(HBĐT) - Ảnh hưởng của cơn bão số 7, trong tháng 10, trên địa bàn xã Vân Sơn (Tân Lạc) xảy ra mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày. Do địa hình đồi núi cao, nền đất yếu nên đã xảy ra tình trạng sạt lở đất, đá, làm hư hỏng nhà cửa, các tuyến đường GTNT, thiệt hại tài sản, hoa màu của Nhân dân địa phương. Trước thực tế đó, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) xã đã thực hiện hiệu quả phương châm "4 tại chỗ”. Nhanh chóng hỗ trợ người dân khắc phục thiên tai, ổn định đời sống và sản xuất.
Thành viên Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã Vân Sơn (Tân Lạc) thăm hỏi, động viên hộ ông Hà Công Tin bị sạt lở đất ngày 29/10/2020.
Hiện trường khu vực sạt lở tại hộ ông Hà Công Tin (xóm Bách) vẫn ngổn ngang đất, đá. Các đợt mưa lớn trong tháng 10 diễn ra liên tiếp khiến một khối lượng đất, đá lớn từ trên đồi cao đổ xuống khu vực phía sau nhà ông Tin vào tối 29/10, làm hư hỏng toàn bộ hệ thống kè chân đồi với chiều dài khoảng 20 m, chiều cao từ 6-7 m. Ban quản lý xóm đã có mặt kịp thời hỗ trợ gia đình di dời đến nơi an toàn, đồng thời báo cáo xã có phương án hỗ trợ, giúp đỡ gia đình vượt qua khó khăn.
Ông Tin chia sẻ: "Xác định khu vực gia đình sinh sống nằm ở chân đồi cao, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở vào mùa mưa bão, chúng tôi đã chủ động xây dựng hệ thống kè từ 4 năm trước, kinh phí trên 30 triệu đồng. Vì nền đất yếu đã xảy ra tình trạng sụt lún đất, đá xuống khu vực sau nhà. Rất may không có thiệt hại về người, tài sản. Hiện nay, diễn biến thời tiết phức tạp, gia đình đã xây dựng lán tạm để ở vào những ngày mưa, đảm bảo an toàn tính mạng khi xảy ra thiên tai. Tôi mong muốn chính quyền các cấp xem xét, hỗ trợ gia đình vượt qua khó khăn, nhanh chóng ổn định cuộc sống”.
Ngay sau khi xảy ra thiên tai, Ban chỉ huy PCTT&TKCN xã kịp thời có mặt hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình khắc phục hậu quả. Tổ chức thống kê, rà soát thiệt hại để báo cáo cấp trên. Toàn xã có 8 hộ dân bị sạt lở ảnh hưởng đến nhà cửa, 70 hộ dân thuộc xóm Bách và Hày Trên tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao. Đường giao thông đi xóm Hày Trên và Bương Bái bị ách tắc do sạt lở 250 m3 đất, đá. 1 cột điện bị gãy đổ, 2 ha rau su su bị ngập nước. Trên địa bàn có 4 điểm ngập úng, mực nước sâu từ 1-2 m.
Ban chỉ huy PCTT&TKCN xã đã chỉ đạo các lực lượng rà soát những khu vực xung yếu để có phương án xử lý khi xảy ra thiên tai. Nhanh chóng hỗ trợ, giúp đỡ các hộ bị ảnh hưởng dọn dẹp, vệ sinh, gia cố nhà cửa, di dời đến nơi an toàn. Huy động lực lượng, phương tiện, thực hiện phương châm "4 tại chỗ”, đảm bảo an toàn lưu thông trên các tuyến đường giao thông nông thôn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở. Khi xảy ra thiên tai, Ban chỉ huy PCTT&TKCN xã tổ chức trực chốt 24/7 nhằm kịp thời xử lý các sự cố bất ngờ. Chú ý theo dõi tình hình thời tiết để di dời người và tài sản đến nơi an toàn, đặc biệt là các hộ dân sinh sống ở khu vực chân đồi tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao.
Đồng chí Hà Văn Huê, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Sau khi triển khai sáp nhập, địa bàn xã trải rộng, đồi núi cao, dân cư sinh sống tập trung ở ven núi hoặc chân đồi, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất khi mưa lớn kéo dài đe dọa tính mạng người dân. Xã mong muốn Nhà nước xem xét bố trí tái định cư cho các hộ dân. Đồng thời đã có văn bản kiến nghị lên UBND huyện đề nghị hỗ trợ nhân lực, vật lực để thông xe các tuyến đường bị sạt lở. Qua đó, tạo điều kiện giúp đỡ Nhân dân trên địa bàn sớm khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống để tập trung phát triển KT-XH.
Đức Anh
(HBĐT) - Dù được đầu tư lò đốt rác nhưng do công suất quá nhỏ, lượng rác thu gom trên địa bàn xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) được xử lý chỉ là một phần rất nhỏ so với lượng rác tập kết hàng ngày. Số rác tồn đọng, không xử lý kịp hầu như phải chôn lấp, dù UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo xử lý triệt để, không để rác thải tồn đọng gây ô nhiễm môi trường.
(HBĐT) - Chiều 16/11, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến công bố ứng dụng VssID - BHXH số trên nền tảng thiết bị di động. Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và 63 điểm cầu các tỉnh tiếp sóng. Dự hội nghị tại điểm cầu Hòa Bình có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh và đại diện các sở, ban, ngành.
(HBĐT) - UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 1905/UBND-NNTN chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố kiểm tra, đánh giá hoạt động khai thác vàng trên địa bàn tỉnh.
(HBĐT)- Mai Châu là huyện vùng cao của tỉnh, tổng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp trên 43.816 ha; hầu hết các xã, thị trấn đều có rừng, trong đó nhiều xã có rừng tự nhiên, rừng sản xuất.
(HBĐT) - Công ty Pacific được thành lập từ tháng 4/1993 với 100% vốn đầu tư Nhật Bản. Ngành nghề chính của công ty là sản xuất, chế biến nông sản xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Hiện, công ty tạo việc làm cho khoảng 300 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân đạt 5 triệu đồng/người/tháng.
(HBĐT) - Chúng tôi và rất nhiều người khá bất ngờ khi đến thăm cơ sở sửa chữa, thay thế lốp ô tô của anh Phạm Văn Mạc tại số nhà 72, tổ 8, phường Phương Lâm, thành phố Hòa Bình. Người trong nghề và khách hàng thường gọi anh với cái tên thân thuộc là Mạc "lốp". Ngoài việc giữ nghề chính thay thế, vá lốp ô tô, anh Mạc còn tận dụng những chiếc lốp đã qua sử dụng để sản xuất thành những bộ bàn ghế mang tính thẩm mỹ cao, được nhiều người là khách hàng tìm mua, vừa mang lại hiệu quả kinh tế lại vừa bảo vệ môi trường sống.