Nhận thức vai trò, tầm quan trọng việc xây dựng gia đình hạnh phúc, Bộ VH-TT&DL đã ban hành Quyết định số 224/QĐ-BVHTTDL, ngày 28/1/2022 về Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Trong đó, các tiêu chí ứng xử trong gia đình Việt Nam dựa trên nguyên tắc "Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ".
Qua các hội nghị, tọa đàm góp phần thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Ảnh: Tiểu phẩm hấp dẫn tại Tọa đàm hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2024 huyện Tân Lạc.
Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, gia đình Việt Nam đã xây dựng, gìn giữ và phát triển một hệ giá trị tốt đẹp về tình yêu thương, sự hiếu thuận, hòa hợp, cần cù, sáng tạo, đức hy sinh và tinh thần trách nhiệm. Truyền thống tốt đẹp của gia đình đã kết tinh thành hệ giá trị gia đình mang tính bền vững, đó là tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết, tình yêu thương, truyền thống hiếu học… Nền tảng của mỗi gia đình góp phần duy trì sự ổn định, phát triển của xã hội.
Tuy nhiên, tỷ lệ ly hôn đang tăng nhanh gióng lên hồi chuông về sự bền vững của mỗi gia đình. Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình nhằm từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đồng thời, củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội; nâng cao nhận thức xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình; khơi gợi tình yêu thương, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, làm nền tảng xây dựng cộng đồng hạnh phúc, quốc gia phồn thịnh, hạnh phúc.
Bộ tiêu chí này được phổ biến và áp dụng với mọi gia đình, các thành viên gia đình Việt Nam, gồm những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng. Ngoài các tiêu chí ứng xử chung trong gia đình "Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ”, Bộ tiêu chí đặt ra các tiêu chí riêng cho các mối quan hệ trong gia đình. Cụ thể: Giữa vợ, chồng phải chung thủy, tình nghĩa; vợ, chồng cùng nhau xây dựng hôn nhân bền vững, không vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng; yêu thương, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng chia sẻ công việc trong gia đình, cùng có trách nhiệm nuôi dạy con, làm việc nhà, đóng góp tài chính; tạo điều kiện giúp đỡ nhau lựa chọn nghề nghiệp, học tập, nâng cao trình độ và tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội...
Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu theo nguyên tắc "Gương mẫu, yêu thương”. Cha mẹ, ông bà làm gương tốt cho con, cháu trong cử chỉ, hành động, lời nói; trao truyền các giá trị truyền thống, kinh nghiệm sống cho con, cháu; giáo dục, động viên con, cháu thực hiện lối sống văn hóa, ý thức công dân, giữ gìn nền nếp, gia phong…
Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Kính trọng, lễ phép, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; yêu thương, quan tâm, chia sẻ tình cảm, nguyện vọng với cha mẹ và các thành viên trong gia đình. Anh chị em trong gia đình phải hòa thuận, chia sẻ, tôn trọng bảo nhau điều hay lẽ phải; cùng chia sẻ với nhau công việc chung trong gia đình, giúp đỡ nhau khi khó khăn, hoạn nạn…
Đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Để triển khai hiệu quả công tác gia đình nói chung và Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình nói riêng, từ đầu năm đến nay, sở đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ theo kế hoạch công tác năm 2024; triển khai thực hiện Nghị định số 76/2023/NĐ-CP, ngày 1/11/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị tăng cường tuyên truyền, tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3, Ngày Quốc tế gia đình 15/5, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 và Tháng hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình năm 2024... Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai nội dung Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, hướng dẫn duy trì và nhân rộng các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tới, để phổ biến rộng rãi Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đến người dân, bên cạnh việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cần lồng ghép nội dung bộ tiêu chí vào sinh hoạt của các hội, đoàn thể, sinh hoạt các nhóm sở thích, câu lạc bộ tại cơ sở. Gắn bộ tiêu chí với các tiêu chuẩn bình xét gia đình văn hóa, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong định hướng giá trị, giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử cho thế hệ trẻ. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền bộ tiêu chí cho học sinh, sinh viên để nâng cao nhận thức trong việc ứng xử đúng mực với ông bà, cha mẹ, anh chị em. Từ đó, đưa hệ giá trị gia đình giúp duy trì sự ổn định và phát triển của xã hội trong giai đoạn hiện nay.
H.L