(HBĐT) - Theo thông tin của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, từ cuối tháng 7 đến trung tuần tháng 8/2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 đợt mưa diện rộng và 1 đợt nắng nóng diện rộng với nhiệt độ cao nhất ngày từ 37 - 39 độ. Tổng lượng mưa tháng ở mức cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, từ 300 - 400 mm.


Do năm nay mưa bão đến muộn, lại thường xuyên xảy ra nắng nóng nên đã xuất hiện tâm lý chủ quan của một bộ phận người dân. Tuy nhiên, theo cảnh báo của cơ quan chuyên môn, diễn biến thiên tai có những bất thường, cực đoan, khó lường và thường xảy ra dồn dập trên diện rộng. Do vậy, người dân không được chủ quan, lơ là trong công tác PCTT, mưa lũ, nhất là lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi cao và ngập úng ở vùng trũng thấp.

Trên thực tế, từ đầu năm đến nay, tỉnh ta đã chịu những thiệt hại do thiên tai gây ra do nắng nóng gay gắt trên diện rộng, giông lốc, sét đánh và đặc biệt là mưa lũ. Nặng nề nhất là ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 hồi đầu tháng 8 gây mưa lớn trên toàn tỉnh. Tuy không có thiệt hại về người, nhưng đã làm nhiều nhà cửa bị ảnh hưởng, nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp ngập úng, sạt lở các tuyến đường, nhiều công trình thủy lợi, giao thông hư hỏng. Ước tính tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra lên tới 223.413 triệu đồng. Cụ thể, đã có 194 nhà bị hư hỏng, ngập nước, trong đó 6 nhà hư hỏng, thiệt hại trên 70%; 82 nhà thiệt hại nặng từ 30-70%; 4 nhà hư hỏng một phần; 52 lượt nhà bị ngập nước, 50 hộ dân phải sơ tán, di dời khẩn cấp.

Mưa lũ đã làm 483,5 ha lúa, 173 ha hoa màu, 52,7 ha cây trồng hàng năm và hàng chục ha cây ăn quả, cây trồng lâu năm bị thiệt hại. Ngoài ra có 120 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 50,1 ha nuôi cá bị hư hỏng.


Tuyến đường 445, đoạn qua xã Hợp Thành (Kỳ Sơn) bị sạt lở nghiêm trọng từ mùa mưa bão năm 2018, hiện đang được khẩn trương kè chắn, khắc phục.

Cũng do ảnh hưởng mưa lũ, nhiều công trình thủy lợi bị thiệt hại, đặc biệt các công trình bị ảnh hưởng từ những năm trước nhưng chưa có kinh phí để sửa chữa đã xuống cấp nghiêm trọng. Một số hồ chứa trong tình trạng xả tràn nhưng chưa có sự cố lớn. Hiện, các hồ chứa đang được cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra và sẵn sàng phương án ứng phó khi có sự cố xảy ra... Nhiều công trình kè, đập dâng, kênh mương, cống bị hư hỏng, trong đó có 1.386m kênh mương bị xói lở, cuốn trôi; 8 trạm bơm, trạm thủy luân hư hỏng; sạt lở 7.255 m bờ sông; 18 đập, bai dâng bị ảnh hưởng, hư hỏng.

Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường giao thông bị ảnh hưởng. Nhiều khu vực ngập và sạt lở mái ta-luy âm, ta-luy dương, gây ách tắc các tuyến đường. Mưa lũ cũng làm hư hỏng, đổ gẫy và làm nghiêng 7 cột điện trung, cao thế, 31 cột hạ thế, 320 m dây điện bị đứt, hư hỏng 3 trạm biến thế hạ áp; một số điểm trường, phòng học, công trình cấp nước sinh hoạt hư hỏng.

Theo thống kê, trong tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra thì thiệt hại về nhà cửa, sản xuất và thiệt hại khác là 75.113 triệu đồng và thiệt hại về công trình 148.300 triệu đồng. Ngay sau khi xảy ra mưa lũ, chính quyền các địa phương đã chủ động huy động lực lượng, phương tiện để khắc phục hậu quả; cắm biển cảnh báo, chăng dây khu vực nguy hiểm, các điểm sạt lở, khu vực ngầm bị ngập nước, cấm các phương tiện giao thông và người di chuyển qua lại. Đồng thời, tiến hành các biện pháp tiêu nước, chống úng cho diện tích lúa, hoa màu bị ngập lụt; tạm thời khắc phục sạt lở trên các tuyến đường giao thông để đảm bảo lưu thông. Các địa phương có phương án sơ tán, di chuyển dân ra khỏi khu vực nguy cơ sạt lở, đảm bảo an toàn cho người dân...

Để chủ động phòng, chống, ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ngay trong tháng 8, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn hạ du hồ chứa nước trong mùa mưa lũ năm 2019 và văn bản triển khai các nhiệm vụ PCTT&TKCN năm 2019 trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. UBND tỉnh chỉ đạo khẩn trương kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN các sở, ban, ngành và các địa phương. Xây dựng Kế hoạch PCTT&TKCN tại các sở, ban, ngành, địa phương năm 2019; rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai và TKCN phù hợp với nhiệm vụ của các đơn vị, địa phương, không để bị động, bất ngờ, kể cả trong các tình huống thiên tai bất lợi. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng PCTT cho các lực lượng và người dân thông qua tập huấn, diễn tập và truyền thông.

Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy liên quan đến công tác PCTT; đối với các cơ quan chuyên môn cần xây dựng đội ngũ làm công tác tham mưu và PCTT làm việc chuyên trách, đảm bảo hoạt động hiệu quả.

Nâng cao năng lực tham mưu, chỉ đạo, điều hành, hiệu lực, hiệu quả của Ban chỉ huy PCTT&TKCN các sở, ngành, địa phương; đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa trang thiết bị, công nghệ, cơ sở dữ liệu phục vụ công tác tham mưu, điều hành.

Trau dồi, học hỏi kinh nghiệm, tiếp nhận các ứng dụng KHCN trong công tác PCTT, cứu hộ, cứu nạn, nhất là quan trắc, giám sát, dự báo phục vụ chỉ đạo, ứng phó thiên tai, TKCN. Đồng thời, UBND tỉnh đã giao việc cụ thể cho UBND các huyện, thành phố, các sở, ngành, đơn vị chức năng thực hiện nhiệm vụ PCTT&TKCN.

 

Bình Giang


Các tin khác


Xây dựng hạ tầng bưu chính, viễn thông đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội

(HBĐT) - Những năm qua, hạ tầng bưu chính - viễn thông trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư phát triển, mở rộng mạng lưới. Hầu hết các doanh nghiệp viễn thông lớn trong nước đã có mặt và tham gia phát triển hạ tầng, kinh doanh dịch vụ tại tỉnh. Các dịch vụ bưu chính, chuyển phát bưu phẩm, hàng hóa được phục vụ nhanh chóng, kịp thời. Chất lượng dịch vụ ngày càng nâng cao, thông tin liên lạc đảm bảo thông suốt, phục vụ tốt chỉ đạo, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhu cầu của nhân dân.

Cần sớm có giải pháp khắc phục tình trạng ngập úng khu vực chợ Thái Bình

(HBĐT) - Đường An Dương Vương, đoạn khu vực chợ Thái Bình, phường Thái Bình (TP Hòa Bình) thường xuyên ngập lụt, là nỗi ám ảnh của các hộ kinh doanh và người tham gia giao thông. Đây là khu vực "trũng” nhất trên tuyến đường, luôn diễn ra ngập lụt mỗi khi mưa lớn.

WHO: Cần thêm nhiều nghiên cứu về tác hại của hạt vi nhựa

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 22-8 công bố báo cáo cho biết, các hạt vi nhựa chứa trong nước uống gây ra nguy cơ thấp với sức khỏe con người ở các mức độ hiện tại, tuy nhiên cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để đưa ra được kết luận trấn an người tiêu dùng.

Tăng cường triển khai các nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

(HBĐT) - UBND tỉnh vừa ban hành Văn bản số 1234/UBND-NNTN về triển khai các nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2019 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình trong thời gian tới theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đánh giá hiệu quả "Mô hình chuỗi liên kết sản xuất, cung cấp thịt dê đảm bảo ATTP năm 2019"

(HBĐT) - Ngày 22/8, Sở NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện "Mô hình chuỗi liên kết sản xuất, cung cấp thịt dê đảm bảo ATTP năm 2019" tại HTX Nông nghiệp Hòa Bình, địa chỉ xã Long Sơn (Lương Sơn).

Chăn nuôi an toàn sinh học - giải pháp phòng, chống hiệu quả dịch tả lợn châu Phi

(HBĐT) - Trong khi dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) gây thiệt hại nhiều tỷ đồng đối với chăn nuôi lợn của tỉnh thì ở các trang trại chăn nuôi, DTLCP không xâm nhập được nhờ áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Nhiều cơ sở, hộ chăn nuôi ở các địa phương trong cả nước cũng đã chọn chăn nuôi an toàn sinh học để ngăn chặn hiệu quả sự tấn công của DTLCP.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục