Các cựu chiến binh ôn lại kỷ niệm hào hùng những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Với Trung tá Nguyễn Tài Ba, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, những năm tháng chiến đấu, cống hiến xây dựng tuyến đường Trường Sơn huyền thoại là những kỷ niệm không thể nào quên. Ông kể, hồi ấy lý tưởng, khát vọng của tuổi trẻ là lên đường vào các chiến trường, tham gia chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc. Ông xung phong lên đường năm 1964, được biên chế vào đơn vị mở đường Trường Sơn từ dốc Thơm đến Sông Bạc, đèo 5 đến ngã ba Đông Dương. Ý chí, khát vọng độc lập, tự do của dân tộc đã tiếp sức mạnh vô biên để những người chiến sỹ mở đường Trường Sơn vượt qua mưa bom, bão đạn, những khắc nghiệt thời tiết nắng hạn, mưa rừng, sốt rét để hoàn thành nhiệm vụ. Những năm 1964 - 1969 gian khổ vô cùng, thiếu thốn đủ bề, một chiếc áo mưa, một đôi giày, chân đất chống lại khí hậu rừng thiêng nước độc. Trong thiếu thốn cùng cực nhưng tinh thần bộ đội vẫn rất lạc quan, kiên cường vì mục tiêu, tất cả giữ trọng điểm quan trọng, hỗ trợ các đoàn xe chi viện, hành quân vào chiến trường. Bộ đội và thanh niên xung phong Trường Sơn đã không tiếc tuổi xuân, máu xương vì sự sống của con đường, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bền bỉ, kiên cường bám trụ trận địa, bám mặt đường, giữ vững mạch máu giao thông, đập tan mọi âm mưu và hành động đánh phá ngăn chặn của quân thù. Chỉ riêng đơn vị của Trung tá Nguyễn Tài Ba có 100 người, khi trở về đến nay chỉ còn 10 người. Nhớ lại những kỷ niệm thời hoa lửa, ông tự hào, từ lối mòn giao liên bí mật len lỏi dưới các triền rừng, đường Trường Sơn đã phát triển thành một hệ thống trục dọc và trục ngang, ngày càng vươn mạnh vào chiến trường, vươn sâu vào các hướng chiến lược, không thể bị chặn cắt, với một hệ thống giao thông vĩ đại gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang, hơn 17.000 km đường xe cơ giới. Đường Trường Sơn vận chuyển toàn bộ sức mạnh tiềm tàng và to lớn từ hậu phương miền Bắc vào chi viện cho cách mạng miền Nam, cách mạng Lào, Cam-pu-chia; trở thành một chiến trường thu hút và tiêu diệt lớn sinh lực địch, góp phần xứng đáng vào đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Hòa chung khí thế của lớp lớp thanh niên lên đường chiến đấu vì độc lập của dân tộc, ông Nguyễn Văn Ngọc, ở thành phố Hòa Bình hiện tham gia ban liên lạc chiến sỹ Trường Sơn lên đường nhập ngũ năm 1972, biên chế vào Sư đoàn 7, được Bộ Tư lệnh miền Đông Nam Bộ chọn về Phòng Cơ yếu miền Đông Nam Bộ, trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, phục vụ Đại tướng Lê Đức Anh đánh vào cửa ngõ TP Hồ Chí Minh. Ông kể: Thời điểm đó, cả nước một lòng hướng về miền Nam ruột thịt. Hạnh phúc là được lên đường đi chiến đấu. Hàng nghìn thanh niên lên đường nhập ngũ. Bộ đội ta đi làm nhiệm vụ với tinh thần, ý chí rất cao "sẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”, đã vượt qua mưa dầm, gió bấc, thiếu thốn đủ bề, bom đạn, chất hóa học trút xuống hủy diệt. Trên tất cả các chiến trường ác liệt, muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, ngày đêm bom gầm, đạn rú, chết hụt rất nhiều lần. Thế nhưng ai cũng tràn đấy quyết tâm, phấn đấu hoàn thành thật tốt nhiệm vụ đơn vị giao. Với khí thế thần tốc, bộ đội, các đoàn quân chủ lực của ta đồng loạt tiến vào Sài Gòn tiếp quản các vị trí trọng yếu. Chiến dịch Hồ Chí Minh thành công. Ngày 30/4 lịch sử, Sài Gòn như không ngủ, các đoàn quân đi trong rợp bóng cờ hoa, phấn chấn vì Bắc - Nam đã thống nhất, sum họp một nhà.
Những người lính tham gia kháng chiến chống Mỹ năm xưa nay đã già, nhưng tiếp tục phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, tích cực lao động sản xuất, gương mẫu trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, tham gia xây dựng hệ thống chính trị, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Lê Chung