(HBĐT) - Mới bước vào đầu mùa hè nhưng người dân xã Tân Sơn (Mai Châu) đã phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Giếng cạn khô, suối trơ sỏi đá, nước sinh hoạt nhỏ giọt... đó là điệp khúc quá quen thuộc đối với người dân vùng cao nơi đây.


Câu chuyện muôn thuở

Cách trung tâm thị trấn Mai Châu 12 km, xã Tân Sơn có 3 xóm, 300 hộ với 1.204 nhân khẩu. Từ trước đến nay, thiếu nước luôn là nỗi trăn trở đối với người dân. Nguồn nước sinh hoạt chủ yếu lấy từ các khe suối, mó nước ở vách núi, bể chứa nước mưa... Nguồn nước tự nhiên nên không mấy ai quan tâm đến chất lượng. Họ thường tự nhủ: "Thấy trong thì uống, thấy đục thì dùng để tưới cây”. Vào mùa lũ, nước ở các con suối chảy đục ngầu, còn đến mùa khô, việc vo gạo, rửa rau cũng phải chắt chiu từng gáo nước.

Mùa khô nơi đây bắt đầu từ tháng 4 đến cuối tháng 8. Để có nước sinh hoạt hàng ngày, người dân phải tự thiết kế ống dẫn nước từ các con suối, mó nước về dùng. Hộ khá hơn thì xây dựng bể chứa nước mưa, đào giếng. Tuy nhiên, vòi nước sinh hoạt tại các gia đình luôn trong tình trạng "lờ đờ” do nước đầu nguồn đã cạn khô. Với người dân, đến mùa lại "khát”, đến bữa lại lo.

Bà Hà Thị Hoa, hộ dân ở xóm Bò Liêm cho biết: "Vào mùa khô, nhà tôi không đủ nước để dùng. Nguồn nước sinh hoạt duy nhất của gia đình được lấy từ mó nước gần nhà, tuy nhiên cũng chỉ đủ nấu cơm, pha trà, bởi hứng cả ngày chỉ được 2-3 xô nước. Bởi vậy, hàng ngày từ vo gạo, rửa rau, lau dọn đều phải tính toán sao cho thật tiết kiệm. Con suối gần nhất cũng cách nhà 2 km, do đó gia đình phải chở quần áo ra suối để giặt”.


Trước tình trạng thiếu nước, nhiều hộ dân xã Tân Sơn (Mai Châu) xây dựng bể dự trữ nước mưa nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt.

Cũng chung cơn "khát” với người dân xóm Bò Liêm, ông Bùi Văn Bình, xóm Bò Báu cho biết: Nguồn nước sinh hoạt của gia đình tôi rất khó khăn. Vào mùa khô, các bể, dụng cụ chứa nước đều cạn kiệt. Hiện tại, gia đình thiết kế đường ống dẫn nước từ suối về nhà sinh hoạt. Tuy nhiên, nguồn nước này không đảm bảo vệ sinh bởi mùa mưa nước đục ngầu, còn đến mùa khô, nước chảy như... sợi chỉ, hứng cả ngày mới được vài xô. Nguồn nước tưới tiêu, phục vụ sản xuất, gia đình chỉ còn biết trông vào "ông trời”.

Nỗ lực cứu "khát”

Thiếu nước, sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh không chỉ làm đảo lộn cuộc sống hàng ngày mà tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc các loại dịch bệnh về đường tiêu hóa, nhiễm các loại giun, sán... ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, nhất là đang ở thời điểm nắng nóng, dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Hiện tại, người dân xã Tân Sơn phải tiết kiệm từng giọt nước theo cách của riêng mình như xây dựng các bể chứa nước mưa, bể lọc, máy lọc nước, đào giếng... Tuy nhiên không phải hộ nào cũng có đủ khả năng xây dựng công trình nước sạch, vậy bởi đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 53,33%, thu nhập bình quân mới đạt 8 triệu đồng/người/năm.

Đồng chí Hà Văn Dung, Chủ tịch UBND xã Tân Sơn cho biết: "Việc xây dựng bể lọc, đào giếng để có nguồn nước hợp vệ sinh là điều quá sức so với thu nhập của người dân nơi đây. Với đặc thù địa hình vùng núi cao, nhiều đá vôi, do vậy phải đào giếng sâu mới có đủ nước để dùng. Tuy nhiên, với giá thành từ 10-15 triệu đồng/ giếng thì chỉ những hộ khá mới có khả năng chi trả được. Hộ khó khăn thì dùng trực tiếp nước suối. Vào mùa mưa lũ, nguồn nước đục bởi đá vôi, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cũng như sinh hoạt hàng ngày của người dân”.

Để giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, chính quyền xã Tân Sơn đã tính đến phải xây dựng bai, đập, hồ chứa tại các con suối có lưu lượng lớn nhằm tích trữ nước vào mùa mưa, cung cấp nước cho mùa khô; xây dựng công trình cấp, xử lý nước sinh hoạt nhằm loại bỏ các tạp chất, vẩn đục để bà con yên tâm sinh hoạt, lao động sản xuất. Đồng chí Hà Văn Dung, Chủ tịch UBND xã Tân Sơn cho biết thêm: "Nhiều năm trước, xã đã trình HĐND huyện Mai Châu mong muốn của bà con. Thực tế, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Mai Châu đã khảo sát, xây dựng bai đập tại suối Him Đăm, xóm Bò Báu với kinh phí ước tính hơn 1 tỷ đồng. Nếu dự án được triển khai sẽ cung cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu ổn định cho gần 200 hộ dân của xóm Bò Liêm, Bò Báu, đồng thời các dự án trồng rau sạch, cây ăn quả cũng dễ dàng triển khai”. Tuy nhiên, nhiều năm qua, trước sự mong mỏi của nhân dân, dự án này vẫn "chưa được triển khai”.


Hoàng Anh


Các tin khác


Vụ cháy rừng tại Yên Bái: Đốt cỏ ở bãi chăn thả gia súc làm cháy lan sang diện tích rừng

Đến 15 giờ 30 phút ngày 26/3, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã xác định nguyên nhân và diện tích thiệt hại trong vụ cháy rừng xảy ra tại các bản Dào Cu Nha, Hú Trù Lình, xã Lao Chải.

Thời tiết ngày 25/3: Đông Bắc Bộ mưa vài nơi, Nam Bộ nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 25/3, khu Tây Bắc Bắc Bộ, vùng núi phía Tây khu vực Bắc Bộ, Trung Trung bộ và khu vực Tây Nguyên có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất trong ngày có nơi trên 36 độ C. Khu vực Nam Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Độ ẩm tương đối thấp, phổ biến 45-50%.

Ghi nhận những ngày đầu thực hiện cấp đổi giấy phép lái xe ô tô trực tuyến toàn trình

Từ ngày 15/3/2024, tỉnh Hòa Bình chính thức triển khai cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) ô tô theo hình thức trực tuyến toàn trình (TTTT) qua Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG). Với sự phối hợp chặt chẽ của ngành GTVT và Bưu điện tỉnh, việc triển khai dịch vụ cấp đổi GPLX ô tô trực tuyến đã được thực hiện thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Thời tiết ngày 21/3: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vài nơi

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 21/3, Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác; đêm và sáng trời rét.

Thời tiết ngày 20/3: Gió mạnh, sóng lớn trên biển

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 20/3, Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh. Sóng biển cao 2-4 m.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục