.

 


Bác sỹ Quách Thị Lơ, Phó trưởng Khoa nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), đồng thời là bác sỹ phụ trách phòng khám ngoại trú nhi thăm khám cho bệnh nhi nhiễm "H”. 

Hơn 10 năm đồng hành với trẻ nhiễm "H”

Năm 2008, khi vừa tốt nghiệp Đại học Y Thái Nguyên, bác sỹ Lơ về công tác tại Khoa Nhi. Sau 1 năm, phòng khám ngoại trú nhi được thành lập dưới sự hỗ trợ của Dự án Life Gap, chị được giao nhiệm vụ làm tư vấn viên, tiếp đó là bác sỹ phụ trách phòng khám. 10 gắn bó với bệnh nhi nhiễm HIV, bác sỹ Lơ hiểu tường tận sự khó khăn, vất vả khi chăm sóc, điều trị cho những bệnh nhân đặc biệt này. Chị chia sẻ: "Nan giải nhất có lẽ là việc thuyết phục gia đình các trẻ nghi nhiễm bệnh làm xét nghiệm chẩn đoán HIV. Nếu thực hiện không tốt, việcmất dấu người bệnh, lây lan trong cộng đồng hay khó bảo vệ tính mạng cho bệnh nhi hoàn toàn có thể xảy ra”.

Năm 2018, cháu B.K.L, trú tại huyện Lạc Sơn nhập viện trong tình trạng viêm phổi, tiêu chảy kéo dài. Trước những biểu hiện lâm sàng của người bệnh, cùng với kinh nghiệm nhiều năm điều trị, bác sỹ Lơ nghi ngờ L. mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Việc thuyết phục để L. làm xét nghiệm chẩn đoán HIV ngay lập tức vấp phải những phản ứng dữ dội từ phía gia đình em. Sau nhiều lần kiên trì trao đổi, thuyết phục, mẹ L. đã đồng ý cho con làm xét nghiệm chẩn đoán HIV. Kết quả L. dương tính với căn bệnh thế kỷ. Cùng với việc trấn an gia đình, bác sỹ Lơ đã lên phác đồ điều trị "H” và các bệnh nhiễm trùng cơ hội cho L. Hơn 1 năm điều trị, hiện nay, tải lượng virus HIV trong máu của em đã giảm xuống dưới ngưỡng phát hiện. 

Không chỉ trách nhiệm trong điều trị, bác sỹ Quách Thị Lơ còn đặc biệt quan tâm đến hoàn cảnh sống của mỗi bệnh nhân, bởi theo chị, chỉ có như vậy mới có hướng tiếp cận, tư vấn, động viên các em kịp thời. Em B.M.T ở huyện Tân Lạc được xét nghiệm và có kết quả dương tính với virus HIV sau khi bố mẹ qua đời vì căn bệnh thế kỷ. Dưới sự hỗ trợ về vật chất từ Dự án Life Gap, gia đình bác họ đã nhận em về nuôi. Tuy nhiên, sau nhiều lần gọi điện hỏi thăm T. nhưng không thể trực tiếp trò chuyện, chị đã tìm về gia đình giám hộ tìm hiểu tình hình. Trở về thành phố, bác sỹ Lơ trao đổi với cán bộ Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS (cũ), sau 1 tuần, các thủ tục đón em về Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh (nay là Trung tâm Công tác xã hội) được hoàn thành. Cùng với việc duy trì thuốc đều đặn, sức khỏe T. đã cải thiện. 2 năm sau, T. được một gia đình người nước ngoài nhận nuôi. Hiện nay, T. đã 18 tuổi, thông qua Trung tâm, bác sỹ Lơ vẫn thường xuyên cập nhật tình hình của em. 

Không nản lòng trong hành trình đi tìm sự sống cho người bệnh

5 năm sau ngày thành lập, Dự án Life Gap ngừng tài trợ, phòng khám ngoại trú nhi tiếp tục được duy trì dưới sự quan tâm, hỗ trợ của Sở Y tế, Trung tâm Phòng chống HIV-AIDS (nay là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) và Ban giám đốc Bệnh viện. Bác sỹ Lơ được giao phụ trách phòng khám với nhiệm vụ chính là điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; khám, tư vấn xét nghiệm và điều trị cho trẻ nhiễm "H” trong độ tuổi từ dưới 15. Chị trải lòng: "Khi đó, chuyện cắt giảm hỗ trợ đối với bác sỹ và điều dưỡng phòng khám không khiến chúng tôi bận lòng bằng việc từ nay, các bệnh nhi sẽ không còn được hỗ trợ sữa, kinh phí đi lại. Với hoàn cảnh hầu hết rất khó khăn, liệu việc đến khám, nhận thuốc có được gia đình các em duy trì thực hiện? Nếu mất dấu, nếu các em kháng thuốc, nếu bệnh cơ hội phát triển, nếu không được tư vấn về cách phòng lây nhiễm cho người xung quanh... chúng tôi không dám nghĩ về hậu quả. Tôi cùng 2 điều dưỡng đã trao đổi và đi đến thống nhất: việc xây dựng kênh liên lạc và tư vấn, động viên, chia sẻ với bệnh nhi phải được ưu tiên hàng đầu”. Bác sỹ Lơ trực tiếp lập sổ ghi chép địa chỉ, thông tin người giám hộ, cách thức liên hệ, nhật ký khám, chữa bệnh. Đến nay, sổ ghi chép đã sang cuốn thứ 10, từng cuốn vẫn được bảo quản cẩn thận và trở thành nguồn tư liệu của phòng khám.

10 năm làm việc tại phòng khám ngoại trú nhi, bác sỹ Quách Thị Lơ đã điều trị cho trên 300 bệnh nhi; điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho 100 trường hợp. Bên cạnh đó, bác sỹ Lơ đã tư vấn xét nghiệm chẩn đoán HIV chính xác cho trên 20 bệnh nhi, riêng năm 2019 là 3 trường hợp. Với những nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhiều năm liền, bác sỹ Quách Thị Lơ luôn đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở. Ghi nhận cống hiến của chị, tháng 3/2019, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã quyết định bổ nhiệm bác sỹ Lơ làm Phó trưởng Khoa nhi. Trên cương vị mới, chị đã thực hiện tập huấn tại chỗ và tham mưu với Trưởng khoa cử cán bộ đi tập huấn luân phiên, qua đó trang bị kiến thức về HIV/AIDS cho 100% y, bác sỹ của khoa, góp phần nâng cao chất lượng khám, điều trị cho các bệnh nhi mắc căn bệnh thế kỷ.


 Hải Yến

Các tin khác


Hội Chữ thập đỏ huyện Lạc Thủy: Tích cực tham gia phòng ngừa, ứng phó thiên tai

Thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Lạc Thủy tích cực tham gia công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai, thảm họa, sơ cấp cứu, cứu trợ đột xuất, góp phần xây dựng cộng đồng an toàn, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân, nhất là tại các xã ven sông Bôi.

Phát hiện 1 quả đạn pháo chưa nổ tồn sót sau chiến tranh ở lòng sông Đà

Công an thành phố Hòa Bình cho biết, Công an phường Thịnh Lang vừa tiếp nhận 1 quả đạn pháo là vật liệu nổ nguy hiểm tồn sót sau chiến tranh do người dân phát hiện tại khu vực bờ sông Đà thuộc phường Thịnh Lang (thành phố Hòa Bình).

Phân bổ 13,5 tỷ đồng thực hiện Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng năm 2024

UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 714/QĐ-UBND về phương án phân bổ kinh phí hỗ trợ công tác mộ, nghĩa trang liệt sỹ thực hiện Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng năm 2024.

Huyện Mai Châu đa dạng nguồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát

Xóa nhà tạm, nhà dột nát (XNT, NDN) cho hộ nghèo là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm giúp người nghèo có điều kiện thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Tại huyện vùng cao Mai Châu, cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo để huy động nguồn lực nhằm hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách xây dựng mới và sửa chữa nhà ở, giúp họ có thêm niềm tin, động lực vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo ở địa phương.

Vụ nổ lò hơi tại Đồng Nai: Khẩn trương cấp cứu người bị nạn

Liên quan đến vụ tai nạn lao động xảy ra tại Công ty TNHH gỗ Bình Minh (ấp Vàm, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các đơn vị, địa phương khẩn trương cấp cứu người bị nạn, điều tra, làm rõ nguyên nhân.

Những chính sách nổi bật có hiệu lực trong tháng 5/2024

Trong tháng 5/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực, nổi bật là các chính sách liên quan đến đến công chức, viên chức, về giá điện, lĩnh vực giáo dục..

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục