(HBBĐT) - Thời gian triển khai tiêm phòng cho vật nuôi chậm, với tỷ lệ tiêm đạt thấp, nhiều lúng túng trong chỉ đạo, điều hành, đặc biệt là những khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi cho thấy một thực trạng khó khăn của ngành chăn nuôi và thú y (CN&TY) sau khi thực hiện sáp nhập.


Ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn sau sáp nhập do những lúng túng trong chỉ đạo, điều hành. Ảnh: Người dân xóm Tằm, xã Cao Sơn (Đà Bắc) phát triển chăn nuôi trâu.

Ngành chăn nuôi, thú y mất "chân rết”

Thực hiện Quyết định số 456, ngày 11/3/2020 của UBND tỉnh, các huyện, thành phố đã thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (TTDVNN) trên cơ sở sáp nhập 3 đơn vị: Trạm CN&TY, Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm. Đây là chủ trương đúng đắn nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết kiệm ngân sách trong lĩnh vực nông nghiệp. Thế nhưng, thực tế, sau hơn nửa năm thực hiện sáp nhập, công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ của ngành CN&TY phát sinh nhiều tồn tại, bất cập. Đồng chí Trần Tiến Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục CN&TY cho biết: Sau sáp nhập, các TTDVNN trực thuộc phòng NN&PTNT, phòng Kinh tế, chịu sự quản lý, điều hành trực tiếp của UBND các huyện, thành phố. Như vậy, với mô hình sáp nhập này, ngành CN&TY chỉ còn 2 cấp là T.Ư và cấp tỉnh. Khi chức năng quản lý, điều hành không còn xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở, ngành CN&TY gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chức năng.
"Trước đây, khi có thông tin về dịch bệnh hay triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phòng, chống dịch bệnh, Chi cục CN&TY sẽ chỉ đạo trực tiếp các trạm CN&TY ở các huyện, thành phố. Do đó, chúng tôi nắm bắt thông tin nhanh từ cơ sở, đôn đốc kịp thời trong thực hiện các nhiệm vụ của ngành. Còn hiện nay, sau sáp nhập, chi cục không còn chức năng chỉ đạo, điều hành, mà chỉ phối hợp thực hiệc các nhiệm vụ với TTDVNN thông qua phòng NN&PTNT, UBND các huyện, thành phố nên gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình như thời gian qua, dịch tả lợn châu Phi vẫn còn xảy ra ở một số địa phương, nhưng Chi cục không nắm kịp thời thông tin vì TTDVNN chỉ báo cáo phòng NN&PTNT các huyện, phòng Kinh tế của thành phố. Hoặc là dịch đã bùng phát vài ngày thì chi cục mới nắm được thông tin nên bỏ lỡ "thời điểm vàng” để dập dịch, kiểm soát dịch bệnh lây lan” - đồng chí Phó Chi cục trưởng Chi cục CN&TY chia sẻ. 

Trước khi thực hiện sáp nhập, ngành CN&TY cũng đã gặp khó khăn khi hệ thống cán bộ thú y xã do Chi cục CN&TY quản lý giao về UBND các xã, thị trấn. Đội ngũ cán bộ thú y có vai trò quan trọng trong việc tham mưu cho UBND xã, thị trấn thực hiện công tác về CN&TY, cũng như nắm bắt nhanh thông tin dịch bệnh ở cơ sở để có biện pháp xử lý kịp thời. Thế nhưng, hiện đã có tình trạng một số cán bộ thú y xã bỏ việc do chế độ đãi ngộ thấp; công tác tập huấn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ không được thực hiện thường xuyên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động của đội ngũ này. Không còn chức năng chỉ đạo, điều hành đối với TTDVNN và cả đội ngũ cán bộ thú y xã, ngành CN&TY coi như mất "chân rết”; việc nắm bắt thông tin từ cơ sở, triển khai nhiệm vụ của ngành khó để đảm bảo theo kế hoạch, hiệu quả nếu chưa tháo gỡ được những vướng mắc trong công tác phối hợp...

Nhiều vấn đề trong công tác phối hợp

Không chỉ có Chi cục CN&TY "than” về khó khăn sau thực hiện sáp nhập, mà phòng NN&PTNT các huyện cũng đang gặp khó khi được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với TTDVNN mới thành lập. Theo đồng chí Phó Chi cục trưởng Chi cục CN&TY, qua làm việc với các huyện, các phòng NN&PTNT đều chia sẻ về khó khăn khi được giao thêm đầu việc về lĩnh vực chăn nuôi. Dẫn chứng rõ nhất chính là việc triển khai tiêm phòng cho vật nuôi khá chậm, thậm chí đến cuối tháng 8 có huyện vẫn chưa tiêm phòng dại, các huyện khác mới triển khai với tỷ lệ tiêm đạt rất thấp. Cụ thể, đến hết tháng 8, kết quả tiêm phòng tụ huyết trùng cho trâu, bò chỉ đạt 3,88%; tiêm lở mồm long móng đạt 11,28%; tiêm phòng dại cho chó đạt 25%; tiêm phòng cho lợn đạt 32%, gia cầm đạt 24,2%. Kết quả tiêm phòng vẫn chưa được cải thiện đáng kể.  

Kiểm soát giết mổ cũng có vai trò quan trọng trong phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Thế nhưng, từ tháng 5/2020 đến nay, mảng này hầu như bỏ trống vì địa bàn rộng, nhân lực của Chi cục CN&TY ít, trong khi các TTDVNN không đủ thẩm quyền theo quy định để thực hiện chức năng này. 

Cuối tháng 9 vừa qua, trên địa bàn xóm Nghẹ, xã Lỗ Sơn (Tân Lạc) xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Chia sẻ về những khó khăn trong công tác phòng, chống dịch, đồng chí Bùi Văn Lập, Phó Chủ tịch UBND xã khá trăn trở khi xã chưa thực sự nhận được sự quan tâm sâu sát từ ngành chức năng. Theo đó, nhiều lần lãnh đạo UBND xã gọi điện cho TTDVNN để hỗ trợ, phối hợp tiến hành tiêu hủy lợn bệnh và phun tiêu độc, khử trùng chuồng trại các hộ dân, nhưng không nhận được sự hỗ trợ kịp thời. 
Đồng chí Bùi Minh Quế, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tân Lạc cũng chia sẻ những khó khăn phòng đang gặp phải, như: cán bộ phụ trách mảng chăn nuôi của phòng chỉ có 1 người, công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm gặp khó trong khi tỉnh chưa có văn bản hướng dẫn. Thực trạng một số cán bộ thú y xã nghỉ việc cũng là trở ngại lớn của ngành chăn nuôi. Với việc phân cấp quản lý như hiện nay, do chưa có văn bản hướng dẫn nên phòng cũng gặp nhiều lúng túng trong chỉ đạo, điều hành.

Có thể nói, với tỷ trọng chiếm 28% của ngành nông nghiệp (năm 2019), chăn nuôi là lĩnh vực quan trọng của tỉnh. Việc sáp nhập ngành CN&TY là cần thiết, nhưng với những bất cập hiện nay cần có giải pháp, hướng dẫn kịp thời để bộ máy ngành chăn nuôi vừa đảm bảo gọn, nhưng cũng phải tinh.
  
              Viết Đào

Các tin khác


Thời tiết ngày 25/3: Đông Bắc Bộ mưa vài nơi, Nam Bộ nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 25/3, khu Tây Bắc Bắc Bộ, vùng núi phía Tây khu vực Bắc Bộ, Trung Trung bộ và khu vực Tây Nguyên có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất trong ngày có nơi trên 36 độ C. Khu vực Nam Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Độ ẩm tương đối thấp, phổ biến 45-50%.

Ghi nhận những ngày đầu thực hiện cấp đổi giấy phép lái xe ô tô trực tuyến toàn trình

Từ ngày 15/3/2024, tỉnh Hòa Bình chính thức triển khai cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) ô tô theo hình thức trực tuyến toàn trình (TTTT) qua Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG). Với sự phối hợp chặt chẽ của ngành GTVT và Bưu điện tỉnh, việc triển khai dịch vụ cấp đổi GPLX ô tô trực tuyến đã được thực hiện thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Thời tiết ngày 21/3: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vài nơi

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 21/3, Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác; đêm và sáng trời rét.

Thời tiết ngày 20/3: Gió mạnh, sóng lớn trên biển

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 20/3, Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh. Sóng biển cao 2-4 m.

Từ tháng 4 - 9/2024, đề phòng các hình thái thời tiết nguy hiểm

Nhận định về các hình thái thời tiết từ tháng 4-9/2024, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, từ tháng 4-6/2024, hiện tượng El Nino sẽ suy yếu dần và chuyển sang trạng thái trung tính với xác suất 75-80%. Bão và áp thấp nhiệt đới ít có khả năng xuất hiện trên Biển Đông.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục