(HBĐT) - Xã Vầy Nưa (Đà Bắc) có 6/8 xóm giáp lòng hồ sông Đà, trên 1.600 ha mặt nước, phần lớn các hộ dân lấy việc khai thác nguồn lợi thủy sản làm sinh kế chính. Có thời điểm tình trạng đánh bắt cá bằng xung kích điện trên địa bàn được xem là "vấn nạn”. Với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương, Vầy Nưa từng bước dẹp nạn đánh bắt cá bằng xung kích điện, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.


Được tuyên truyền, vận động, anh Bùi Văn Triệu, xóm Trà Ang, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) tự nguyện giao nộp bộ xung kích điện dùng để đánh bắt thủy sản.

"Vấn nạn” sử dụng xung kích điện hủy diệt nguồn lợi thủy sản

Theo đồng chí Bàn Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Vầy Nưa: Có thời điểm tình trạng đánh bắt cá bằng xung kích điện trên vùng lòng hồ thuộc địa bàn xã quản lý diễn ra phức tạp và nhức nhối. Nhiều trường hợp bất chấp các quy định của pháp luật và sự truy đuổi của lực lượng chức năng địa phương. Thậm chí, chỉ vì tham cái lợi nhỏ trước mắt mà nhiều người phải bỏ mạng vì điện giật khi đánh bắt cá bằng xung kích điện. Như trường hợp của Bùi Văn A. (SN 1996), Đinh Công N. (SN 1976), Đinh Công Q. (SN 1990) ở xóm Săng Bờ, Nguyễn Văn Ch. (SN 1997) ở xóm Nưa bị điện giật chết khi đánh bắt cá bằng xung kích điện.

Đáng nói, vào thời điểm cao nhất ở hầu hết các xóm giáp vùng lòng hồ sông Đà của xã đều có người sử dụng xung kích điện để đánh bắt cá, tập trung chủ yếu ở xóm Săng Bờ, chiếm khoảng 80% số hộ có dụng cụ đánh bắt cá bằng xung kích điện của xã Vầy Nưa, nhiều hộ có 2 - 3 bộ. Xã đã đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của việc đánh bắt cá bằng xung kích điện, triển khai quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn hành vi đánh bắt cá theo phương thức hủy diệt này. Tuy nhiên, một bộ phận người dân chưa có ý thức chấp hành, bất chấp quy định pháp luật vẫn đánh bắt cá bằng xung kích điện.

Chuyển biến từ nhận thức đến hành động

Để giải quyết tình trạng nhức nhối này, cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền, vận động, giáo dục, như tuyên truyền về tác hại của việc dùng xung kích điện, thuốc nổ và các chất cấm để khai thác thuỷ sản; quy định của pháp luật về xử lý vi phạm trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản theo Nghị định số 103/2013/NĐ-CP. Bên cạnh đó, các ngành chức năng địa phương, nhất là lực lượng Công an xã tích cực vận động người dân tự nguyện giao nộp thiết bị xung kích điện; tổ chức ký cam kết chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về hoạt động thuỷ sản, không khai thác, đánh bắt thuỷ sản bằng xung kích điện, chất nổ, chất độc và các phương pháp có tính huỷ diệt ảnh hưởng đến nguồn lợi thuỷ sản trên vùng lòng hồ sông Đà. Nhờ đó, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của đại bộ phận người dân có chuyển biến tích cực. Nhiều người sau khi được vận động tự nguyện giao nộp bộ xung kích điện. Từ năm 2018 - 2022, Công an xã đã vận động thu hồi trên 30 bộ xung kích điện. Mới đây, thông qua công tác tuyên truyền, vận động của Công an xã, các anh Bùi Văn Triệu, Xa Văn Nhất, xóm Trà Ang đã tự nguyện giao nộp 2 bộ xung kích điện.

Anh Bùi Văn Triệu cho biết: Thời gian trước do điều kiện khó khăn, thêm nữa việc đánh bắt cá bằng các ngư cụ truyền thống không hiệu quả. Thấy việc đánh bắt cá bằng xung kích điện dễ dàng hơn nên tôi mua 1 bộ để đánh bắt cá trên lòng hồ. Sau khi được tuyên truyền, nhất là nhận thấy việc đánh bắt cá theo hình thức này rất nguy hiểm, nhiều trường hợp bị chết vì điện giật nên tôi không đánh bắt nữa. Vừa rồi được cán bộ Công an xã tuyên truyền, vận động, tôi tự nguyện giao nộp bộ xung kích điện.

Theo Trung tá Xa Quang Thực, Trưởng Công an xã Vầy Nưa, nguyên nhân của tình trạng này là do việc đánh bắt cá bằng lưới hiệu quả không cao. Một bộ phận người dân có tâm lý "ăn xổi”, muốn đánh bắt được nhiều cá nhưng không tốn công sức. Công an xã đã xây dựng kế hoạch, tham mưu UBND xã triển khai các biện pháp tuyên truyền, vận động người dân nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật; tổ chức cho 100% hộ dân ở các xóm tiếp giáp với lòng hồ ký cam kết không sử dụng xung kích điện để đánh bắt thủy sản. Trong năm 2022 và tháng đầu năm 2023, Công an xã tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch tổng kiểm tra, mở đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK, VLN, CCHT) và xung kích điện. Từ năm 2022 đến tháng 2/2023, Công an xã phát hiện, thu 2 khẩu súng hơi tự chế (súng CPC); vận động nhân dân giao nộp 5 khẩu súng các loại (2 súng cồn, 3 súng CPC), 2 xung kích điện. Ngoài ra, phối hợp tổ chức 9 buổi tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý VK, VLN, CCHT và xung kích điện cho gần 2.000 lượt người tham gia, góp phần ổn định an ninh, trật tự.

Từ việc phát huy tốt vai trò của các tổ tự quản, tổ an ninh tại cơ sở, nhất là làm tốt phong trào Toàn dân tham gia đấu tranh, phòng ngừa, tố giác tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật nên đến thời điểm này, "vấn nạn” đánh bắt cá bằng xung kích điện trên vùng lòng hồ thuộc địa bàn xã quản lý cơ bản được giải quyết, nguồn lợi thủy sản được phục hồi và bảo vệ - Trung tá Xa Quang Thực chia sẻ thêm.


Mạnh Hùng


Các tin khác


Phát hiện 1 quả đạn pháo chưa nổ tồn sót sau chiến tranh ở lòng sông Đà

Công an thành phố Hòa Bình cho biết, Công an phường Thịnh Lang vừa tiếp nhận 1 quả đạn pháo là vật liệu nổ nguy hiểm tồn sót sau chiến tranh do người dân phát hiện tại khu vực bờ sông Đà thuộc phường Thịnh Lang (thành phố Hòa Bình).

Phân bổ 13,5 tỷ đồng thực hiện Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng năm 2024

UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 714/QĐ-UBND về phương án phân bổ kinh phí hỗ trợ công tác mộ, nghĩa trang liệt sỹ thực hiện Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng năm 2024.

Huyện Mai Châu đa dạng nguồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát

Xóa nhà tạm, nhà dột nát (XNT, NDN) cho hộ nghèo là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm giúp người nghèo có điều kiện thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Tại huyện vùng cao Mai Châu, cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo để huy động nguồn lực nhằm hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách xây dựng mới và sửa chữa nhà ở, giúp họ có thêm niềm tin, động lực vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo ở địa phương.

Vụ nổ lò hơi tại Đồng Nai: Khẩn trương cấp cứu người bị nạn

Liên quan đến vụ tai nạn lao động xảy ra tại Công ty TNHH gỗ Bình Minh (ấp Vàm, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các đơn vị, địa phương khẩn trương cấp cứu người bị nạn, điều tra, làm rõ nguyên nhân.

Những chính sách nổi bật có hiệu lực trong tháng 5/2024

Trong tháng 5/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực, nổi bật là các chính sách liên quan đến đến công chức, viên chức, về giá điện, lĩnh vực giáo dục..

Những mái nhà ấm tình đại đoàn kết

Thời gian qua, phong trào xây nhà "Đại đoàn kết” cho hộ nghèo do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát động được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội đồng tình hưởng ứng. Từ nguồn Quỹ Vì người nghèo, hàng nghìn ngôi nhà Đại đoàn kết ấm tình người được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa, bàn giao cho hộ nghèo, giúp họ "an cư, lạc nghiệp", có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục