(HBĐT) - Theo đề xuất của đơn vị tư vấn - Công ty CP tư vấn xây dựng và quy hoạch Việt Nam, Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hòa Bình đến năm 2045 là một bước cụ thể hóa chủ trương của tỉnh. Trên cơ sở nhận định, đánh giá thực tiễn phát triển, những tiềm năng, thế mạnh của thành phố, đơn vị tư vấn và các cơ quan liên đang xây dựng quy hoạch có tính thực tiễn và nhạy bén. TP Hòa Bình được hình dung là một thành phố có tổ chức phát triển mới, năng động, đặc biệt nhạy cảm với vấn đề môi trường, hội tụ các yếu tố để trở thành điểm đến hấp dẫn, nơi để sinh sống, làm việc và nghỉ ngơi.


Thành phố Hòa Bình sở hữu dòng sông Đà thơ mộng là cơ hội để phát triển đô thị, dịch vụ.

Xác định rõ không gian phát triển

Đồ án xây dựng quy hoạch chung TP Hòa Bình đến năm 2045. Đồ án xác định, TP Hoà Bình là trung tâm chính trị - hành chính - kinh tế, văn hóa - xã hội và khoa  học - kỹ thuật của tỉnh; là một trong những đô thị trung tâm vùng Thủ đô Hà Nội, là đô thị sinh thái, mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử, dân tộc vùng Tây Bắc; có vị trí quốc phòng, an ninh quan trọng phía Tây vùng Thủ đô.  

Định hướng phát triển, thành phố trung tâm kinh tế, chính trị, thương mại, dịch vụ của tỉnh và vùng Tây Bắc, là thành phố của cảnh quan thiên nhiên, phát triển hai bên bờ sông Đà, kết nối với hồ Hòa Bình, thành phố chiến lược về quốc phòng, an ninh. Mô hình phát triển đô thị đa dạng tuyến, kết nối đô thị, sông - hồ du lịch. Không gian nội thị phát triển về phía Đông Bắc, dọc theo tuyến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình; phát triển mở rộng các điểm dân cư ngoại thị tập trung, quy mô lớn tại Thịnh Minh, Quang Tiến. Chiến lược phát triển của thành phố tập trung phát triển ven sông và phát triển chuỗi đô thị gắn kết với hạ tầng giao thông. 

Đối với các lĩnh vực cụ thể là: Phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp theo hướng công nghiệp sạch; phát triển khu logistics Yên Quang tại cửa ngõ phía Bắc, phục vụ phân khối hàng hóa trên hành lang kinh tế dọc tuyến đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình - Sơn La. Phát triển một số cụm, điểm công nghiệp, khu công nghiệp Mông Hóa theo hướng phát triển về công nghiệp sạch, công nghệ cao, gắn với phát triển đô thị. Về du lịch, dịch vụ quy hoạch phát triển các khu, tuyến điểm về du lịch, xây dựng các làng du lịch truyền thống gắn với bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển đa dạng loại hình du lịch chất lượng cao gắn với các dịch vụ đồng bộ; phát triển hình thức du lịch cộng đồng gắn với các lễ hội, làng nghề, hoạt động văn hóa truyền thống. Về nông, lâm nghiệp chú trọng phát triển lâm nghiệp, bảo vệ rừng đầu nguồn, nguồn nước đối với vùng Thủ đô, thực hiện các quy hoạch nông nghiêp, nông thôn đã được phê duyệt, trồng rừng sản xuất kết hợp với phát triển du lịch nhằm tận dụng ưu thế cảnh quan tự nhiên của Hòa Bình; khu vực xã Thịnh Minh, Hợp Thành, khu cửa ngõ phía Bắc giáp với núi Ba Vì được định hướng phát triển mô hình đô thị, nông nghiệp công nghệ cao.

Tổng diện tích đất tự nhiên lập quy hoạch là 34.865 ha. TP Hòa Bình phát triển theo mô hình đa trung tâm. Hệ thống trung tâm cấp vùng và cấp đô thị. Dự tính đến năm 2045, dân số toàn thành phố là 31,5 vạn người, trong đó, dân số đô thị 30 vạn người, chiếm 95,2%. Phân vùng không gian gồm: Khu bờ trái, khu bờ phải; khu vực Nam Kỳ Sơn; khu vực Bắc Kỳ Sơn. 

Cùng với xây dựng đồ án quy hoạch chung, TP Hoà Bình đang phối hợp triển khai các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo hướng đồng bộ với quy hoạch  chung. Đồng chí Chủ tịch UBND TP Bùi Quang Điệp cho biết: Hiện, thành phố đang triển khai thực hiện 22 đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000; 1 đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 với tổng diện tích khoảng 9.717 ha. Trong đó, 3 đồ án đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, đang thực hiện các thủ tục triển khai lập đồ án; 4 đồ án đang trình Sở Xây dựng thẩm định nhiệm vụ quy hoạch. Các đồ án còn lại cơ bản đã hoàn thành công tác lựa chọn đơn vị tư vấn, xin ý kiến cộng đồng dân cư, hiện đang hoàn thiện các nội dung trình thẩm định nhiệm vụ quy hoạch theo quy định…

Các ngành chức năng thống nhất cho rằng: Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 là một trong những khâu đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, thực hiện mục tiêu đưa tỉnh trở thành tỉnh hàng đầu trong khu vực Tây Bắc nhờ tăng trưởng GDP với các trụ cột tăng trưởng chính là: Du lịch sinh thái; công nghiệp xanh; nông nghiệp sạch... Quy hoạch các huyện, thành phố đồng bộ, thống nhất với quy hoạch tỉnh nhằm khai thác tối đa lợi thế, cảnh quan để phát triển bền vững. Đồ án quy hoạch xây dựng thành phố phải đánh giá cụ thể tiềm năng, thế mạnh, kế thừa được các quy hoạch trước, bổ sung phù hợp với giai đoạn tương lai, đồng bộ với quy hoạch ngành, lĩnh vực; đồng thời phù hợp với thực tiễn, thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố có bản sắc, diện mạo riêng có, đồng thời đáp ứng những tiêu chuẩn về trung tâm vùng và là nơi đô thị, sinh thái, phát triển xanh, bền vững. 

Theo đồng chí Giám đốc Sở Xây dựng Trần Hải Lâm thành phố cần tính toán điều chỉnh cao độ nền ở mức Cos 20 là phù hợp, vì nếu để Cos 24 liên quan đến rất nhiều dự án gây đội chi phí đầu tư không cần thiết, bên cạnh đó thành phố nên quy hoạch 1 khu trung tâm, các phân khu cũng cần tính toán xu thế phát triển, chẳng hạn như Yên Mông nên quy hoạch thành phường, thay vì xã, vì đã có nhiều dự án đầu tư, chỉ trong vài năm tới sẽ phát triển theo hướng đô thị, dịch vụ rất mạnh… Đối với quy hoạch chung xây dựng thành phố, các sở, ngành chức năng thống nhất cần tính toán, điều chỉnh quy hoạch hợp lý khu vực phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, quy hoạch xử lý chất thải, nghĩa trang để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững cho thành phố trong tương lai. 

Quy hoạch, tập trung triển khai tuyến đường ven sông Đà

TP Hoà Bình sở hữu tuyến sông Đà từ hạ lưu đập thủy điện xuống đến Thịnh Minh, cảnh quan thiên nhiên hữu tình với nhiều xóm, bản, bãi bồi, con nước trải dài, là cơ hội rất lớn để phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ. Nhiều năm trước, các ngành, đơn vị đã đề xuất ý tưởng quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu dọc hai bên sông Đà, trong đó xác định sông Đà là điểm nhấn phát triển đô thị, dịch vụ, cảnh quan, môi trường, dọc hai bên bờ sông được quy hoạch hệ thống đường, cơ sở dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, hệ thống điện chiếu sáng, thoát nước, giao thông đồng bộ, kết nối, tạo cảnh quan và điểm nhấn cho TP Hòa Bình. Đồ án quy hoạch xây dựng thành phố đã tính toán tới vấn đề này. Đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, quy hoạch chung xây dựng thành phố cần có tầm nhìn dài hạn, tận dụng, phát huy được lợi thế sẵn có của sông Đà. Theo đó, quy hoạch xây dựng tuyến đường dọc sông Đà với quy mô lớn. Đây là vấn đề khó về giải phóng mặt bằng và nguồn lực. Song nếu quyết tâm và quyết liệt thực hiện, chúng ta sẽ có một thành phố ven sông xứng tầm là trung tâm của tỉnh, cửa ngõ của vùng Tây Bắc. Bên cạnh đó cần tính toán xây dựng tuyến đường nối từ quốc lộ 6 lên cảng Ba Cấp để tạo sự kết nối liên thông khai thác du lịch khu vực hồ thuỷ điện. Từ quy hoạch sẽ quản lý chặt chẽ và khai thác tốt quỹ đất, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cảnh quan, môi trường bảo đảm khai thác, phát huy các hoạt động du lịch, dịch vụ, phát triển kinh tế dịch vụ ven sông Đà. 


           
Thành phố Hoà Bình huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng đô thị hiện đại, văn minh.

Đồ án định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật về cấp nước, điện, thông tin liên lạc, quy hoạch hệ thống nghĩa trang… Quy hoạch hệ thống hạ tầng giao thông đối ngoại đường thủy, đường bộ, đường sắt của thành phố cụ thể: Tuyến giao thông cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình đạt thiết kế tiêu chuẩn cao tốc loại B, 6 làn xe cao tốc  hoàn chỉnh và hệ thống đường bên quy mô 4 làn xe (mỗi bên 2 làn xe). Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu quy mô bề rộng nền đường 22 km. Quốc lộ 6 và quốc lộ 70 B nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp II và cấp III đồng bằng. Đối với quốc lộ 6 đi qua địa phận nội thị thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị với tổng bề rộng 42 m. Quốc lộ 32B nâng cấp dựa trên cơ sở tuyến 433, quy mô cấp III từ 2 - 4 làn xe. Các tuyến tỉnh lộ 445, 446, 448, 435 quy hoạch theo tiêu chuẩn đường cấp II, III, IV. Cùng với đó xác định các bên xe đối ngoại kết hợp với đầu mối xe bus. Về giao thông đường thủy gồm trên sông Đà và lòng hồ thủy điện Hòa Bình gồm 2 luồng tuyến vận tải chính là Việt Trì, Phú Thọ - Hòa Bình và hồ Hòa Bình - Vạn Yên, Sơn La. Quy hoạch xác định 7 cảng thủy nội địa là các cảng Hòa Bình, cảng Tổng hợp, cảng  Ba cấp, cảng Bích Hạ, cảng Kỳ Sơn, cảng nông sản và cảng  lâm nghiệp Hòa Bình - Phú Thọ, quy hoạch các cảng du lịch lịch mới… 

Đồng chí Ngô Văn Tuấn, UVBCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Quy hoạch cần định hướng được không gian phát triển, xác định TP Hoà Bình là trái tim của tỉnh, vệ tinh của Thủ đô Hà Nội. Xây dựng quy hoạch phải đảm bảo định hướng, không gian phát triển, môi trường xanh, sạch, đẹp; có tính vượt trội về kết nối, giao thông, môi trường sống, thể chế và nhân lực. Trong lĩnh vực giao thông, phải xác định lộ trình dài hơi; quyết liệt trong quy hoạch xử lý rác thải, phát triển đô thị, nhà ở, công nghiệp, dịch vụ gắn với bảo vệ môi trường… Các nội dung phải bám sát các tiêu chí xây dựng đô thị theo quy định của pháp luật, gắn với thế mạnh, tiềm năng về du lịch, văn hóa… hướng tới mục tiêu xây dựng TP Hoà Bình là thành phố đô thị, du lịch dịch vụ; khám chữa bệnh, đào tạo, tài chính - ngân hàng… Với điểm nhấn là sông Đà, hồ Hoà Bình mang bản sắc riêng có, là nơi đáng sống của cư dân.

                                                                

Lê Quang Huân

Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Hòa Bình

 




Có giải pháp phù hợp để thực hiện đồ án quy hoạch

Về quy hoạch chung của đơn vị tư vấn rất quan trọng đối với sự phát triển của thành phố, tuy vậy cần tính toán các giải pháp phù hợp để khai thác hiệu quả các nguồn lực như việc di chuyển trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ thì khu vực tiếp giáp với trường hiện còn khoảng 10 ha, cần có định hướng rõ để khai thác hiệu quả quỹ đất phù hợp với định hướng phát triển của thành phố. Trong đồ án quy hoạch chung có nêu phố đi bộ, chợ đêm đường đê Đà Giang, được xem là điểm nhấn đô thị về đêm tạo nét riêng cho thành phố, đề nghị: Tỉnh ủng hộ để tạo điều kiện cho thành phố thực hiện đề án này. Về các tuyến phố có kiến trúc đặc sắc của các dân tộc của tỉnh, thành phố đề xuất tuyến đường Hòa Bình lên cảng Bích Hạ, dài khoảng 4 km, hiện khá thưa thớt dân cư, cần có quy chế quản lý riêng và yêu cầu xây dựng riêng đối với khu vực này. Bên cạnh đó, tỉnh có quan điểm nhất quán về quy hoạch nghĩa trang để tránh lãng phí công sức nghiên cứu đầu tư của các nhà đầu tư. Về quy hoạch cát sỏi cần tính toán điều chỉnh quy hoạch cát sỏi, thống nhất điểm khai thác phù hợp để không xung đột với các dự án phát triển đô thị, sinh thái ven sông…

Ngô Ngọc Đức
Bí thư Thành ủy Hòa Bình

Đồ án cần đáp ứng yêu cầu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp

Thành phố Hòa Bình đang triển khai đồng thời quy hoạch chung và nhiều đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, để đáp ứng yêu cầu hiện tại cần phải thực hiện khẩn trương hơn nữa, cần phải bám sát chỉ đạo của Tỉnh về các dự án trọng điểm. Đơn vị tư vấn và các cơ quan liên quan cần lưu ý một số vấn đề khi lập quy hoạch như: Thứ nhất phải lấy ý kiến Nhân dân thật kỹ, vì thực tế làm không tốt nội dung này dự án sẽ không thực hiện được. Về khu nhà ở xã hội, theo quy định phải có 20% diện tích đất cho 1 dự án, tuy nhiên hiện có nhiều dự án đang triển khai, nên tính toán quy hoạch tập trung vào 1, 2 điểm để bảo đảm tính ổn định trong xã hội và mỹ quan trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó cần đặc biệt quan tâm quy hoạch nước thải, cần tính toán bảo đảm hiệu quả, khớp với đồ án đã triển khai. Đặc biệt, đồ án quy hoạch chung phải đáp ứng yêu cầu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, quy hoạch chung cần thể hiện được điều này. Khi sau sáp nhập, thành phố có những mục tiêu, thách thức và yêu cầu phát triển mới. Vì vậy, quy hoạch cần thể hiện được nội dung này. Trên cơ sở đó để thực hiện quy hoạch. Đây là quy hoạch đô thị nên đất nông nghiệp còn rất ít, đồ án cần thể hiện được điều này. Bên cạnh đó, giải pháp kiến trúc phải thể hiện được nét đặc trưng của văn hóa Hòa Bình, như thế mới mang bản sắc riêng có. 

Nguyễn Tuấn Anh
Chánh Văn phòng UBND tỉnh


Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục