Tỉnh ta hiện có gần 226 nghìn trẻ em, chiếm trên 25% dân số. Những năm qua, mặc dù đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ cấp tỉnh đến cơ sở nhằm giảm tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước, thế nhưng tai nạn đuối nước vẫn xảy ra hàng năm. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các cấp, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em cần quyết liệt, thiết thực và hiệu quả hơn nữa.


Không ít người dân TP Hòa Bình, trong đó có cả trẻ em vô tư tắm sông Đà khi Công ty thủy điện Hòa Bình đang mở một số cửa xả đáy. Ảnh chụp tại sông Đà khu vực phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) chiều 27/7.


Đoàn Thanh niên, Công an thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn) phối hợp tuyên truyền kỹ năng phòng, chống đuối nước, tai nạn thương tích cho học sinh Trường TH&THCS Cửu Long.


Trẻ em tham gia lớp dạy bơi miễn phí do Sở LĐ-TB&XH tổ chức tại huyện Lạc Sơn.

Nhiều tai nạn thương tâm

Theo đồng chí Nguyễn Thị Linh Ngọc, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: "Từ đầu năm đến ngày 30/7, trên địa bàn tỉnh xảy ra 11 vụ, 14 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích đuối nước. Huyện Lạc Sơn, Kim Bôi là những địa bàn xảy ra nhiều trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước...”.

Năm 2023, tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn thương tích tăng so với năm 2022. Trong đó, có 23 trẻ tử vong do đuối nước (huyện Lạc Sơn 8 trẻ, Kim Bôi 2 trẻ, Lương Sơn 4 trẻ, huyện Tân Lạc, Yên Thủy và TP Hòa Bình mỗi địa bàn có 3 trẻ); 7 trẻ tử vong do tai nạn giao thông và 5 trẻ tử vong do những nguyên nhân khác. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có 15 trẻ em tử vong do đuối nước. Từ những số liệu trên cho thấy, đuối nước là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất ở trẻ em của tỉnh.

Đáng chú ý, tại huyện Lạc Sơn, chỉ trong ngày 13/6 ghi nhận đến 3 trẻ tử vong do đuối nước. Cụ thể, trưa 13/6, theo thông tin từ người dân xóm Tre Báng, xã Miền Đồi, có 2 trẻ rủ nhau đi tắm suối. Trong quá trình tắm suối, cháu B.V.T.Đ (SN 2009, trú tại xóm Thăn) bị đuối nước. Chính quyền và các lực lượng cứu nạn cùng nhân dân ra sức tìm kiếm, đến 13h45’ tìm thấy thi thể nạn nhân. Khoảng 16h cùng ngày, trên sông Bưởi thuộc địa phận xóm Be Trên, xã Chí Đạo, người dân phát hiện 2 trẻ B.T.T.L (SN 2012, trú tại xóm Vó, xã Quyết Thắng) và B.B.P (SN 2015, trú tại xóm Be Trên, xã Chí Đạo) cùng đi tắm sông rồi bị đuối nước. Sau đó người dân phát hiện và đưa đi cấp cứu, tuy nhiên 2 em đều tử vong.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em nhưng chủ yếu do sự thiếu quan tâm, lơ là, chủ quan của người lớn. Tuy vậy, ở một số vụ việc, mặc dù có sự giám sát của người lớn nhưng tai nạn đuối nước vẫn xảy ra với các em. Gần đây nhất, khoảng 18h ngày 21/7, cháu B.T.C.L (SN 2016, trú tại khu tái định cư xóm Tuổng Bãi, xã Mường Chiềng, huyện Đà Bắc) cùng bác là anh Bùi Văn Vương đi xe máy đến gần khu vực trường mầm non khu tái định cư thì bị dòng nước lũ cùng đất, đá bất ngờ cuốn trôi xe. Do nước lớn chảy xiết nên cháu C.L bị cuốn theo. Anh Vương nhanh chóng đuổi theo để cứu cháu nhưng bất thành. Ngay lập tức anh hô hoán người dân và báo chính quyền địa phương. Nhận được thông tin, UBND xã đã huy động cán bộ, nhân dân cùng tìm kiếm nạn nhân. Sau gần 1 giờ tìm thấy thi thể nạn nhân cách nơi gặp nạn khoảng 100m. Hay vụ việc khác xảy ra ngày 16/7, UBND xã Hùng Sơn (Kim Bôi) nhận được tin báo về việc cháu B.T.N (SN 2015, trú tại xóm Khả) đi ra vườn cùng bố mẹ tại khu vực đồng Bai Báng, xóm Hồi Trám không may ngã xuống suối và bị nước cuốn trôi. Đến 15h cùng ngày, thi thể nạn nhân được tìm thấy cách vị trí bị nạn khoảng 300m...

Những vụ việc trẻ em bị tai nạn đuối nước thương tâm đã cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ, để lại nỗi đau cho gia đình. Đây cũng là thực trạng đáng báo động với mỗi gia đình và xã hội về tình trạng đuối nước ở trẻ em.

Vẫn còn tâm lý chủ quan, lơ là

Từ các vụ việc xảy ra thương tâm, nhận thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nhưng chủ yếu do sự chủ quan, lơ là của các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ, chưa quản lý, giám sát chặt chẽ các em hoặc bận công việc, thiếu người trông coi, chăm sóc, để trẻ tự do vui chơi. Bên cạnh đó, trẻ em chưa biết bơi hoặc đã biết bơi nhưng còn thiếu kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống trong môi trường nước. Ngoài ra, Hòa Bình là tỉnh miền núi, nhiều sông, suối chia cắt cũng là môi trường sống tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn với trẻ nhỏ...

Những ngày qua, Công ty thủy điện Hòa Bình mở một số cửa xả đáy. Bởi vậy mực nước trên sông Đà không chỉ dâng cao mà còn kèm theo nhiều điểm nước xoáy, sóng và nước chảy xiết. Nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước luôn hiện hữu. Mặc dù chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn, nhưng không ít người dân vẫn bất chấp nguy hiểm tắm sông Đà.

Có mặt tại khu vực dọc đê Đà Giang thuộc phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) vào chiều 25/7, ghi nhận không ít người dân, trong đó có cả trẻ em vẫn vô tư tắm sông Đà dưới dòng nước chảy xiết.

Anh Bùi Tuấn Linh (phường Thịnh Lang) chia sẻ: "Tôi khá bức xúc với tình trạng người dân bất chấp nguy hiểm tắm sông Đà trong khi Công ty thủy điện Hòa Bình đang mở một số cửa xả lũ. Tuy người dân đã trang bị phao bơi, áo phao nhưng nguy cơ tai nạn đuối nước vẫn có thể xảy ra và không thể lường trước được. Trong khi chính quyền địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền; gắn nhiều biển vùng nước nguy hiểm cấm bơi lội; thậm chí, lực lượng chức năng phải đi cano để nhắc nhở người dân không được tắm sông... vậy mà khi lực lượng chức năng di chuyển sang khu vực khác, đâu lại vào đó”.

Cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa

Đồng chí Nguyễn Thị Linh Ngọc, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết thêm: "Để giảm thiểu tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước, những năm qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước ở trẻ em. Sở LĐ-TB&XH đã ký kết kế hoạch liên ngành với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan về công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Đồng thời, Ban điều hành công tác trẻ em ở 10 huyện, thành phố cũng triển khai nhiều giải pháp, cụ thể như: cắm biển cảnh báo nguy hiểm, làm rào chắn ở khu vực sông, suối, ao, hồ, những nơi tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho gia đình, cộng đồng dân cư về quan tâm, giám sát, quản lý trẻ em, nhất là trong kỳ nghỉ hè; các địa phương tổ chức nhiều lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn...”.

Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, sở, ban, ngành, đoàn thể từ cấp tỉnh đến cơ sở quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để trẻ được đảm bảo các quyền cơ bản, được chăm sóc, học tập, vui chơi, giải trí lành mạnh. Với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình bảo vệ trẻ em tỉnh, hàng năm, Sở LĐ-TB&XH chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Trong đó, chú trọng công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em bằng những hoạt động thiết thực. Vừa qua, Sở LĐ-TB&XH phối hợp tổ chức 4 lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP Hòa Bình, huyện Lạc Sơn, Kim Bôi...

Hàng năm, các ngành, địa phương thường xuyên phối hợp tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức; vận động gia đình, phụ huynh dạy bơi, trang bị kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ nhằm ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng trẻ em bị đuối nước. Bên cạnh đó, huy động mọi nguồn lực xã hội hóa để xây dựng bể bơi, sân chơi an toàn cho trẻ em. Đồng thời, phát động toàn dân tập luyện môn bơi. Tăng cường kiểm tra các khu vực sông, suối, ao, hồ trên địa bàn để kịp thời cảnh báo, nhắc nhở trẻ em không được xuống tắm...

Trong thời gian tới, để giảm tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, ngành, địa phương, sự chung tay của toàn xã hội. Tuy nhiên, để công tác phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em đạt hiệu quả nhất thì vai trò của gia đình rất quan trọng. Mỗi phụ huynh, người chăm sóc trẻ phải quan tâm nhiều hơn đến con em mình. Quản lý, giám sát chặt chẽ, nhắc nhở trẻ không được vui chơi ở khu vực nguy hiểm, không tự ý tắm sông, suối, ao, hồ. Tạo môi trường sống an toàn. Quan trọng hơn cả là dạy trẻ biết bơi và trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để ứng phó với nguy cơ bị đuối nước.

Chung tay bảo vệ trẻ em bởi "trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước”.



Nhiều hoạt động bổ ích trong dịp hè

Xa Văn Mão
Bí thư Đoàn xã Mường Chiềng (Đà Bắc)

Mỗi dịp hè đến, tai nạn đuối nước, nhất là ở trẻ em có nguy cơ gia tăng do các em được nghỉ học dài ngày, thiếu sự quan tâm, quản lý của người lớn, cộng thêm thời tiết nắng nóng, nhiều em thường tìm đến khu vực ao, hồ, sông, suối để vui chơi, tắm mát giải nhiệt.

Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ, ngay sau khi tiếp nhận học sinh về sinh hoạt hè tại địa phương, Đoàn Thanh niên xã đã tổ chức nhiều hoạt động bổ ích, ý nghĩa góp phần cải thiện sức khỏe, thể chất, đời sống văn hóa, tinh thần cho thanh, thiếu nhi trên địa bàn. Điển hình như: tuyên truyền phòng, chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước cho trẻ em; quét dọn, vệ sinh nhà bia ghi tên liệt sĩ xã, một số tuyến đường liên xóm và những hoạt động thể dục thể thao, phát triển văn hóa đọc... Qua đó tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong thanh, thiếu nhi.


Phát huy hiệu quả điểm vui chơi an toàn cho trẻ em

Hà Công Đạt
Công chức LĐ-TB&XH xã Nuông Dăm (Kim Bôi)

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã đã xảy ra tai nạn đuối nước làm trẻ em tử vong. Là xã đặc biệt khó khăn của huyện, ngoài những nguyên nhân khách quan như thiếu sân chơi an toàn còn do thiếu sự quản lý của gia đình, các em tự ý ra ao, hồ, suối tắm để rồi tai nạn xảy ra.

Vừa qua, từ nguồn kinh phí của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã xây dựng công trình điểm vui chơi cho trẻ em xã, đặt tại nhà văn hóa xóm Mý Thượng. Với những thiết bị phù hợp, an toàn, từ khi có điểm vui chơi đúng nghĩa, trẻ em trong xã rất vui mừng, phấn khởi đến vui chơi, nô đùa hàng ngày. Song song với sự quản lý, bảo dưỡng của địa phương, chúng tôi cũng thường xuyên nhắc nhở các em phải có ý thức bảo vệ, giữ gìn để phát huy tối đa hiệu quả và thời gian sử dụng lâu dài của những thiết bị tại điểm vui chơi.


An toàn, chủ động hơn khi biết bơi

Đặng Thị Mai Linh
Phường Trung Minh (TP Hòa Bình)

Sau khi tham gia lớp dạy bơi và kỹ năng phòng, chống đuối nước miễn phí cho trẻ em do Sở LĐ-TB&XH phối hợp Sở VH-TT&DL tổ chức, em đã biết bơi, khởi động, hít thở đúng cách, kỹ thuật đứng nước... Ngoài ra, em và các bạn còn được giáo viên phổ biến, hướng dẫn kỹ năng xử lý tình huống trong môi trường nước, cách giúp, sơ cứu người bị đuối nước. Đây cũng là sân chơi bổ ích, lành mạnh không chỉ giúp em và các bạn được vui chơi, tập luyện thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe, phát triển thể chất, mà còn được trang bị thêm nhiều kỹ năng để tự cứu mình khi gặp một số tình huống nguy hiểm trong môi trường nước. Khi đã biết bơi, em cảm thấy an toàn và chủ động, thận trọng hơn khi hoạt động trong môi trường nước, biết bơi là cách phòng, chống đuối nước hiệu quả với trẻ em.



Linh Nhật


Các tin khác


Thông báo lịch nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 năm 2024

Theo thông báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ Lễ Quốc khánh năm 2024 từ ngày 31/8 đến ngày 3/9.

Thị trấn Cao Phong kỷ niệm 30 năm ngày thành lập

Sáng 1/8, Đảng bộ, chính quyền thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập (1/8/1994 - 1/8/2024). Tới dự có đại diện một số sở, ban, ngành tỉnh; lãnh đạo Huyện uỷ, HĐND, UBND, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể huyện Cao Phong; các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trên địa bàn thị trấn...

Tham vấn xây dựng các phương án đảm bảo an ninh nguồn nước hồ Hòa Bình

Ngày 1/8, tại Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam (xã Bắc Phong, Cao Phong) Công an tỉnh phối hợp với Viện An ninh phi truyền thống - Đại học Quốc gia Hà Nội và các đơn vị có liên quan tổ chức Hội thảo Tham vấn về xây dựng các phương án phòng ngừa, ứng phó, bảo đảm an ninh nguồn nước hồ Hòa Bình. Tham gia hội thảo có các giáo sư, tiến sỹ, nhà khoa học của Viện An ninh phi truyền thống; lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Sơn La và một số sở, ngành của tỉnh...

Sạt lở đê Ngòi Dong, thành phố Hòa Bình

Những ngày qua, hồ thủy điện Hòa Bình lần lượt mở 4 cửa xả đáy. Đến ngày 31/7 đã đóng 3 cửa xả đáy, hiện còn 1 cửa xả đang hoạt động. Sau khi đóng 3 cửa xả đáy, mực nước hạ lưu hồ thủy điện Hòa Bình giảm xuống đến cao trình 12,69m, đã xuất hiện một số vị trí sạt lở. Cụ thể như sau: Tại vị trí Km0+820 đê Ngòi Dong, thành phố Hòa Bình (đê cấp III), phần cửa ra sau cống thoát nước qua đê (cống CĐ34) bị xói mòn khoét sâu tạo "hàm ếch” từ 2,5-3m, rộng 10m, cao 3m, phần đất hai bên bờ vẫn đang có hiện tượng tiếp tục sạt. Vị trí chân kè bờ sông Đà (khu vực làng chài) cách điểm cuối đê Ngòi Dong khoảng 250m bị sạt lở các ô lát mái dài 25m, rộng 8m.

Đau lòng tình trạng trẻ em đuối nước ở huyện Lạc Sơn

Trong năm 2023, huyện Lạc Sơn có 8 trẻ tử vong do đuối nước và cũng là địa phương có số trẻ tử vong do đuối nước cao nhất trong tỉnh. Năm nay, trong hai ngày 13/6 và 28/7, mỗi ngày trong huyện có đến 3 trẻ tử vong do đuối nước. Những vụ việc thương tâm này tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác phòng, chống tai nạn thương tích (TNTT), tai nạn đuối nước ở trẻ em.

Thành phố Hòa Bình: Tháo “nút thắt” công tác đền bù giải phóng mặt bằng

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hòa Bình (TPHB) có nhiều dự án ách tắc tiến độ, thi công dang dở. Nguyên nhân chủ yếu là những vướng mắc trong công tác bền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục