(HBĐT) - Đặt chân vào rừng nguyên sinh ở xóm Nhuội, xã Đa Phúc (Yên Thủy) mọi cảm giác mệt mỏi dường như tan biến. Dưới tầng tầng, lớp lớp những tán cây cổ thụ, bóng nắng không xuyên qua được rừng già, không khí trong lành, mát mẻ. Mới 14h mà anh Trương Đức Hoàng, cán bộ lâm nghiệp xã Đa Phúc đã nhắc khéo: "Các anh tác nghiệp khẩn trương nhé, trong rừng già trời nhanh tối lắm”.


Lực lượng Kiểm lâm huyện Yên Thủy bám sát địa bàn, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền cơ sở làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Vào đến "lõi” rừng, chúng tôi thực sự choáng ngợp khi được ngắm nhìn những cây chò chỉ cao vút hàng trăm năm tuổi, đường kính thân cây gần 2 m, gốc cây đến 7 - 8 người ôm không hết. Quả thực, 13 cây chò chỉ trong rừng đại ngàn ở Đa Phúc thật sự xứng đáng là cây di sản quốc gia.

Thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của rừng nguyên sinh ở Đa Phúc, Hạt Kiểm lâm huyện Yên Thủy đã giao Phó Hạt trưởng Tạ Quang Dũng trực tiếp phụ trách địa bàn. Anh Dũng cho biết: "Rừng nguyên sinh của Đa Phúc có hệ thực vật phong phú, nhiều loại gỗ hiếm như chò chỉ, nghiến, sấu, cùng các loại muông thú, cây dược liệu quý, đa dạng. Đặc biệt, rừng già ở xóm Nhuội đã được xây dựng là Vườn giống cây bản địa để bảo tồn các nguồn gen quý hiếm và phục vụ nghiên cứu khoa học. Chính vì vậy, Hạt Kiểm lâm và cấp ủy, chính quyền từ huyện đến các xóm, xã xác định quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt tài nguyên quý giá là trách nhiệm, nghĩa vụ của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư”.

Rừng nguyên sinh ở xóm Nhuội có diện tích trên 30 ha, trong đó, vùng lõi chiếm gần 10 ha. Để làm tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng ở xóm Nhuội nói riêng và trên địa bàn xã nói chung, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã cùng các ngành, đoàn thể, lực lượng Kiểm lâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Xây dựng quy ước, quy chế phối hợp bảo vệ rừng, tổ chức ký cam kết với các hộ dân. Đồng thời, thành lập các tổ bảo vệ rừng, thường xuyên tổ chức tuần tra, nắm chắc địa bàn, kịp thời phát hiện hành vi xâm hại tài nguyên rừng trái phép. 

Trưởng xóm Nhuội, Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng Bùi Văn Nghị chia sẻ: Tổ bảo vệ rừng xóm Nhuội có 10 thành viên, gồm công an viên, trưởng xóm, lực lượng dân quân và các hộ dân trong xóm. Chúng tôi thay nhau tuần tra, canh gác nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến về Luật Bảo vệ và phát triển rừng được đẩy mạnh nên nhận thức, ý thức của người dân ngày một nâng lên. Không ít lần, khi thấy người lạ ra, vào địa bàn mang theo các vật dụng có thể khai thác gỗ, săn bắt muông thú, người dân đã báo với chính quyền xóm, xã để kịp thời ngăn chặn, xử lý. Vào thời điểm nắng nóng, nguy cơ cháy rừng cao, các hộ bố trí người tham gia dọn thực bì, phát đường băng cản lửa, nhắc nhở con cháu không mang các chất gây cháy vào rừng. Nhờ đó, nhiều năm qua, diện tích rừng ở Đa Phúc nói chung, các loại lâm sản ở rừng nguyên sinh tại xóm Nhuội luôn được giữ gìn, bảo vệ nghiêm ngặt. 

Bí thư Đảng ủy xã Đa Phúc Bùi Văn Điển cho biết: Các công trình thủy lợi trên địa bàn xã phát huy hiệu quả nhờ một yếu tố hết sức quan trọng, là rừng đầu nguồn được bảo vệ nghiêm ngặt, diện tích đất trống, đồi trọc từng ngày thu hẹp từ phong trào phát triển kinh tế rừng. Kết quả đó bắt nguồn từ phong trào học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy: "Rừng là vàng, nếu mình biết xây dựng và bảo vệ thì rừng rất quý” đã được cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong xã thấm nhuần và lan tỏa ngày càng sâu rộng. Cùng với việc giao đất, khoán rừng cho các hộ, hàng năm, xã tổ chức cho các hộ ký cam kết về nghĩa vụ, trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ, phòng - chống cháy rừng. Công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng là một trong những chỉ tiêu Nghị quyết của Đảng ủy xã về phát triển KT-XH hàng năm. Có được kết quả về quản lý, bảo vệ rừng như hôm nay là nhờ chúng tôi biết dựa vào Nhân dân, nhất là những người có uy tín như già làng, trưởng bản, trưởng các dòng họ. Đồng thời, chú trọng giáo dục thế hệ trẻ thông qua sinh hoạt và hoạt động của Đoàn Thanh niên. Bên cạnh đó, vai trò của các tổ an ninh tự quản luôn được coi trọng, phát huy để kịp thời phát hiện, giải quyết những vụ việc phát sinh tại cơ sở, trong đó có những hành vi vi phạm lâm luật”.

Nguồn sinh thủy dồi dào từ rừng già giúp Đa Phúc sớm hình thành vùng sản xuất hàng hóa. Hiện, toàn xã có trên 650 ha mía nguyên liệu, gần 200 ha cà gai leo. Đặc biệt, với cảnh quan hoang sơ, kỳ thú, hấp dẫn do thiên nhiên ban tặng và được người dân giữ gìn, rừng nguyên sinh sẽ mở ra triển vọng mới để Đa Phúc hướng tới phát triển du lịch sinh thái nhằm du hút du khách trong và ngoài nước, tạo bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn.

         
Đức Phượng

Các tin khác


Dồn sức khắc phục thiệt hại sau mưa đá lịch sử tại 2 xã Hang Kia, Pà Cò

Trận mưa đá được xem là lớn nhất từ trước đến nay xảy ra chiều 24/4 tại 2 xã Hang Kia, Pà Cò đã khiến nhiều diện tích ngô, lúa, rau màu, cây ăn quả của bà con bị thiệt hại nặng nề; nhiều nhà cửa hư hỏng. Ngay sau thiên tai, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Mai Châu đã trực tiếp khảo sát tình hình thực tế và chỉ đạo các xã khẩn trương khắc phục thiệt hại để sớm ổn định sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Huyện Mai Châu: Mưa đá lịch sử gây thiệt hại nặng nề tại xã Pà Cò

Theo báo cáo sơ bộ của UBND xã Pà Cò (Mai Châu), khoảng 16 - 17h ngày 24/4, một trận mưa đá đổ bộ trên địa bàn xã. Đây là trận mưa đá lớn chưa từng có làm thiệt hại hàng trăm héc ta hoa màu, cây ăn quả. Nhiều nhà dân bị đá rơi làm hư hỏng, sập mái.

Mưa đá gây thiệt hại ở 2 xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu

Trận mưa đá kéo dài hơn 10 phút vào khoảng 16 h chiều 24/4 đã gây thiệt hại cho sản xuất và hoa màu ở 2 xã Hang Kia và Pà Cò, huyện Mai Châu.

Xã Tân Minh khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai

Những ngày qua, tại một số địa phương như thành phố Hòa Bình, các huyện: Đà Bắc, Cao Phong, Lương Sơn xảy ra mưa lớn, mưa đá, dông lốc và sét cục bộ gây thiệt hại về kinh tế và đời sống sinh hoạt của nhân dân; trong đó, xã Tân Minh, huyện Đà Bắc chịu thiệt hại nặng nề. Ngay sau khi xảy ra thiệt hại, cấp ủy, chính quyền xã Tân Minh đã chỉ đạo tập trung nhân lực, phương tiện, khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai.

Siết chặt quản lý vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất

Với chức năng quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN), hóa chất, thời gian qua, ngành Công Thương đã phối hợp các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo quản, sử dụng VLNCN và hóa chất trên địa bàn tỉnh.

Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn về thị trường tín chỉ carbon

Theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp Việt Nam, tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục