Tỉnh Hoà Bình có trên 226 nghìn trẻ em, trong đó có trên 53 nghìn trẻ em dân tộc Kinh và trên 173 nghìn trẻ em thuộc nhiều dân tộc khác. Trước thực trạng trẻ em bị tai nạn thương tích vẫn xảy ra hàng năm, thời gian qua, tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em bằng những chương trình, giải pháp, hoạt động thiết thực, hiệu quả. Một trong những hoạt động góp phần để trẻ em phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần là chú trọng tạo dựng môi trường sống, sân chơi an toàn.
Hiện nay, ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh, nhất là vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em. Theo rà soát của Sở LĐ-TB&XH, đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 81/151 xã, phường, thị trấn có điểm vui chơi cho trẻ em (đạt 53,64%). Thiếu sân chơi, thiếu sự giám sát của người lớn, các em tự tìm đến những sân chơi không đảm bảo an toàn, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn thương tích. Năm vừa qua, tỉnh có 35 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, trong đó, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu khiến 23 trẻ tử vong. Trước thực trạng này, việc xây dựng sân chơi an toàn cho trẻ em được các cấp, ngành, địa phương tích cực tham mưu, tổ chức thực hiện. Từ đó từng bước đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của trẻ.
Vừa qua, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã bàn giao 2 công trình điểm vui chơi cho trẻ em tại xã Nuông Dăm (Kim Bôi) và xã Thạch Yên (Cao Phong). Đây là 2 xã thuộc địa bàn khó khăn, thiếu sân chơi cho trẻ em. Nuông Dăm là xã đặc biệt khó khăn của huyện Kim Bôi. Xã hiện có trên 4.600 nhân khẩu, khoảng 98% là đồng bào dân tộc thiểu số. Trước đây, toàn xã có 5 nhà sinh hoạt cộng đồng, tuy đã có sân chơi chung cho người dân nhưng lại chưa có sân chơi riêng, trang thiết bị vui chơi cho trẻ em. Thạch Yên là xã vùng cao, đặc biệt khó khăn của huyện Cao Phong với trên 95% dân số là đồng bào dân tộc Mường. Đời sống của người dân còn không ít khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trên 27% và còn 4 tiêu chí nông thôn mới chưa đạt, trong đó có tiêu chí về cơ sở vật chất văn hoá. Việc hỗ trợ xây dựng sân chơi an toàn không chỉ là sự quan tâm, chăm lo với thế hệ mầm non, mà còn góp phần giúp xã vùng đặc biệt khó khăn nhanh chóng "về đích” nông thôn mới.
Từ khi được bàn giao và đưa vào sử dụng, các công trình điểm vui chơi cho trẻ em ở xã Nuông Dăm, Thạch Yên luôn đầy ắp tiếng cười nói, nô đùa của trẻ thơ. Em Bùi Linh Hà An (xóm Pheo, xã Thạch Yên) chia sẻ: "Có sân chơi mới với nhiều trò chơi hấp dẫn, thú vị như: xích đu, thú nhún, bập bênh, cầu trượt, cầu thăng bằng… chúng em rất vui, thường xuyên đến chơi mỗi buổi chiều. Tại đây chúng em được thoải mái vui chơi, vận động, nâng cao thể chất, giải trí sau những giờ học”.
Hàng năm, tỉnh tổ chức phát động ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em, tạo nguồn lực chăm lo cho trẻ. Năm 2023, Quỹ tiếp nhận ủng hộ trên 1,9 tỷ đồng, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực cho trẻ em: thăm, tặng quà; hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ và dinh dưỡng; khám sàng lọc, hội chẩn bệnh lý tim mạch, phẫu thuật; hỗ trợ giáo dục, học tập và phát triển thông qua tặng học bổng, dụng cụ học tập, xe đạp; hỗ trợ vui chơi, giải trí…
Đồng chí Nguyễn Thị Linh Ngọc, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình bảo vệ trẻ em tỉnh cho biết: "Từng bước khắc phục tình trạng thiếu sân chơi an toàn cho trẻ em, trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương chú trọng hơn nữa, vận động, bố trí nguồn lực để ít nhất mỗi xã, thôn, xóm có 1 điểm vui chơi an toàn, lành mạnh, bổ ích dành cho trẻ em…”.
Linh Nhật