(HBĐT) - Phát huy truyền thống "tương thân, tương ái”, cứ đến dịp cuối năm, các hoạt động chăm lo Tết cho người nghèo, yếu thế được chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, các cấp, ngành, Ủy ban MTTQ và các hội, đoàn thể quan tâm thực hiện với nhiều hình thức phong phú, giúp người dân có thêm niềm vui đón xuân đầm ấm, hạnh phúc.




Lãnh đạo Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và Ủy ban MTTQ các tỉnh trong cụm thi đua khu vực trung du và miền núi phía Bắc trao ủng hộ xây nhà đại đoàn kết cho 2 hộ nghèo ở xóm Tiện, xã Thung Nai (Cao Phong). 

Tết cho mọi nhà                                           

Kinh tế đang dần phục hồi, tuy nhiên đối với nhiều người, 2022 vẫn là một năm nhiều khó khăn. Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang đến gần. Việc chăm lo Tết đối với người nghèo, nhất là vùng sâu, vùng xa, cho trẻ em có tấm áo mới, mỗi gia đình đều có mứt Tết, bánh chưng… không chỉ thể hiện tình cảm, sự sẻ chia mà còn là trách nhiệm, lương tâm của mọi người đối với những người còn gặp nhiều khó khăn. Để chăm lo Tết cho hộ nghèo, gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh, các cấp, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực… nhằm đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau, không hộ nghèo nào không có Tết.

Đồng chí Bùi Tiến Lực, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Những năm qua, công tác chăm lo cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đón Tết ấm áp, yên vui đã trở thành việc làm thường xuyên của Ủy ban MTTQ tỉnh. Nhằm đảm bảo chăm lo Tết đầy đủ, kịp thời cho những người yếu thế, gia đình chính sách, hộ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em nghèo, Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể để đảm bảo mọi đối tượng theo quy định đều được nhận quà Tết.

Căn cứ Kế hoạch số 30/KH-MTTQ-BQL, ngày 12/5/2022 của Ban Quản lý Quỹ "Vì người nghèo” tỉnh, thực hiện Thông báo số 1435-TB/VPTU, ngày 9/12/2022 của Văn phòng Tỉnh ủy thông báo chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy về việc trích Quỹ "Vì người nghèo” tỉnh để tổ chức tặng quà Tết cho người nghèo, Ủy ban MTTQ tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết, thống nhất trích hơn 2,17 tỷ đồng, tương đương hơn 3.100 suất quà Tết tới các cơ quan, đơn vị, hội, đoàn thể, các địa phương để hỗ trợ hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Đối với địa bàn các huyện, thành phố, Ủy ban MTTQ tỉnh ưu tiên phân bổ nhiều suất quà hơn cho các huyện như: Đà Bắc, Mai Châu, Lạc Sơn…, gồm tiền lì xì, nhu yếu phẩm thiết yếu. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về giá trị nhân văn, truyền thống "tương thân, tương ái”, "nhường cơm sẻ áo” trong các tầng lớp nhân dân; tổ chức các hoạt động để người dân đón Tết Nguyên đán với tinh thần vui tươi, phấn khởi, tiết kiệm, an toàn. Tích cực vận động, giới thiệu các doanh nghiệp, nhà hảo tâm giúp đỡ, tặng quà bằng nhiều hình thức thiết thực như gạo, tiền, nhu yếu phẩm thiết yếu tới các đối tượng khó khăn.

Các đơn vị, cơ quan, hội, đoàn thể đã triển khai nhiều hoạt động trước và trong dịp Tết với ý nghĩa nhân văn, thiết thực. Điển hình như phong trào "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam", nay là "Tết Nhân ái” được Hội Chữ thập đỏ  tỉnh phát động hàng năm nhận được sự quan tâm của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, hỗ trợ hàng chục nghìn suất quà cho các hộ khó khăn, gia đình chính sách, nạn nhân chất độc da cam.


Xuân ấm trong căn nhà mới

Hiện nay, tỉnh vẫn còn nhiều hộ nghèo khó khăn về nhà ở cần sự hỗ trợ để an cư và giúp đỡ về vốn, giống để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Nhằm chăm lo cho đời sống người yếu thế, Ủy ban MTTQ, các hội, đoàn thể tích cực tham gia và thực hiện hiệu quả các chương trình an sinh xã hội. Trong năm 2022, từ nguồn Quỹ "Vì người nghèo” tỉnh đã chi gần 19,2 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 396 căn nhà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa, đường giao thông, tặng học bổng cho học sinh nghèo… Trong đó, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tích cực đồng hành, hỗ trợ nguồn lực trong việc chăm lo đời sống cho người yếu thế như: Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn, Báo Tiền Phong hỗ trợ 120 căn nhà "Đại đoàn kết” trị giá 7 tỷ đồng; Tổng công ty phân bón và hóa chất dầu khí hỗ trợ 50 căn nhà "Đại đoàn kết” trị giá 1,5 tỷ đồng… Như vậy, nhiều hộ nghèo trên địa bàn tỉnh năm nay sẽ được đón Tết trong căn nhà mới, đó là niềm vui, hạnh phúc lớn lao, nhất là đối với bà con nghèo vùng sâu, vùng xa khó khăn.

Trong quá trình triển khai, Ủy ban MTTQ các cấp đã chủ động phối hợp các địa phương rà soát, lựa chọn hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ xây nhà; vận động người dân tại khu dân cư, họ hàng, làng xóm ủng hộ ngày công, cây, con giống, vật liệu, đồ dùng, trang thiết bị để hoạt động thêm phần ý nghĩa.

Ông Hà Công Ên ở xóm Mỏ, xã Chiềng Châu (Mai Châu) may mắn được lựa chọn là đối tượng nhận hỗ trợ xây dựng nhà "Đại đoàn kết” cảm thấy ấm lòng khi tuổi già được an cư, 2 vợ chồng không còn lo âu về ngôi nhà sàn ọp ẹp mỗi khi mưa gió. Những ngày dựng nhà, bà con lối xóm giúp mỗi người một tay, người ủng hộ ngày công, vật liệu, người cho tấm áo, cái chăn ấm. Cùng với sự hỗ trợ của Quỹ "Vì người nghèo” tỉnh, tổng giá trị căn nhà khi hoàn thành trên 100 triệu đồng. Với hoàn cảnh tuổi già, sức yếu, bị tàn tật, không có con, ngôi nhà sàn mới được dựng lên thỏa nỗi mong ước bấy lâu của ông bà.

Tết đến, xuân về cũng là dịp nhiều hộ nghèo được đón Tết trong ngôi nhà với những cái tên đầy tình yêu thương như: "Mái ấm tình người”, "Mái ấm nhân ái”, "Chữ thập đỏ”… do các hội, đoàn thể, nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng. Với vai trò là cầu nối trong các hoạt động nhân đạo, trong năm 2022, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ, xây dựng 60 căn nhà "Chữ thập đỏ” cho các hộ khó khăn về nhà ở trên khắp địa bàn tỉnh, tổng trị giá gần 3 tỷ đồng. Nhiều chương trình trao nhà còn lồng ghép trao bò giống, tặng quần áo, sách vở, nhu yếu phẩm… khiến hoạt động thêm phần ý nghĩa. 

Bà Bùi Thị Hiền, xóm Túp, xã Tiền Phong (Đà Bắc) được lựa chọn hỗ trợ xây nhà "Chữ thập đỏ”. Bà Hiền có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập bấp bênh, sống trong căn nhà dột nát. Được sự quan tâm từ Hội chữ thập đỏ, ban, ngành, địa phương cùng các nhà hảo tâm đóng góp, hỗ trợ xây dựng, giúp bà có căn nhà vững chãi. Bà Hiền chia sẻ: "Được Hội chữ thập đỏ cùng các đơn vị giúp đỡ xây dựng căn nhà tôi rất hạnh phúc. Ngày mưa không còn lo bị dột, trời lạnh không còn sợ gió lùa. Tiền mọi người hỗ trợ thêm tôi sẽ mua lợn, gà giống về nuôi, giúp cuộc sống bớt khó khăn hơn”.

Đồng chí Bùi Quốc Việt, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ tỉnh cho biết: "Những căn nhà chữ thập đỏ được hỗ trợ không chỉ giúp người nghèo, người kém may mắn có nơi ăn, chốn ở ổn định, mà còn thể hiện tinh thần "tương thân, tương ái”, "lá lành đùm lá rách” trong cộng đồng, thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn. Đó là nguồn động viên to lớn về cả vật chất, tinh thần, giúp các đối tượng vơi bớt khó khăn, có niềm tin vươn lên trong cuộc sống”.

Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang cận kề, với sự khẩn trương và quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, cùng sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức, cá nhân và nhà hảo tâm, mạnh thường quân, hoạt động chăm lo Tết cho người nghèo trên địa bàn tỉnh được thực hiện chu đáo, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và truyền thống "lá lành đùm lá rách”, "tương thân, tương ái” của dân tộc, cùng hướng tới mục tiêu "không ai bị bỏ lại phía sau”, mọi người, mọi nhà đều có Tết.



Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao quà cho hộ nghèo tại huyện Mai Châu. 

Hoàng Anh


Phân bổ nguồn lực công khai, minh bạch, đúng đối tượng
Trần Đức Trường
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh


Ủy ban MTTQ tỉnh đã chuẩn bị kế hoạch chăm lo Tết Quý Mão 2023 cho người nghèo; xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy về sử dụng Quỹ "Vì người nghèo”, phân bổ để trao quà Tết cho các hộ nghèo; mời các đồng chí Thường trực, Ủy viên BTV Tỉnh ủy thăm, tặng quà, động viên người nghèo. MTTQ cũng tiếp tục kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ quà Tết cho hộ nghèo và sẵn sàng tiếp nhận, phân bổ công khai, minh bạch, điều tiết hợp lý, đúng đối tượng. Đồng thời, chỉ đạo Ủy ban MTTQ cấp huyện, xã phát động, tổ chức thực hiện kế hoạch chăm lo Tết cho người nghèo trên địa bàn. Quan tâm, phân bổ nguồn lực cho các hội đặc thù như: Hội Người mù, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Hội Người tàn tật và trẻ mồ côi...
Cùng với việc tổ chức triển khai, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, Nhân dân giám sát việc thực hiện để các món quà đến với người nghèo, khó khăn kịp thời, đảm bảo để mọi người có Tết, không ai bị bỏ lại phía sau. Thông qua sự hỗ trợ, chăm lo từ những món quà, lời thăm hỏi mong người nghèo, hộ nghèo hãy cố gắng, nỗ lực vươn lên để thoát nghèo, giảm nghèo bền vững, không trông chờ, ỷ lại.


Tiêp tục vận động, kêu gọi chăm lo Tết cho người nghèo
Nguyễn Thanh Tuấn
Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc


Đà Bắc là một trong những huyện khó khăn của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 35,2%. Bên cạnh công tác giảm nghèo bền vững, việc chi trả chế độ thường xuyên, trợ cấp, đặc biệt các hoạt động chăm lo cho người nghèo trước và trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc được thực hiện hiệu quả, thiết thực, đảm bảo an sinh xã hội.
Để các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, người già neo đơn, trẻ em nghèo đều được hỗ trợ quà Tết, ngoài nguồn lực từ Quỹ "Vì người nghèo” tỉnh phân bổ, UBND, Ủy ban MTTQ các cấp đã kêu gọi, vận động các đơn vị, doanh nghiệp để có tiền, hiện vật trao đến tay các hộ gia đình trước Tết. Đồng thời, xây dựng kế hoạch phối hợp, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức đến tặng quà cho hộ nghèo trong toàn huyện. Cấp ủy, chính quyền các cấp cùng các đơn vị, doanh nghiệp trực tiếp đến thăm hỏi, động viên các gia đình, trao tận tay các phần quà để bà con ăn Tết vui vẻ, hạnh phúc.


Lan toả những giá trị nhân văn trong cộng đồng
Nguyễn Thị Thanh Trà
Câu lạc bộ Nhân ái huyện Tân Lạc

Thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2019, đến nay, câu lạc bộ Nhân ái huyện có trên 150 thành viên, nòng cốt là những cá nhân có lòng hảo tâm, nhiệt huyết, đã tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa trên địa bàn. Với tâm nguyện có thể giúp một phần nhỏ bé đối với những hoàn cảnh khó khăn, mỗi thành viên câu lạc bộ thống nhất góp quỹ 100 nghìn đồng/người/tháng và vận động quyên góp từ các nhà hảo tâm để giúp đỡ từ 2 - 3 hoàn cảnh. Các thành viên câu lạc bộ có trách nhiệm phát hiện hoàn cảnh thực sự khó khăn, kết nối để kêu gọi giúp đỡ. Ngoài ra, các hoạt động như phát cơm, cháo miễn phí cho bệnh nhân nghèo điều trị tại Trung tâm Y tế huyện, tặng quần áo, sách vở, học bổng cho học sinh nghèo, trao quà cho người có hoàn cảnh khó khăn tại các địa bàn vùng cao được câu lạc bộ triển khai thường xuyên.
Từ các hoạt động, câu lạc bộ mong muốn lan tỏa những giá trị nhân văn, truyền cảm hứng mạnh mẽ đến cộng đồng, qua đó nhiều tổ chức, cá nhân cùng hưởng ứng tham gia các hoạt động từ thiện, chung tay hỗ trợ người yếu thế, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, mảnh đời bất hạnh, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho mọi người.

 


Các tin khác


Giải bài toán nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy các chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, đảng bộ bộ phận

(HBĐT) - Đội ngũ cấp ủy chính là "linh hồn” của các chi bộ. Cấp ủy "mạnh” về trình độ nghiệp vụ, lý luận chính trị, nhiệt tình, trách nhiệm thì sẽ tập hợp và phát huy được năng lực, sở trường của từng đảng viên; khơi dậy được sức mạnh của chi bộ, phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng; ngược lại, cấp ủy "yếu” sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của chi bộ. Những năm gần đây, chất lượng đội ngũ cấp ủy đã từng bước được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công việc trong tình hình mới. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 36% cấp ủy viên chưa qua đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, 30% cấp ủy viên chưa qua đào tạo về lý luận chính trị. Chất lượng cấp ủy, nhất là ở các chi bộ dân cư cần được quan tâm nhiều hơn.

Bộ máy ngành chăn nuôi gọn nhưng chưa tinh

(HBĐT) - Sau 2 năm thực hiện sáp nhập các trạm: Chăn nuôi và thú y (CN&TY), Bảo vệ thực vật (BVTV), Khuyến nông - Khuyến lâm (KNKL) thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (TTDVNN) đã tinh gọn đầu mối. Tuy nhiên lại nảy sinh nhiều bất cập, trong đó có nhiều vấn đề phát sinh, đe dọa đến mục tiêu phát triển chăn nuôi bền vững nếu không có những giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Xây dựng thành phố Hòa Bình trở thành đô thị thương mại dịch vụ hiện đại, mang bản sắc văn hóa riêng có

(HBĐT) - Theo đề xuất của đơn vị tư vấn - Công ty CP tư vấn xây dựng và quy hoạch Việt Nam, Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hòa Bình đến năm 2045 là một bước cụ thể hóa chủ trương của tỉnh. Trên cơ sở nhận định, đánh giá thực tiễn phát triển, những tiềm năng, thế mạnh của thành phố, đơn vị tư vấn và các cơ quan liên đang xây dựng quy hoạch có tính thực tiễn và nhạy bén. TP Hòa Bình được hình dung là một thành phố có tổ chức phát triển mới, năng động, đặc biệt nhạy cảm với vấn đề môi trường, hội tụ các yếu tố để trở thành điểm đến hấp dẫn, nơi để sinh sống, làm việc và nghỉ ngơi.

Dân vận khéo để đưa Nghị quyết Đại hội Đảng vào cuộc sống

(HBĐT) - Theo số liệu thống kê, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 4.232 mô hình "Dân vận khéo (DVK)” (tăng 33 mô hình so với năm 2020). Trong đó, lĩnh vực kinh tế 1.256 mô hình, lĩnh vực VH – XH 1.763 mô hình, lĩnh vực AN - QP 942 mô hình, lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị 271 mô hình. Các mô hình "DVK” được triển khai gắn với một số phong trào thi đua yêu nước đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH, thiết thực đưa Nghị quyết Đại hội (NQĐH) Đảng vào cuộc sống.

Tăng quyền năng, tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái

(HBĐT) - Trong một thời gian dài, trước khi có Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới (BĐG), trên cả nước nói chung, địa bàn tỉnh nói riêng tồn tại những vấn đề bất BĐG, liên quan đến nhiều lĩnh vực. Cụ thể là tỷ lệ nữ lao động được đào tạo nghề và cấp chứng chỉ quá chênh lệch so với nam giới; tỷ lệ nữ tham gia chính trị còn thấp; nhiều nơi không có lãnh đạo chủ chốt là nữ, định kiến giới trong bố trí, sắp xếp, tuyển dụng người lao động; tư tưởng trọng nam, khinh nữ…

Dấu ấn dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) sinh sống. Do đó, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, LLVT trong tỉnh đã tập trung làm tốt công tác chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Đến nay, bộ mặt nông thôn vùng ĐBDTTS đã có nhiều đổi khác, là dấu ấn đậm nét từ công tác "Dân vận khéo” với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục