Từ nguồn tin của người dân, chúng tôi về xã Hiền Lương (Đà Bắc) trong vai người đi mua đất để xây dựng khu homestay nghỉ dưỡng. Được giới thiệu và chỉ dẫn đến xóm Ké, vì "ở đó có nhiều người muốn bán đất. Hơn nữa, đây cũng là khu vực có vị thế đẹp nhất khi có view nhìn thẳng ra lòng hồ Hòa Bình...”, một người dân quả quyết.


Một số hạng mục xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp với tổng diện tích vi phạm 360,585m2 của ông Nguyễn Xuân Tùng ở xóm Ké, xã Hiền Lương (Đà Bắc) bị yêu cầu tạm dừng thi công.

Khi chiếc xe tăng ga để vượt con dốc cao, ngay phía sau cổng vào xóm Ké là một khu đất rộng hàng trăm m2 móc sâu vào sườn đồi, tạo thành taluy dựng đứng đang có những công trình xây dựng ngổn ngang, với nhiều hạng mục xây dựng được lắp ghép cốp pha, buộc lưới sắt chuẩn bị đổ bê tông. Phía dưới khu đất là khe suối cạn, gần như đã bị đất san lấp dòng chảy. Chỉ tay về phía khe suối cạn, một người dân tỏ vẻ lo lắng: mùa này khe suối không có nước, nhưng khi có mưa, nước từ trên núi đổ dồn về sẽ tạo thành dòng chảy xiết. Như đợt mưa bão số 3 năm 2024, khe suối này đã xuất hiện lũ lớn đe dọa đến cuộc sống người dân ở phía dưới. Hiện nay người ta đổ đất, gần như san lấp mất lòng suối cũ thì không biết khi có mưa lớn nước sẽ dồn về đâu? Những ngôi nhà của người dân, thậm chí là những hạng mục công trình đang được xây dựng ở đây liệu có còn an toàn nữa không?

Không chỉ có công trình này, theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tiếp tục leo dốc, lên gần tới đỉnh dốc lại bắt gặp một công trình xây dựng quy mô lớn, theo hình thức là khu kinh doanh dịch vụ homestay. Người dân sống xung quanh cho biết, công trình này do một người tên là Nguyễn Xuân Tùng ở Hà Nội lên mua đất và đầu tư xây dựng. Trước đây, khu đất của một hộ dân, người ta cũng dựng nhà và làm nương trồng ngô, sau khi bán đã chuyển đi nơi khác. Người mua sau đó cho máy móc xúc, ủi, san tạo mặt bằng trên diện tích lên tới chục nghìn m2. Hoàn thành việc san tạo mặt bằng, chủ đầu tư cho xây dựng một số công trình nhằm khởi tạo, phục vụ hoạt động kinh doanh homestay, gồm 1 nhà sàn trung tâm diện tích khoảng hơn 100m2, 2 bể bơi dạng panorama (vô cực) hướng ra lòng hồ với diện tích khoảng 100m2, 4 khu nhà ở biệt lập được xây dựng kiên cố (đã hoàn thiện phần xây dựng, chưa lợp mái)...

Tại đây, chúng tôi gặp người đàn ông tên Minh được chủ đầu tư thuê trông coi, bảo vệ, chăm sóc cây mới trồng trong khuôn viên khu đất đã được cải tạo, san lấp. Ông Minh cho biết, khu đất này chủ đầu tư cải tạo, san lấp từ đầu năm 2024. Trước đây nguyên trạng của khu đất gồ ghề, lồi lõm, chủ đầu tư phải thuê máy xúc làm việc liên tục trong gần 2 tháng mới cải tạo xong mặt bằng. Diện tích cải tạo, san lấp lên tới cả chục nghìn m2 và bắt đầu thi công xây dựng các công trình, hạng mục khoảng tháng 4/2024. Đến nay về cơ bản đã hoàn thiện phần xây thô, một số hạng mục đang trong giai đoạn hoàn thiện. Do không thuê được thợ nên công trình tạm dừng thi công. Hiện chủ đầu tư đang tìm thợ để thi công hoàn thiện nốt, dự tính đến ngày 2/9/2025 công trình hoàn thành, đi vào hoạt động, đón khách...

Theo thông tin chúng tôi nắm bắt và người dân cung cấp, việc san lấp, cải tạo hiện trạng đất của công trình này diễn ra từ đầu năm 2024. Từ giữa tháng 4/2024 và đầu tháng 5/2024, UBND xã Hiền Lương đã phát hiện chủ đầu tư là ông Nguyễn Xuân Tùng (sinh năm 1983), trú tại phường Văn Quán, quận Hà Đông (Hà Nội) đã cho xây dựng các công trình kiên cố, gồm móng nhà và các công trình phụ trợ vượt diện tích đất ở trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó, xây 3 móng nhà cấp 4 và 1 bể nước ngoài trời. Tại thời điểm UBND xã phát hiện, việc xây dựng công trình mới trong giai đoạn bước đầu với việc đổ móng, UBND xã Hiền Lương đã lập biên bản vi phạm với tổng diện tích xây dựng 3 móng là 268m2; diện tích đất tự ý chuyển đổi mục đích là 286,86m2 (chuyển mục đích sử dụng sang đất ở 133m2, xây dựng bể bơi ngoài trời 153,86m2). Đồng thời yêu cầu ông Nguyễn Xuân Tùng chấm dứt ngay hành vi vi phạm; buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

Mặc dù vậy, không biết là do không có sự quản lý, giám sát, theo dõi, buông lỏng quản lý về đất đai và trật tự xây dựng của UBND xã, hay vì một lý do nào khác mà đến tháng 12/2024, khi kiểm tra lại công trình vẫn tiếp tục xây dựng các hạng mục kiên cố, tiếp tục tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Theo đó, tại biên bản làm việc ngày 27/12/2024, đoàn kiểm tra của UBND xã Hiền Lương yêu cầu ông Nguyễn Xuân Tùng và ông Đinh Công Tiến (sinh năm 1980), trú tại xóm Ké, xã Hiền Lương (là người được ông Nguyễn Xuân Tùng ủy quyền) tạm dừng thi công xây dựng trên phần diện tích vi phạm 360,585m2. Trong đó có 206,725m2, gồm 4 ngôi nhà đã hoàn thiện phần xây thô (chưa lợp mái, lắp cửa) và 1 bể bơi ngoài trời diện tích 153,86m2.

Trao đổi xung quanh vấn đề này, đồng chí Bùi Văn Kỳ, Chủ tịch UBND xã Hiền Lương cho biết, do mới được chuyển sang làm Chủ tịch UBND xã khoảng 3 tháng nay nên không nắm rõ vụ việc. Vụ việc này vượt quá thẩm quyền xử lý của xã nên UBND xã đã báo cáo UBND huyện xem xét giải quyết. Xã đã yêu cầu chủ đầu tư nghiêm túc chấp hành việc tạm dừng thi công xây dựng trên phần diện tích tự ý chuyển đổi trái phép đến khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.

Đồng chí Đào Tiến Quyết, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Đà Bắc cho biết: Trong vụ việc ở xóm Ké, xã Hiền Lương, đơn vị đang thực hiện các thủ tục, xác định mức độ vi phạm của các tổ chức, cá nhân để tham mưu Chủ tịch UBND huyện ra quyết định xử lý theo thẩm quyền, trên quan điểm cơ quan, tổ chức, cá nhân làm sai đều phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, UBND huyện đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý địa bàn, quản lý trật tự xây dựng, đất đai và khoáng sản. Không để người dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng các công trình trái phép trên các loại đất rừng và đất nông nghiệp, nhất là ở những địa bàn, khu vực nhạy cảm về phát triển kinh tế, du lịch ở địa phương.

 

Nhóm P.V

Các tin khác


Cần làm sáng tỏ vụ tranh chấp đất đai kéo dài tại xã Tân Pheo

Vừa qua, Báo Hoà Bình nhận được đơn của ông Lường Văn Hậu, trú tại xóm Phổn, xã Tân Pheo (Đà Bắc). Ông Hậu tố cáo cán bộ địa chính và Chủ tịch UBND xã Tân Pheo (nhiệm kỳ 2010 - 2015) tự ý hướng dẫn làm thủ tục đăng ký đất đai và cắt thửa đất số 112 của gia đình ông cho cá nhân khác.

Chế độ, chính sách đối với cán bộ, viên chức thực hiện tinh giản biên chế; việc xử lý kỷ luật lao động

Cử tri kiến nghị: Đề nghị quan tâm xem xét tăng mức trợ cấp chi trả chế độ chính sách đối với cán bộ, viên chức thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP, ngày 3/6/2023 của Chính phủ nhằm đảm bảo hơn nữa quyền lợi cho cán bộ, viên chức có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi, tinh giản biên chế, tạo thuận lợi trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách tinh giản biên chế.

Hành trình xóa nhà tạm ở Hòa Bình

1.904 là số ngôi nhà mới đã được dựng lên ở tỉnh Hòa Bình trong hơn ba năm qua trên những nền đất từng nứt nẻ, từng thấm nước mỗi mùa mưa, từng run rẩy trong gió rét vùng cao. Đằng sau con số là ngần đó những câu chuyện về sự đổi đời khi một mái nhà không còn là giấc mơ, mà đã trở thành hiện thực. Những ngôi nhà được xây bằng ngân sách tỉnh, huyện, Quỹ Vì người nghèo, và cả bằng lòng dân. Từ chính sách đúng, đến cách làm trúng, Hòa Bình đang dần xóa nhà tạm trên địa bàn toàn tỉnh, không để ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình nông thôn mới (NTM).

Trao xe đạp, tặng học bổng cho học sinh khuyết tật, trẻ mồ côi

Ngày 7/4, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam phối hợp Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Hoà Bình, nhà tài trợ Hàn Quốc tổ chức chương trình trao tặng xe đạp, học bổng cho học sinh khuyết tật, mồ côi, học sinh nghèo tại xã Nhuận Trạch (Lương Sơn), xã Mông Hóa (TP Hòa Bình).

Mái nhà chung của người cao tuổi

Đối với người cao tuổi (NCT), Câu lạc bộ (CLB) Liên thế hệ tự giúp nhau (LTHTGN) không đơn thuần là nơi gặp gỡ, thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe, bảo vệ quyền lợi của các thành viên. Ở "mái nhà chung” đó, NCT cảm nhận được sự yêu thương với nhiều hoạt động thiết thực, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Từ đó trở thành điểm tựa giúp NCT thuộc hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn… cải thiện chất lượng cuộc sống, giúp sống vui - sống khỏe - sống hạnh phúc.

Nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho công nhân lao động

Chất lượng bữa ăn ca không chỉ có vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe của người lao động (NLĐ), mà còn giúp doanh nghiệp (DN) duy trì được nguồn lao động ổn định, phục vụ hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ thực tế đó, nhiều DN quan tâm, chú trọng cải thiện chất lượng bữa ăn ca cho NLĐ. Cùng với đó, Công đoàn các cấp chỉ đạo Công đoàn cơ sở (CĐCS) tăng cường công tác phối hợp, thương lượng, đề xuất DN quan tâm điều chỉnh chất lượng bữa ăn ca nhằm đảm bảo chế độ dinh dưỡng, nâng cao sức khỏe, tạo niềm tin cho NLĐ với DN và tổ chức Công đoàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục