(HBĐT) - Một năm có đến 8 tháng hơn 1.600 người dân thuộc các xóm: Khuyển, Hồng, Bãi Cả, Chòng của xã Bảo Hiệu (Yên Thủy) sống trong tình trạng "khát nước”. Thực trạng này diễn ra từ nhiều năm nay, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sống dân sinh và sản xuất nông nghiệp. Mặc dù chính quyền xã và người dân đã nhiều lần bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng nhưng đến nay, "mùa khát” tại Bảo Hiệu vẫn là nỗi lo thường thực đối với người dân trên địa bàn.


Gia đình bà Bùi Thị Nhiệt, xóm Bãi Cả, xã Bảo Hiệu (Yên Thủy) xây bể chứa nước nhưng vẫn trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt khi mùa khô đến.

 Nỗ lực tìm nước

Về Bảo Hiệu những ngày cuối năm 2017, trước mắt chúng tôi là những cánh đồng khô hạn, nứt nẻ vì thiếu nước. Phía xa xa là những chiếc ống dẫn nước dài hàng trăm mét được kéo từ giếng khoan về các bể nước sinh hoạt của các hộ gia đình. Vậy mới thấy, trong những tháng mùa khô, người dân Bảo Hiệu phải rất vất vả mới có nước phục vụ sinh hoạt hằng ngày.

Chia sẻ về thực trạng thiếu nước trong những năm qua, đồng chí Bùi Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Hiệu cho biết: "Bắt đầu từ tháng 9 cho đến hết tháng 4 năm sau, nhiều hộ dân trên địa bàn xã phải đi kéo nước sinh hoạt về nhà sử dụng. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu nước là do địa hình tại khu vực này đa phần là đồi, núi cao nên khan hiếm các mạch nước ngầm. Ngoài ra, trên địa bàn xã có nhiều than đá, một số mạch nước ngầm không đảm bảo vệ sinh”.

Để khắc phục khó khăn trên, những năm trước đây, nhiều hộ dân phải lên đồi, núi tìm kiếm nguồn nước tự nhiên dẫn về nhà để sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, trong một vài năm trở lại đây, nguồn nước trên núi đã cạn kiệt, không đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân trên địa bàn. Do đó, các hộ dân sinh sống gần nhau phải góp tiền khoan giếng tại những khu vực địa hình bằng phẳng và có mạch nước ngầm dẫn nước về nhà. Khoảng cách từ bể chứa nước của nhiều hộ cách giếng khoan đến hơn 1 km. Ngoài ra, một số hộ còn gặp nhiều khó khăn do chi phí mua máy bơm và dẫn nước về đến nhà tối thiểu lên đến 25 triệu đồng.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Bùi Thị Nhiệt ở xóm Bãi Cả than thở: "Gia đình tôi đã đào giếng không dưới 5 lần nhưng vẫn không tìm được nguồn nước để sử dụng. Hiện nay cứ 4-5 ngày tôi phải dẫn nước từ giếng khoan của gia đình tại xóm Đầm, cách nhà 500 m về sử dụng. Nhiều hôm mất điện, gia đình phải gánh từng thùng nước để phục vụ sinh hoạt”.

Bảo Hiệu "mùa khát”

Tình trạng khan hiếm nước diễn ra từ nhiều năm trở lại đây, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và kinh tế của người dân. Đồng chí Phạm Thị Khoa, Trạm trưởng trạm y tế xã Bảo Hiệu cho biết: Hiện nay, 100% người dân trên địa bàn xã sử dụng nguồn nước ngầm chưa qua kiểm nghiệm, tiềm ẩn nguy cơ có hại cho sức khỏe. Trong đó các loại bệnh dễ mắc phải chủ yếu về da liễu và tiêu hóa. Mặc dù vậy, do điều kiện còn khó khăn, thiếu thốn, người dân vẫn phải sử dụng nguồn nước ngầm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.

Bên cạnh đó, thực trạng "khát nước” vào mùa khô còn ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn xã có 5 hồ tích nước, trong đó duy nhất hồ Chòng Vỏ hoạt động hiệu quả, cung cấp nước tưới cho phần lớn diện tích sản xuất trên địa bàn xã. Tuy nhiên vào mùa khô, hồ Chòng Vỏ chỉ đáp ứng được nước tưới cho 2/14 thôn, xóm. Theo thống kê, tổng diện tích gieo trồng toàn xã đạt 1.212 ha, trong đó diện tích trồng lúa khoảng 248 ha. Tuy nhiên, do thiếu nước nên toàn xã chỉ cấy được khoảng 10% diện tích và bỏ hoang đến 90% diện tích đất cấy lúa.

Đồng chí Bùi Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Hiệu cho biết: Ngoài ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, việc thiếu nước còn có nguy cơ ảnh hưởng đến chăn nuôi. Mùa đông là thời điểm dễ xảy ra các loại bệnh như cúm, tụ huyết trùng, dịch tả, LMLM… Chính vì vậy, nếu chuồng trại không được vệ sinh thường xuyên sẽ tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm.

Trước những khó khăn trên, chính quyền xã tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ, giữ gìn các mạch nước ngầm hiện có. Ngoài ra, xã mong muốn nhận được sự quan tâm của Nhà nước hỗ trợ xây dựng các công trình nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt và bảo vệ sức khỏe cho người dân. Hỗ trợ kinh phí giúp xã tu sửa các hồ chứa để có nguồn nước phục vụ tưới tiêu.

Được biết, ngày 15/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 491 về phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Cánh Tạng, tổng mức đầu tư trên 3.000 tỷ đồng với mục tiêu cung cấp đủ nguồn nước tưới cho 17 xã của 2 huyện Lạc Sơn và Yên Thủy, trong đó có xã Bảo Hiệu. Người dân Bảo Hiệu mong mỏi dự án sớm được triển khai, tình trạng khô hạn sẽ chấm dứt, sản xuất được khôi phục và phát triển, cải thiện đời sống người dân.

 

Đức Anh

Các tin khác


Vụ cháy rừng tại Yên Bái: Đốt cỏ ở bãi chăn thả gia súc làm cháy lan sang diện tích rừng

Đến 15 giờ 30 phút ngày 26/3, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã xác định nguyên nhân và diện tích thiệt hại trong vụ cháy rừng xảy ra tại các bản Dào Cu Nha, Hú Trù Lình, xã Lao Chải.

Thời tiết ngày 25/3: Đông Bắc Bộ mưa vài nơi, Nam Bộ nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 25/3, khu Tây Bắc Bắc Bộ, vùng núi phía Tây khu vực Bắc Bộ, Trung Trung bộ và khu vực Tây Nguyên có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất trong ngày có nơi trên 36 độ C. Khu vực Nam Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Độ ẩm tương đối thấp, phổ biến 45-50%.

Ghi nhận những ngày đầu thực hiện cấp đổi giấy phép lái xe ô tô trực tuyến toàn trình

Từ ngày 15/3/2024, tỉnh Hòa Bình chính thức triển khai cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) ô tô theo hình thức trực tuyến toàn trình (TTTT) qua Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG). Với sự phối hợp chặt chẽ của ngành GTVT và Bưu điện tỉnh, việc triển khai dịch vụ cấp đổi GPLX ô tô trực tuyến đã được thực hiện thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Thời tiết ngày 21/3: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vài nơi

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 21/3, Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác; đêm và sáng trời rét.

Thời tiết ngày 20/3: Gió mạnh, sóng lớn trên biển

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 20/3, Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh. Sóng biển cao 2-4 m.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục