(HBĐT) - Thiếu sân chơi cho trẻ luôn là "bài toán khó” mỗi khi hè về. Năm nay, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì độ khó của bài toán càng tăng thêm. Đã qua quá nửa mùa hè nhưng việc tìm được sân chơi lành mạnh, bổ ích để trẻ có thể thoải mái vận động, đảm bảo an toàn là vấn đề không chỉ các bậc phụ huynh mà còn được toàn xã hội quan tâm.


Đoàn thanh niên các cấp đa dạng hình thức sinh hoạt hè thu hút đông đảo trẻ em tham gia.Ảnh: Một lớp học khiêu vũ cho trẻ do Đoàn phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình).

Hè về, trẻ loay hoay tìm chỗ chơi

Với đặc thù là tỉnh miền núi, nhiều địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa, điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn. Tại các vùng nông thôn có không gian rộng rãi nhưng lại thiếu địa điểm vui chơi an toàn, thiếu sự định hướng của cha mẹ, người lớn đối với những trò chơi của trẻ. Do vậy, trẻ thường tụ tập thành các nhóm nhỏ, tự chơi đùa với nhau. Chị Bùi Thị Quyên, xã Bắc Phong (Cao Phong) cho biết: Thông thường hè về tôi chủ yếu cho con chơi trong nhà hoặc đưa theo bố mẹ đi làm vườn, chiều mát cho con ra sân nhà văn hóa chơi cùng các bạn trong xóm. Ở Cao Phong cũng có một vài khu vui chơi cho trẻ nhưng xa nhà và có thu phí nên chỉ thỉnh thoảng mới cho con ra chơi được. Tôi có 2 cháu nên việc quản lý con, không cho con chơi ở cạnh suối, ao, hồ hay trèo cây cũng khá vất vả.

Thiếu không gian vui chơi không chỉ là vấn đề của trẻ nông thôn mà còn là nỗi lo của trẻ ở thành phố. Tại TP Hoà Bình đã có nhiều khu vui chơi cho trẻ em như Vincom Hoà Bình, AP Plaza, Tuệ Minh, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên tỉnh hay Quảng trường Hoà Bình. Tuy nhiên, trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các bể bơi, khu vui chơi thường xuyên đóng cửa để phòng, chống dịch khiến không gian vui chơi của trẻ bị thu hẹp. Ngoài ra, tại các khu vui chơi được đầu tư bài bản hầu hết là của tư nhân xây dựng và có thu phí.

Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Vân Anh, cán bộ LĐ-TB&XH phường Thịnh Lang cho biết: Mặc dù ở ngay trung tâm TP Hoà Bình nhưng vấn đề thiếu sân chơi cho trẻ tại phường vẫn là nỗi lo của người lớn và nỗi buồn của con trẻ. Hiện nay, hầu hết trẻ em trên địa bàn chỉ có thể vui chơi tại sân các nhà văn hoá của tổ dân phố, chưa có trang thiết bị vui chơi như xích đu, cầu trượt, đu quay. Trên địa bàn phường có Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên tỉnh, nhưng trẻ chỉ có thể vào chơi lúc chiều muộn, sau khi các lớp học năng khiếu tan lớp và cũng chỉ có một số trẻ ở gần đó ra chơi.

Cần nhiều hơn nữa những sân chơi lành mạnh, bổ ích

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, tính đến cuối tháng 6 vừa qua, toàn tỉnh có 223.215 trẻ em, chiếm 25,91% tổng dân số. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 20 vụ tai nạn thương tích khiến 26 trẻ tử vong, cao hơn cả năm 2020 (25 trẻ), phần lớn ở các huyện: Đà Bắc, Lạc Sơn, Yên Thuỷ, Kim Bôi. Chỉ tính từ ngày 31/5 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 9 vụ đuối nước, cướp đi sinh mạng của 14 trẻ.

Đồng chí Đỗ Thị Loan, Phó trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Nguyên nhân của các vụ tai nạn thương tích thời gian gần đây do thiếu sân chơi. Do vậy, trẻ có xu hướng tập trung thành các nhóm nhỏ tự tổ chức trò chơi hoặc rủ nhau đến những khu vực mát mẻ như bờ suối, bờ ao, thác nước để chơi. Thiếu sân chơi, thiếu sự giám sát của người lớn, môi trường sống tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn luôn đe dọa trực tiếp đến tính mạng con trẻ. Hiện, nhiều giải pháp được các địa phương triển khai là tận dụng các điểm sinh hoạt cộng đồng của xóm, khu dân cư và một số nhà văn hóa xã để làm điểm vui chơi cho trẻ. Ngoài ra, Sở GD&ĐT đã có công văn chỉ đạo các trường TH&THCS trên địa bàn tỉnh mở cửa dịp hè để trẻ vào vui chơi. Tuy nhiên, đó mới chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt, thực tế vẫn cần những sân chơi đủ tiêu chuẩn, đảm bảo phục vụ nhu cầu vui chơi của trẻ về lâu dài.

Thời gian qua, các tổ chức Đoàn cơ sở đã chú trọng hơn đến việc tổ chức các hoạt động vui chơi cho thiếu nhi. Cụ thể như mở lớp dạy bơi, tập huấn phòng, chống tai nạn đuối nước ở các huyện, thành phố; xây dựng sân chơi an toàn cho trẻ em tại huyện Lạc Sơn; xây dựng sân bóng mini tại huyện Yên Thủy; tổ chức các lớp năng khiếu hè ở huyện Đà Bắc, TP Hòa Bình cùng rất nhiều hoạt động sinh hoạt hè bổ ích khác. Ngoài ra, một số tổ chức phi chính phủ có nhiều hỗ trợ, tổ chức các chương trình vui chơi lành mạnh cho trẻ. Nhưng thực tế hoạt động không được tổ chức thường xuyên và chỉ thu hút một lượng trẻ em nhất định.

Để bài toán này sớm có lời giải đáp rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành chức năng. Cần sớm có kế hoạch trong việc sửa chữa, xây dựng mới các điểm vui chơi an toàn, thân thiện cho trẻ. Đoàn Thanh niên các cấp tiếp tục phát huy vai trò trong việc tạo ra những hoạt động hè sôi nổi, đa dạng, hấp dẫn nhằm thu hút đông đảo trẻ tham gia. Ngoài ra, phụ huynh cần tăng cường quan tâm, quản lý con em mình để tránh trẻ tham gia vào những trò đùa nghịch nguy hiểm, dẫn đến hậu quả đáng tiếc.


Khánh Linh


Các tin khác


Hội Chữ thập đỏ huyện Lạc Thủy: Tích cực tham gia phòng ngừa, ứng phó thiên tai

Thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Lạc Thủy tích cực tham gia công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai, thảm họa, sơ cấp cứu, cứu trợ đột xuất, góp phần xây dựng cộng đồng an toàn, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân, nhất là tại các xã ven sông Bôi.

Phát hiện 1 quả đạn pháo chưa nổ tồn sót sau chiến tranh ở lòng sông Đà

Công an thành phố Hòa Bình cho biết, Công an phường Thịnh Lang vừa tiếp nhận 1 quả đạn pháo là vật liệu nổ nguy hiểm tồn sót sau chiến tranh do người dân phát hiện tại khu vực bờ sông Đà thuộc phường Thịnh Lang (thành phố Hòa Bình).

Phân bổ 13,5 tỷ đồng thực hiện Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng năm 2024

UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 714/QĐ-UBND về phương án phân bổ kinh phí hỗ trợ công tác mộ, nghĩa trang liệt sỹ thực hiện Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng năm 2024.

Huyện Mai Châu đa dạng nguồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát

Xóa nhà tạm, nhà dột nát (XNT, NDN) cho hộ nghèo là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm giúp người nghèo có điều kiện thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Tại huyện vùng cao Mai Châu, cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo để huy động nguồn lực nhằm hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách xây dựng mới và sửa chữa nhà ở, giúp họ có thêm niềm tin, động lực vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo ở địa phương.

Vụ nổ lò hơi tại Đồng Nai: Khẩn trương cấp cứu người bị nạn

Liên quan đến vụ tai nạn lao động xảy ra tại Công ty TNHH gỗ Bình Minh (ấp Vàm, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các đơn vị, địa phương khẩn trương cấp cứu người bị nạn, điều tra, làm rõ nguyên nhân.

Những chính sách nổi bật có hiệu lực trong tháng 5/2024

Trong tháng 5/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực, nổi bật là các chính sách liên quan đến đến công chức, viên chức, về giá điện, lĩnh vực giáo dục..

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục