(HBĐT) - Đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong do tai nạn thương tích (TNTT) ở trẻ em. Bởi vậy, công tác phòng, chống TNTT, nhất là tai nạn đuối nước luôn được các cấp, các ngành chức năng trong tỉnh quan tâm bằng nhiều hoạt động thiết thực.
Trẻ em vô tư tắm, vui chơi tại khu vực bến Thịnh Minh thuộc phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình). Ảnh chụp ngày 4/7/2023.
Vẫn chủ quan, lơ là
Ghi nhận vào chiều 4/7, tại khu vực bến Thịnh Minh thuộc phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình), nhiều người dân, khoảng trên 50% là trẻ em vô tư tắm mát, bơi lội, đùa nghịch dưới dòng sông Đà. Đa phần người dân có ý thức mặc áo phao, tuy nhiên một số trẻ em vui chơi ở khu vực gần bờ không mặc áo phao. Có trường hợp trẻ không mặc áo phao tự do vui chơi dưới nước, còn phụ huynh ngồi trên bờ quan sát. Trường hợp này tưởng như khá an toàn nhưng nếu có tình huống nguy hiểm bất ngờ xảy ra, người lớn liệu có kịp thời xử lý để đảm bảo an toàn cho con em mình?
Đáng nói, cũng tại bến Thịnh Minh, ở khu vực cách đó không xa, vào năm 2019 xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 8 học sinh tử vong. Mặc dù chính quyền địa phương đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm, khu vực nước sâu cấm tắm nhưng không ít người dân vẫn chủ quan.
Gần đây nhất, vào khoảng 17g30 ngày 7/7, một nhóm gồm 7 người tắm sông Đà, đoạn qua khu vực tổ 7, phường Thịnh Lang đã xảy ra vụ đuối nước làm 1 người tử vong. Nạn nhân là Đỗ Hoàng M. (SN 2006), hiện đang là học sinh lớp 11, trường THPT Công Nghiệp.
UBND phường Thịnh Lang đã ban hành Thông báo số 41/TB-UBND, ngày 5/4/2023 về việc phòng, chống đuối nước trên địa bàn phường và các phường lân cận. Đồng thời, tổ chức nhiều cuộc ra quân tuyên truyền, vận động người dân không tắm sông, cắm biển cảnh báo dọc bờ sông. Tuy nhiên có không ít người dân chưa chấp hành, dẫn đến các vụ tử vong do đuối nước vẫn còn xảy ra.
Thực tế dễ dàng nhận thấy điểm chung của các vụ việc trẻ em bị đuối nước là nạn nhân chơi ở những địa điểm không được cho phép, không có sự theo dõi, giám sát của người lớn. Từ đó có thể thấy rằng, gia đình, những người chăm sóc trẻ có vai trò quan trọng trong việc phòng tránh đuối nước, đảm bảo an toàn cho trẻ. Người lớn cần xác định những yếu tố nguy cơ gây nguy hiểm để cảnh báo trẻ. Song song với đó là trang bị cho trẻ kiến thức, kỹ năng an toàn, tự bảo vệ bản thân. Đặc biệt khi còn nhỏ phải luôn giám sát, quản lý chặt chẽ.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, tính từ đầu năm 2023 đến ngày 15/6, toàn tỉnh xảy ra 13 vụ việc, 15 trẻ em bị TNTT (13 trẻ tử vong, 2 trẻ bị thương tích nặng). Trong đó, 3 vụ tai nạn giao thông làm 3 trẻ tử vong (huyện Lạc Sơn, TP Hòa Bình); 7 vụ đuối nước làm 9 trẻ tử vong (huyện Lạc Sơn, Đà Bắc, Tân Lạc, TP Hòa Bình); 1 vụ bị động vật cắn làm 1 trẻ tử vong tại huyện Lạc Sơn; 1 trẻ bị ngã cây tại huyện Đà Bắc và 1 trẻ bị bạo lực tại xã Thịnh Minh (TP Hòa Bình) đều bị thương tích nặng.
Trách nhiệm không của riêng ai
Trẻ em là những chủ nhân tương lai của đất nước, bởi vậy bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của gia đình và toàn xã hội. Hàng năm, tỉnh đều ban hành các văn bản về phòng, chống TNTT cho trẻ em. Tại Văn bản số 921/UBND-KTN, ngày 20/6/2023 của UBND tỉnh về việc triển khai các biện pháp phòng ngừa tai nạn đuối nước cho trẻ em trên địa bàn tỉnh năm 2023, UBND tỉnh yêu cầu: UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống đuối nước (PCĐN) trẻ em. Sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường phối hợp chính quyền địa phương và gia đình học sinh quản lý con em trong thời gian nghỉ hè, đảm bảo an toàn không để xảy ra các rủi ro đáng tiếc. Tỉnh Đoàn lồng ghép nội dung PCĐN cho trẻ em vào các chương trình hoạt động hè năm 2023 để nâng cao nhận thức của phụ huynh, học sinh về rủi ro đuối nước…
Năm 2023, Sở LĐ-TB&XH cũng ban hành nhiều văn bản về phòng, chống TNTT cho trẻ em, đồng thời ký kết kế hoạch phối hợp liên ngành về PCĐN trẻ em giai đoạn 2023 -2030. Các đơn vị, địa phương tổ chức, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Phát động chương trình PCĐN trẻ em năm 2023 tại huyện Lạc Thủy; Sở LĐ-TB&XH phối hợp tổ chức 2 lớp truyền thông nâng cao nhận thức, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng phòng ngừa, xâm hại tình dục, bạo lực học đường, phòng chống TNTT cho trẻ em tại xã Đồng Chum (Đà Bắc) và xã Chí Đạo (Lạc Sơn); các huyện, xã, phường, thị trấn tổ chức nhiều lớp dạy bơi miễn phí trong dịp hè cho trẻ em…
Đồng chí Nguyễn Thị Linh Ngọc, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Mặc dù luôn được các cấp, ngành quan tâm, song thực trạng trẻ em bị TNTT còn xảy ra, ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe, thể chất của trẻ, một số vụ việc gây tử vong cho trẻ. Trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tăng cường quản lý nhà nước của các cấp, ngành đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Nâng cao nhận thức của trẻ, gia đình và xã hội. Đây là những yếu tố ảnh hưởng tích cực đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, hướng tới mục tiêu mọi trẻ em đều được bình đẳng về cơ hội phát triển toàn diện trong môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện.
Linh Nhật