Cán bộ trạm y tế xã Phú Cường (Tân Lạc) tư vấn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
Thực hiện chỉ thị, các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, ban, ngành, MTTQ và tổ chức CT-XH đã vào cuộc tích cực. Công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục có sự đổi mới về nội dung, đa dạng về hình thức, phù hợp với các đối tượng, hướng trực tiếp về cơ sở, nhất là vùng sâu, xa, vùng khó khăn, nơi có tỷ lệ tảo hôn, sinh con thứ 3 trở lên cao. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) ngày càng mở rộng, đáp ứng tốt nhu cầu của các đối tượng.
Ngành y tế cùng các ngành liên quan duy trì, mở rộng các mô hình, câu lạc bộ về DS - KHHGĐ. Việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ được các cơ quan, đơn vị đưa vào tiêu chí bình xét, đánh giá, nâng ngạch, bổ nhiệm cán bộ. Các địa phương đưa vào hương ước, quy ước để thực hiện, góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân. Việc xử lý đối với cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3 trở lên và tham gia tổ chức tảo hôn được các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc hơn.
Ngành y tế đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các đợt chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ CSSKSS, KHHGĐ cho phụ nữ độ tuổi sinh sản tại vùng có mức sinh cao, vùng khó khăn và đông dân, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ y tế, tăng cao tỷ lệ chấp nhận sử dụng các biện pháp tránh thai (BPTT) hiện đại. Thực hiện song song 3 kênh cung ứng các BPTT, gồm: Miễn phí, tiếp thị xã hội và kênh xã hội hóa phương tiện tránh thai/hàng hóa SKSS/dịch vụ KHHGĐ. Tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng các BPTT hiện đại luôn duy trì trên 70%.
Từ năm 2015 đến nay, bằng các nguồn kinh phí của chương trình mục tiêu y tế - dân số, nguồn hỗ trợ của tỉnh đã dành gần 8,6 tỷ đồng cho công tác truyền thông, giáo dục về DS - KHHGĐ và cung cấp dịch vụ KHHGĐ, CSSKSS. Hàng năm, cơ quan chức năng cấp huyện phối hợp rà soát quy định trong các hương ước, quy ước ở khu dân cư. Chỉ đạo các xóm, bản, tổ dân phố bổ sung nội dung, chỉ tiêu về công tác DS - KHHGĐ, trong đó, có tiêu chí liên quan đến tảo hôn, sinh con thứ 3 vào quy ước, hương ước để thực hiện.
Theo thống kê, giai đoạn 2015-2020, số trường hợp tảo hôn giảm qua các năm, cụ thể, 516 trường hợp năm 2015, 476 trường hợp năm 2016, 399 trường hợp năm 2017, 305 trường hợp năm 2018, 255 trường hợp năm 2019 và còn 170 trường hợp năm 2020. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng dần. Năm 2020, tỷ lệ này là 13,2%, tăng 2%; trong đó, 89 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên là đảng viên, tăng 21 trường hợp so với năm 2019. Trong gần 2.200 trường hợp tảo hôn, đã xử lý 96 trường hợp vi phạm đối với người tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn. Trong 406 trường hợp đảng viên sinh con thứ 3, chỉ 192 trường hợp có hình thức xử lý vi phạm chính sách DS - KHHGĐ. Các địa phương có số trường hợp sinh con thứ 3 cao là Lương Sơn, Lạc Thủy, Yên Thủy, TP Hòa Bình.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp của Chỉ thị số 01-CT/TU là yêu cầu BTV Tỉnh ủy đặt ra trong thời gian tới nhằm giảm tối đa tình trạng tảo hôn, sinh con thứ 3 trở lên, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lực, ổn định quy mô dân số. Theo đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể CT-XH các cấp tiếp tục phổ biến, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về công tác dân số. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong thực hiện chủ trương chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển. Đưa công tác dân số, trong đó có chỉ tiêu về giảm tảo hôn, sinh con thứ 3 trở lên trong chương trình công tác, kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương, đơn vị hàng năm. Lồng ghép việc thực hiện giảm thiểu tình trạng tảo hôn, sinh con thứ 3 trở lên với các chương trình, cuộc vận động. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, đảm bảo quyền và trách nhiệm trong việc sinh con, nuôi dạy con tốt. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình...
Bùi Minh
(HBĐT) - Từ tháng 6/2019 - 12/2020, Hội LHPN tỉnh triển khai dự án "Tăng cường vai trò của phụ nữ và trẻ em gái tỉnh Hoà Bình trong phòng, chống bạo lực giới (PCBLG)”, được tài trợ bởi Quỹ Thúc đẩy sáng kiến tư pháp (JIFF). Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức của phụ nữ, trẻ em gái và thành viên cộng đồng về Luật Bình đẳng giới (BĐG), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ), Luật Trẻ em, các hình thức bạo lực giới (BLG) và biện pháp bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái.