(HBĐT) - Theo chân Đại úy Bùi Văn Hoàn – Trưởng Công an xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc, chúng tôi có mặt tại xóm Tra, xã Toàn Sơn. Đây là địa phương có đông người dân tộc Dao sinh sống. Thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng, Nhà nước, đời sống của bà con người Dao nơi đây cải thiện rõ rệt, nhiều gia đình có nhà cửa khang trang, hiện đại, nhiều ô tô, xe máy.. phục vụ nhu cầu thiết yếu của bà con. Để có thành quả ngày nay là công lao của biết bao thế hệ người Dao và cả những người tha hương chọn mảnh đất vùng cao này để an cư, lập nghiệp.
Nhiều gia đình người Dao có kinh tế khá giả nhờ chăm chỉ lao động.
Vừa nhâm nhi chén trà nóng, già Bàn Văn Hương - nguyên Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Toàn Sơn chia sẻ: Tính cách người Dao hiền lành, giản dị, thẳng thắn, chân thật. Trong quá khứ hay hiện tại, thế hệ người Dao sống theo phương châm: Người Dao không lấy của ai cái gì và cũng không để người khác lấy cái gì của mình. Những phong tục, tập quán truyền khẩu từ nhiều thế hệ nhắc nhở con cháu phải biết trân trọng và giữ gìn bản sắc truyền thống của dân tộc. Từ bao đời nay, người Dao vẫn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc như: lễ hội cấp sắc, cơm mới, Tết nhảy, cầu mùa.. Điều đó giúp cho tình làng, nghĩa xóm được gắn kết, người dân đồng thuận tin tưởng vào Đảng, vào Chính phủ chung tay xây dựng nông thôn mới. Thế nhưng, điều đó không đồng nghĩa với việc xóm Phủ không có những mâu mắc, phức tạp. Theo già Hương, do dân trí thấp, nhận thức không đồng đều, nếu giải quyết không thấu tình, đạt lý sẽ khó thuyết phục nhân dân, thậm trí gây mất đoàn kết dẫn tới phức tạp.
Nhắc lại câu chuyện mâu thuẫn giữa 2 gia đình người Dao trong xóm, bằng uy tín và trách nhiệm, già Hương đã hỗ trợ chính quyền đã hòa giải thành công, thắt chặt tình làng, nghĩa xóm. Trước đây, hộ gia đình ông Đặng Văn Th và Triệu Văn T mâu mắc khá gay gắt trong việc phân chia đất canh tác. Chuyện là, khu đất rừng này không có sổ đỏ mà do người dân sinh sống lâu đời rồi mặc nhiên thành đất của gia đình. Do vậy, việc phân định ranh giới gặp nhiều khó khăn, phức tạp dẫn tới xung đột bởi hộ nào cũng cho rằng đất của mình. Cũng chỉ vì vài mét đất mà 2 gia đình nhiều lần có lời qua tiếng lại, thậm trí "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, ảnh hưởng đến truyền thống tốt đẹp của bản Dao. Nắm bắt được tình hình đó, già Bàn Văn Hương đã tới từng gia đình để gặp gỡ, khuyên giải bằng lời lẽ gần gũi chân tình song khá cương quyết. Già Hương bảo, nếu không giải quyết được, chính quyền địa phương vào cuộc phát hiện đất không có sổ đỏ thu hồi thì sẽ mất trắng. Nhà nước tạo điều kiện cho các hộ dân có đất canh tác, phát triển sản xuất thì người dân phải chung tay cải tạo đất để có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Sự kiên trì, trách nhiệm của già Hương dần có kết quả, 2 gia đình dần hiểu ra sự việc, bắt tay hoà giải trở nên thân thiết hơn xưa.
Từ xóm Tra, chúng tôi men theo sườn đồi ngược lên xóm Phủ, xã Toàn Sơn. Trưởng Công an xã Bùi Văn Hoàn tiết lộ sẽ giới thiệu về một già làng thuần thục chữ người Dao, có tiếng nói quyết định các công việc hệ trọng của xóm, làng. Thấy chúng tôi, già Đặng Tiến Bình niềm nở tiếp đón, dẫn chúng tôi thăm nhà. Căn nhà được xây khá lâu song vẫn giữ được những đặc trưng của người Dao. Nằm cạnh dòng sông Đà nên khí hậu mát mẻ, cây cối tươi tốt, vì lẽ đó mà ở tuổi xưa nay hiếm già Bình vẫn hoạt bát, minh mẫn. Điều đó càng đáng quý hơn khi già mang những kinh nghiệm, vốn sống của mình truyền dạy cho con cháu, giúp họ nhận ra điều hay lẽ phải, những điều nên làm và không nên làm theo phong tục truyền thống của người Dao.
Già Bình kể rằng: "Theo truyền thống người Dao từ xa xưa, một người con trai chỉ lấy 1 người con gái. Trong gia đình, ông cha thế nào thì dạy con cháu thế ấy. Trong sách cổ đã dạy, không ai được vi phạm điều cấm. Anh hút thuốc phiện là giết bản thân anh, gia đình, dòng họ anh và ảnh hưởng đến làng xóm. Từ đó đến nay, chúng tôi kiên trì, giáo dục con cháu mình, không để chúng mắc phải các thói hư, tật xấu của xã hội. Nếu vi phạm, chúng tôi kiên quyết khai trừ khỏi dòng họ, dòng tộc. Như vậy, việc làm của anh đã ảnh hưởng tới gia đình và người thân, trở thành nỗi đau của dòng họ. Chính vì vậy, mỗi gia đình đều tăng cường quản lý con em mình, không để thua thiệt với các gia đình khác.
Đời sống của con người nơi đây bị bủa vây bởi những khó khăn, cám dỗ bên ngoài tác động làm ảnh hưởng đến giới trẻ. Những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế chưa tới nhưng những mặt trái của cuộc sống xã hội đã tìm được đường tới nơi rồi. Già Bình cho biết: người Dao vốn tính thật thà, chất phát, luôn chịu thương chịu khó và chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Trước đây, mỗi khi nhắc tới Công an người dân sợ lắm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do thiếu sự giáo dục của gia đình, xã hội, bọn trẻ không còn giữ được bản chất tốt đẹp của dân tộc Dao nên các hành vi thiếu chuẩn mực, vi phạm pháp luật ngày càng diễn ra nhiều, thanh niên sống buông thả, ham chơi, lười lao động, bị kẻ xấu dụ dỗ, xúi giục làm phát sinh tội phạm và tệ nạn xã hội, có cả người nghiện ma tuý. Điều đó khiến già Bình rất buồn, già thấy trách nhiệm của mình giúp bọn trẻ định hướng lối sống, đạo đức, tránh xa các tệ nạn xã hội và ma tuý.
Theo phong tục truyền thống, trước đây, gia đình nào có việc cưới, việc tang đều tổ chức linh đình cả tuần, phải mổ trâu bò, lợn, gà mời cả bản, cả dòng họ. Gia đình chú rể phải có cả trăm lít rượu mới lấy được vợ… thì nay việc cưới xin, ma chay đã được cải thiện rất nhiều. Như người chết không được để trong nhà quá 3 ngày, uống rượu phải hạn chế, không được uống say, nếu vi phạm phải chịu các hình phạt nghiêm khắc của dòng họ. Cùng với việc giáo dục, người Dao duy trì các phong tục truyền thống như: "Múa chuông”, "Tết nhảy”, "lễ cấp sắc”, "Tết cơm mới”.. tạo không khí vui tươi, phấn khởi, động viên bà con nhân dân hăng hái lao động, sản xuất, cầu cho mùa màng tốt tươi. Giáo dục con cháu nâng cao ý thức tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội và xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, xây dựng cuộc sống mới. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, 80% hộ dân trong xóm đã được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trên 90% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia. Người dân cùng chung tay với chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới, tự nguyện hiến đất làm đường, xây dựng các công trình phúc lợi.
Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước mà cơ sở vật chất của các bản làng người Dao có nhiều khởi sắc, diện mạo nông thôn vùng cao chuyển biến tích cực. Nhiều gia đình đã xây dựng nhà cửa kiên cố, có đầy đủ vật dụng thiết yếu như: tivi, xe máy, điện thoại di động.., thậm trí mua cả ôtô để đi lại. 100% các em học sinh đều được tới trường, tình trạng bỏ học đã giảm hẳn.Nhiều con em người Dao thi đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng chuyên nghiệp. Sau khi học xong đã trở về phục vụ quê hương, giữ các trọng trách cao trong hệ thống chính quyền cơ sở. Chia tay bà con người Dao thân thiện khi trời đã xế chiều, ánh nắng le lói vàng óng giữa đại ngàn. Xa xa là những thửa ruộng bậc thang trải rộng, những nếp nhà sàn nằm lưng chừng núi, khói chiều đã bắt đầu lan tỏa.
NHƯ HÙNG
(Công an tỉnh)