Cán bộ MTTQ phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) giám sát việc niêm yết công khai danh sách các nhóm đối tượng được hưởng hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19 tại trụ sở phường.
Căn cứ Hướng dẫn số 27, ngày 28/4/2020 của UB T.Ư MTTQ Việt Nam, UB MTTQ tỉnh đã ban hành hướng dẫn công tác giám sát thực hiện gói hỗ trợ. Mục đích nhằm kịp thời đưa chủ trương, chính sách về phòng, chống dịch Covid-19 và đảm bảo an sinh xã hội vào cuộc sống. Phát hiện, ngăn chặn các hành vi trục lợi, vi phạm để gói hỗ trợ đến đúng đối tượng, công bằng, chính xác, kịp thời. Trong đó, một trong các phương thức giám sát được nhấn mạnh là vai trò giám sát trực tiếp của người dân ở khu dân cư.
Triển khai gói hỗ trợ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và chưa từng có tiền lệ, công tác tuyên truyền để Nhân dân nắm được thông tin, chủ trương, chính sách và tham gia giám sát được thực hiện bằng nhiều hình thức. Cụ thể như thông qua phương tiện thông tin đại chúng; các cuộc họp ở khu dân cư; hội nghị của xã, phường, thị trấn. Các địa phương vận động các tầng lớp Nhân dân cùng tham gia bình xét, lập danh sách đối tượng được thụ hưởng. Việc niêm yết công khai danh sách người được nhận hỗ trợ tạo thuận lợi cho Nhân dân giám sát. Từ đó, Nhân dân thấy được vai trò của mình và tham gia giám sát.
Thực tế tại các địa phương, vai trò giám sát của Nhân dân ở khu dân cư trong thực hiện gói hỗ trợ đã được phát huy tốt. Qua nắm bắt của hệ thống MTTQ các cấp, hầu hết người dân đánh giá cao sự vào cuộc trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong triển khai thực hiện gói hỗ trợ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trong thời điểm khó khăn. Những người được nhận hỗ trợ phấn khởi, tin tưởng vào chính sách của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp chi trả không đúng đối tượng, sai sót, trùng, thiếu trong đợt 1 cho 4 nhóm (người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo) đã được Nhân dân phản ánh kịp thời tới cơ quan chức năng, báo chí. Đặc biệt là những cán bộ, đảng viên, người nhà cán bộ không thuộc diện hỗ trợ vẫn nằm trong danh sách được nhận tiền. Nhờ đó đã kịp thời chấn chỉnh, chỉ đạo khắc phục, tạo sự công khai, công bằng, minh bạch, dân chủ.
Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Kim Bôi Đào Anh Tuấn cho biết: Nhân dân đã phản ánh một số trường hợp cán bộ, đảng viên ở cơ sở nằm trong danh sách được nhận hỗ trợ huyện mới biết và kịp thời rà soát, khắc phục.
Đối với huyện Lạc Sơn, những sai phạm của cán bộ tại xã Quý Hòa, Tân Lập trong chi trả hỗ trợ cũng được người dân phát hiện.
Theo số liệu của Ban Dân chủ - Pháp luật (UB MTTQ tỉnh), toàn tỉnh có 4.023 trường hợp phải thu hồi tiền hỗ trợ trong đợt chi trả lần 1 do trùng, chuyển đi, đã mất, không đủ điều kiện hưởng..., với tổng số tiền trên 3,2 tỷ đồng.
Sở LĐ-TB&XH đã rà soát, tổng hợp danh sách các trường hợp đủ điều kiện hưởng hỗ trợ bị sót và đề nghị UBND tỉnh phê duyệt danh sách đối tượng chi trả bổ sung. Đã có 1.177 người thuộc 4 nhóm đối tượng tại các huyện, thành phố được chi trả bổ sung đợt 2, với tổng số tiền 922,750 triệu đồng và đợt 3 là 461 người, với 349,5 triệu đồng.
Theo nhận xét của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, việc thực hiện chi trả tiền hỗ trợ gói 62 nghìn tỷ đồng của Chính phủ cơ bản đảm bảo đúng đối tượng được thụ hưởng chính sách. Tuy nhiên, tính đến ngày 10/7, qua rà soát của 10 huyện, thành phố, có 4 huyện có sai phạm trong chi trả hỗ trợ gồm: Lạc Sơn, Kim Bôi, Đà Bắc, Yên Thủy. Trong đó, có trường hợp là cán bộ, đảng viên, công chức và một số người đã trả lại tiền hỗ trợ.
Để tiếp tục phát huy vai trò giám sát của Nhân dân, nhất là trong đợt chi trả tiếp theo cho các nhóm đối tượng khác, Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật (UB MTTQ tỉnh) Nguyễn Xuân Tùng cho rằng: Cần tiếp tục tuyên truyền để người dân nắm được chính sách, thời gian thực hiện; niêm yết công khai danh sách người, đơn vị được thụ hưởng theo đúng quy định. Đây cũng chính là việc phát huy vai trò của Nhân dân trong xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh.