(HBĐT) - Tỉnh ta đang cùng với cả nước khởi động sản xuất vụ chiêm - xuân. ở vụ mùa hè - thu trước, bệnh lùn sọc đen đã xuất hiện và gây hại khá mạnh cho diện tích lúa trên địa bàn. Nguy cơ bùng phát bệnh là thực trạng đáng lo ngại ở vụ xuân, tức vụ kế tiếp nếu chủ quan, lơ là trong việc phòng trừ. PV Báo Hòa Bình đã phỏng vấn đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT về thực trạng, nguy cơ, đồng thời đưa ra những khuyến cáo ở vụ này.


Nông dân xã Xuất Hóa (Lạc Sơn) che phủ nilon chống rét và phòng bệnh xâm nhập cho mạ xuân.

 

P.V: Xin đồng chí cho biết diễn biến bệnh lùn sọc đen ở vụ trước ảnh hưởng như thế nào đối với vụ xuân 2018?

Đồng chí Vương Đắc Hùng: Đã lâu rồi bệnh lùn sọc đen mới quay trở lại, gây hại nặng nề đối với các tỉnh, thành phố phía Bắc như Nam Định, Thái Bình ở vụ mùa 2017… Riêng với tỉnh ta ở vụ mùa năm 2009 và vụ xuân năm 2010 đã có diện tích lúa nhiễm bệnh. Đến vụ mùa 2017, bệnh tái xuất hiện sau 8 năm, mức độ gây hại trên diện rộng khiến năng suất lúa toàn vụ ảnh hưởng đáng kể. Theo báo cáo của hệ thống trồng trọt và BVTV, diện tích nhiễm bệnh lên đến gần 1.000 ha, bệnh xuất hiện ở cuối vụ, tập trung nhiều nhất ở các huyện: Mai Châu, Kim Bôi, Yên Thủy, Lạc Sơn. Hiện tượng phổ biến là cây lúa bị lùn đi, bông lúa hỏng do không trổ bông hoặc bông lép hạt. Cụ thể, diện tích lúa mất trắng 209 ha, nhiễm nặng 207 ha, nhiễm trung bình và nhiễm nhẹ 564 ha.

Cần lưu ý trong sản xuất nông nghiệp, bệnh lùn sọc đen được xác định là một trong những đối tượng nguy hiểm nhất, có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, sản lượng cây trồng không riêng ở bùng phát bệnh mà còn có nguy cơ gây hại lưu chuyển ở các vụ tiếp theo. Trước mức độ, nguy cơ có thể ảnh hưởng đến vụ xuân 2018, ngành chuyên môn, nhất là hệ thống trồng trọt và BVTV đã đẩy mạnh tuyên truyền, đôn đốc, hướng dẫn nông dân trong tỉnh thực hiện các biện pháp phòng, trừ. Cụ thể đối với diện tích lúa đã gặt mà trồng cây vụ đông cần phải cày vùi gốc rạ không để lúa chét tái sinh, dọn sạch tàn dư, cỏ dại hay các cây ký chủ phụ (ngô, cỏ họ hòa thảo) ở bờ ruộng, mương dẫn nước để cắt nguồn bệnh vi rút lùn sọc đen nhằm hạn chế tối đa nguồn thức ăn của rầy lưng trắng và nguồn bệnh chuyển vụ. Không gieo trồng ngô đông trên các khu vực bị lùn sọc đen gây hại lúa mà vẫn còn rầy lưng trắng xuất hiện.

P.V: Nông dân trong tỉnh đang bước vào sản xuất vụ xuân, đồng chí cho biết những quan ngại về tình hình lùn sọc đen ở vụ xuân và đưa ra một số khuyến cáo về bệnh này?

Đồng chí Vương Đắc Hùng: Do việc thực hiện các biện pháp phòng chống nguy cơ nguồn bệnh lùn sọc đen chuyển vụ có nơi chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa triệt để nên hiện nay, bệnh lùn sọc đen tiếp tục xuất hiện và gây hại rải rác ở một số diện tích ngô đông trà chính vụ và muộn giai đoạn xoáy nõn với tỷ lệ phổ biến 1 - 4% số cây, có nơi tỷ lệ ở mức cao 10 - 14% số cây, chủ yếu trên diện tích ngô của thành phố Hòa Bình. Bệnh xuất hiện ở những nơi thời gian qua rầy trưởng thành vào đèn nhiều, những khu vực thường xuyên xuất hiện các ổ rầy trên lúa với mật độ cao.

Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang tập trung làm đất, gieo mạ. Một số nơi đã trồng lúa xuân sớm, hầu hết diện tích lúa mới cấy - bén rễ hồi xanh, mạ trà chính vụ 3 - 5 lá, một số tiếp tục gieo - mũi chông, lượng mạ đã gieo ước khoảng 450 tấn. Để đề phòng bệnh lùn sọc đen gây hại trở lại, Sở NN & PTNT đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp đã nêu tại Chỉ thị số 9556/CT – BNN – BVTV ngày 15/11/2017 về việc tăng cường công tác phòng, trừ bệnh lùn sọc đen phương Nam hại lúa ở các tỉnh, thành phố phía Bắc; Công văn số 1685/UBND - NNNT ngày 12/11/2017 về việc chủ động phòng trừ bệnh lùn sọc đen hại lúa, chuẩn bị sản xuất vụ xuân 2018; Công văn số 66, ngày 15/1/2018 của Sở NN & PTNT về việc tập trung chỉ đạo sản xuất vụ xuân 2018; Công văn số 04/TT & BVTV - BVTV ngày 3/1/2018 về việc chỉ đạo phòng ngừa bệnh hại cho mạ xuân, lúa mới cấy năm 2018. Các cơ quan chuyên môn tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến cách nhận biết và biện pháp phòng, chống bệnh lùn sọc đen. Tập huấn, giới thiệu về bệnh lùn sọc đen và biện pháp phòng, chống tới cán bộ chuyên môn, lãnh đạo các đơn vị liên quan, các xã, phường, thị trấn và trưởng các xóm có diện tích lúa có nguy cơ nhiễm bệnh.

Khuyến cáo nông dân để phòng trừ lùn sọc đen, thực hiện gieo mạ tập trung, che phủ nilon 100% diện tích mạ để vừa kết hợp chống rét, vừa ngăn cản rầy xâm hại. Hạn chế tối đa gieo mạ ở những ruộng đang có nguồn bệnh lùn sọc đen. Khi phát hiện có rầy lưng trắng trên luống mạ, phun thuốc nội hấp trừ rầy trước khi cấy 2 - 3 ngày. Tùy theo mức độ nhiễm bệnh, tiến hành tiêu hủy cả luống hoặc cả ruộng sau khi đã phun thuốc tiếp xúc trừ rầy. Giai đoạn lúa từ khi cấy, đứng cái và phân hóa đòng trở đi cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nhổ vùi những cây lúa bị bệnh.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

 

Bùi Minh (Thực hiện)

 

Các tin khác


Siết chặt quản lý vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất

Với chức năng quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN), hóa chất, thời gian qua, ngành Công Thương đã phối hợp các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo quản, sử dụng VLNCN và hóa chất trên địa bàn tỉnh.

Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn về thị trường tín chỉ carbon

Theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp Việt Nam, tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm.

Công nghệ mưa nhân tạo có thể dẫn đến ‘cuộc chiến thời tiết’ giữa các quốc gia

Nhà khí tượng học cảnh báo "cuộc chiến thời tiết” giữa các quốc gia có thể nổ ra nếu việc gieo hạt mây vượt tầm kiểm soát, sau khi lũ lụt ở Dubai làm nảy sinh lo ngại về công nghệ gây mưa nhân tạo.

Thời tiết ngày 22/4: Bắc Bộ mưa dông, Tây Bắc Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 22/4, chiều tối và đêm ở khu vực Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 15-30 mm, có nơi trên 50 mm; ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa rào và dông cục bộ.

Mưa to, dông lốc kèm mưa đá gây thiệt hại tại các huyện Đà Bắc, Cao Phong 

Theo thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh, chiều và đêm 20/4, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra mưa, mưa đá, dông lốc, sét cục bộ tại thành phố Hòa Bình và các huyện Đà Bắc, Cao phong, Lương Sơn. Tại một số điểm có mưa to như: Tiến Sơn (Lương Sơn) 34,4 mm, Độc Lập (TP Hòa Bình) 32,2 mm, Tân Pheo (Đà Bắc 21,8 mm), Xuân Phong (Cao Phong) 15,6 mm... Mưa đá, dông lốc đã gây thiệt hại tại các huyện Đà Bắc, Cao Phong.

Sét đánh cháy rừng ở xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi

Trận mưa đá tối 20/4 đã gây cháy rừng tại khu đồi Cằn Kẻo, xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục