Việc lắp đặt điện mặt trời áp mái bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực. Ảnh chụp tại gia đình anh Nguyễn Đức Thịnh, tổ 7, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình).
Theo thống kê của Công ty Điện lực Hòa Bình (PC Hòa Bình), đến nay, toàn tỉnh đã có 38 khách hàng lắp đặt điện mặt trời áp mái và đã được đấu nối vào lưới điện do PC Hòa Bình quản lý, với tổng công suất đạt hơn 1.852 kWp. Lũy kế từ đầu năm, sản lượng điện dư thừa phát lên lưới đạt 163.728 kWh, tổng số tiền ngành Điện đã trả cho khách hàng là 318 triệu đồng. Với lượng điện này, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ gia đình, góp phần làm giảm áp lực bù công suất cho PC Hòa Bình vào những ngày nắng nóng cao điểm, khi nhu cầu sử dụng điện của toàn tỉnh tăng cao.
Gia đình anh Nguyễn Đức Thịnh, tổ 7, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) là một trong những khách hàng đã lắp đặt điện mặt trời áp mái. Anh Thịnh cho biết: Sau khi được PC Hòa Bình hỗ trợ về thủ tục pháp lý, lắp đặt công tơ 2 chiều và các giấy tờ liên quan đến hệ thống an toàn của điện năng lượng mặt trời, gia đình tôi đã đầu tư gần 300 triệu đồng để lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, với công suất 22,7 kWp. Nếu trước đây, mỗi tháng, gia đình anh phải trả bình quân trên 3 triệu đồng tiền điện mỗi tháng, từ khi lắp đặt điện mặt trời đã chủ động được nguồn điện phục vụ sinh hoạt. Vào thời điểm giữa trưa, khi ánh sáng mặt trời chiếu mạnh nhất, hệ thống phát điện vượt nhu cầu sử dụng của gia đình. Thông qua công tơ 2 chiều, phần điện dư thừa khoảng 1.200 kWh/tháng được gia đình bán cho ngành Điện. Trong tháng 5, 6 vừa qua, bình quân mỗi tháng, gia đình anh Thịnh thu được khoảng 6 triệu đồng tiền bán điện dư thừa cho ngành Điện. Theo anh Thịnh, sau 6 - 7 năm lắp đặt gia đình sẽ hoàn vốn đầu tư ban đầu.
Ngoài các hộ dân, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã nhận thấy những lợi ích từ việc đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái. Như Công ty TNHH Công nghệ cao NewSun Việt Nam tại xã Sủ Ngòi (TP Hòa Bình) đã đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái, công suất lắp đặt 997 kWp. Đến nay, hệ thống này không chỉ đáp ứng được nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, mà vào cao điểm mùa hè, công ty đã bán phần điện năng dư thừa cho ngành Điện. Theo lãnh đạo công ty cho biết, sau một thời gian sử dụng, hiệu quả từ điện năng lượng mặt trời đem lại là rất lớn. Thời kỳ cao điểm nắng nóng tháng 5, 6 vừa qua, ngoài phần điện năng công ty sử dụng, lượng điện dư thừa phát lên lưới được hơn 110.000 kWh, công ty được ngành Điện trả 212 triệu đồng.
Có thể nói, việc lắp đặt điện mặt trời áp mái không chỉ đem lại lợi ích cho khách hàng, mà còn góp phần giảm quá tải điện năng cho lưới điện, nhất là trong thời điểm nắng nóng gay gắt. Do đó, PC Hòa Bình đã, đang triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ khách hàng có nhu cầu lắp đặt điện mặt trời áp mái. Đồng chí Lương Văn Phương, Phó Giám đốc PC Hòa Bình cho biết: Sau năm 2020, nước ta không còn nguồn điện khai thác mới, việc phát triển các dự án năng lượng mặt trời, trong đó có điện mặt trời áp mái là một trong những giải pháp được khuyến khích nhân rộng. PC Hòa Bình sẽ hỗ trợ tối đa các yêu cầu về lắp đặt, thủ tục đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện cho những khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái. Đồng thời, chịu toàn bộ chi phí kiểm tra, nghiệm thu, đầu tư đồng hồ 2 chiều để đo đạc sản lượng khách hàng sử dụng, cũng như phát lên lưới điện.
Viết Đào