(HBĐT) - LTS: Năm học 2019 - 2020 đã chính thức bắt đầu được hơn 1 tháng, các nhà trường đã tiến hành việc họp phụ huynh đầu năm. Một trong những vấn đề phụ huynh và xã hội quan tâm nhất hiện nay là các khoản đóng góp của con em trong năm học mới. Nhân dịp này, phóng viên Báo Hòa Bình đã trao đổi với đồng chí Nguyễn Đức Lương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT về những giải pháp đã, đang được ngành GD&ĐT tỉnh triển khai để không xảy ra tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.


Trường TH&THCS Yên Thượng (Cao Phong) ổn định hoạt động sau khai giảng, tập trung thực hiện nhiệm vụ năm học mới.

P.V: Xin đồng chí cho biết những giải pháp đã và đang được ngành GD&ĐT triển khai để chống lạm thu trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh?

Đồng chí Nguyễn Đức Lương: Để chống tình trạng lạm thu vào đầu năm học trong các đơn vị, trường học, Sở GD&ĐT đã ban hành Văn bản số 1834/SGD&ĐT-KHTC, ngày 23/8/2019, nội dung văn bản đã hướng dẫn cụ thể các khoản thu theo quy định, quán triệt các đơn vị nghiêm túc thực hiện công tác thu, chi tài chính đầu năm học và đề nghị UBND các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo kiểm tra tình hình thu, chi đầu năm học tại các cơ sở giáo dục trực thuộc theo phân cấp, kịp thời chấn chỉnh tình trạng lạm thu hoặc thu các khoản trái quy định. Có hình thức xử lý nghiêm, kịp thời đối với hiệu trưởng các cơ sở giáo dục trực thuộc thực hiện thu, chi không đúng quy định.

Ngày 6/9/2019, Sở GD&ĐT tiếp tục ban hành Hướng dẫn công tác thanh tra, kiểm tra và kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm học 2019-2020, trong đó có kế hoạch thanh tra thường xuyên hoặc đột xuất, chú trọng vào các vấn đề xã hội quan tâm, đặc biệt quan tâm việc chống lạm thu tại các cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh. Đồng thời, Sở công bố đường dây nóng để người học, cha mẹ học sinh và nhân dân kịp thời phản ánh hiện tượng thu không đúng quy định.

Bên cạnh đó, Sở tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thu, chi đầu năm học tại các cơ sở giáo dục, kịp thời chấn chỉnh tình trạng lạm thu hoặc thu các khoản trái quy định.

P.V: Theo phản ánh của nhiều bậc phụ huynh, những năm gần đây, các khoản thu bắt buộc đã được thực hiện đúng quy định, nhưng các khoản thu "tự thỏa thuận”, khoản thu do Ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra tổ chức thu để mua sắm tivi, điều hòa, máy vi tính, tổ chức cho học sinh đi du lịch… có xu hướng ngày càng tăng. Quan điểm và hướng xử lý của ngành GD&ĐT về vấn đề này như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Đức Lương: Sở GD&ĐT có hướng dẫn các khoản thu không bắt buộc và thu theo thỏa thuận, đây là những khoản thu để phục vụ cho bản thân học sinh, yêu cầu nhà trường phải đảm bảo thực hiện dân chủ, công khai, có văn bản thỏa thuận với Ban đại diện cha mẹ học sinh về mức thu, nội dung chi phải đảm bảo nguyên tắc thu, chi trên tinh thần tự nguyện, có sự đồng thuận, nhất trí của cha mẹ học sinh tại Biên bản họp cha mẹ học sinh các lớp. Các khoản thu này phải theo dõi trên sổ sách kế toán. Tất cả các khoản thu sau khi thực hiện phải được quyết toán đảm bảo dân chủ, tự nguyện và công khai theo quy định.


Trường THCS thị trấn Bo (Kim Bôi) thực hiện nghiêm túc việc công khai các khoản thu, chi.

Sở đã quy định các khoản thu thỏa thuận để phục vụ cho bản thân học sinh như: tiền bán trú, tiền ăn trưa đối với lớp học 2 buổi/ngày. Nhà trường tổ chức thu nhưng phải đảm bảo điều kiện: dự toán chi tiết các khoản thu, chi; công khai với cha, mẹ học sinh để thống nhất mục đích thu, chi; chỉ thu khi người nộp tự nguyện; tất cả các khoản thu sau khi thực hiện phải được quyết toán đảm bảo dân chủ, tự nguyện, công khai theo quy định. Ban đại diện cha mẹ học sinh không được tổ chức thu để dùng vào việc sau: bảo vệ cơ sở vật chất, an ninh của nhà trường; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp,xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Việc Ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra tổ chức thu "tự thỏa thuận” có xu hướng ngày càng tăng như phản ánh, theo quan điểm của ngành, đối với các khoản thu thỏa thuận cần xem xét mục đích, nội dung thỏa thuận thu, sự bàn bạc, thống nhất các khoản thu và mục đích sử dụng nguồn thu. Tuyệt đối không được lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định tại Thông tư số 55/ 2011/TT-BGDĐT, yêu cầu các cơ sở giáo dục phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh không thu khoản thu thỏa thuận mà chưa có sự bàn bạc, đồng thuận, nhất trí của cha mẹ học sinh.

P.V: Xin đồng chí cho biết công tác thanh tra, kiểm tra sẽ được ngành GD&ĐT thực hiện như thế nào để chống tình trạng lạm thu tại các nhà trường?

Đồng chí Nguyễn Đức Lương: Bên cạnh công tác kiểm tra, thanh tra định kỳ theo kế hoạch của Sở GD&ĐT, để thực hiện chống tình trạng làm thu trong các nhà trường, trước tiên, Sở tổ chức quán triệt và phổ biến tới toàn thể cán bộ, giáo viên, cha mẹ học sinh các văn bản chỉ đạo thu, chi của các cấp quản lý giáo dục; niêm yết công khai các văn bản tại cơ sở giáo dục, yêu cầu các đơn vị, trường học thường xuyên báo cáo, công khai công tác thu, chi tài chính, qua đó, chấn chỉnh kịp thời, chống lạm thu. Bên cạnh đó, khi nhận được phản ánh của các bậc phụ huynh về tình trạng lạm thu tại cơ sở giáo dục sẽ tổ chức tranh tra, kiểm tra để chấn chỉnh, yêu cầu các đơn vị thực hiện thu theo đúng quy định.

P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

 

7 khoản tiền học sinh không phải đóng trong năm học 2019 – 2020

Ngày 18/3/2019, Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 1052/BGDĐT-KHTC về việc thực hiện chỉ đạo điều hành giá và các khoản thu trong lĩnh vực GD&ĐT trong năm học 2019-2020.

Theo đó: Cấm việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ GD&ĐT. Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh. Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu các khoản:

• Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường;

• Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh;

• Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường;

• Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường;

• Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường;

• Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục;

• Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.


 

Dương Liễu (TH)


Nhóm ý kiến:

 

Các khoản vận động tài trợ và khoản thu khác chỉ được thực hiện sau khi được Phòng GD&ĐT thẩm định

Năm học này, Phòng GD&ĐT huyện Lương Sơn đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để tăng cường công tác quản lý thu, chi tài chính năm học 2019 – 2020. Trong đó, lưu ý yêu cầu các nhà trường phải thực hiện các khoản thu theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT.

Các trường học chỉ được thu các khoản thu theo quy định. Các khoản vận động tài trợ và khoản thu khác chỉ được thực hiện sau khi được Phòng GD&ĐT thẩm định theo quy định. Phòng cũng yêu cầu các nhà trường phải thực hiện công khai các nội dung theo quy định tại một số thông tư của Bộ GD&ĐT như: Thông tư số 36/2017 ngày 28/12/2017 của Bộ GD&ĐT, Thông tư số 61/2017 ngày 15/6/2017 của Bộ Tài chính… hướng dẫn công khai đối với cơ sở giáo dục, việc công khai ngân sách đối với đơn vị dự toán ngân sách.

Phòng cũng yêu cầu các nhà trường thực hiện báo cáo công tác quản lý, thu chi tài chính 2 lần/năm học.

 

Nguyễn Thanh Bình

Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Lương Sơn


Cần gắn trách nhiệm của nhà trường với các khoản thu do Ban đại diện hội phụ huynh đứng ra thu

Những năm gần đây, khi các khoản thu bắt buộc của nhà trường giảm thì các khoản thu tự nguyện do Ban đại diện hội phụ huynh đứng ra thu lại tăng. Các cháu học tiểu học mà thu quỹ Hội phụ huynh nhà trường và quỹ hội phụ huynh lớp từ 300 – 500 nghìn đồng/cháu/năm theo tôi là khá cao. Cá biệt, có trường bậc THPT trên địa bàn TP Hòa Bình thu nguyên quỹ hội phụ huynh lớp năm học 2019 – 2020 là 1 triệu đồng/học sinh/năm. Đây thực sự là con số quá lớn, là gánh nặng cho các gia đình trước thềm năm học mới.

Đáng lo ngại hơn khi phong trào vận động phụ huynh mua tivi, lắp điều hòa, trang trí lớp học ngày càng nở rộ. Tất cả đều "đánh” vào quỹ Hội phụ huynh, do Ban đại diện hội phụ huynh đứng ra thu và chi. Do đó, tôi đề nghị ngành chức năng khi tiến hành thanh, kiểm tra việc thu, chi tại các trường học, cần thanh, kiểm tra cả việc thu, chi của quỹ hội phụ huynh các lớp. Cần gắn trách nhiệm của Ban giám hiệu nhà trường, giáo viên chủ nhiệm với các khoản thu, chi của Ban đại diện hội phụ huynh để tránh tình trạng việc lạm thu chuyển từ nhà trường sang hội phụ huynh lạm thu.

 

Bùi Tuấn Hùng

Thị trấn Cao Phong (Cao Phong)


Nên có sự linh động đối với khoản thu bảo hiểm y tế

Theo quy định hiện hành thì khoản thu BHYT hiện nay được xếp vào khoản thu bắt buộc. Chỉ những trường hợp học sinh là con của lực lượng công an, quân đội đã được cấp phát thẻ BHYT mới không phải nộp khoản bắt buộc này. Phụ huynh chúng tôi hiểu mục đích của việc này là góp phần thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe học sinh.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, đời sống người dân được nâng lên, yêu cầu về chăm sóc sức khỏe chất lượng cao cũng ngày càng tăng, nên nhiều gia đình có điều kiện đã mua, hoặc phụ huynh làm việc tại các doanh nghiệp lớn đã được chủ doanh nghiệp mua bảo hiểm chăm sóc sức khỏe cho cả gia đình nhân viên. Các con sẽ được chi trả 100% viện phí khi khám, chữa bệnh tại các bệnh viện công lập cũng như tư nhân, bệnh viện đầu ngành, bệnh viện quốc tế chất lượng cao… Nếu con em đã có bảo hiểm chăm sóc sức khỏe thì phụ huynh chỉ sử dụng bảo hiểm chăm sóc sức khỏe để khám, chữa bệnh cho con, không sử dụng đến BHYT.

Do đó, tôi đề nghị cần có sự linh động trong việc thu khoản thu BHYT. Nếu học sinh nào đã có thẻ bảo hiểm chăm sóc sức khỏe vẫn đang trong thời gian hiệu lực thì không nên bắt buộc tham gia BHYT nữa.

 

Đoàn Mai Phương

Tổ 5, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình)


Công khai, minh bạch các khoản thu, chi của phụ huynh

Có một thực tế đã diễn ra trong các cuộc họp phụ huynh đầu năm học hiện nay là giáo viên chủ nhiệm chỉ đọc 1 lượt các khoản thu, sau đó, đọc tổng số để phụ huynh cứ thế nộp tiền. Không còn thực hiện việc photo và phát cho phụ huynh mỗi người một tờ danh sách các khoản thu, nộp. Điều này đặt ra không ít băn khoăn cho phụ huynh mà vì những vấn đề tế nhị không tiện thắc mắc ngay tại cuộc họp.

Ngoài ra, trong cuộc họp đầu năm, đại diện Ban giám hiệu nhà trường thường chỉ báo cáo về thành tích của năm học vừa qua chứ ít khi công khai, quyết toán các khoản thu của năm học trước thừa, thiếu ra sao. Phụ huynh chúng tôi sẵn sàng chia sẻ với những khó khăn của nhà trường, cũng sẵn sàng chung tay vào các hoạt động xã hội hóa giáo dục, đóng góp các khoản chính đáng. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn các nhà trường phải thật công khai, minh bạch, quyết toán rõ ràng các khoản thu, chi của phụ huynh. Có như vậy, phụ huynh sẽ hoàn toàn thoải mái khi đóng góp cho con em mình và không có những dư luận, xì xào, bàn tán sau mỗi cuộc họp phụ huynh đầu năm.

Bùi Thị Hà

Khu phố 12, thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy)


Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục