(HBĐT) - Năm 2022, du lịch Hòa Bình phục hồi ấn tượng. Thông điệp "Hòa Bình, điểm đến du lịch an toàn - trải nghiệm trọn vẹn” lan tỏa mạnh mẽ không chỉ với du khách trong nước mà còn với du khách quốc tế. Cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú mang đậm dấu ấn của nền Văn hóa Hòa Bình, cùng hoạt động của các khu, điểm du lịch mới, chất lượng đã thu hút đông đảo du khách thăm quan, nghỉ dưỡng.


Du khách trải nghiệm dù lượn từ trên đỉnh núi Viên Nam, xã Quang Tiến (TP Hòa Bình) khám phá trời mây xứ Mường.

Với lợi thế vùng đất "chén vàng”, tập trung khá đông các khu du lịch nghỉ dưỡng và thuận tiện về giao thông, huyện Kim Bôi đang phát huy vai trò là một trong những thị trường du lịch trọng điểm của tỉnh. Đồng chí Đinh Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Các khu nghỉ dưỡng, như Serena Resort Kim Bôi, An Lạc Ecofarm Hot and Spring, V’Resort Vĩnh Tiến, khu du lịch suối khoáng Kim Bôi… hút khách quanh năm, nhất là từ khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Không chỉ là điểm đến nghỉ dưỡng sinh thái, du lịch chất lượng cao, huyện còn níu chân du khách nhờ cảnh quan thiên nhiên, những trải nghiệm miền quê của văn hoá dân gian và lễ hội truyền thống của người Mường Động. Năm 2022, huyện đón 195.000 lượt du khách đến thăm quan, nghỉ dưỡng; doanh thu từ du lịch ước đạt trên 200 tỷ đồng.

Tại các điểm đến nổi tiếng khác như KDL hồ Hoà Bình, các huyện: Mai Châu, Lương Sơn, Cao Phong, TP Hoà Bình… hoạt động du lịch ngày càng sôi động. Với việc đưa ra sản phẩm du lịch mới là trải nghiệm dù lượn tại xã Quang Tiến, cắm trại ở xã Yên Mông, TP Hoà Bình đã thu hút thêm lượng khách đến thăm quan, du lịch, khám phá cảnh quan thiên nhiên, văn hoá bản địa. Trên địa bàn còn phát triển loại hình du lịch thể thao (sân golf Hilltop Valey Kỳ Sơn). Năm 2022, thành phố đón 600.000 lượt khách thăm quan, du lịch, chủ yếu là khách sân golf, các điểm đến thuộc KDL hồ Hoà Bình, hệ thống khách sạn lưu trú. Tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 820 tỷ đồng, so với năm 2021 tăng 70,2% về tổng lượng khách, 56,5% về tổng thu.

Tại huyện Mai Châu, một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn của vùng Tây Bắc, hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tăng trưởng mạnh, dẫn đầu các huyện, thành phố trong tỉnh về tổng lượng khách và doanh thu. Các khu nghỉ dưỡng cao cấp Avana Retreat, Mai Châu Lodge, Ba Khan Village Resort, Mai Châu Hideaway… tạo sức hút đối với du khách có mức chi trả cao nhờ sản phẩm du lịch chất lượng. Các điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng, gồm: bản Lác, xã Chiềng Châu; bản Pom Coọng, bản Văn, thị trấn Mai Châu; bản Hịch, xã Mai Hịch; bản Bước, xã Xăm Khoè; bản Hang Kia, xã Hang Kia; bản Pà Cò, xã Pà Cò được nhiều du khách trong nước, quốc tế yêu thích, lựa chọn.

Theo đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, du lịch Hoà Bình có nhiều khởi sắc, đặc biệt sau khi dịch Covid-19 được khống chế. Các đơn vị kinh doanh du lịch đã tập trung đầu tư, chỉnh trang, nâng cấp cơ sở vật chất để đón tiếp, phục vụ du khách chu đáo. Qua thống kê, thị trường khách quốc tế đến Hoà Bình từ Hàn Quốc chiếm 73%, chủ yếu khách đến các sân golf của huyện Lương Sơn và TP Hòa Bình; còn lại là khách du lịch quốc tế truyền thống đến từ Pháp, Úc, Anh và các thị trường tiềm năng như: Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ, Đức, Tây Âu, Nga. Khách nội địa vẫn là nguồn chủ yếu được du lịch tỉnh khai thác, đến từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh khu vực phía Bắc; một số ít khách đến từ các tỉnh miền Nam, miền Trung. Thời gian cao điểm khách du lịch đến với Hoà Bình là dịp đầu năm (du lịch lễ hội, tâm linh) và mùa hè (du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng).

Đến nay, toàn tỉnh có 462 cơ sở lưu trú, gồm 41 khách sạn, 251 nhà nghỉ, 170 homestay đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Có 8 điểm du lịch cộng đồng thuộc các huyện: Mai Châu, Cao Phong, Tân Lạc, Đà Bắc đã triển khai số hoá trên Cổng thông tin du lịch của tỉnh. Hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh, xúc tiến thông tin du lịch được tăng cường, góp phần kích cầu du lịch. Các KDL quan tâm nâng cao chất lượng phục vụ, xây dựng sản phẩm mới, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của du khách muốn có nhiều trải nghiệm.

Năm 2022, toàn tỉnh ước đón 3 triệu lượt du khách, đạt 203% so với cùng kỳ năm trước, thực hiện 116,3% kế hoạch năm. Trong đó, khách quốc tế 100 nghìn lượt, đạt 206% so với cùng kỳ, thực hiện 100% kế hoạch năm; khách nội địa 2,9 triệu lượt, đạt 202,9% so với cùng kỳ, thực hiện 116,9% kế hoạch năm. Tổng thu từ du lịch khoảng 3.100 tỷ đồng, đạt 204,9% so với cùng kỳ, thực hiện 129,3% kế hoạch năm. Số lượng khách du lịch đến với tỉnh tăng nhanh, nhất là dịp cuối tuần và những kỳ nghỉ lễ. Kết quả hoạt động kinh doanh du lịch góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nhiều việc làm và sinh kế bền vững cho người lao động, từng bước hội nhập kinh tế quốc tế.

Bùi Minh


Các tin khác


Kiểm tra các dự án phát triển du lịch tại huyện Đà Bắc

Ngày 23/4, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển du lịch hồ Hòa Bình thành khu du lịch quốc gia, do đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phát triển du lịch tại huyện Đà Bắc.

Ấn tượng du lịch thành phố bên sông Đà

Không chỉ được biết đến là miền đất có thiên nhiên tươi đẹp, nền văn hoá đặc trưng, TP Hòa Bình còn có ẩm thực độc đáo với những món ăn ngon, lạ miệng, hương vị rượu cần nổi tiếng. Điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa và con người đã tạo nên tiềm năng du lịch phong phú, hấp dẫn cho điểm đến.

VITM Hà Nội 2024 thu hút gần 80.000 lượt khách tham quan, mua tour kích cầu dịp hè

Chiều ngày 14/4, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổng kết, bế mạc Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2024 với chủ đề "Du lịch Việt Nam – Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững”. Hội chợ thu hút gần 80.000 khách đến thăm quan, mua sắm tour kích cầu dịp 30/4-1/5 và dịp hè.

Huyện Yên Thủy phát triển du lịch gắn với điểm đến lễ hội, tâm linh

Hiện nay, sản phẩm du lịch của huyện Yên Thủy chủ yếu là du lịch lễ hội, du lịch tâm linh. Bên cạnh đảm bảo nếp sống văn minh trong hoạt động tín ngưỡng, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương luôn chú trọng bảo tồn giá trị di tích lịch sử, văn hoá và lễ hội gắn với khai thác thế mạnh du lịch.

Doanh nghiệp du lịch mong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài để tăng doanh thu

Theo các doanh nghiệp lữ hành, kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay được các Bộ, ngành đề xuất hoán đổi ngày làm việc để kéo dài thành 5 ngày nghỉ sẽ là dịp để doanh nghiệp lữ hành, các điểm vui chơi thu hút khách du lịch, tăng doanh thu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục