Người dân xóm Đại Đồng, xã Ngọc Lương (Yên Thủy) thi đua phát triển các loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, thúc đẩy phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới".
Các phong trào thi đua đã góp phần quan trọng giúp tỉnh ta phấn đấu đạt được những mục tiêu nổi bật trong phát triển KT-XH giai đoạn 2016 - 2020. Nổi bật như tốc độ tăng trưởng cao, bình quân hàng năm đạt 8,65%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; diện tích trồng cây ăn quả được mở rộng. Các lĩnh vực VH-XH đều hoàn thành và hoàn thành vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. GRDP bình quân đầu người đạt 66,9 triệu đồng (gấp 1,66 lần năm 2015), cao hơi trung bình khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Kết quả này có sự đóng góp quan trọng của các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh” - đó là nhận định của đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khi đánh giá hiệu quả phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua.
Nổi bật trong các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng T.Ư phát động đó chính là phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM)”. Chương trình đã được các cấp, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện, phát động nhiều phong trào thi đua theo chuyên đề gắn với các nội dung, tiêu chí xây dựng NTM như: "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, "Nhà sạch - vườn đẹp - môi trường trong lành - ngõ xóm văn minh”, "5 không, 3 sạch”, xây dựng "Khu dân cư kiểu mẫu”… được triển khai thực hiện có hiệu quả. Hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn. Điều kiện sống cả về vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn được nâng cao. Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có thêm 57 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 46,7%, tăng 6,07% so với Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020. TP Hòa Bình được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2018, Lương Sơn được công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2019.
Cùng với đó, những năm qua, phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” cũng đã diễn ra rất thiết thực, hiệu quả. Phong trào thi đua đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của cộng đồng, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững và từng bước làm giàu, đồng thuận hợp tác, trách nhiệm vì người nghèo. Giai đoạn 2016 - 2020 đã có trên 6.000 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà; 100% người dân thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số sống tại khu vực điều kiện KT-XH khó khăn và người dân sống tại vùng điều kiện KT-XH khó khăn được hỗ trợ mua BHYT. Dự kiến hết năm 2020 sẽ có trên 29.000 lượt hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 24,83% năm 2015 xuống còn 11,36% vào năm 2019; dự kiến đến hết năm giảm còn 8,56%.
Phong trào thi đua "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” tiếp tục phát triển sâu rộng, tạo khí thế thi đua sôi nổi. Tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động, khuyến khích, hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp. Tỉnh đã triển khai mô hình "Cà phê doanh nhân” giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp, nhà đầu tư; thực hiện tốt chủ trương của BTV Tỉnh ủy về việc phân công lãnh đạo tỉnh theo dõi, hỗ trợ các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Trong 5 năm qua đã có 2.100 doanh nghiệp và có 290 HTX thành lập mới; thu hút được 274 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 42.000 tỷ đồng và 330 triệu USD.
Bên cạnh đó, dấu ấn quan trọng trong những năm qua để tạo nên sự đột phá trong cải cách hành chính là phong trào thi đua "Cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) thi đua thực hiện văn hóa công sở”. Phong trào được triển khai sâu rộng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức CT-XH các cấp trên địa bàn với nhiều nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, có tiêu chí rõ ràng, phù hợp với các quy định của Đảng, Nhà nước và tình hình thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Việc thực hiện phong trào thi đua đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương và CBCCVC trên địa bàn tỉnh. Phong trào đã phát huy sức mạnh của tập thể, cá nhân tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức và hành động trong tự tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao ý thức, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của CBCCVC. Đồng thời tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Xây dựng được hình ảnh đội ngũ CBCCVC gương mẫu, tận tụy, chuẩn mực, chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, tận tình, thân thiện, được Nhân dân tin yêu.
Dương Liễu