Hộ thành viên HTX Tam Hòa tiếp tục áp dụng quy trình VietGAP trong sản xuất rau.
Triển khai thực hiện kể từ tháng 7/2018, mô hình có sự tham gia của HTX dịch vụ và phát triển nông nghiệp Tam Hòa cùng 10 hộ trồng rau. Để mô hình thành công và phát huy hiệu quả, cơ quan thực hiện đã tập trung các giải pháp nâng cấp, hỗ trợ vật tư cải thiện cơ sở vật chất kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu theo quy phạm VietGAP. Cụ thể, tiến hành tập huấn cho 20 người dân, bao gồm cả trong và ngoài HTX. Nội dung tập huấn giới thiệu các quy định của pháp luật về ATTP như Luật ATTP, Thông tư số 51/2014/TT - BNNPTNT quy định điều kiện đảm bảo ATTP và phương thức quản lý đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ; Quyết định số 33/2015/QĐ - UBND của UBND tỉnh ban hành quy định cơ chế hỗ trợ tiêu thụ nông sản hàng hóa trên địa bàn giai đoạn 2015 - 2020; TCVN 11892 - 1:2007 VietGAP phần I về trồng trọt, lợi ích, các yêu cầu của quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt… Từ đó nâng cao ý thức của người dân về tầm quan trọng của ATTP và sự cần thiết áp dụng quy phạm thực hành sản xuất VietGAP.
Mặt khác, nhằm đảm bảo HTX dịch vụ và nông nghiệp Tam Hòa hoạt động có hiệu quả, phát triển bền vững, Chi cục đã hỗ trợ thành lập Ban VietGAP, phối hợp cùng HTX xây dựng hệ thống quản lý chất lượng bao gồm chính sách chất lượng, mục tiêu chất lượng, 5 quy trình kỹ thuật (trồng su su, cải ngọt, cải bắp, cải chíp, bí đỏ) và các quy định về quản lý - sử dụng giống, đất trồng, phân bón, thuốc BVTV, thu hoạch, sơ chế, xử lý các vi phạm trong trường hợp không thực hiện đầy đủ các yêu cầu của VietGAP)…
Trong suốt đợt triển khai chuỗi sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm rau tại xã Tân Sơn, tổ cán bộ kỹ thuật của Chi cục thường xuyên hướng dẫn tại hiện trường, khắc phục các tồn tại. Cụ thể, có 6 lần giám sát và hướng dẫn các hộ sản xuất, sơ chế, kinh doanh như khảo sát, đánh giá thực tế điều kiện đảm bảo ATTP trong sản xuất, kiểm tra tiến độ thực hiện các tiêu chí, lập hồ sơ gửi đi đánh giá và cấp chứng nhận VietGAP, phối hợp với các chuyên gia đánh giá sự phù hợp với các tiêu chí, lấy mẫu kiểm nghiệm để có cơ sở xây dựng vùng sản xuất rau an toàn. Các nội dung quan trọng khác trong việc hỗ trợ mô hình cũng được phối hợp thực hiện tốt như thiết kế, in ấn tem nhãn nhận diện sản phẩm nhằm quảng bá thương hiệu và thu hút khách hàng, thuận lợi trong kiểm soát chất lượng, ATTP; tuyên truyền, quảng bá và tiếp cận thị trường.
Hiện tại, HTX dịch vụ và nông nghiệp Tam Hòa đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm rau an toàn với một số đơn vị, bao gồm ký biên bản ghi nhớ với Công ty Bữa ăn an toàn TP Hà Nội; ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm rau an toàn với các cơ sở kinh doanh rau, củ, quả Thắng Tâm; cơ sở thu mua rau, củ, quả Thu Hằng - chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội); cơ sở nông sản Hoàng Gia, cơ sở Trung Hoa (TP Bắc Ninh); cơ sở thu mua nông sản Hải Trang, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên).
Từ thực hiện mô hình, các hộ trồng rau và HTX hạt nhân liên kết với nhau giúp giảm bớt khâu trung gian, sản phẩm đầu ra ổn định, khắc phục được tình trạng tư thương ép giá. Theo ông Hà Văn Quỳnh, Giám đốc HTX, giá rau mỗi loại tăng 1.000 - 3.000 đồng/kg so với giá thị trường tự do. Mô hình không những tạo việc làm, thu nhập thường xuyên cho các hộ, cung cấp sản phẩm sạch, an toàn mà còn có ý nghĩa trong việc bảo vệ môi trường, chống xói mòn đất, bảo tồn đa dạng sinh học nhờ quá trình canh tác ít sử dụng thuốc BVTV. Nguyện vọng của bà con là tiếp tục được quan tâm, hỗ trợ mở rộng vùng sản xuất rau an toàn tiêu chuẩn VietGAP, duy trì và phát triển thương hiệu rau an toàn vùng cao, đẩy mạnh xúc tiến thương mại đưa sản phẩm lên sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội, các siêu thị của TP Hà Nội và các tỉnh miền Bắc.
Bùi Minh