(HBĐT) - Xưa kia, Mường Bi - Tân Lạc được coi là địa bàn xung yếu, nơi có chế độ lang đạo hà khắc nhất tỉnh Hòa Bình. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám trên phạm vi toàn quốc và ở tỉnh có ý nghĩa quan trọng đặc biệt, làm thay đổi cuộc sống, trả lại quyền làm chủ quê hương cho Nhân dân.
Dưới thời phong kiến, thực dân, Nhân dân huyện sống trong đêm đen nô lệ và bị dồn đến bước đường phải cùng nhau đoàn kết, đứng lên đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng để giành chính quyền, thoát khỏi áp bức. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, quân và dân Tân Lạc đã trực tiếp đánh hàng trăm trận dọc đường 12A, gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại. Lực lượng vũ trang (LLVT) phối hợp bộ đội chủ lực bức rút hàng loạt đồn bốt địch trong chiến dịch Lê Lợi (năm 1949), nổi bật là trận tiêu diệt đồn Bò (Lũng Vân), đồn Nghẹ (Lỗ Sơn), đồn Chùa (Tử Nê). Năm 1950, ta mở nhiều trận đánh lớn ở Hòa Bình, LLVT Tân Lạc tiếp tục phối hợp cùng bộ đội chủ lực đánh đuổi giặc Pháp. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, mặc dù nạn đói hoành hành, các gia đình hầu hết ăn củ nâu, củ vớn thay cơm, song Nhân dân Tân Lạc đã chắt chiu từng hạt gạo, gửi hàng chục tấn lương thực phục vụ chiến dịch, góp phần làm nên chiến thắng.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với chiến công nối tiếp chiến công, quân và dân Tân Lạc lại lập nên những kỳ tích mới, như: bắt biệt kích nhảy dù vào năm 1962; phối hợp bộ đội bắn rơi máy bay F105 của Mỹ ở xã Mỹ Hòa năm 1965; vây bắt giặc lái Mỹ nhảy dù xuống Nam Sơn và trận vây bắt giặc lái ở Lũng Vân năm 1972... Quân và dân còn cùng bộ đội vận chuyển, cất giấu kho tàng quân sự an toàn, động viên hàng nghìn thanh niên vào Nam đánh giặc, chi viện đắc lực của cải phục vụ chiến trường để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
75 năm qua, với 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, 665 con em các dân tộc trong huyện đã hy sinh trên khắp các chiến trường; 272 thương binh đã để lại một phần xương máu của mình vì độc lập, tự do của đất nước. Ghi nhận những đóng góp này, Đảng bộ, chính quyền, LLVT và Nhân dân Tân Lạc đã được Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Nhân dân và LLVT huyện Tân Lạc và các xã: Lũng Vân, Tử Nê, Lỗ Sơn, Gia Mô, Mỹ Hòa, Mãn Đức, Ngọc Mỹ được phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân. Xã Ngổ Luông được tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lao động. 2 cá nhân là liệt sỹ Quách Văn Thắm - xã Mãn Đức, Bùi Văn Tình - xã Lỗ Sơn được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. 7 bà mẹ vinh dự được phong tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng". Huyện được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công, 1 Huân chương Chiến công hạng ba, trên 60 huân, huy chương các loại.
Đồng chí Bùi Thị Thương, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy cho biết: Tiếp bước ngọn lửa truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền, LLVT và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện ra sức phấn đấu, thi đua tạo chuyển biến tiến bộ, toàn diện về mọi mặt. Công tác gọi thanh niên lên đường nhập ngũ hàng năm đều đạt kết quả cao, đúng luật quy định. Công tác ANCT - TTATXH ngày càng được chăm lo xây dựng, phong trào quần chúng bảo vệ Tổ quốc phát triển sâu rộng. Cán bộ, đảng viên và Nhân dân đoàn kết vượt mọi khó khăn, thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng bộ huyện đề ra. Kinh tế duy trì tăng trưởng khá, tốc độ bình quân đạt 13,7%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 31,7 triệu đồng/năm. Tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM chiếm 33,3%. Văn hóa, xã hội có bước phát triển mới. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được tăng cường. QP-AN được giữ vững...
Bùi Minh