Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ được xác định là nguồn lực quan trọng, sản phẩm chủ lực nổi bật cho phát triển du lịch của tỉnh Điện Biên và tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng về lịch sử, văn hóa của vùng Tây Bắc nói riêng, cả nước nói chung.

Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu” là một trong 10 di tích quốc gia đặc biệt quan trọng được xếp hạng đầu tiên trong cả nước.

Theo đồng chí Trần Quốc Cường - Bí thư Tỉnh uỷ Điện Biên, di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ với 45 điểm di tích thành phần là di tích có giá trị, vai trò đặc biệt quan trọng, trở thành biểu tượng của sự kế thừa, phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang, hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; có giá trị, ý nghĩa lịch sử lớn lao đối với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, đồng thời là một trong những tài nguyên đặc sắc, quý giá không chỉ của tỉnh mà còn của cả nước, cần được quan tâm, giữ gìn, bảo vệ, phát huy giá trị để phát triển du lịch.


Nhiều đoàn cựu chiến binh và du khách tham quan các điểm di tích thuộc Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ.

Thời gian qua, di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ luôn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Ban, bộ, ngành Trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức, cá nhân, nhân dân cả nước; cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Điện Biên quan tâm bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị, đồng thời phát triển thành điểm nhấn quan trọng trong hành trình tham quan của du khách; được xác định là nguồn lực quan trọng, sản phẩm chủ lực nổi bật cho phát triển du lịch của tỉnh Điện Biên và tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng về lịch sử, văn hóa của vùng Tây Bắc nói riêng, cả nước nói chung.

Theo thông tin của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, đến nay, công tác bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ đã đạt được kết quả tích cực. Toàn bộ 45 điểm di tích đã xác định được khu vực bảo vệ I; 30/45 điểm di tích có khu vực bảo vệ II; 28/45 điểm di tích được cắm mốc trên thực địa; 23/45 điểm di tích có đầy đủ hồ sơ khoa học; 10/45 điểm di tích đã thực hiện bảo tồn, tôn tạo, xây dựng công trình văn hóa tâm linh; 6/45 điểm di tích được đưa vào thu phí thăm quan; 1/45 điểm di tích có nguồn thu từ công đức (Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ thuộc di tích đồi F). Các điểm di tích tiêu biểu như đồi A1, Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đồi D1 - Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại xã Mường Phăng, đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ trên đồi F… là những điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế.

Tiến sĩ Bùi Thanh Tuấn - Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an, Bộ Công an cho rằng, những giá trị lịch sử trở thành tiềm năng to lớn cho ngành du lịch nếu được quy hoạch vào khai thác, tạo các sản phẩm du lịch văn hoá, lịch sử. Những chứng tích lịch sử ở Điện Biên Phủ có thể được khai thác trong những sản phẩm du lịch hành hương hay về nguồn để trải nghiệm, "sống” và hiểu một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc. Đến với Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, mỗi người sẽ cảm nhận đầy đủ được những điều này. Hiện nay, Bảo tàng đang lưu giữ trên 4.000 hiện vật là các phương tiện kỹ thuật, vũ khí chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam và phía Pháp. Nổi bật trong Bảo tàng là bức tranh Panorama tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, được giới hội họa đánh giá là một trong 10 bức tranh lớn nhất thế giới sáng tác về đề tài chiến tranh, tái hiện toàn bộ chiến dịch 56 ngày đêm "chấn động địa cầu”.


Bức tranh Panorama tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa là một điểm nhấn trong hành trình đến với mảnh đất anh hùng.

Dừng chân bên bức tranh, ông Hoàng Lê, du khách từ Hà Nội chia sẻ niềm xúc động được chiêm ngưỡng bức hoạ thể hiện 4.500 nhân vật giữa trận chiến cuối cùng của trận Điện Biên Phủ - một điểm nhấn, một địa chỉ không thể bỏ qua khi đến với mảnh đất anh hùng. Ông cũng bày tỏ niềm tự hào trước chiến thắng vĩ đại của một nước thuộc địa bé nhỏ ở Đông Nam Á trước đội quân hùng mạnh của một cường quốc phương Tây có đầy đủ các phương tiện chiến tranh hiện đại. Chiến thắng ấy cho thấy sự lãnh đạo sáng suốt với nghệ thuật quân sự tài tình của Đảng ta, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Để thu hút và giữ chân du khách đến với di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, những năm qua, tỉnh Điện Biên đã tiến hành khoanh vùng, cắm mốc, tập trung trùng tu, tôn tạo, phục hồi và đưa vào sử dụng, phát huy các giá trị của các điểm di tích cứ điểm đồi A1, khu di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, tượng đài tại công viên chiến thắng Mường Phăng; xây dựng Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ; cải tạo, nâng cấp Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ… Đồng thời nâng cao, hoàn thiện các kỹ năng cho đội ngũ những người làm du lịch, nhất là đội ngũ thuyết minh viên, đồng thời tăng cường giới thiệu, quảng bá và gắn du lịch lịch sử với các lễ hội và các hình thức du lịch khác…

Những việc làm đó đã góp phần thu hút đông đảo nhân dân, du khách trong và ngoài nước tới tham quan, trải nghiệm, tri ân tại các điểm di tích. Một số di tích thành phần của di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ sau khi được bảo tồn, tôn tạo, đưa vào khai thác đã phát huy giá trị, trở thành điểm đến hấp dẫn, là tài nguyên du lịch chủ đạo, lợi thế cạnh tranh của tỉnh góp phần quan trọng thu hút, níu giữ chân du khách khi tới tham quan, trải nghiệm khám phá Điện Biên.

Tỉnh cũng tích cực tham gia các hội chợ, hội thảo, sự kiện du lịch quan trọng tại các địa phương và trung tâm du lịch của cả nước; ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch với 8 tỉnh vùng Tây Bắc, mở rộng triển khai hiệu quả các biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Điện Biên với các tỉnh Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan, tỉnh Vân Nam - Trung Quốc. Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xuất bản, phát hành các tài liệu, ấn phẩm cẩm nang, thông tin du lịch như tờ gấp, tờ rơi, bản đồ du lịch; sản xuất phim video, clip quảng bá về di tích. Thường xuyên tổ chức các hoạt động, sự kiện, lễ hội nhằm giới thiệu, tuyên truyền về Chiến thắng Điện Biên Phủ, di tích Chiến trường Điện Biên Phủ và quảng bá về giá trị di sản văn hóa của tỉnh Điện Biên tới đông đảo nhân dân, bạn bè, du khách trong nước và quốc tế…

Xác định du lịch lịch sử là khởi điểm và cũng là cầu nối để Điện Biên phát triển các loại hình du lịch khác, giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh đã đầu tư trên 5.000 tỷ đồng để phát triển kết cấu hạ tầng, thương mại, du lịch, dịch vụ, khách sạn, vui chơi giải trí. Đặc biệt, cuối năm 2023, dự án đầu tư xây dựng mở rộng cảng hàng không Điện Biên hoàn thành và đón các chuyến bay bằng máy bay hiện đại, cỡ lớn từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đến đã tạo đà đưa du lịch Điện Biên cất cánh.

Năm 2023 cũng là năm đầu tiên Điện Biên cán mốc đón một triệu lượt khách, tăng gần 25% so với năm 2022. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt trên 1.750 tỷ đồng. Đây là tín hiệu đáng mừng, là tiền đề để tỉnh tạo đột phá trong năm 2024 - năm kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và đăng cai Năm Du lịch Quốc gia nhằm phấn đấu xây dựng tỉnh Điện Biên thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.



Theo Baodienbienphu.com.vn

Các tin khác


Kiểm tra các dự án phát triển du lịch tại huyện Đà Bắc

Ngày 23/4, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển du lịch hồ Hòa Bình thành khu du lịch quốc gia, do đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phát triển du lịch tại huyện Đà Bắc.

Ấn tượng du lịch thành phố bên sông Đà

Không chỉ được biết đến là miền đất có thiên nhiên tươi đẹp, nền văn hoá đặc trưng, TP Hòa Bình còn có ẩm thực độc đáo với những món ăn ngon, lạ miệng, hương vị rượu cần nổi tiếng. Điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa và con người đã tạo nên tiềm năng du lịch phong phú, hấp dẫn cho điểm đến.

VITM Hà Nội 2024 thu hút gần 80.000 lượt khách tham quan, mua tour kích cầu dịp hè

Chiều ngày 14/4, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổng kết, bế mạc Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2024 với chủ đề "Du lịch Việt Nam – Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững”. Hội chợ thu hút gần 80.000 khách đến thăm quan, mua sắm tour kích cầu dịp 30/4-1/5 và dịp hè.

Huyện Yên Thủy phát triển du lịch gắn với điểm đến lễ hội, tâm linh

Hiện nay, sản phẩm du lịch của huyện Yên Thủy chủ yếu là du lịch lễ hội, du lịch tâm linh. Bên cạnh đảm bảo nếp sống văn minh trong hoạt động tín ngưỡng, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương luôn chú trọng bảo tồn giá trị di tích lịch sử, văn hoá và lễ hội gắn với khai thác thế mạnh du lịch.

Doanh nghiệp du lịch mong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài để tăng doanh thu

Theo các doanh nghiệp lữ hành, kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay được các Bộ, ngành đề xuất hoán đổi ngày làm việc để kéo dài thành 5 ngày nghỉ sẽ là dịp để doanh nghiệp lữ hành, các điểm vui chơi thu hút khách du lịch, tăng doanh thu.

Định vị thương hiệu du lịch Việt Nam trên trường quốc tế

Nhìn lại tiến trình phát triển của nền du lịch quốc gia, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho rằng, Việt Nam ghi nhận mức phục hồi mạnh mẽ của ngành này khi đạt được mức tăng trưởng tiệm cận với kết quả năm 2019. Song cho dù lấy lại được sức phát triển trước dịch Covid-19, du lịch nước ta đã tụt hậu đến 5 năm so với thực tế. Vì thế, trước sự cạnh tranh của nhiều thị trường lớn của thế giới, cũng như các nước láng giềng, du lịch Việt cần nỗ lực hơn nữa để bứt phá và định vị thương hiệu trên trường quốc tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục