Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Hồng Vân, xã Bắc Phong (Cao Phong) cùng cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội kiểm tra việc sử dụng vốn vay của người dân.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2.483 Tổ TK&VV. Đây là mắt xích quan trọng nhất trong kênh dẫn vốn chính sách, cầu nối giữa người vay và NHCSXH. Tổ TK&VV khu Hồng Dương, thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) có 25 tổ viên, dư nợ trên 1,2 tỷ đồng. Những năm qua, nhờ sử dụng hiệu quả vốn vay chính sách nên tỷ lệ hộ nghèo ở khu Hồng Dương giảm mạnh. Tuy nhiên nhu cầu được vay vốn về giải quyết việc làm (GQVL) còn rất cao.
Hơn 2 năm trước, anh Hà Văn Nhàn gặp nhiều khó khăn về vốn để đầu tư, chăm sóc gần 1 ha bưởi Diễn, bưởi đỏ. Khi đó, thông qua tuyên truyền của Tổ trưởng Tổ TK&VV, anh biết đến chương trình cho vay GQVL của NHCSXH. "Nhờ tổ trưởng hướng dẫn các thủ tục nên gia đình tôi được vay vốn để phát triển kinh tế. Đến nay vườn bưởi đã đem lại thu nhập ổn định”, anh Nhàn cho biết.
Bà Nguyễn Thị Dung là Tổ trưởng Tổ TK&VV khu Hồng Dương. Theo bà Dung, mặc dù tỷ lệ hộ nghèo trong tổ còn ít nhưng nhu cầu vay vốn của người dân vẫn khá cao. Do đó, với trách nhiệm của người tổ trưởng, bà luôn tham gia đầy đủ các cuộc giao ban với NHCSXH huyện, nắm bắt và triển khai nhanh chóng đến tổ viên các chính sách, chương trình cho vay mới. Bên cạnh đó, luôn sâu sát với bà con để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và thường xuyên đôn đốc hộ vay trả nợ, trả lãi đúng kỳ hạn. Nhờ đó mà tổ do bà Dung quản lý luôn có chất lượng tín dụng tốt. Ngoài ra, hàngtháng các tổ viên còn tích cực gửi tiền tiết kiệm, bình quân 200 nghìn đồng/tổ viên/tháng.
Đồng Chum là xã đặc biệt khó khăn của huyện vùng cao Đà Bắc. Những năm qua vốn chính sách đã ghi dấu ấn đậm nét trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo ở xã vùng cao này. Trong đó, nhiều tổ trưởng Tổ TK&VV có thâm niên gắn bó với vai trò của "người chuyển vốn”. Ông Hà Văn Toán đã có hơn 10 năm làm tổ trưởng Tổ TK&VV xóm Nà Lốc. Từ 20 tổ viên, dư nợ 600 triệu đồng, nay tổ do ông Toán quản lý có 60 tổ viên, dư nợ trên 3,5 tỷ đồng. Hơn 10 qua, tổ của ông Toán luôn có chất lượng tín dụng tốt, không có nợ quá hạn, không có lãi tồn.
Theo ông Toán, để có được kết quả đó, yếu tố quan trọng nhất là các tổ viên đã sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả nên có tiền để làm tốt nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng. "Tổ TK&VV duy trì sinh hoạt và thu lãi vào ngày 15 hàng tháng. Tại các buổi sinh hoạt, chúng tôi tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước liên quan đến tín dụng chính sách và công khai các quy định của NHCSXH để các thành viên trong tổ nắm bắt, thực hiện. Mỗi khi có nguồn vốn phân bổ, Ban quản lý tổ thực hiện bình xét công khai, công bằng với sự tham gia, giám sát của Trưởng xóm và lãnh đạo hội nhận ủy thác”, ông Toán chia sẻ.
Với sự tận tâm, trách nhiệm của ông Toán, bà Dung và trên 2 nghìn Tổ trưởng Tổ TK&VV ở các bản làng, vốn chính sách đã được chuyển tải kịp thời đến đúng với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đồng chí Nguyễn Minh Hưng, Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh nhấn mạnh: Việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV là nền tảng, yếu tố cốt lõi để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách. Do đó NHCSXH phối hợp với các tổ chức Hội nhận ủy thác thường xuyên tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ Ban quản lý Tổ TK&VV, tham gia họp tổ, kiểm tra, chấn chỉnh, củng cố kiện toàn Tổ TK&VV hoạt động yếu kém.
Viết Đào