Theo kế hoạch của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) huyện Lạc Sơn, đến hết năm 2025, các xã, thị trấn trong huyện phải hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát (XNT, NDN) cho hộ nghèo. Tuy vậy, bằng cách làm hay, sáng tạo trong huy động nguồn lực, thị trấn Vụ Bản đã hoàn thành việc XNT, NDN trong tháng 12/2024. Thị trấn đã xây dựng nhà Đại đoàn kết cho 21 hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, hiện thực hóa giấc mơ an cư, giúp các hộ dần ổn định cuộc sống.


Hộ ông Phạm Hữu Si (thứ 2 từ trái sang), phố Côm, thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn) vui mừng trong căn nhà Đại đoàn kết.

Đồng chí Trương Thị Hương, Chủ tịch UBMTTQ thị trấn Vụ Bản cho biết: "Hưởng ứng phong trào thi đua chung tay XNT, NDN do UBMTTQ tỉnh phát động, thị trấn Vụ Bản đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhằm hoàn thành sớm hơn mục tiêu đề ra. Không chỉ thành lập Ban Chỉ đạo XNT, NDN  thị trấn, 13/13 khu dân cư (KDC) đã thành lập ban chỉ đạo do bí thư chi bộ làm trưởng ban, tổ chức rà soát, bình xét các hộ khó khăn đủ điều kiện làm nhà ở theo đúng tiêu chí MTTQ huyện hướng dẫn. Trong năm 2024, thị trấn đã vận động ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" được hơn 200 triệu đồng, xây dựng nhà Đại đoàn kết cho 21/21 hộ nghèo, trong đó 18 hộ xây mới, 3 hộ sửa chữa”.

Khi chưa có chủ trương về XNT, NDN trên địa bàn toàn tỉnh, thị trấn Vụ Bản đã quan tâm đến nhà ở cho hộ nghèo từ năm 2023 thông qua thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với 3 hộ được xây mới. Để hỗ trợ người dân XNT, NDN, địa phương tập trung rà soát, lập danh sách hộ cần hỗ trợ, đảm bảo công khai, dân chủ, trong đó ưu tiên hỗ trợ hộ đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chính sách; huy động thêm các nguồn lực từ xã hội, chung tay hỗ trợ của cộng đồng bởi với giá vật liệu trên thị trường hiện rất cao, kinh phí hỗ trợ xây dựng chỉ vài chục triệu đồng thì khó có thể hoàn thành căn nhà đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật, độ bền và tính thẩm mỹ. MTTQ thị trấn Vụ Bản cùng các ngành, đoàn thể, trưởng KDC, ban công tác mặt trận các xóm đẩy mạnh tuyên truyền, lồng ghép nội dung vào nhiều cuộc họp nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, thấy được ý nghĩa nhân văn của phong trào, tinh thần "nhường cơm sẻ áo”, qua đó đóng góp tiền của, vật liệu, ngày công để hoàn thiện nhà ở cho các hộ. Trong đó, nhân dân các KDC đã nhất trí đóng góp tiền mặt với mức tối thiểu 100.000 đồng/hộ. Các cửa hàng vật liệu xây dựng trên địa bàn cũng được vận động để giá bán thấp nhất, thậm chí không lợi nhuận, vận chuyển miễn phí đến tận nơi cho các hộ. Người có sức khỏe thì góp ngày công, vận chuyển, bốc dỡ vật liệu, đào móng nhà; một số người làm nghề thợ xây đã nhận thi công miễn phí, tư vấn hoàn thiện căn nhà giúp các hộ...

Phố Côm là địa bàn thực hiện hiệu quả xóa nhà tạm với 11 hộ được làm nhà ở, xóa hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2024. Khi triển khai thực hiện chương trình, các ngành, đoàn thể cơ sở đã vận động người có công giúp công, người có của giúp của để hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo. Theo đó, người thì đóng góp vài trăm nghìn đồng, thậm chí vài triệu đồng; người tới hỗ trợ, giúp đỡ đào móng, xách vữa, chuyển gạch; người cho mượn giàn giáo, cốp pha hoặc góp những thứ không dùng nhưng vẫn còn tốt như cánh cửa cũ, bản lề, thiết bị điện, nước…

Những KDC đã hoàn thành xóa nhà tạm, nhân dân nhất trí chuyển kinh phí còn dôi dư sang KDC khác. Bên cạnh đó, thị trấn hướng dẫn, hỗ trợ các hộ về hồ sơ, thủ tục pháp lý khi làm nhà, phù hợp với các quy định của pháp luật, tránh xảy ra tranh chấp, khiếu kiện; vận động người thân, họ hàng của các hộ hỗ trợ thêm nguồn đối ứng để căn nhà đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, thẩm mỹ. Với quan niệm, tín ngưỡng dân gian, có những hộ băn khoăn vì chưa hợp tuổi, hợp năm để làm nhà, cấp uỷ, chính quyền thị trấn đã vận động người thân khởi công, động thổ thay để đảm bảo đúng tiến độ. Đồng thời quan tâm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; tiếp tục hỗ trợ sinh kế cho các hộ nghèo. 

Với cách làm hay, sáng tạo, việc làm nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn thị trấn Vụ Bản diễn ra thuận lợi, hoàn thành trước kế hoạch huyện giao. Qua đó giúp các hộ nghèo vơi bớt khó khăn, yên tâm lao động sản xuất, lan tỏa giá trị nhân văn trong cộng đồng. Hiện, trên địa bàn thị trấn Vụ Bản không còn nhà tạm, nhà dột nát.


Hoàng Anh

Các tin khác


Trở lại “guồng quay” công việc

Cùng với cả nước, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Hòa Bình, là năm tăng tốc, bứt phá để về đích thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 5 năm (2021-2025), kỳ vọng vươn mình trong kỷ nguyên mới. Thay vì quan niệm "tháng Giêng là tháng ăn chơi”, các nhiệm vụ, công việc sớm được "sốc” lại ngay từ thời điểm đầu năm.

Nâng cao chất lượng hoạt động nữ công

Xác định công tác nữ công là nhiệm vụ trọng tâm góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh toàn diện, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tập trung đổi mới nội dung, đa dạng hình thức tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết Công đoàn liên quan đến bình đẳng giới, dân số, gia đình, trẻ em cho lao động nữ. Qua đó góp phần khơi dậy nội lực, khích lệ tính chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của nữ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ).

Cẩn trọng trước cơn sốt đập hộp túi mù Baby Three

Thời gian gần đây, trào lưu xé túi mù món đồ chơi Baby Three đã tạo nên cơn sốt khiến nhiều bạn trẻ sẵn sàng chi hàng triệu đồng để sở hữu.

Khi thấy con chậm nói, không ít bậc phụ huynh nghĩ con bị tự kỷ nhưng khi đi khám thì phát hiện trẻ bị mắc chứng rối loạn ngôn ngữ

Khi thấy con chậm nói, không ít bậc phụ huynh nghĩ con bị tự kỷ nhưng khi đi khám thì phát hiện trẻ bị mắc chứng rối loạn ngôn ngữ.

Công bố quyết định của Giám đốc Công an tỉnh về việc nghỉ công tác hưởng chế độ hưu trí đối với 26 cán bộ

Chiều 19/2, Công an tỉnh Hòa Bình tổ chức Lễ công bố quyết định của Giám đốc Công an tỉnh về việc nghỉ công tác hưởng chế độ hưu trí đối với cán bộ. Đại tá Đỗ Thanh Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh chủ trì buổi lễ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục