(HBĐT) - Hòa Bình được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh, nhưng cũng có không ít tuyệt tác được chính bàn tay của con người qua bao đời tạo dựng. Tiêu biểu là hệ thống ruộng bậc thang ở nhiều khu vực miền núi trong tỉnh, hiện trở thành một trong những điểm dừng chân thú vị của du khách để thưởng lãm, khám phá.


 

Mùa vàng trên ruộng bậc thang Miền Đồi (Lạc Sơn).

Ruộng bậc thang là minh chứng cho ý chí, nghị lực và sự sáng tạo của con người trong thích nghi với điều kiện tự nhiên. Ở các xóm, bản có nhiều đồi núi trong tỉnh, ruộng bậc thang rất phổ biến. Trừ một số địa phương có địa hình bằng phẳng, còn hầu hết các huyện đều có diện tích ruộng bậc thang nhất định. Nhưng xét về quy mô cũng như thẩm mỹ thì những khu ruộng ở các huyện: Lạc Sơn, Cao Phong, Tân Lạc đẹp hơn cả. Có du khách phương xa lần đầu đặt chân đến xã Miền Đồi (Lạc Sơn) đã không khỏi ngỡ ngàng, bởi ở nơi chỉ cách Thủ đô Hà Nội hơn 100km đang "giấu” những tuyệt tác đẹp không kém gì những ruộng bậc thang ở Mù Căng Chải (Yên Bái) hay Hoàng Su Phì (Hà Giang)...

Kỳ vỹ tuyệt tác ruộng bậc thang

Ruộng bậc thang Hòa Bình đã nổi tiếng? Câu trả lời có lẽ mới chỉ ở mức, bắt đầu được biết đến. Một trong những nguyên nhân khiến những thắng cảnh này chưa nổi tiếng vì tọa ở các vùng đất vốn được coi là nơi "thâm sơn, cùng cốc". Với huyện Cao Phong, lần đầu tiên người viết được biết đến khu ruộng bậc thang xóm Mừng, xã Xuân Phong cũ (nay là xã Hợp Phong), xóm Rớm (nay là Rớm Khánh, xã Thạch Yên) cách đây 6 năm. Thời điểm đó, đường về xóm Mừng vẫn gồ ghề đất, đá. Mừng cũng là một trong những xóm khó khăn nhất tỉnh. Những lần sau này, về xã Miên Đồi, xã Quý Hòa, huyện Lạc Sơn hay huyện Tân Lạc có các xóm: Cóc (xã Ngọc Mỹ), Chếch (nay là Muôn Chếch, xã Đông Lai), chúng tôi thấy điểm chung, đó là đều thuộc vùng đặc biệt khó khăn với hạ tầng giao thông còn trắc trở. Thời điểm đó, thửa ruộng bậc thang có lẽ là điểm sáng duy nhất ở những vùng quê nghèo.

Đến nay, với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, chính sách đặc thù đối với các vùng đất khó, đời sống của bà con đã đổi thay nhiều so với nửa thập kỷ trước. Trở lại thăm các tuyệt tác do bàn tay con người tạo ra, trên con đường được cứng hóa đem lại cảm xúc khác hơn ngày đầu được "gặp gỡ”. Những ngày cuối năm, nắng hanh hao trên con đường về vùng cao Yên Thượng (nay sáp nhập là xã Thạch Yên, huyện Cao Phong). Chúng tôi về Yên Thượng, bởi nơi đây có khu ruộng bậc thang đẹp nhất ở Mường Thàng với diện tích trên 100ha. Một lý do đặc biệt hơn nữa là từ Yên Thượng theo lối đi tắt có thể sang đến nơi được coi là xứ sở ruộng bậc thang của vùng đất Mường cổ. Đó chính là xã Miền Đồi (Lạc Sơn).

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Yên Bùi Văn Tương, trên địa bàn xã có nhiều khu ruộng bậc thang nhưng đẹp nhất, rộng nhất là ở xóm Rớm Khánh, cách trung tâm UBND xã độ 10 phút chạy xe. Khu ruộng bậc thang xóm Rớm Khánh rộng hết tầm mắt. Phía dưới chân ruộng có con suối nước trong vắt chảy quanh năm. Khu ruộng nằm giữa lưng chừng đồi, uốn lượn thành nhiều nếp trước khi được "ngăn” lại bởi hàng chục mái nhà của bà con người Mường. Phía còn lại chạy dài tới tận ngọn đồi cao nhất, nơi cả bản Mường sẽ chào đón ánh bình minh mỗi buổi sớm mai.

Gia đình ông Nhung (57 tuổi), xóm Rớm Khánh có căn nhà sàn nằm ngay cạnh khu ruộng bậc thang. Ông Nhung tự hào rằng, quanh năm ngôi nhà mát mẻ vì được đón gió từ ruộng vào. Vào mùa vụ, hương lúa ngào ngạt làm cho bầu không khí của núi rừng thêm trong lành, mênh mang. "Khu ruộng bậc thang đã được hình thành từ lâu đời, thời chúng tôi hay ông cha sinh ra đều đã có khu ruộng này. Chúng tôi tự hào vì những thửa ruộng không chỉ giúp đảm bảo an ninh lương thực, mà còn được nhiều du khách yêu mến tìm đến để trải nghiệm, khám phá, có cả những đôi lứa đến để lưu lại những bức ảnh đẹp”, ông Nhung chia sẻ.

Từ Thạch Yên đi theo con đường tắt, xã Miền Đồi (Lạc Sơn) hiện ra với khung cảnh ruộng bậc thang đồ sộ, kỳ vỹ. Ở Miền Đồi, đa số diện tích đất lúa đều là ruộng bậc thang. Song đẹp nhất là khu ruộng thuộc xóm Vôi Thượng và xóm Dóm. Ở hai xóm này, ruộng bậc thang có diện tích rộng lớn với hàng trăm bậc liền nhau. Trên đỉnh cao nhất là một thửa ruộng lớn, bằng phẳng, hình dáng tựa như những thửa ruộng bậc thang vốn nổi tiếng ở Mù Căng Chải hay Hoàng Su Phì. Không chỉ có ruộng bậc thang, Miền Đồi còn lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc của người Mường. Xen giữa các thửa ruộng, thoảng lại được điểm tô bằng những rừng cây còn khá nguyên sơ. Tất cả tạo nên vẻ đẹp hài hòa giữa tuyệt tác do con người tạo ra và cảnh sắc do mẹ thiên nhiên ban tặng.

Di sản văn hóa cần gìn giữ

Những lần về Miền Đồi, chúng tôi đã có dịp tìm hiểu về đời sống của bà con ở các xóm, bản. Mấy năm trở lại đây, xã nghèo này đã và đang khôi phục, nhân rộng mô hình trồng quýt cổ bản địa. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều hộ giữ được mái nhà sàn truyền thống. Có dịp chúng tôi còn được đến thăm hộ gia đình lưu giữ bộ chiêng quý từ xưa để lại. Nếu lên Đồi Lè, nơi được coi là "nóc nhà” của Miền Đồi, sẽ được hòa mình vào thiên nhiên và phóng tầm mắt ngắm nhìn mảnh đất Thạch Yên (Cao Phong), Ngọc Mỹ (Tân Lạc) và cả vùng Cộng Hòa rộng lớn của huyện Lạc Sơn.


Khu ruộng bậc thang xóm Rớm Khánh, xã Thạch Yên (Cao Phong) tạo vẻ đẹp cuốn hút cho thôn bản.

Theo chia sẻ của đồng chí Bùi Văn Bích, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Miền Đồi: Trong 4 - 5 năm trở lại đây, xã được đón nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến thăm quan, trải nghiệm ruộng bậc thang trên địa bàn. Tuy nhiên, điều kiện phục vụ hoạt động du lịch trên địa bàn xã chưa được đầu tư, chủ yếu mang tính tự phát. Cấp ủy, chính quyền nhìn nhận, với những tiềm năng sẵn có, nếu được đầu tư để thúc đẩy phát triển du lịch sẽ mở ra cơ hội lớn để người dân Miền Đồi vượt lên trong hành trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Đó cũng là trăn trở của xã Thạch Yên (Cao Phong).

Với những xã vùng cao này, sản xuất nông nghiệp trên những thửa ruộng bậc thang vẫn là sinh kế quan trọng của người dân. Hình ảnh những mùa lúa chín, không khí sản xuất sôi động khi thu hoạch lúa hay lúc làm đất chuẩn bị vụ mùa mới sẽ luôn mang giá trị nghệ thuật như vốn có bao đời. Khi những hình ảnh đó được lan tỏa, tiềm năng được đánh thức, ruộng bậc thang sẽ không chỉ đơn thuần là tư liệu sản xuất mà còn là di sản cần được lưu giữ. Được biết, tháng 10/2022, UBND tỉnh đã tiến hành khảo sát, đánh giá, nghiên cứu lập hồ sơ bảo tồn Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới "Ruộng lúa bậc thang của người Mường Hòa Bình” tại huyện Tân Lạc, Lạc Sơn và Cao Phong...


Viết Đào


Các tin khác


Nắm bắt thực tế hoạt động du lịch tại huyện Mai Châu

Ngày 21/3, đoàn công tác Sở VH-TT&DL đã tổ chức nắm bắt tình hình thực tế hoạt động kinh doanh và đón tiếp phục vụ khách du lịch tại huyện Mai Châu.

Hội An đứng đầu trong 10 điểm đến an toàn nhất cho khách du lịch một mình trên thế giới

Dưới đây là danh sách những điểm đến an toàn nhất thế giới dành cho khách du lịch một mình, theo Smoky Mountains.

Nâng cao hiệu quả công tác thống kê, chất lượng dự báo cho du lịch

Chất lượng dự báo có tốt thì việc hoạch định chiến lược, kế hoạch phát triển mới có tính khả thi cao. Trong công tác dự báo, thống kê là một trong những công cụ quan trọng nhất, bởi nó cung cấp các thông tin, dữ kiện cần thiết để làm cơ sở cho hoạch định chính sách phát triển, đồng thời cũng là thước đo để đánh giá năng lực, hiệu quả thực thi.

Ra mắt Đại đô thị kết hợp nghỉ dưỡng “độc nhất”: Giữa lòng thiên nhiên - Kề bên thành phố - Giáp ranh Thủ đô.

Trải dài hơn 4km dọc bờ sông Đà, có một châu Âu thu nhỏ đan xen giữa không gian kỳ vỹ của sông núi, nơi kiến tạo một không gian "sống nghỉ dưỡng” tràn ngập sắc xanh và một cộng đồng tinh hoa thành đạt mang tên Casa Del Rio.

Ra mắt show diễn thực cảnh “Huyền tích UVA”-sản phẩm du lịch mới của Điện Biên

Nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch Điện Biên, mang đến cho du khách những trải nghiệm mới lạ, hấp dẫn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên chủ trì, phối hợp UBND huyện Điện Biên giới thiệu sản phẩm du lịch mới: show diễn thực cảnh " Huyền tích UVA ”. Đây là điểm nhấn trong khuôn khổ khai mạc Năm Du lịch quốc gia-Điện Biên gắn với Lễ hội Hoa Ban năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục