Nằm ở độ cao 800 - 1.000m so với mực nước biển, 3 xã vùng cao của huyện Tân Lạc gồm: Vân Sơn, Quyết Chiến, Ngổ Luông được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện tự nhiên, khí hậu ôn hòa, cảnh quan núi rừng hùng vĩ, tài nguyên du lịch tự nhiên đa dạng… Xác định tiềm năng của mảnh đất, con người nơi đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 17/10/2022 về "Xây dựng các xã vùng cao huyện Tân Lạc trở thành khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Một góc xã vùng cao Vân Sơn, huyện Tân Lạc nhìn từ trên cao.
Đến với 3 xã vùng cao huyện Tân Lạc, du khách được hoà mình vào cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu luôn mát mẻ về mùa hè. Mùa đông thời tiết thường lạnh hơn nhưng đổi lại có nhiều ngày nắng đẹp, tạo nên cảnh quan mây núi vô cùng quyến rũ. Trên địa bàn có nhiều hang động đẹp như: động Nam Sơn được xếp hạng di tích cấp quốc gia; hang Núi Kiến được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Ngoài ra có một số thác nước tự nhiên, nhiều điểm tham quan, khám phá, như: đỉnh Lũng Vân, ruộng bậc thang Lũng Vân, đồi quýt cổ Nam Sơn, thung lũng su su Quyết Chiến…
Đồng chí Bùi Minh Hồng, Trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Tân Lạc cho biết: "Triển khai thực hiện nghị quyết cùng sự hỗ trợ của tổ công tác về thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, huyện Tân Lạc đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân trên địa bàn các xã vùng cao tập trung làm du lịch, qua đó nhận thức của người dân được nâng lên, bước đầu hiểu được giá trị kinh tế từ phát triển du lịch mang lại. Các xã đã xây dựng được 2 điểm du lịch cộng đồng, đang triển khai 2 điểm du lịch nữa. Có thể nói đây là khởi đầu đáng mừng của du lịch huyện Tân Lạc".
Gia đình chị Đinh Thị Trường, xóm Chiềng, xã Vân Sơn quyết định cải tạo ngôi nhà sàn thành không gian lưu trú homestay Lũng Vân. Gia đình chị đầu tư gần 400 triệu đồng cùng vốn vay nâng cấp khu nhà sàn khang trang, tiện ích hơn, có thể đón 15 - 20 khách lưu trú. Đồng thời, tham gia các lớp hướng dẫn làm du lịch do chính quyền địa phương tổ chức để nắm bắt rõ nhu cầu, phương thức phục vụ du khách, đảm bảo phát triển kinh tế gia đình theo hướng du lịch bền vững. Chị Đinh Thị Trường chia sẻ: "Du khách đến homestay đều đề nghị được thưởng thức các món ăn của dân tộc Mường và hài lòng với dịch vụ của homestay”.
Cùng với những nét văn hóa truyền thống lâu đời, sự cởi mở và hiếu khách của người dân bản địa, tất cả đang tạo nên một điểm đến thu hút du khách trong nước và quốc tế. Anh Vũ Văn Hưng, du khách đến từ Long Biên, Hà Nội cho biết: "Đây là lần thứ 2 gia đình đến đây du lịch, nghỉ dưỡng, mỗi lần đều có cảm giác khác nhau. Ở đây được trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa, tham gia các hoạt động, sinh hoạt đời thường cùng người dân. Nhờ vậy, mọi người có cơ hội khám phá, tìm hiểu về văn hóa, cảnh vật độc đáo và giá trị truyền thống của địa phương. Khí hậu nơi đây trong lành, đặc biệt là con người Vân Sơn nói riêng và người dân tộc Mường nói chung rất chân thật, mến khách”.
Điểm nổi bật khi đến các xã vùng cao Tân Lạc du khách không thể bỏ qua là chợ phiên Lũng Vân được họp vào thứ Ba và Chủ nhật hằng tuần. Các mặt hàng bày bán tại phiên chợ đa dạng, phong phú với nhiều loại nông sản đặc trưng của địa phương như: quýt cổ Nam Sơn, rau su su, mộc nhĩ rừng, nhất là các bài thuốc nam truyền thống của bà con…
Trong năm qua, thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU về "Xây dựng các xã vùng cao huyện Tân Lạc trở thành khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng, các ban, ngành, đoàn thể địa phương đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng đến du khách trong, ngoài nước. Năm 2024, huyện đón 294.500 lượt khách đến tham quan du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Đồng chí Hà Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Sơn cho biết: "Sau khi các hộ dân tham gia mô hình homestay đã đón nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm, qua đó góp phần quảng bá các sản phẩm nông sản của địa phương. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục mở rộng mô hình homestay tại xóm Hày Dưới".
Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, các xã vùng cao huyện Tân Lạc hứa hẹn là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm gắn với phát triển dịch vụ thương mại, nông nghiệp sạch. Hiện nay, các cấp, ngành đang quyết tâm phát huy lợi thế để tạo những sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách, tạo sinh kế cho người dân, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Mai Chinh (Trung tâm VH-TT&TT huyện Tân Lạc)
Phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là hướng đi phù hợp nhằm khai thác tài nguyên văn hóa bản địa để phát triển kinh tế, xã hội; đồng thời góp phần bảo tồn, lan tỏa những giá trị truyền thống tốt đẹp.
Chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) gắn với kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh Bình Thuận (19/4/1975 - 19/4/2025), sáng 17/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận tổ chức triển lãm ảnh, kết hợp trưng bày, giới thiệu sản phẩm thương mại - du lịch với chủ đề: "Bình Thuận - 50 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”. Triển lãm được tổ chức tại Nhà hát và Triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh.
Thời gian qua, huyện Tân Lạc là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước. Với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, nhiều thắng cảnh đẹp, lễ hội truyền thống, bản sắc dân tộc độc đáo và di sản văn hóa đặc sắc của người Mường, Mường Bi - Tân Lạc dần khẳng định tiềm năng phát triển du lịch bền vững, hứa hẹn mang đến những trải nghiệm khó quên cho du khách.
Huyện Cao Phong có tiềm năng phát triển du lịch lớn nhờ vào địa hình đa dạng, khí hậu ôn hòa và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đang từng bước khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch cả nước. Được biết đến với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, những ngọn núi hùng vĩ, hồ thủy điện trong xanh và bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc, Cao Phong đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Ngày 10/4/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 34/CĐ-TTG về việc thúc đẩy phát triển du lịch, bảo đảm thực hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số.
Được ví như Đà Lạt của vùng Tây Bắc, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 150km, Mộc Châu (Sơn La) có khí hậu trong lành, mát mẻ, thung lũng hoa mận trắng muốt, núi non hùng vĩ, thảo nguyên xanh bát ngát với những cánh đồng hoa rực rỡ cùng nét văn hóa độc đáo, con người thân thiện, mến khách, nhiều danh lam thắng cảnh. Với tiềm năng, lợi thế sẵn có cùng cách làm du lịch bài bản, chuyên nghiệp, thảo nguyên xanh Mộc Châu tiếp tục thu hút nhiều dự án du lịch lớn, trở thành điểm đến lý tưởng đối với du khách trong và ngoài nước khi đến Tây Bắc.