Nhìn lại 10 năm thực hiện lộ trình CCHC, đồng chí Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND huyện cho rằng, huyện đã có sự đầu tư đúng mức và đạt được những kết quả quan trọng. Từ những năm 2011 - 2012, huyện đã tập trung triển khai các biện pháp đẩy mạnh công tác CCHC, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. UBND huyện đã bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC) hợp lý, phù hợp với trình độ chuyên môn, nêu cao ý thức, trách nhiệm trong thực thi công vụ. Nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC), huyện đầu tư 8,3 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện và 10 đơn vị cấp xã. Tích cực triển khai ứng dụng CNTT vào giải quyết công việc. Huyện Lạc Thủy đã trở thành một trong số ít các địa phương trong tỉnh xây dựng được hệ thống dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 3, được người dân, doanh nghiệp đánh giá ở mức độ hài lòng cao. Tỷ lệ hồ sơ đã giải quyết trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 94,6% (giải quyết đúng hạn đạt 98,73%).
Quá trình thực hiện CCHC, công tác kiểm tra, giám sát luôn được chú trọng. Từ năm 2011 đến nay, UBND huyện đã ban hành 36 kế hoạch, 85 văn bản chỉ đạo về công tác CCHC. Thực hiện 55 lượt kiểm tra theo kế hoạch, 18 lượt kiểm tra đột xuất tại các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn về thực hiện nhiệm vụ CCHC. Ngoài ra, huyện thành lập các tổ kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của CB,CC. Giao Văn phòng HĐND, UBND huyện kiểm tra công chức thực hiện công vụ thông qua hệ thống camera giám sát… Huyện cũng sớm đưa kết quả CCHC hàng năm của mỗi cơ quan, đơn vị là cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với từng cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu của cơ quan, đơn vị.
Tuy đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng đồng chí Chủ tịch UBND huyện cũng thẳng thắn chỉ rõ: Công tác lãnh, chỉ đạo CCHC ở một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quyết liệt, chưa chủ động, tích cực trong công tác tham mưu. Sự phối hợp giữa một số cơ quan, đơn vị chưa nhịp nhàng, hiệu quả. Còn một số ít CB,CC,VC chưa nhận thức sâu sắc về CCHC, chưa nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Vẫn còn hồ sơ trả kết quả chậm, có trường hợp công dân phải bổ sung hồ sơ nhiều lần, nhất là các TTHC liên quan đến đất đai…
Trên cơ sở xác định rõ những điểm còn hạn chế trong thực hiện CCHC của huyện, đồng chí Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện đã đưa ra một số giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác CCHC cho những năm tiếp theo, đó là: Xây dựng đội ngũ CB,CC,VC đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Xây dựng, ban hành nghị quyết chuyên đề về CCHC trên địa bàn huyện giai đoạn 2020 -2025. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác CCHC. Kiểm soát chặt chẽ việc xử lý, giải quyết TTHC tại các cơ quan, đơn vị, nhất là những phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân.
Hàng năm, xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch CCHC của cơ quan, đơn vị sát với thực tế. Xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ CCHC. Chú trọng công tác theo dõi, đánh giá, tăng cường khảo sát sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Tổ chức tuyên truyền để thu hút nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, dịch vụ Bưu chính công ích trong giải quyết TTHC. Phát động và tổ chức tốt phong trào thi đua "Đẩy mạnh CCHC, nâng cao chất lượng công vụ” theo giai đoạn, có biểu dương, khen thưởng để nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong CCHC.
Thúy Hằng