Nhiều chương trình hành động vì bình đẳng giới
Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ/TW, ngày 27/4/2017 của Bộ Chính trị khoá X về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Kế hoạch số 37-KH/TU, ngày 17/6/2008, Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 12/1/2015 về công tác cán bộ nữ tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2015-2020; Quyết định số 220/QĐ-UBND, ngày 11/2/2015 của UBND tỉnh ban hành kế hoạch Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BĐG. Bổ sung quy hoạch cán bộ đảm bảo đúng nội dung, phương pháp, đối tượng… theo tinh thần Nghị quyết số 42-NQ/TW, Kết luận số 24-KL/TW của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 15-HD/BTCTW của Ban Tổ chức T.Ư. Theo đó, ngoài việc đảm bảo tỷ lệ nguồn quy hoạch, cơ cấu 3 độ tuổi, cán bộ trẻ thì tỷ lệ cán bộ nữ đưa vào quy hoạch đã đươc các cấp uỷ chú trọng, nhất là cán bộ nữ người dân tộc thiểu số. Hàng năm, tỉnh triển khai kế hoạch về thực hiện Chương trình hành động quốc gia về BĐG, Tháng hành động vì BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
Với việc triển khai các chương trình hành động, giải pháp đồng bộ, bằng nỗ lực của các sở, ban, ngành, đoàn thể và Nhân dân thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả đã tạo điều kiện cho cả nam và nữ phát huy quyền làm chủ và bình đẳng trên mọi lĩnh vực của đời sống KT-XH và trong gia đình, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Về cơ bản đã bảo đảm bình đẳng giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Kết quả thể hiện rõ qua việc đội ngũ cán bộ nữ ngày càng được tạo điều kiện trong việc đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí sử dụng. Tỷ lệ nữ trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XV là 3/6 đại biểu (bằng 50%); tỷ lệ nữ trúng cử đại biểu HĐND tỉnh khoá XVII, nhiệm kỳ 2021-2026 là 12/58 đại biểu (20,69%); tỷ lệ nữ trúng cử đại biểu HĐND cấp huyện là 94/333 đại biểu (28,23%); tỷ lệ nữ trúng cử đại biểu HĐND cấp xã là 815/3.305 đại biểu (24,66%).
Những vấn đề còn đặt ra
Là vấn đề được đặc biệt quan tâm, một trong những mục tiêu quan trọng được Đảng, Nhà nước đặt ra trong thời kỳ đổi mới, tỉnh xác định để thực hiện cần có sự phối hợp của nhiều yếu tố khác nhau, trong đó, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về BĐG là hết sức cần thiết.
Tỉnh Đoàn tặng quà cho phụ nữ, trẻ em gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được do thực hiện các mục tiêu BĐG đem lại, phụ nữ và trẻ em gái là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương trước các nguy cơ, cũng như cần có thêm nhiều hơn nữa cơ hội để đạt bình đẳng thực chất. Vẫn còn tồn tại vấn nạn ngược đãi phụ nữ, nhất là ở những vùng dân trí chưa cao, định kiến về giới còn tồn tại ở một số nơi, một số lĩnh vực, gây nhiều thiệt hại không chỉ cho đối tượng yếu thế mà còn ảnh hưởng đến toàn xã hội. Bất BĐG cũng được coi là một trong những nguyên nhân chủ yếu của nạn bạo lực gia đình.
Những năm gần đây, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái, như: Tuyên truyền về giới; Luật BĐG; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Bộ luật Lao động; Luật Trẻ em… Chủ động xây dựng nội dung, phương pháp triển khai phù hợp từng đối tượng tuyên truyền nhằm giáo dục nâng cao nhận thức cho phụ nữ về BĐG, tổ chức nhiều hoạt động phong phú như: Sự kiện truyền thông tại cộng đồng; tọa đàm, diễn đàn; tập huấn kỹ năng truyền thông thay đổi hành vi; bồi dưỡng nghiệp vụ công tác BĐG; phòng, chống bạo lực gia đình… Từ đó làm thay đổi những suy nghĩ an phận, tự ti, cam chịu của phụ nữ, chuyển sang suy nghĩ và hành động tích cực tác động đến công tác BĐG.
Thúc đẩy bình đẳng giới thực chất
Tháng hành động vì BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (15/11 - 15/12/2021) được triển khai với chủ đề "Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng, tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện BĐG, xoá bỏ bạo lực trên cơ sở giới”. Cùng với thông điệp này, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh với nhiều hình thức, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Nội dung trọng tâm là tuyên truyền về các chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19, vai trò của việc tăng quyền năng cho phụ nữ, trẻ em gái trong việc thúc đẩy BĐG. Chính sách hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gặp khó khăn do đại dịch đảm bảo kịp thời. Các cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ BĐG và ứng phó với bạo lực giới tăng cường truyền thông, tư vấn, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em trong bối cảnh dịch bệnh. Huy động nguồn lực để truyền thông và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân bị xâm hại, bạo lực, mua bán, bóc lột.
Đồng chí Nguyễn Thị Linh Ngọc, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Sở đã trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021-2030 với những chỉ tiêu cụ thể và nhiều giải pháp đồng bộ. Phân công trách nhiệm cho các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố triển khai các hoạt động thiết thực để thúc đẩy BĐG và phòng ngừa, ứng phó mọi hình thức phân biệt đối xử, bạo lực trên cơ sở giới nhằm khẳng định những ưu tiên và cam kết trong việc thúc đẩy BĐG thực chất.
Mục tiêu chung của chiến lược là xoá bỏ tư tưởng định kiến về giới, bảo đảm BĐG thực chất giữa nam và nữ; thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh. Theo đó, trong lĩnh vực chính trị, phấn đấu đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Trong lĩnh vực kinh tế - lao động, tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương đạt 50% năm 2025 và khoảng 60% năm 2030; giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc ở khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm xuống dưới 30% năm 2025, dưới 25% năm 2030; tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, HTX đạt ít nhất 27% năm 2025, 30% năm 2030. Trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ còn 1,7 lần năm 2025, 1,4 lần năm 2030 so với nam giới; đến năm 2025 đạt 80% và đến năm 2030 đạt 90% người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản; đến năm 2025 đạt 50%, năm 2030 đạt 70% người gây bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn; từ năm 2025 trở đi, 100% nạn nhân bị mua bán trở về được phát hiện có nhu cầu hỗ trợ được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng; đến năm 2025 có 90% và năm 2030 có 100% cơ sở trợ giúp xã hội công lập triển khai các hoạt động trợ giúp, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Bùi Minh
Nâng cao nhận thức về xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái
Mặc dù các quyền của phụ nữ đã được đảm bảo hơn nhưng ở một vài khía cạnh trong công tác gia đình, chị em còn chịu nhiều thiệt thòi và còn bị phân biệt, đối xử. Đáng quan tâm, trong số các vụ bạo lực gia đình được thống kê, nạn nhân chủ yếu là nữ giới. Năm 2021, toàn tỉnh phát hiện 113 hộ có bạo lực gia đình, 116 vụ bạo lực gia đình, nạn nhân là nữ chiếm 75,86%.
Để tăng cường phối hợp cùng các cấp, ngành trong việc thực hiện BĐG và vì sự tiến bộ của phụ nữ, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, nhất là của nam giới về xoá bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, ngành VH-TT&DL tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình… Chỉ đạo đổi mới hình thức, nội dung sinh hoạt các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình. Tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (25/11)…
Lưu Huy Linh
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL
Hỗ trợ thúc đẩy quyền năng kinh tế của phụ nữ
Phụ nữ chiếm trên 50% dân số toàn huyện, là lực lượng lao động quan trọng, tham gia đóng góp trên tất cả lĩnh vực đời sống xã hội. Những năm qua, Hội LHPN huyện đã tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, đẩy mạnh các hình thức liên kết sản phẩm theo chuỗi giá trị gia tăng. Chủ động triển khai Đề án 939 "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025”, tuyên truyền, hỗ trợ, nâng cao nhận thức, kiến thức về khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp. Hàng năm, rà soát, xây dựng kế hoạch, tổ chức đăng ký giúp đỡ hộ nghèo, hộ nghèo có địa chỉ, quan tâm hộ nghèo do phụ nữ làm chủ. Nhân rộng phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế. Phối hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động nữ. Làm tốt công tác nhận uỷ thác với các ngân hàng, tổ chức tín dụng hỗ trợ phụ nữ vay vốn…
Nhằm phát huy, khẳng định hơn nữa vai trò của phụ nữ tham gia phát triển kinh tế, cần có sự thúc đẩy quyền năng, thông qua hỗ trợ về nguồn lực để chị em mạnh dạn hơn trong triển khai các dự án sản xuất, kinh doanh, hiện thực hoá ý tưởng khởi nghiệp.
Bùi Minh Hồng
Chủ tịch Hội LHPN huyện Tân Lạc
Mong muốn được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn về chính sách
Là xã nông thôn miền núi còn nhiều khó khăn, thông qua cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức hội ở địa phương đã đảm bảo sự tham gia, hưởng lợi một cách bình đẳng của phụ nữ trong phát triển KT-XH, nâng cao năng lực của bộ máy hành chính và các tổ chức xã hội, góp phần thực hiện chính sách, chiến lược vì sự tiến bộ của phụ nữ, bảo vệ quyền, lợi ích của phụ nữ. Đặc biệt là đảm bảo quyền của phụ nữ trong việc cấp giấy đăng ký quyền sử dụng đất, tăng cường vai trò của họ trong việc ra quyết định ở địa phương. Riêng nông dân nữ, nhờ có máy móc cơ giới hoá đã giảm thiểu sự vất vả, giảm tác động không tốt tới sức khoẻ. Chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp không phân biệt lao động nam, nữ thu hút sự tham gia tích cực và bình đẳng của cả lao động nam, nữ vào sản xuất.
Phụ nữ nông thôn trên địa bàn xã có nguyện vọng được Đảng, Nhà nước quan tâm hơn nữa trong việc lồng ghép vấn đề giới vào các chương trình mục tiêu quốc gia, tăng khả năng tiếp cận với các chính sách tín dụng, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ về y tế, giáo dục, góp phần giảm chênh lệch về thu nhập, kiến thức KT-XH và trình độ văn hoá, nâng cao khả năng độc lập của phụ nữ trong xã hội.
Bùi Mạnh Hường
Chủ tịch UBND xã Mường Chiềng (Đà Bắc)