(HBĐT) - Công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng trong dịp hè là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp bộ Đoàn, Đội trên địa bàn tỉnh quan tâm với nhiều hoạt động thiết thực hướng về trẻ em. Đặc biệt, năm nay các hoạt động được triển khai gắn với hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em với chủ đề "Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”. Theo đó, tuổi trẻ Hòa Bình phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, đổi mới, đa dạng hóa các phương thức hoạt động hè thiết thực, hiệu quả, an toàn, có tính lan tỏa rộng rãi tới thanh, thiếu nhi (TTN).
Đồng chí Nguyễn Duy Tư, Phó Bí thư phụ trách Tỉnh Đoàn cho biết: Bám sát sự chỉ đạo của T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư, ngày 24/5/2023, Tỉnh Đoàn có kế hoạch cụ thể, chi tiết và chỉ đạo 100% Đoàn thanh niên các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn tổ chức hoạt động hè cho TTN trên địa bàn dân cư; tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đội cho đội ngũ cán bộ Đoàn, Đội. Cùng với đó, công tác bàn giao học sinh về sinh hoạt hè được Tỉnh Đoàn, Hội đồng Đội tỉnh chỉ đạo các Liên đội trường học, cơ sở Đoàn - Đội xã, phường, thị trấn chuẩn bị chu đáo đón TTN về tham gia sinh hoạt hè.
Thời gian tổ chức các hoạt động hè diễn ra từ ngày 27/5 - 31/8, trong đó có 2 chương trình lớn được tổ chức ra quân hưởng ứng là chương trình khai mạc hè và Ngày cao điểm chiến sĩ tình nguyện "Vì đàn em thân yêu”. Chương trình khai mạc các hoạt động hè - vui Tết Thiếu nhi 1/6, hưởng ứng "Tháng hành động vì trẻ em năm 2023” cấp tỉnh được tổ chức vào ngày 1/6 do Tỉnh Đoàn, Thành Đoàn, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh phối hợp tổ chức. Sau đó, các huyện, thành phố đều tổ chức chương trình khai mạc hè. Tiếp đó, ngày 11/6, tại UBND xã Đa Phúc (Yên Thủy), Tỉnh Đoàn, Hội đồng Đội tỉnh phối hợp với Huyện Đoàn Yên Thủy tổ chức chương trình Ngày hoạt động cao điểm chiến sỹ tình nguyện "Vì đàn em thân yêu” quy mô điểm cấp tỉnh. Đồng thời các Huyện Đoàn, Thành Đoàn cũng tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng chương trình.
Theo kế hoach, tổ chức Đoàn các cấp sẽ hỗ trợ ít nhất 1.500 thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức 100 hoạt động tuyên truyền về phòng, chống đuối nước, tai nạn thương tích, phòng, chống xâm hại trẻ em; tổ chức 100 hoạt động tuyên truyền về Luật Trẻ em, các chính sách pháp luật liên quan đến trẻ em; tổ chức tối thiểu 10 trại hè, trại kỹ năng, 50 lớp năng khiếu, 50 lớp dạy bơi miễn phí dành cho thiếu nhi; bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ chỉ huy Đội; vận động, trao tặng 1 bể bơi di động, bể bơi cố định; xây mới và trao tặng 4 "Nhà khăn quàng đỏ” cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn…
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Đoàn phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) cho biết: Một trong những điểm mới trong chương trình sinh hoạt hè cho thiếu niên, nhi đồng của phường là các em được học về kỹ năng sống. Thay vì những buổi sinh hoạt chỉ tập nghi thức Đội thì những bạn nhỏ lại được học kỹ năng phòng, chống đuối nước, chống xâm hại trẻ em, tham gia giao thông an toàn, phòng tránh tai nạn thương tích; tổ chức các trò chơi dân gian… Các em rất hào hứng tham gia. Năm nay, toàn phường tiếp nhận khoảng 2.500 TTN về sinh hoạt trong dịp hè.
Cháu Nguyễn Thanh Minh, phường Hữu Nghị cho biết: Cháu được sinh hoạt hè 3 năm rồi. Năm nay, chúng cháu được trải nghiệm nhiều hoạt động mới như trò chơi dân gian, học về kỹ năng sống và tham gia hỗ trợ người dân cài đặt mã số định danh… Cháu thấy rất vui khi được tham gia các hoạt động bổ ích. Các bạn tham gia rất đông và ai cũng thích thú vì được trải nghiệm mùa hè ý nghĩa.
Tăng cường phối hợp để tăng hiệu quả hoạt động
Đó là giải pháp thiết thực mà tổ chức Đoàn thực hiện để tăng tính hiệu quả của hoạt động. Các cấp bộ Đoàn, Đội đã chủ động phối hợp với các ngành có liên quan tại địa phương triển khai tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; tuyên truyền về hoạt động hè do tổ chức Đoàn, Hội, Đội các cấp tổ chức, nhất là các hoạt động trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2023…
Lớp học kỹ năng bơi cho trẻ em trong dịp hè tại Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh.
Ngoài ra, các cấp bộ Đoàn tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng của trẻ em, gia đình, cộng đồng về tham gia không gian mạng an toàn; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, đuối nước, tai nạn giao thông; thông báo, tố giác các hành vi xâm hại, bạo lực, bóc lột sức lao động trẻ em. Tuyên truyền tới khu dân cư, gia đình có trẻ em về các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp để bảo vệ trẻ em kịp thời, hiệu quả, nhất là phòng, chống xâm hại tình dục và bạo lực trẻ em...
Đến nay, tổ chức Đoàn đã phối hợp với ngành GD&ĐT, LĐ-TB&XH, chính quyền địa phương thực hiện công tác tiếp nhận, quản lý, tổ chức sinh hoạt hè cho thiếu nhi tại địa bàn dân cư. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn phối hợp với ngành Công an triển khai Kế hoạch của Bộ Công an về việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em của lực lượng công an nhân dân giai đoạn 2023-2030; phối hợp với ngành VH-TT&DL tổ chức các hoạt động hưởng ứng phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước và kiểm tra, rà soát việc xây dựng, bảo dưỡng hệ thống bể bơi tại các thiết chế TDTT ở địa phương; đề xuất các cơ sở dịch vụ thể thao, du lịch có bể bơi hỗ trợ các lớp dạy bơi an toàn cho thiếu nhi.
Hiện, tại các địa phương, Đoàn thanh niên đã phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, lối sống, vui chơi, giải trí, bồi dưỡng năng khiếu văn hóa, nghệ thuật, TDTT; các hoạt động trải nghiệm, nâng cao năng lực ngoại ngữ dành cho thiếu nhi; đầu tư tổ chức các chương trình trải nghiệm, trại hè, chương trình giáo dục kỹ năng cho thiếu nhi như: "Hành trình đi để biết, học để sống”, "Kỳ hè phiêu lưu ký, học làm người nông dân”… Chủ động kết nối các đội hình thanh niên, sinh viên tình nguyện tại địa phương hỗ trợ các em thiếu nhi ôn bài, học tập, tổ chức các hoạt động rèn luyện kỹ năng, sân chơi mang tính giáo dục cao.
Đặc biệt, tổ chức các hoạt động trang bị kỹ năng an toàn, tự bảo vệ và kỹ năng thoát hiểm khi gặp tình huống khẩn cấp; kỹ năng an toàn trên môi trường mạng, ATGT cho thiếu nhi; thành lập, phát huy hiệu quả vai trò của các đội hình thanh niên tình nguyện tại chỗ trên địa bàn dân cư thông qua việc triển khai các hoạt động kiểm tra, rà soát, cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các khu vực có nguy cơ cao dẫn đến đuối nước, tai nạn thương tích cho trẻ em; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn bố, mẹ, người chăm sóc trẻ em kiến thức, kỹ năng trong phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước…
Tổ chức Đoàn cũng chú trọng phát huy vai trò của Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh; phối hợp với Trung tâm VH-TT&TT các địa phương trong hỗ trợ các cơ sở đoàn tại địa bàn dân cư tổ chức hoạt động hè cho thiếu nhi; vận động nguồn lực xã hội hóa tổ chức các hoạt động chăm lo, hỗ trợ thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, thiếu nhi là con thanh niên công nhân, thiếu nhi trong các mái ấm, trung tâm bảo trợ trẻ em, thiếu nhi mồ côi do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; vận động nguồn lực xây dựng các điểm sinh hoạt, vui chơi cho thiếu nhi như các công trình: "Nhà vệ sinh cho em”, "Không gian đọc sách, tương tác và sinh hoạt Đội”, nhà "Khăn quàng đỏ”; tham mưu tổ chức các hoạt động để lãnh đạo địa phương gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của trẻ em; tổ chức các chương trình tuyên dương thiếu nhi có thành tích tiêu biểu trong các phong trào thi đua của tổ chức Đội.
Cộng đồng trách nhiệm trước "bài toán” thiếu sân chơi cho thanh thiếu nhi
Sự nỗ lực của các cấp bộ Đoàn, Đội trong việc tạo sân chơi cho trẻ em, nhất là trong dịp hè là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, không phải tất cả trẻ em đều được thụ hưởng các chương trình, hoạt động ý nghĩa. Bên cạnh đó, điểm vui chơi, sinh hoạt hè hay không gian dành riêng cho trẻ em rất thiếu. Học sinh nghỉ hè, tìm chỗ cho các em vui chơi, sinh hoạt không phải địa phương nào cũng có.
Là phụ huynh của 2 con nhỏ, chị Nguyễn Thị Hạnh, tổ 8, phường Tân Hòa (TP Hòa Bình) khá lo lắng bởi trong những ngày hè này không biết gửi con ở đâu, trong khi công việc không thể nghỉ. Mỗi khi đi làm chị chỉ biết dặn các con phải cẩn thận khi tự chơi và dù không muốn, gia đình chị vẫn phải đăng ký các lớp học thêm cho con như một hình thức gửi trẻ. Tuy nhiên, khi tham gia các lớp cũng phải dành thời gian đưa đón và các lớp cũng chỉ học 2h, thời gian còn lại con chị chủ yếu ở nhà, xem ti vi và tham gia các lớp học bồi dưỡng kiến thức online.
Bên cạnh việc thiếu sân chơi cho trẻ dẫn đến hoạt động hè một số nơi mang tính hình thức. Mùa hè cũng là thời điểm nắng nóng, trẻ em thường thích vui chơi tại các ao, hồ, sông, suối để bơi lội, nghịch nước, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn… Chính bởi vậy, việc tổ chức các khóa học bơi cho trẻ là một trong những hoạt động được nhiều bậc phụ huynh ủng hộ. Tuy nhiên, do hạn chế về cơ sở vật chất nên hoạt động này chưa thực sự hiệu quả. Số lượng bể bơi trên địa bàn hạn chế nên các cơ sở đoàn không tổ chức được nhiều lớp dạy bơi cho trẻ em. Công tác tuyên truyền phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích được triển khai tại tất cả các xã, thị trấn, song hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn. Năng lực cán bộ, việc tổ chức các hoạt động Đoàn, Đội tại một số nơi còn hạn chế dẫn đến sân chơi cho trẻ em chưa thực sự phong phú.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sân chơi giải trí, rèn luyện cho thiếu nhi còn khó khăn không chỉ ở nông thôn mà cả thành thị. Đội ngũ cán bộ phụ trách thiếu kỹ năng, chưa chủ động thích ứng với tình hình mới, nội dung hoạt động còn thiếu chiều sâu, chưa mang tính bền vững. Cơ sở vật chất phục vụ tổ chức các hoạt động cho TTN còn hạn chế. Có nơi cán bộ phụ trách đội chưa phát huy vai trò trong việc phối hợp quản lý, chăm sóc, giáo dục thiếu nhi trên địa bàn dân cư.
Đồng chí Nguyễn Duy Tư, Phó Bí thư phụ trách Tỉnh Đoàn cho biết thêm: Từ thực tế ở các địa phương, để xây dựng được điểm vui chơi hoàn chỉnh cho TTN, bên cạnh sự tiên phong của tổ chức Đoàn, rất cần sự chung tay của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân. Khi người dân chủ động tham gia đóng góp, ủng hộ thì chắc chắn sẽ nâng cao ý thức bảo vệ, giữ gìn và phát huy hiệu quả công năng của điểm vui chơi nhằm nâng cao chất lượng đời sống cho trẻ em. Chính vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của tổ chức Đoàn, Đội, rất cần sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự chung tay của gia đình, nhà trường và cả cộng đồng để trẻ em thực sự được sống trong một môi trường an toàn, lành mạnh, mà trước mắt là có một mùa hè 2023 vui tươi, ý nghĩa.
Hồng Duyên
NHÓM Ý KIẾN
Trang bị kỹ năng sống, giúp trẻ có mùa hè bổ ích, ý nghĩa
Dương Đức Anh, Bí thư Thành Đoàn Hòa Bình
Thành phố Hòa Bình là địa bàn đông thanh thiếu nhi (TTN). Dịp hè cũng
là thời điểm tổ chức Đoàn thanh niên thành phố phải nỗ lực cao độ nhất để thực
hiện hiệu quả kế hoạch, chương trình tổ chức sinh hoạt hè cho TTN.
Chính vì vậy, ngay trong những ngày đầu hè, Thành Đoàn đã chỉ đạo
Đoàn thanh niên các phường, xã đồng loạt tổ chức các hoạt động hè, Tháng hành
động vì trẻ em, vui Tết Thiếu nhi năm 2023, thu hút đông đảo các bạn nhỏ tham
gia. Tại chương trình, các em được tham gia nhiều hoạt động đặc sắc như: múa,
hát, chơi trò chơi, hội trại, đá bóng, trình diễn thời trang… tạo không khí
sôi động, vui tươi. Bên cạnh đó là các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, trao tặng
học bổng, nhận đỡ đầu, chăm lo, hỗ trợ thiếu niên, nhi đồng.
Đặc biệt, Thành Đoàn chỉ đạo các cơ sở Đoàn làm tốt công tác xã hội
hóa, vận động nguồn lực để tổ chức các hoạt động hè cho thiếu nhi, hỗ trợ thiếu
nhi hoàn cảnh khó khăn. Đẩy mạnh các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ
năng, vui chơi, giải trí, các chương trình trải nghiệm cho thiếu nhi, bảo đảm
thiết thực, hiệu quả, có tính lan tỏa sâu rộng.
Vận động nguồn lực xã hội chăm lo, hỗ trợ thanh thiếu nhi
Bùi Thế Nhâm, Trưởng Ban Thanh thiếu nhi trường học (Tỉnh Đoàn)
Nơi nào có sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành thì nơi
đó hoạt động, sinh hoạt hè sẽ mạnh. Đó là minh chứng từ thực tế trong nhiều
năm qua. Chính vì vậy, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh luôn nỗ lực đồng hành cùng
địa phương trong vận động nguồn lực xã hội hóa tổ chức các hoạt động chăm lo,
hỗ trợ thiếu nhi. Trong đó chú trọng đến lực lượng TTN hoàn cảnh khó khăn,
thiếu nhi là con thanh niên công nhân, thiếu nhi trong các mái ấm, trung tâm
bảo trợ trẻ em, thiếu nhi mồ côi do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; vận động nguồn
lực xây dựng các điểm sinh hoạt, vui chơi cho thiếu nhi như các công trình:
"Nhà vệ sinh cho em”, "Không gian đọc sách, tương tác và sinh hoạt Đội”, nhà
"Khăn quàng đỏ”; tham mưu tổ chức các hoạt động để lãnh đạo địa phương gặp gỡ,
đối thoại, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của trẻ em. Đặc biệt quan tâm tổ chức
các chương trình tuyên dương các thiếu nhi có thành tích tiêu biểu trong các
phong trào thi đua của tổ chức Đội Thiếu niên Tiền Phong Hồ Chí Minh…
|