Tảng đá có khối lượng khoảng 2 m3 lao xuống phá tan góc tường và đè nát chiếc giường nhà anh Bùi Văn Liến, xóm Bưởi, xã Phú Cường (Tân Lạc).
Sự may mắn thần kỳ
Gặp chúng tôi khi sự việc đã trôi qua nhiều ngày nhưng trên khuôn mặt cả 3 bố con anh Bùi Văn Liến, xóm Bưởi, xã Phú Cường (Tân Lạc) vẫn chưa hết hoảng sợ. Nhìn về phía tảng đá đen sẫm nằm giữa nhà, anh Liến run rẩy: Hôm đó, chỉ cần chậm một giây thì có lẽ tôi đã bị hòn đá đè nát cùng với chiếc giường này rồi.
Theo đó, vào khoảng 9h ngày 10/7/2018, khi đang nằm ở nhà trông con, anh Bùi Văn Liến nghe tiếng lục khục vọng lại từ trên ngọn núi phía sau nhà. Biết là có đá lở, anh Liến ngồi dậy định ra ngoài xem đá lăn về phía nào. Khi vừa bước ra khỏi giường thì cả khối đá có trọng lượng lên đến hàng chục tấn từ trên núi đã phá tan một góc tường nhà, đè sập chiếc giường anh vừa nằm. May mắn thoát chết nhưng anh Liến vẫn bị thương khi những viên gạch vỡ văng vào người. May mắn hơn, khi đó 2 đứa con của anh đang chơi trong bếp.
"Nếu hôm đấy các cháu nằm trên giường với bố hoặc chơi ở gian ngoài thì có lẽ không thể tránh được thương vong”, anh Bùi Văn Thọ, Phó trưởng Công an xã Phú Cường chỉ về phía 2 đứa trẻ đang quấn bên bố như vẫn chưa tan cơn hoảng sợ sau vụ thoát chết một cách thần kỳ cho biết thêm.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Văn Khải, Chủ tịch UBND xã Phú Cường chia sẻ: ở Phú Cường không sợ mưa lũ, ngập lụt, lũ ống, lũ quét nhưng chúng tôi lại sợ nhất đá lở. Trong 19 xóm của xã thì có 4 xóm gồm: Khời, Vó, Tằm, Bưởi do nằm sát chân núi cao nên thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ bị đá lở.
Theo thống kê của xã Phú Cường, từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn xảy ra 6 - 7 vụ đá lở. Điển hình vào khoảng đầu tháng 8/2015, bất ngờ tảng đá có khối lượng khoảng 4m3 rơi từ đỉnh núi Dụng Mùi với độ cao trên 400 m xuống. Sau khi "cắt” đứt cây xoan và một cành đa to, hòn đá phá nát hoàn toàn một phòng học của trường liên cấp 1 - 2. May mắn khi đó đang trong dịp nghỉ hè nên không xảy ra thương vong. Ngay sau khi sự việc xảy ra, các lực lượng chức năng tiến hành rà soát, khảo sát, phát hiện 30 vị trí có nguy cơ sạt lở. Trong đó, tảng đá to nhất có khối lượng khoảng 400 m3, nhỏ nhất khoảng 5 m3. Những tảng đá này có thể rơi bất cứ lúc nào, trực tiếp đe dọa đến tính mạng của người dân. Mặc dù các điểm có nguy cơ lở đá trên đỉnh núi Dụng Mùi đã cơ bản được xử lý đảm bảo an toàn, nhưng theo đồng chí Bùi Văn Khải, Chủ tịch UBND xã Phú Cường, tháng 6 vừa qua tại khu vực này tiếp tục xảy ra lở đá. Một tảng đá đã lăn từ độ cao hàng trăm mét xuống phía quốc lộ 6. May mắn là trước đó, UBND huyện đã đầu tư kinh phí xây dựng tuyến phòng vệ mềm nên không gây ra thương vong. Cũng tại điểm này vào thời điểm cuối năm 2017 có tảng đá khối lượng hàng chục m3 rơi từ đỉnh núi xuống chắn ngang tuyến quốc lộ 6. May mắn là không xảy ra thương vong...
Nguy cơ đá lở, đá lăn hiện hữu nhiều nơi
Đồng chí Vũ Quang Hùng, Trưởng phòng NN&PTNT, Phó Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Tân Lạc, cho biết: Đến nay, huyện chưa thống kê chính xác là có bao nhiêu điểm có nguy cơ lở đá. Chúng tôi xác định các khu dân cư ở dưới chân núi đều có nguy cơ sập, lở đá. Thường thì các vụ sập, lở đá đều xảy ra sau khi có mưa lớn. Phần lớn những hòn đá lở, lăn từ trên núi xuống đều là đá mồ côi, một số chỗ do tách lớp, kể cả đá xanh hay đá gan gà cũng đều do ảnh hưởng, tác động từ nước mưa đã tách lớp gây ra hiện tượng sập lở. Điển hình như tháng 8/2017, tại xóm Kha, xã Địch Giáo đã xảy ra vụ lở đá trong đêm. Một tảng đá xanh có khối lượng khoảng hơn 10 m3 tự tách lớp từ trên đỉnh núi bất ngờ rơi vào khu vườn giữa nhà anh Bùi Văn Hùng và Bùi Văn Xiền. Trong vụ việc này, may mắn là không có ai thương vong.
Vào cuối tháng 2/2018, tại xóm Bưng, xã Quy Hậu cũng bất ngờ xảy ra vụ lở đá làm sập nhà anh Bùi Văn Bưng. Theo đó, vào lúc nửa đêm, khi cả nhà anh Bưng với 5 người đang ngủ thì bất ngờ một tảng đá với khối lượng khoảng 2 m3 rơi trúng nhà. May mắn không có ai thương vong. Trước đó, tại xã Lũng Vân cũng xảy ra vụ lở đá nghiêm trọng. Một khối đá lớn đã rơi từ trên núi xuống phá nát phòng học tại trường tiểu học của xã. Ngay sau vụ việc, lực lượng chức năng đã tiến hành khảo sát và xác định tại đỉnh núi khu vực gần trường học còn nhiều tảng đá có nguy cơ cao bị sạt lở. Trước tình hình đó, UBND huyện thống nhất di dời trường tiểu học về địa điểm mới để tránh những tai nạn đáng tiếc.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Văn Nhỏ, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Tân Lạc cho biết: Trên thực tế, nguy cơ đá lở gây nguy hiểm cho người dân hiện hữu khắp nơi trong toàn huyện. Không chỉ ở các xã vùng cao mà cả ở trung tâm thị trấn Mường Khến nguy cơ này cũng hiện hữu. Nguyên nhân là do rừng bị tàn phá nghiêm trọng. Trước đây còn có rừng, các loại cây gỗ lớn có vai trò tì giữ, neo các khối đá lớn không để sạt, trượt lở. Bây giờ không còn cây, các tảng đá không có điểm tì giữ nên có nguy cơ sập, lở rất lớn, nhất là thời điểm mưa liên tục, kéo dài trong nhiều ngày. Đây là điều đáng lo nhất đối với địa phương trong công tác PCTT. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do lở đá gây ra, vừa qua, UBND huyện giao các địa phương rà soát, thống kê các hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng có nguy cơ bị đá lở để tổ chức di dời đến nơi khác. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền để người dân tự nâng cao ý thức cảnh giác trước các dấu hiệu bất thường. Cùng với đó, huyện phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên rà soát để phát hiện sớm các khu vực có nguy cơ cao về lở đá. Về lâu dài phải khôi phục lại diện tích rừng đã bị tàn phá nhằm giảm thiểu nguy cơ lở đá. Đó là những biện pháp huyện đã và đang triển khai thực hiện nhằm chủ động ứng phó với thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho người dân.
Mạnh Hùng