Cán bộ công chức xã Đông Lai (Tân Lạc) ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chuyên môn.
Đến nay, tỉnh đang hoàn thành việc nâng cấp khung kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh lên phiên bản 2.0. Kết nối, liên thông một số hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh với các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đạt từ 20% trở lên; tích hợp 30% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh với Cổng Dịch vụ công quốc gia; 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện thông qua hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp của tỉnh. Giai đoạn 2016-2020, nguồn lực dành cho thực hiện chương trình mục tiêu CNTT trên 39 tỷ đồng, trong đó, ngân sách T.Ư bố trí 19,720 tỷ đồng, ngân sách địa phương bố trí 19,370 tỷ đồng.
Trong quý I/2020, toàn hệ thống có 193.855 văn bản đến, 45.873 văn bản đi được cập nhật, xử lý và trao đổi trên môi trường mạng giữa các cơ quan nhà nước. 100% sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đã sử dụng chữ ký số chuyên dùng của tổ chức để trao đổi văn bản điện tử trên môi trường mạng...
Qua đánh giá, việc ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT của tỉnh; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, cải tiến môi trường và phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng hiện đại; tăng năng suất, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân.
Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT trong hoạt động vẫn còn một số khó khăn như: nguồn nhân lực đảm nhận việc phối hợp triển khai và tổ chức quản lý vận hành các hệ thống thông tin còn thiếu, đặc biệt là ở cấp huyện, xã. Việc tích hợp, chia sẻ cơ sở dữ liệu giữa các hệ thống thông tin của địa phương, giữa địa phương với các hệ thống của bộ, ngành, T.Ư còn ít; cơ chế phối hợp cập nhật, chia sẻ cơ sở dữ liệu còn hạn chế, dẫn đến các nguồn cơ sở dữ liệu bị phân tán, thông tin số chưa bảo đảm tính xác thực cao. Nguồn vốn đầu tư ứng dụng CNTT chủ yếu là ngân sách địa phương, chưa tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn khác; hình thức đầu tư ứng dụng CNTT còn hạn chế.
Để đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Thủ trưởng các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về ứng dụng CNTT của cơ quan mình. Triển khai đầu tư ứng dụng, phát triển CNTT trên cơ sở kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh đã được ban hành, nhằm đảm bảo tính kết nối, liên thông, đồng bộ, tránh chồng chéo, lãng phí. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai ứng dụng CNTT ở các cơ quan, đơn vị; tổng hợp kết quả, rút kinh nghiệm, đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho từng nhiệm vụ ứng dụng và phát triển CNTT.
Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp về việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tìm kiếm, khai thác thông tin chính thống thông qua cổng, trang thông tin của các cơ quan Nhà nước; từng bước triển khai, đào tạo công dân điện tử đảm bảo nguồn lực để triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Từng bước nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, khả năng tham mưu của cán bộ chuyên trách CNTT các cấp; tăng cường cung cấp kiến thức, kỹ năng về CNTT cho cán bộ, công chức, phục vụ cho việc khai thác, sử dụng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu. Sử dụng kết quả thực hiện xây dựng chính quyền điện tử tại các cơ quan, đơn vị để đánh giá mức độ hoàn thành công việc của cá nhân, tổ chức, làm căn cứ để xét thi đua khen thưởng hàng năm của tỉnh. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương; chuyên gia trong lĩnh vực CNTT nhằm trao đổi, giao lưu, học hỏi những kinh nghiệm hay, giải pháp tốt trong tổ chức xây dựng chính quyền điện tử tại các địa phương.
Đinh Thắng