Thiếu nhi thành phố Hòa Bình múa hát khai mạc
hoạt động hè năm 2018.
Những năm gần đây, các điểm vui chơi, hoạt động hè cho trẻ em thành phố Hòa Bình được phát triển. Ngoài Trung tâm hoạt động thanh - thiếu niên, Nhà thiếu nhi tỉnh, nhiều khu vui chơi cho trẻ em tư nhân được hình thành như: khu vui chơi Tuệ Minh, khu vui chơi tại các siêu thị AP Plaza, Vì Hòa Bình, Hoàng Sơn. Các điểm vui chơi công cộng như Quảng trường Hòa Bình, Nhà văn hóa thành phố... Bên cạnh đó, trong dịp hè các em còn được tham gia các hoạt động vui chơi do Đoàn thanh niên tổ chức.
Chị Lê Thu Trang, Phó Bí thư Thành đoàn Hòa Bình cho biết: Sau khi tổng kết năm học, các nhà trường sẽ bàn giao học sinh về Thành Đoàn để quản lý, tổ chức sinh hoạt hè cho các em. Tại các phường, xã sẽ tổ chức các hoạt động sinh hoạt hè phù hợp, chủ yếu mang tính tập thể như múa, hát, bóng đá, dân vũ, giao lưu văn hóa - văn nghệ, TD-TT..., trong đó có hoạt động truyền thống là giải bóng đá thiếu niên thành phố; tổ chức các hội thi, hội trại. Tổng kết hè sẽ có hội trại toàn thành phố thu hút đông đảo học sinh tham gia với nhiều nội dung thi văn hóa - văn nghệ, thể thao sôi nổi, giúp các em có một mùa hè tươi vui, tạo động lực để sẵn sàng bước vào năm học mới.
Năm 2018, thành phố tập trung vào việc tạo sân chơi cho trẻ em, nhất là tại các phường, xã, khu dân cư. Một số địa bàn như: Phường Phương Lâm, Tân Thịnh, các xã: Sủ Ngòi, Trung Minh, Hòa Bình có một số khu dân cư đã tạo được sân chơi cho trẻ em tại khu vực nhà văn hóa, xây dựng sân khấu nổi, đầu tư, tự tạo lập các hạng mục đồ chơi cho trẻ em như tái chế lốp xe ô tô, tận dụng các mảnh gỗ, tre được cắt, đóng, sơn, sửa thành bập bênh, xích đu... làm đồ chơi. Đây cũng là mô hình để thành phố nhân rộng trên địa bàn nhằm tạo sân chơi cho trẻ em.
Cùng với đó, trẻ em trên địa bàn thành phố còn được tham gia các lớp học năng khiếu. Tập trung nhất là ở Trung tâm hoạt động thanh - thiếu niên, Nhà thiếu nhi với nhiều lớp năng khiếu học múa, hát, vẽ, nhảy, võ, bơi lội, kỹ năng sống, luyện chữ đẹp, toán thông minh, tin học, tiếng Anh... Thành phố cũng có nhiều trung tâm thu hút các em tham gia như Super Kids, Garden Kids, Green Kids...với nhiều lớp học năng khiếu để các em lựa chọn.
Trẻ em nông thôn - "Đỏ” mắt tìm sân chơi
Không có nhiều lựa chọn như trẻ em thành phố, sân chơi cho trẻ em nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng KT-XH còn nhiều khó khăn đã, đang là vấn đề cần được quan tâm. Chị Nguyễn Thị Tiến, Phó Bí thư Huyện Đoàn Lương Sơn cho biết: Hiện, trên địa bàn thị trấn có điểm tổ chức các hoạt động cho thiếu nhi tại Phố chợ Lương Sơn do Quỹ phát triển giáo dục Tây Bắc thực hiện với các khóa học về kỹ năng mềm, trang bị kiến thức chống bạo hành, xâm hại tình dục, an toàn giao thông, chia sẻ yêu thương... mỗi tuần 3 buổi, tối thứ 6 hàng tuần tổ chức chiếu phim thiếu nhi. Với địa bàn thị trấn hiện mới có điểm này là sân chơi cho thiếu nhi. Ngoài ra, Đoàn cơ sở cũng tổ chức các hoạt động sinh hoạt hè, tuy nhiên không đều, chủ yếu tập trung vào ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 và Tết Trung thu.
Xã Mông Hóa (Kỳ Sơn) có địa bàn rộng, đông dân cư, tuy nhiên trên địa bàn xã không có điểm vui chơi cho trẻ em. Chị Nguyễn Thị Minh Giang, cán bộ LĐ-TB&XH xã cho biết: Dịp hè trẻ em trong xã chủ yếu ở nhà, lao động giúp gia đình những việc nhẹ, nhỏ hoặc cùng nhau chơi các trò chơi dân gian. Để có một điểm là sân chơi tập trung, có các hạng mục đồ chơi cho các em thì chưa có. Tại các nhà văn hóa xóm, khuôn viên cũng nhỏ hẹp, thường chỉ đủ làm sân thể thao chung của xóm.
Một phụ huynh ở thị trấn Thanh Hà (Lạc Thủy) chia sẻ: Từ năm 2017 một hộ tư nhân ở thị trấn đầu tư bể bơi phao đã thu hút các cháu đến tắm, vui chơi. Còn về điểm vui chơi cho trẻ em thì thị trấn chưa có. Tôi có 2 cháu nhỏ, hè chỉ ở nhà vì muốn đi chơi cũng không có điểm để chơi. Các cháu tham gia sinh hoạt hè nhưng chỉ thi thoảng, vì thực tế hoạt động sinh hoạt hè chưa tạo được sự đa dạng, hấp dẫn, thu hút các cháu.
Cần nhiều hơn nữa điểm vui chơi lành mạnh, bổ ích
Thực tế hiện nay, tỷ lệ xã, phường, thị trấn có điểm vui chơi cho trẻ em rất ít, điểm vui chơi đạt chuẩn càng không có. Đối với nhiều gia đình, để tìm cho trẻ một chỗ vui chơi trong dịp hè không phải dễ. Trẻ sẽ chơi ở đâu, có an toàn không luôn là mối quan tâm của cha mẹ. Qua tìm hiểu, trước đây, hai huyện Lương Sơn và Cao Phong đã xây dựng Nhà thiếu nhi tại trung tâm thị trấn tạo sân chơi cho trẻ em nhưng nhiều năm nay không còn hoạt động. Nhà thiếu nhi huyện Lương Sơn đã chuyển thành Trung tâm văn hóa huyện. Trẻ em không có điểm vui chơi, không có định hướng của người lớn, tự chơi sẽ dẫn đến xảy ra nhiều nguy cơ như bị tai nạn thương tích, đuối nước, xâm hại. Có những trẻ em cả ở nông thôn và thành thị dành những ngày hè "dán” mắt vào ti vi, máy tính, điện thoại, chơi game online... Không loại trừ trường hợp có em bị rủ rê, lôi kéo mắc vào tệ nạn nghiện hút, đánh bạc, vi phạm pháp luật...
Hàng năm, vào dịp hè, vấn đề thiếu sân chơi cho trẻ lại được đặt ra nhưng dường như chưa có biện pháp giải quyết triệt để. Đây không chỉ là vấn đề của riêng ai mà cần sự quan tâm của các cấp, ngành và toàn xã hội. Cấp ủy, chính quyền các địa phương, cơ sở cần quan tâm hơn nữa đến việc quy hoạch, dành quỹ đất để xây dựng điểm vui chơi, giải trí cho thanh, thiếu nhi. Các tổ chức Đoàn, Đội, các đoàn thể có nhiều chương trình, hoạt động góp phần chăm lo trẻ em tốt hơn, giúp mang lại cho các em những mùa hè vui khỏe, an toàn và hạnh phúc.
Hà Thu