(HBĐT) - Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình (KDLQGHHB), tỉnh Hòa Bình đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1528/QĐ-TTg, ngày 1/8/2016, bước đầu đã đưa ra các định hướng tổng thể phát triển du lịch cho khu vực, là cơ sở và động lực quan trọng để triển khai lập các quy hoạch, dự án thành phần nhằm mục tiêu phát huy giá trị hồ Hòa Bình, góp phần phát triển du lịch và KT - XH của tỉnh.

Hồ Hòa Bình có vẻ đẹp sơn thủy hữu tình, hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn của du khách.

Theo nhận định của UBND tỉnh, để có cơ sở lập các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, chuẩn bị đầu tư cơ sở hạ tầng, kêu gọi nguồn lực đầu tư và quản lý xây dựng theo quy hoạch tại KDLQGHHB. Đồng thời, cụ thể hóa các không gian phát triển của KDL, trong đó, ngoài phát triển không gian du lịch, còn có các không gian khác như: đô thị, khu dân cư, cơ sở sản xuất, hạ tầng kỹ thuật, xã hội và bảo vệ môi trường… Vì vậy, việc lập Quy hoạch chung xây dựng KDLQGHHB đến năm 2035 là rất thiết, để cụ thể hóa quy hoạch tổng thể phát triển KDLQGHHB đến năm 2030, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh và các quy hoạch khác có liên quan. Từ đó, nhằm mục tiêu phát triển hồ Hòa Bình trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút về du lịch của vùng trung du, miền núi phía Bắc với các sản phẩm du lịch đặc trưng, gắn với văn hóa truyền thống của tỉnh và hệ sinh thái lòng hồ.

Anh Hoàng Nam Sơn ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) có điều kiện đi du lịch ở các vùng, miền trong cả nước, song hầu như năm nào gia đình anh cũng dành thời gian đến với hồ Hòa Bình bởi có sức hút riêng. Anh Sơn chia sẻ: Nơi đây khá thuận lợi về giao thông, địa hình đa dạng, cảnh quan thiên nhiên trù phú, diện tích mặt nước lớn, không khí trong lành, mát mẻ. Bên cạnh đó, hồ Hòa Bình có tài nguyên du lịch nhân văn phong phú với nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc Tày, Mường, Thái, Dao, kết hợp với các di tích, điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, cùng các sản vật độc đáo, hấp dẫn. Nơi này cũng có sức hút lớn với du khách từ văn hóa ẩm thực và là khu vực còn khá mới mẻ, nhiều tiềm năng chưa được khám phá, khai thác.

Hiện nay, KDLHHB có 16 dự án đầu tư dịch vụ, văn hóa và du lịch được cấp phép hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng diện tích sử dụng đất khoảng 1.444 ha, tổng nguồn vốn từ nhà đầu tư gần 3.303.900 triệu đồng. Các dự án có mục tiêu đầu tư đáp ứng nhu cầu dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí; kết hợp trồng và bảo vệ rừng, bảo tồn văn hóa các dân tộc, du lịch tâm linh, chợ ẩm thực…

Ngoài các dự án đầu tư KDL, thời gian qua, tỉnh đã triển khai các dự án đầu tư hạ tầng du lịch, bảo tồn di tích, văn hóa các dân tộc trong KDL như: dự án hạ tầng du lịch hồ sông Đà; hạ tầng du lịch xóm Mỗ 2, xã Bình Thanh (Cao Phong); bảo tồn, tôn tạo khu di tích đền Thác Bờ; đường từ TP Hòa Bình đi xã Thung Nai… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật KDHHB còn yếu kém. Dự án đầu tư hệ thống thu gom, khu xử lý chất thải chưa được chú trọng. Sản phẩm du lịch đơn điệu; thiếu các chương trình, hoạt động hấp dẫn cho khách du lịch tại các điểm thăm quan. Hoạt động khai thác phục vụ du lịch hạn chế, hiệu quả kinh tế còn thấp. Thiếu các kế hoạch, giải pháp cụ thể nhằm bảo tồn, phát huy các sắc thái văn hóa tại địa phương. Mặc khác, thiếu cán bộ chuyên trách về du lịch, chưa có đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, du khách chủ yếu thăm quan tự do… Vì vậy, để KDL phát triển xứng tầm nhất thiết sớm triển khai quy hoạch chung.

Báo cáo UBND tỉnh về xây dựng Đồ án quy hoạch chung KDLQGHHB, đồng chí Trần Hải Lâm, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Với mục tiêu định hướng tổ chức không gian, quy hoạch sử dụng đất, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, vệ sinh môi trường, hạ tầng xã hội và dịch vụ đồng bộ gắn với bảo vệ cảnh quan sinh thái rừng; kết nối với các danh lam thắng cảnh, KDL trong vùng trung du, miền núi phía Bắc. Đồng thời, khai thác giá trị về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa các dân tộc, đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển du lịch quốc gia… Tổng diện tích đất tự nhiên khu vực nghiên cứu quy hoạch là 52.200 ha, chia làm 2 khu vực: khu vực phát triển du lịch tập trung khoảng 21.880 ha; khu vực ngoài 30.320 ha. Toàn khu quy hoạch DLQGHHB được phân thành 6 phân khu, gồm: phân khu 1 phát triển du lịch mang tính chất động gắn với đô thị Hòa Bình, liên kết với hệ thống cảng Ba Cấp, Bích Hạ (TP Hòa Bình); phân khu 2 phát triển du lịch sinh thái hồ, vui chơi giải trí nước Hiền Lương, Bình Thanh - Vầy Nưa gắn với cảnh quan sông Đà, hồ Hòa Bình (thuộc huyện Đà Bắc); phân khu 3 phát triển du lịch đồi núi cao phía Bắc và hồ Hòa Bình (thuộc huyện Cao Phong, Đà Bắc); phân khu 4 là phân khu trung tâm của khu quy hoạch DLQGHHB, với các hoạt động du lịch đặc trưng như: trung tâm giới thiệu, trung tâm mua sắm, phố đi bộ, công viên chuyên đề, du lịch văn hóa tâm linh… (thuộc huyện Cao Phong, Tân Lạc), bao gồm khu vực phát triển du lịch tập trung đảo Sung – Ngòi Hoa (cũ) – Thung Nai và khu vực ngoài; phân khu 5 phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với cảng Phúc Sạn, kết nối với KDL Mai Châu; phân khu 6 là khu vực thiên nhiên hoang dã phía Tây, trung tâm du lịch sinh thái tự nhiên gắn với Khu bảo tồn thiên nhiên Pu Canh, tận dụng lợi thế của tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu chạy qua để kết nối tạo thành cửa ngõ phía Tây của KDLQGHHB.

Được biết, quy hoạch chung nhấn mạnh 4 khu vực phát triển du lịch trọng điểm đầu tư, chuyền tải phát triển cấp độ của quốc gia, của vùng với hạt nhân phát triển, tạo hiệu ứng lan tỏa đầu tư các điểm du lịch khác trong khu vực và của tỉnh. Đồng thời, định hướng phát triển hệ thống đô thị, khu dân cư nông thôn gắn với phát triển du lịch; định hướng phân bố dân cư trong các khu vực du lịch; phát triển không gian du lịch; hệ thống các điểm du lịch phụ trợ. Ngoài ra, quy hoạch cũng định hướng hệ thống hạ tầng xã hội phục vụ phát triển du lịch và định hướng phát triển kiến trúc - cảnh quan KDL.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, việc xây dựng Đồ án quy hoạch chung KDLQGHHB cần quan tâm rà soát không gian các ngành kinh tế. Ngoài khu trung tâm vui chơi nên chú trọng thêm các trung tâm văn hóa, thể thao, nhất là các môn thể thao dưới nước để quy hoạch định hướng không gian, từ đó kêu gọi đầu tư, thu hút xã hội hóa ở những khu vực này. Đồng thời, quy hoạch cũng nên bổ sung thêm một số điểm quy hoạch phụ trợ như điểm du lịch cộng đồng xóm Ngòi, xã Suối Hoa (Tân Lạc), bản Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc)…

Năm 2019, KDLHHB đón 550.000 lượt khách, chiếm gần 18% tổng khách toàn tỉnh, trong đó có 26.000 lượt khách quốc tế; tổng thu đạt khoảng 160 tỷ đồng, chiếm gần 8% tổng thu từ hoạt động du lịch toàn tỉnh. Kết quả này cho thấy, KDLHHB phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Tuy lượng khách có tăng nhưng tập trung chủ yếu vào dịp đầu năm, thời gian lưu trú ngắn, hiệu quả hoạt động chưa cao, tổng doanh thu từ du lịch còn thấp… Chính vì vậy, song song với việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 14, ngày 22/6/2017 của BTV Tỉnh ủy về phát triển KDLHHB thành KDLQG, thì việc xây dựng Đồ án quy hoạch chung cho hồ Hòa Bình là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, cần bám sát chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy là quy hoạch phải đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Quy hoạch và các quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng, phù hợp với quy hoạch tỉnh đến năm 2050, quy hoạch tổng thể phát triển KDLQGHHB đến năm 2030 và các quy hoạch khác.

Hoàng Nga

Các tin khác


Sức hút du lịch Mường Động

(HBĐT) - Kim Bôi - Mường Động, 1 trong 4 vùng Mường lớn của tỉnh đang sở hữu những tài nguyên du lịch riêng có. Đó là vùng đất tươi đẹp, phong cảnh mộng mơ, thiên nhiên ban tặng nguồn suối khoáng nóng vô tận, được ví như vàng trắng, rất tốt cho sức khỏe con người. Đây là những điều kiện lý tưởng để Kim Bôi phát triển các loại hình du lịch, sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng và tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc Mường.

Khai thác tiềm năng du lịch tâm linh, không gian văn hóa Mường

(HBĐT) - Cao Phong - vùng đất Mường Thàng giàu bản sắc văn hóa truyền thống, còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa phi vật thể mang đậm bản sắc dân tộc, là một phần trong nền Văn hóa Hòa Bình, nơi có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa gắn với quá trình đấu tranh của dân tộc, đã trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực du lịch

(HBĐT) - Hiện nay, du lịch được coi là một trong những ngành kinh tế quan trọng trong mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh. Với mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, trong đó xác định yếu tố con người đóng vai trò đặc biệt quan trọng, trong những năm gần đây, ngành du lịch tỉnh luôn quan tâm, chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch.

Hà Giang công bố nhiều chương trình kích cầu du lịch

Tỉnh Hà Giang vừa công bố chương trình kích cầu du lịch nội địa, trong đó có nhiều hoạt động như giới thiệu Không gian văn hóa, thể thao, du lịch Hà Giang tại TP Hồ Chí Minh, chương trình du lịch "Qua những miền di sản ruộng bậc thang”, giải quần vợt Cúp các CLB Hà Giang- Hà Tĩnh, giải giao hữu bóng đá Hà Giang 2020, giải chạy Loop Ultra trail Hoàng Su Phì mở rộng 2020…

Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong phát triển du lịch cộng đồng

(HBĐT) - Mai Châu là địa phương có nhiều di tích lịch sử, văn hóa và thắng cảnh. Mỗi năm, huyện đón trên 350.000 lượt khách trong nước và quốc tế đến thăm quan. Huyện có gần 150 cơ sở lưu trú du lịch, 7 điểm du lịch cộng đồng (DLCĐ), hàng chục dự án đầu tư về du lịch, thương mại. Riêng quý I/2020, huyện đón 39.854 lượt khách đến thăm quan du lịch. Tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 29,2 tỷ đồng.

Khám phá vẻ đẹp hang Sửng Sốt

(HBĐT) - May mắn có dịp trở lại thành phố du lịch Hạ Long (Quảng Ninh) sau khi dịch Covid-19 tạm thời được đẩy lùi, tôi được một người bạn là người dân bản địa dẫn đi thăm quan vịnh Hạ Long. Nơi được Unesco nhiều lần công nhận là Di sản thiên nhiên của thế giới với hàng nghìn hòn đảo được làm nên bởi tạo hoá kỳ vĩ và sống động. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục