Công an xã Phú Thành (Lạc Thủy) ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê quản lý đối tượng liên quan đến ma túy trên địa bàn.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 1.544 NNMT; trong đó, đang cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc 686 người; ở các cơ sở giam giữ thuộc Công an tỉnh 13 người; có 845 người nghiện ngoài cộng đồng. Ngoài ra, có 352 người SDTPCMT (3 đối tượng sử dụng ma tuý tổng hợp có biểu hiện loạn thần, "ngáo đá”). Loại ma túy được các đối tượng sử dụng chủ yếu vẫn là heroin (chiếm 78,2%), có 255 trường hợp sử dụng nhiều loại ma tuý (chiếm 13,25%). Số đối tượng không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định chiếm 99%; 346 đối tượng có tiền án, tiền sự (chiếm 22,4%).
Các đơn vị chủ động nắm tình hình có liên quan đến công tác quản lý người nghiện, người SDTPCMT; rà soát, thống kê, phát hiện kịp thời người nghiện, người SDTPCMT để lập hồ sơ đề nghị cai nghiện và quản lý người SDTPCMT; xây dựng, nhân rộng các mô hình về quản lý người SDTPCMT, NNMT phù hợp đặc điểm từng địa bàn. Công an cấp huyện, cấp xã triển khai đồng bộ các biện pháp để kịp thời phát hiện, thu thập thông tin về người nghiện, người SDTPCMT và quản lý, giám sát đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện loạn thần, "ngáo đá”, phòng ngừa, ngăn chặn đối tượng gây ra các hành vi vi phạm pháp luật. Cập nhật đầy đủ dữ liệu người nghiện, người SDTPCMT từ phần mềm quản lý đối tượng theo chức năng tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê quản lý người nghiện, người SDTPCMT…
Từ tháng 8/2023 đến nay, Công an tỉnh đã lập 551 hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, trong đó, cưỡng chế, đưa 467 đối tượng đi cai nghiện bắt buộc. Từ việc triển khai các giải pháp quản lý người nghiện, người SDTPCMT đã góp phần kéo giảm tội phạm về trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh (trong 10 tháng năm 2024 giảm 9,7%), nhất là tội phạm trộm cắp tài sản đã giảm 32% so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, cơ chế quản lý người nghiện, người SDTPCMT vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập; công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng chưa được triển khai hiệu quả, nên việc đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện vẫn là biện pháp mang lại hiệu quả nhất.
Đại tá Đỗ Thanh Bình, Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Để tăng cường công tác quản lý người nghiện, người SDTPCMT, thời gian tới, lực lượng công an chủ động tham mưu cấp uỷ, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt công tác phòng, chống ma túy ngay từ địa bàn cơ sở, đặc biệt chú ý công tác rà soát, thống kê quản lý người SDTPCMT, NNMT, người bị quản lý sau cai nghiện ma túy. Phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan thực hiện các biện pháp cai nghiện và xác định tình trạng nghiện, lập hồ sơ đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; tăng cường giải pháp giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng, thực hiện chính sách cho vay vốn, đào tạo, dạy nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm cho người bị quản lý sau cai nghiện ma túy. Tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả tổng rà soát, phát hiện, thống kê, quản lý NNMT, người SDTP CMT, người bị quản lý sau cai nghiện ma tuý và đấu tranh triệt xoá điểm, tụ điểm phức tạp về ma tuý. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý cư trú, lưu trú; các cơ sở kinh doanh có điều kiện và dịch vụ nhạy cảm về an ninh, trật tự...
Đinh Thắng