(HBĐT) - Xóm Đồi 2, xã Kim Bôi (Kim Bôi) có 122 hộ thì trên 60% tổng số hộ thường xuyên thiếu nước sinh hoạt. Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 4 năm sau, tỷ lệ hộ dân "khát” nước lên đến 80%. Thực trạng trên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của Nhân dân, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe đối với các hộ sử dụng nước mưa, nguồn nước tự nhiên dẫn từ khe suối để sử dụng hàng ngày.

 


Nhân dân xóm Đồi 2, xã Kim Bôi (Kim Bôi) dẫn nước từ khe suối bằng đường ống nhựa về bể chứa của gia đình để phục vụ sinh hoạt. 

Khảo sát thực tế trên địa bàn, tình trạng "khát” nước sinh hoạt tại xóm Đồi 2 đã diễn ra từ nhiều năm qua. Nguyên nhân do địa hình đa phần đồi núi, khan hiếm các mạch nước ngầm. Sau khi hợp nhất từ 3 xã Kim Truy, Kim Tiến và Kim Bôi, toàn xã hiện chỉ có 2 công trình nước sạch được đầu tư, tuy nhiên không phát huy hiệu quả, dẫn tới tình trạng các hộ tại xóm Đồi 2 thường xuyên thiếu nước sinh hoạt, nhất là vào mùa khô. Trao đổi với các hộ dân về thực trạng "khát” nước, ai nấy đều lắc đầu ngao ngán bởi đã rất nhiều lần, người dân tự bỏ tiền túi thuê nhân công, máy móc để đào giếng nhưng không đem lại hiệu quả.

Chị Hoàng Thị Lấn ở xóm Đồi 2 trăn trở: "Để có nước sử dụng, gia đình tôi xây dựng bể chứa hứng nước mưa phục vụ sinh hoạt hàng ngày, nhưng nguồn nước không ổn định vì phụ thuộc vào thời tiết. Cùng với đó là mùi hôi tanh, váng đục, tuy nhiên, gia đình vẫn phải dùng vì không còn cách nào khác. Từ tháng 9 nguồn nước dần khan hiếm, cạn kiệt trong tháng 11, phải đến tháng 4 mới có nước. Trong thời điểm này, nước sinh hoạt phải đi xin và gánh từ thị trấn Bo (Kim Bôi) về để nấu nướng. Còn việc tắm giặt hàng ngày các hộ chủ động ra suối".

Xóm Đồi 2 hiện chỉ có khoảng 20% hộ có nước sinh hoạt quanh năm. Đối với các hộ còn lại, muốn có nước sử dụng, nhiều hộ phải góp tiền, góp công để đào giếng. Tuy vậy, không phải khu vực nào đào giếng cũng thành công do kết cấu địa hình nhiều đá tảng, mạch nước ngầm khan hiếm. Ngoài ra, một số hộ tận dụng nguồn nước tự nhiên từ các mó nước, khe suối trên đồi cao; sử dụng ống nhựa, kéo men theo đường làng hàng km để đưa nước về bể chứa của gia đình. Kinh phí để lắp đặt đường ống dẫn nước từ 4 - 5 triệu đồng tùy theo khoảng cách. Thiết bị dẫn nước đều là ống nhựa chỉ dùng được một thời gian ngắn là bị đứt gãy, dẫn tới hư hỏng, hoặc do người đi nương làm rẫy chặt nhầm, trâu, bò kéo đứt…

Ông Bùi Văn Hiệu, Trưởng xóm Đồi 2 cho biết: "Việc kéo nước từ trên đồi cao cách xa hộ dân từ 2 - 3 km, dù vậy nguồn nước cũng không ổn định. Ban quản lý xóm đã nhiều lần kiến nghị lên cấp có thẩm quyền, mong muốn đầu tư xây dựng công trình nước sạch đáp ứng nhu cầu dân sinh, tuy nhiên đến nay người dân vẫn mòn mỏi mong chờ nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt. 

Thực tế, nguồn nước tự nhiên được người dân xóm Đồi 2 kéo từ các khe suối và tích trữ nguồn nước mưa tại bể chứa gia đình đều chưa qua kiểm nghiệm, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Một số bệnh dễ mắc phải chủ yếu về đường tiêu hóa, da liễu. Nhưng trước thực trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, người dân vẫn phải "nhắm mắt làm ngơ” sử dụng nguồn nước không đảm bảo để phục vụ sinh hoạt gia đình.

Đồng chí Bùi Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Bôi cho biết: "Chính quyền địa phương đã tiếp nhận thông tin, nắm bắt tình hình thực tế tại cơ sở để báo cáo lãnh đạo cấp trên sớm có phương án xử lý kịp thời. Mong muốn chính quyền các cấp quan tâm, hỗ trợ kinh phí đầu tư, xây dựng công trình nước sạch đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Qua đó đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch cho Nhân dân trên địa bàn xã, đồng thời bảo vệ sức khỏe cộng đồng, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương".

 Đức Anh


Các tin khác


Khuyến cáo sử dụng điện an toàn, tiết kiệm mùa nắng nóng

Trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, tình hình thời tiết trên cả nước nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng nắng nóng đặc biệt gay gắt, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 39 - 40 độ C, có nơi trên 42 độ C. Độ ẩm tương đối thấp, phổ biến từ 20 - 35%, thời gian nắng nóng từ 9 -18h. Nắng nóng kéo dài khiến tiêu thụ điện trong sinh hoạt tăng rất cao. Điều này cũng dẫn đến nguy cơ cao xảy ra sự cố lưới điện cục bộ do phải vận hành đầy tải, quá tải ở nhiều thời điểm.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám thiện nguyện cho gần 150 người dân xã Tự Do

Ngày 27/4, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình gồm 24 cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế do TS. BS Nguyễn Hoàng Diệu, Giám đốc Bệnh viện làm trưởng đoàn tổ chức chương trình khám bệnh thiện nguyện "Vì sức khoẻ cộng đồng” cho người dân xã Tự Do, huyện Lạc Sơn. Chương trình có sự phối hợp của Trung tâm Y tế huyện Lạc Sơn, Trạm Y tế xã và các cán bộ địa phương.

Chương trình thiện nguyện “Cùng em đến trường” trao 200 xe đạp cho học sinh huyện Đà Bắc

Sáng 27/4, tại Trường TH&THCS Cao Sơn (Đà Bắc), Tỉnh Đoàn Hoà Bình, Câu lạc bộ Bất động sản Hoà Lạc phối hợp tổ chức chương trình thiện nguyện "Cùng em đến trường” dành cho thiếu nhi trên địa bàn huyện.

Nỗi lo đuối nước ở trẻ em khi vào hè

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong những ngày vừa qua liên tục tiếp nhận những ca bệnh nhi đuối nước nghiêm trọng, nguy kịch tính mạng. Các bệnh nhi đều vào viện với bệnh cảnh suy đa tạng do hậu quả của quá trình ngừng tuần hoàn…

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động câu lạc bộ “Bình đẳng trong hôn nhân”

Tại huyện Lạc Sơn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh vừa tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động câu lạc bộ "Bình đẳng trong hôn nhân”. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án "Nâng cao quyền năng cho phụ nữ thông qua tiếp cận Luật An ninh mạng, Luật Hôn nhân và gia đình” do Quỹ JIFF - EU JULE tài trợ, được triển khai tại 4 xã: Lạc Thịnh, Đoàn Kết (Yên Thủy) và Hương Nhượng, Định Cư (Lạc Sơn).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục