(HBĐT) - Nhiều bản làng du lịch cộng đồng (DLCĐ) đang bị tác động bởi quá trình đô thị hóa; phong tục, tập quán có sự lai tạp; dịch vụ thương mại phát triển đan xen... Đây là những căn nguyên khiến DLCĐ đang dần mai một đi bản sắc vốn từng hấp dẫn du khách.


Khách quốc tế trải nghiệm văn hóa vẽ sáp ong tại bản du lịch cộng đồng người Mông, xã Hang Kia (Mai Châu). 

Tìm về giá trị văn hóa cốt lõi

Bản Lác của người Thái, xã Chiềng Châu (Mai Châu) được xem là khởi nguồn của DLCĐ Hòa Bình. Nét văn hóa độc đáo, cảnh quan tự nhiên tươi đẹp thu hút cả khách Tây lẫn khách ta. Tuy nhiên, qua nhiều năm đi vào hoạt động, DLCĐ bản Lác đang mất đi sự hứng thú trong cảm nhận của nhiều người. Anh Robert, du khách đến từ Úc cho biết: Tôi đến đây chủ yếu để trải nghiệm văn hóa, nhưng có lẽ sự tò mò, thú vị đã vơi đi phần nào. Bản Lác bây giờ, quần thể kiến trúc nhà sàn Thái truyền thống bị phá vỡ bởi không ít hộ sử dụng gạch, ngói, bê tông để xây dựng nhà ở. Hàng hóa thổ cẩm bày bán chủ yếu may theo dây chuyền, việc sản xuất theo lối thủ công truyền thống gần như không còn nữa. Thêm vào đó là xe điện chạy rầm rầm. Nhà nhà bán hàng, mở các loại hình dịch vụ khác như cafe, massage, karaoke...

Trong khi đó, nếu ngược lên 2 xã Hang Kia, Pà Cò sẽ mang đến cho du khách cảm nhận rất khác. Đó là sự trải nghiệm văn hóa của đồng bào dân tộc Mông, khám phá vẻ đẹp con người, thiên nhiên thuần khiết. Đây cũng chính là "nam châm" thu hút du khách gần đây đến với Hang Kia, Pà Cò ngày một nhiều. Chị Sùng Y Múa, người đầu tiên làm DLCĐ ở xã Hang Kia chia sẻ: Mình bắt đầu làm DLCĐ, khởi nghiệp với loại hình homestay từ năm 2016. Để hấp dẫn khách du lịch, mình xác định phải đáp ứng được những sản phẩm đa dạng, gắn với bản sắc văn hóa dân tộc. Du khách đến đây được khám phá các cung đường, ngắm cảnh đẹp hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng, trải nghiệm vẽ sáp ong, nhuộm chàm, hái chè, sao chè, làm giấy dó thủ công, các trò chơi dân gian, làm nông nghiệp, ngoài ra còn có những chuyến pic-nic hái rau rừng và nấu ăn tại rừng... Không ít khách vì yêu mến mà ở lại hàng tháng trời để nghiên cứu, tìm hiểu về phong tục tập quán, lối sống của người dân bản địa. Du khách đến Hang Kia trên 70% là người nước ngoài.

Đến với điểm DLCĐ Đá Bia (nay thuộc xóm Đức Phong), xã Tiền Phong (Đà Bắc), những cô gái Mường Ao Tá tay đánh chiêng đón khách ngay khi tàu vừa cập bến lên bờ. Du khách sẽ có thêm cảm nhận mới mẻ về văn hóa và bản sắc khi được ăn, ở, sinh hoạt trong các homestay với không gian nhà sàn truyền thống của người Mường. Đặc biệt, các "quán tự giác" của người Mường ở Đá Bia để lại ấn tượng cho du khách. Nhiều người đã ví "quán tự giác" giống như hình thức siêu thị đầu tiên được duy trì của người Mường Ao Tá. Hàng hóa bày bán ở quán là các sản vật do bà con tự làm ra như các loại hoa quả, mật ong... Điểm thú vị là quán không có người bán, ai có nhu cầu mua thì lấy hàng và trả tiền vào giỏ. Với tư duy, cách làm DLCĐ khai thác điểm mạnh về bản sắc văn hóa của dân tộc mình, Đá Bia đang trở thành điểm đến trải nghiệm, khám phá mới mẻ. Trước đây, đời sống Nhân dân khó khăn. Hoạt động DLCĐ đã kéo theo nhiều thứ, cụ thể có 5 hộ làm homestay, 37 hộ khác tham gia các dịch vụ xe ôm, đưa đón, hướng dẫn khách, tàu thuyền, vui chơi giải trí.

Khai thác lợi thế du lịch cộng đồng chưa xứng với tiềm năng

Là tỉnh miền núi có nhiều dân tộc, Hòa Bình có bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú của các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông được người dân lưu giữ trong nhiều xóm, bản. Hòa Bình cũng là cái nôi nền "Văn hóa Hòa Bình" nổi tiếng, quê hương của sử thi "Đẻ đất, đẻ nước" với 41 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng cấp quốc gia, 58 di tích cấp tỉnh cùng nhiều lễ hội dân gian các dân tộc... Bên cạnh đó, là cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với nhiều hang động đẹp, các khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng về hệ sinh thái, động, thực vật, hồ Hòa Bình sơn thủy hữu tình... giàu tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng.

Giai đoạn 2015 - 2019, DLCĐ phát triển khá nhanh, tập trung nhiều nhất ở huyện Mai Châu với 7 điểm DLCĐ, gồm: bản Lác - xã Chiềng Châu, bản Bước - xã Xăm Khòe, bản Văn, Pom Coọng - thị trấn Mai Châu, bản Cha Lang - xã Mai Hịch, xóm Pà Cò - xã Pà Cò, xóm Hang Kia - xã Hang Kia. Huyện Lạc Sơn có xóm Mu - xã Tự Do, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông. Huyện Đà Bắc có xóm Ké - xã Hiền Lương, điểm du lịch cộng đồng Đá Bia, Mó Hém - xã Tiền Phong, bản Sưng - xã Cao Sơn. Huyện Cao Phong có bản Giang Mỗ - xã Bình Thanh, xóm Tiện - xã Thung Nai. Huyện Tân Lạc có bản Ngòi - xã Suối Hoa, xóm Lũy Ải - xã Phong Phú, xóm Chiến - xã Vân Sơn, xóm Bưởi Cại - xã Phú Cường... Hiện nay, ngoài dịch vụ lưu trú ăn uống, các dịch vụ kèm theo như biểu diễn văn nghệ, sản xuất, cung cấp hàng thổ cẩm, lưu niệm, cho thuê thuyền, bè, mảng, xe đạp, cộng tác hướng dẫn, thuyết minh, giới thiệu cho khách thăm quan bản làng, tìm hiểu truyền thống lịch sử, văn hóa, đời sống Nhân dân, tham gia các trò chơi dân gian... đã được các điểm DLCĐ khai thác.

Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, khách quốc tế đến các điểm DLCĐ chiếm tỷ lệ khá cao, chủ yếu tập trung vào dịp đầu năm, cuối năm, thời điểm nghỉ cuối tuần, các ngày nghỉ lễ, học tập, nghiên cứu. Giai đoạn 2015-2019, số khách DLCĐ đến Hòa Bình chiếm bình quân khoảng 13,9% so với tổng số khách du lịch của tỉnh. Đến năm 2019, các điểm DLCĐ đã đón 471.000 lượt khách đến khám phá, trải nghiệm văn hóa bản địa của cộng đồng các dân tộc, tăng 180.000 lượt so với năm 2015. Trong đó, có 243.000 lượt khách quốc tế, thị trường khách chủ yếu từ Pháp, Úc, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha.


Với việc tái hiện làng Mường cổ Lũy Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc) qua không gian kiến trúc nhà ở, cổng nhà truyền thống đã đưa du lịch cộng đồng Lũy Ải thành điểm đến hấp dẫn.

Tuy nhiên, về cơ cấu tổng thu từ khách du lịch của tỉnh, khách quốc tế đóng góp 21,9%, khách nội địa đóng góp 70,9%. Trong cơ cấu thu từ khách DLCĐ, khách quốc tế đóng góp 34,7%, khách nội địa đóng góp 65,3%. Doanh thu từ dịch vụ bán hàng, ăn uống, cho thuê phòng chiếm tỷ trọng cao nhất (82%), dịch vụ còn lại chiếm 18%. Khách du lịch đến Hòa Bình có mức chi tiêu còn thấp, do thiếu các dịch vụ có chất lượng và sức hấp dẫn đối với du khách.

Để trở thành điểm đến hấp dẫn

Theo đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, DLCĐ do người dân tự làm ra sản phẩm và mang lại nguồn lợi trực tiếp trên cơ sở bản sắc văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, trong đó, bản sắc là yếu tố quyết định. Nói một cách khác, phần "hồn cốt" của điểm đến DLCĐ chính là văn hóa. Trên địa bàn tỉnh có một số điểm DLCĐ được đánh giá cao, có 4 điểm nhận giải homestay Asean và khẳng định được thương hiệu "Điểm đến hấp dẫn, thân thiện" gồm: bản Lác, bản Cha Lang (Mai Châu), khu du lịch cộng đồng Đá Bia (Đà Bắc), xóm Mu (Lạc Sơn). Tuy nhiên, DLCĐ Hòa Bình chưa phát huy hết hiệu quả và đang phải cạnh tranh với các tỉnh như Lào Cai, Sơn La, Hà Giang...

UBND tỉnh vừa ban hành Đề án phát triển DLCĐ gắn với xây dựng NTM đến năm 2030, theo Quyết định số 446/QĐ-UBND, ngày 10/3/2020. Trong đó, nhấn mạnh tiềm năng phát triển DLCĐ và những giải pháp đưa DLCĐ trở thành điểm đến hấp dẫn, gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường, giữ vững QP-AN, đảm bảo TTATXH. Năm 2020, tỉnh phấn đấu đón 520.000 lượt khách thăm quan du lịch, hỗ trợ xây dựng 10 điểm DLCĐ, 12 sản phẩm du lịch đạt 3 sao theo tiêu chuẩn OCOP. Đến năm 2025, phấn đấu đón 945.000 khách du lịch. Tổng thu từ khách DLCĐ chiếm 17,5% tổng số thu từ khách du lịch của tỉnh. Tiếp tục hỗ trợ xây dựng 15 điểm DLCĐ, 22 sản phẩm du lịch đạt 3-4 sao. Đến năm 2030 phấn đấu đón 1.650.000 khách du lịch, tổng thu từ khách DLCĐ chiếm 19,5% tổng số thu từ khách du lịch của tỉnh; tiếp tục hỗ trợ xây dựng 20 điểm DLCĐ, 30 sản phẩm đạt từ 3-5 sao theo tiêu chuẩn OCOP, đồng thời tiếp tục hỗ trợ nhân rộng thêm một số mô hình phát triển DLCĐ cho các xã.

Theo định hướng, tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật tại các điểm DLCĐ đang hoạt động, các điểm đã được phê duyệt trong quy hoạch, đề án phát triển du lịch của tỉnh và các địa phương. Nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ DLCĐ, xây dựng các chương trình du lịch mới gắn với lĩnh vực nông nghiệp, tạo thành các tour, tuyến cho khách du lịch được khám phá, trải nghiệm tại địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến DLCĐ tới các thị trường khách quốc tế, nội địa để thu hút khách du lịch đến Hòa Bình. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ chuyên sâu về quản lý du lịch cho đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước từ cấp tỉnh đến địa phương, hỗ trợ đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng đón tiếp phục vụ khách cho người dân, để từng bước đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Hỗ trợ đầu tư cho công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy giá trị các di tích thắng cảnh, để khai thác phát triển du lịch, xây dựng cảnh quan DLCĐ theo hướng du lịch xanh, bền vững để hấp dẫn khách du lịch.

Bùi Minh


Nhóm ý kiến: 

Phát triển du lịch cộng đồng gắn với các tiêu chí nông thôn mới

Tỉnh ta định hướng phát triển DLCĐ gắn với xây dựng NTM, tập trung tại các huyện: Mai Châu, Đà Bắc, Tân Lạc, Cao Phong, Lạc Sơn, Yên Thủy và TP Hòa Bình. Đối với DLCĐ phải đáp ứng nguyên tắc bình đẳng xã hội, tôn trọng văn hóa địa phương và các di sản văn hóa, chia sẻ lợi ích, đảm bảo sở hữu, sự tham gia của người dân địa phương để phát triển bền vững.

Hiện nay, đã có những mô hình phát triển DLCĐ gắn với xây dựng NTM, phát triển phù hợp với thực tế địa phương, như mô hình hoạt động HTX DLCĐ, công ty CP DLCĐ, doanh nghiệp liên kết với hộ gia đình khai thác kinh doanh DLCĐ... Cùng với định hướng chung, việc phát triển DLCĐ gắn với các tiêu chí NTM sẽ mang lại hiệu quả, thúc đẩy phát triển loại hình du lịch tiềm năng, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng mô hình NTM kiểu mẫu của tỉnh thành công.

Đặng Tuấn Hùng

Trưởng Phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở VH-TT&DL)


Bản sắc văn hóa mang đến những trải nghiệm tuyệt vời

Tôi đã vài lần đến đất nước Việt Nam, đến các vùng đất của DLCĐ nổi tiếng như Lào Cai, Sơn La và Hòa Bình. Điều mà tôi mong muốn được trải nghiệm nhiều nhất là bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Với Hòa Bình, tôi ấn tượng về trang phục của các cô gái Mường, Dao...và sự thân thiện, mến khách của người dân. Ngoài ra, các món ăn dân dã được người dân bản địa chế biến theo cách truyền thống cũng làm tôi thực sự thích thú.

Trên hành trình khám phá các bản làng DLCĐ ở Hòa Bình, bên cạnh những điểm cộng còn có những điểm trừ, đó là về kiến trúc nhà ở tại một số điểm DLCĐ không còn nguyên vẹn như tôi tìm hiểu. Về trang phục của dân tộc đang dần có sự cải biến, sặc sỡ hơn... Với du khách quốc tế, chúng tôi mong có sự trải nghiệm văn hóa với nét nguyên sơ, chưa bị tác động bởi yếu tố bên ngoài.

Mergan

Du khách Australia


Góp sức xây dựng sản phẩmdu lịch cộng đồng người Dao

Là một trong những người Dao đầu tiên làm DLCĐ, tôi vừa học hỏi và nghiên cứu làm sao để mở mang, phát triển DLCĐ. Trước hết là giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc, đồng thời mang lại nguồn sinh kế bền vững, tạo việc làm, thu nhập cho một số hộ nghèo trong bản.

Với sự hỗ trợ, tư vấn của tổ chức AFAP về kỹ thuật và một phần kinh phí, homestay của tôi giữ được kiến trúc nguyên bản của người Dao, đó là nhà trệt, mái lợp bằng cọ nên du khách rất quan tâm, thích thú. Đặc biệt, chúng tôi bước đầu tạo ấn tượng, sự hài lòng của du khách, nhất là du khách quốc tế đến khám phá, trải nghiệm thông qua các hoạt động gần gũi với thiên nhiên như lội suối ở hang Sưng, hái chè, làm nông, xem bà con người Dao làm thịt chua, rượu hoẵng... Chúng tôi sẽ cố gắng gìn giữ những phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa của dân tộc mình, xác định đó là những sản phẩm DLCĐ thu hút du khách đến với bản Sưng.

Lý Văn Thu

Chủ homestay Xuân Thu, bản Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc)


Các tin khác


Ứng phó với đại dịch Covid-19: Những gam màu sáng

(HBĐT) - Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) gây ra bùng phát tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) vào tháng 12/2019 đã lan ra nhiều nước trên thế giới. Trước tuyên bố tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và việc ghi nhận 16 ca mắc bệnh trên lãnh thổ Việt Nam (tính đến 8h30’ ngày 27/2/2020), công tác phòng chống, ứng phó với dịch bệnh Covid-19 được đẩy lên cao độ.

Chủ động ứng phó với diễn biến bất thường, phức tạp của thiên tai

(HBĐT) - Theo nhận định xu thế thời tiết thủy văn năm 2020 của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, trong năm nay có khả năng xuất hiện từ 10 - 12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó khoảng 5 - 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, khoảng 2 - 4 cơn bão ảnh hưởng đến tỉnh Hòa Bình. Tuy số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) nhưng cần đề phòng khả năng xuất hiện những cơn bão mạnh và có quỹ đạo phức tạp. Đặc biệt, đối với tỉnh cần đề phòng khi thời tiết chuyển mùa, nguy cơ xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, sét, tố lốc, mưa đá trên phạm vi toàn tỉnh.

"Bão công nghệ" ảnh hưởng trẻ em - cần sự tỉnh ngộ của chính phụ huynh

(HBĐT) - Điện thoại thông minh, máy tính bảng, smart tivi… với đủ loại ứng dụng, chương trình hấp dẫn, có thể thấy cơn bão công nghệ đang hiện hữu khắp nơi, tác động mạnh mẽ đến đời sống, trong đó có cả trẻ em. Tuy nhiên, thay vì mang lại nhiều thông tin hữu ích, cơn bão công nghệ đang để lại những hệ lụy khôn lường khi "cướp” đi thời gian, thậm chí cả cuộc đời của trẻ.

Vì một mùa lễ hội vui tươi, an toàn

(HBĐT) - Mỗi độ xuân về, cùng với không khí tưng bừng đón Tết đến, xuân sang, các địa phương cũng sẵn sàng đón mùa lễ hội. Các ngành chức năng của tỉnh đã, đang nhập cuộc để có một mùa lễ hội thực sự vui tươi, an toàn, tôn vinh và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020

(HBĐT) - Theo quy luật của thị trường, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng cao, nhất là đối với nhóm hàng thực phẩm. Thời điểm này, diễn biến nguồn cung hàng hóa và giá cả là vấn đề người dân quan tâm. Đây cũng là lúc cần phát huy cao nhất vai trò của các ngành chức năng trong công tác bình ổn thị trường.

Cấp bách thúc đẩy tiêu thụ, giải phóng vùng mía đường nguyên liệu

(HBĐT) - Diện tích mía đường nguyên liệu của tỉnh đã đến thời vụ thu hoạch kể từ tháng 11. Chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ đến Tết Nguyên đán, người trồng mía nguyên liệu ở các địa phương lại lần nữa bất an về tình hình tiêu thụ, giá cả. Thực trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của hàng nghìn hộ dân. Các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp đang cùng vào cuộc với vai trò thúc đẩy.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục