(HBĐT) - Theo đánh giá của UBND tỉnh, những năm gần đây, các hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) đã có bước chuyển biến tích cực, nhiều tiến bộ KHKT được áp dụng rộng rãi trong các lĩnh vực, ngành, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp CNH - HĐH. Việc ứng dụng, chuyển giao các thành tựu KHCN được chú trọng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững. Trong sự chuyển động chung này đã có những doanh nghiệp (DN) sáng tạo, tiên phong ứng dụng KHCN vào sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.


Công ty cổ phần T&T 159 đầu tư Xưởng xử lý nguyên liệu phế phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, đã tận dụng tối đa nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi.

Nhận thức chung của DN về vai trò của KHCN đối với sản xuất có bước chuyển đáng kể. Một số DN đã ưu tiên đầu tư, tiếp thu, ứng dụng các thành tựu KHCN hiện đại vào sản xuất, đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ, tạo bước tiến mới nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của DN. 

Nói về ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo trong SX - KD ở khối DN của tỉnh phải nói đến Công ty CP T&T 159 Hòa Bình. Trên địa bàn xã Yên Mông (TP Hòa Bình), công ty đầu tư khu liên hợp sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc từ phụ phẩm nông nghiệp hỗn hợp hoàn chỉnh; trại sản xuất bò giống chất lượng cao và trại bò nuôi lấy thịt; nhà máy sản xuất đệm lót sinh học từ phụ phẩm nông, lâm nghiệp và nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế thải chăn nuôi. Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP T&T 159 cho biết: DN đặc biệt chú trọng ứng dụng KHCN trong quá trình SX-KD, tuân thủ theo quy trình chăn nuôi tuần hoàn khép kín. Đó là sử dụng toàn bộ phụ phẩm nông nghiệp như vỏ trấu, thân cây ngô, vỏ cây keo... kết hợp men vi sinh làm đệm lót sinh học, được sử dụng ở tất cả khu chuồng nuôi. Đệm lót sau đó được sử dụng để sản xuất phân bón hữu cơ. Đệm lót sinh học giải quyết được nhiều vấn đề, gồm cả việc tận thu toàn bộ phế thải của con bò trong quá trình bài tiết, góp phần phòng, chống dịch bệnh, giảm mùi hôi trong chăn nuôi, cung cấp nguồn phân bón hữu cơ rất tốt cho cây trồng.

Bên cạnh đó, Công ty CP T&T 159 đầu tư máy móc, thiết bị, thực hiện liên kết với gần 6.000 hộ dân trong, ngoài tỉnh để đảm bảo cung cấp phế phụ phẩm nông nghiệp. Sau khi thu gom phế phụ phẩm về nhà máy, các nguyên liệu được chế biến, sử dụng công nghệ phối trộn (TMR)  để làm thức ăn nuôi bò. Từ sự đột phá trong việc ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo, Công ty CP T&T 159 đang là một trong những DN tiên phong trên cả nước xây dựng nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn.

Thực tiễn cho thấy, đổi mới công nghệ là rất quan trọng đối với mỗi DN. Tiến bộ KHCN, đổi mới công nghệ sẽ cho phép nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra nhiều sản phẩm mới, tăng sản lượng, tăng năng suất lao động, sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguyên vật liệu… Thời gian qua, tỉnh ta đã kết nối cho nhiều DN tiếp cận, tham gia các chương trình cung - cầu công nghệ. Trong quá trình chuyển giao công nghệ, đã có nhiều hoạt động hỗ trợ DN như: tư vấn công nghệ, thẩm định công nghệ, các vấn đề pháp lý, kết nối nguồn lực tài chính cho DN. Nhiều công nghệ sau khi được chuyển giao đã phát huy hiệu quả, phục vụ hoạt động SX - KD của DN, tăng lợi nhuận, khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Điển hình như Công ty CP Biopharm Hoà Bình tự nghiên cứu quy trình công nghệ nhân giống, nuôi trồng nhân sâm..., doanh thu từ công nghệ này đạt từ 2,3 - 5 tỷ đồng/năm. 

Tuy nhiên, theo Sở KH&CN, bên cạnh những kết quả đạt được, việc đổi mới công nghệ của các DN vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan tâm. Số liệu điều tra cho thấy, 85% các loại máy móc, thiết bị DN sử dụng thuộc loại máy móc, thiết bị do người điều khiển; 15% là dạng máy móc do máy tính điều khiển. Điều này cho thấy, hệ thống máy móc, thiết bị của các DN sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng của tỉnh chưa hiện đại, rất ít công nghệ đến từ các nước phát triển. Trên địa bàn tỉnh mới có 9 DN được cấp giấy chứng nhận DN KHCN. Các DN này đã thành lập quỹ phát triển KHCN. Chỉ 14% DN có tiến hành hoạt động đối với việc điều chỉnh các công nghệ, máy móc thiết bị nhằm tăng hiệu quả, giúp máy móc vận hành tốt hơn. Còn lại các DN hầu như không có hoạt động điều chỉnh thiết bị, công nghệ máy móc phù hợp sản xuất...

Nhằm hỗ trợ DN ứng dụng KHKT, công nghệ mới, từ đó tăng cường sự đóng góp của KHCN trong tăng trưởng kinh tế, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng quan tâm hỗ trợ DN nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đào tạo, thuê chuyên gia thiết kế, sản xuất sản phẩm mới. Nâng cao tiềm lực tài chính của DN thông qua các nguồn vốn vay từ ngân hàng, vốn hỗ trợ từ Nhà nước để nghiên cứu, đầu tư những công nghệ thích hợp phục vụ SX-KD.

Quan tâm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH-CN vào SX-KD; khuyến khích các tổ chức, DN thành lập DN KHCN; tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4... nhằm phát triển kinh tế bền vững.

Song, theo bày tỏ của ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP T&T 159: Để phát triển kinh tế bền vững, không còn cách nào khác là phát triển kinh tế tuần hoàn và muốn làm được phải có đổi mới sáng tạo. Hiện nay, đổi mới sáng tạo của chúng ta chưa có địa vị pháp lý rõ ràng nên đưa đổi mới sáng tạo vào quá trình đầu tư còn gặp rất nhiều rào cản. Như trong đánh giá tác động môi trường đối với làm kinh tế nông nghiệp phải có đầy đủ hệ thống xử lý nước thải, nhưng từ đổi mới sáng tạo, chúng tôi dùng công nghệ sinh học để xử lý toàn bộ chất thải, phế thải trong chăn nuôi, hoàn toàn không ra môi trường. Tuy nhiên, để đủ điều kiện cấp phép đầu tư vẫn phải làm đánh giá tác động môi trường như quy định, phải xây ao, bể, xây hệ thống tách lọc... nguồn đầu tư rất lớn, khi đưa vào lại không được sử dụng. Vấn đề đặt ra là một số quy định của pháp luật, thiết chế cũ lại điều chỉnh câu chuyện mới, đặc biệt là câu chuyện đổi mới sáng tạo. Do vậy, trong thời gian tới phải được luật hóa điều này, phải coi đổi mới sáng tạo là một trong những hoạt động mục tiêu, trục phát triển, có địa vị pháp lý và phải được khẳng định, thay thế bằng thiết chế cũ. Như vậy, phát triển bền vững mới có cơ hội để thành công, kinh tế tuần hoàn mới đi được vào đời sống xã hội.

Bình Giang

Các tin khác


Bưu điện tỉnh: Tạo đột phá về sản xuất, kinh doanh trong năm 2021

(HBĐT) - Ngày 22/12, Bưu điện tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2020, triển khai mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu năm 2021. Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Xuân Lam, thành viên Hội đồng thành viên Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam; đại diện các sở, ban, ngành hữu quan và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Huyện Lương Sơn: Tích cực phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi

(HBĐT) - Đồng chí Nguyễn Quốc Tiến, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Lương Sơn cho biết: Trước tình hình thời tiết rét đậm, rét hại tăng cường, huyện chủ động phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi nhằm giảm thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, bảo vệ cây trồng, vật nuôi phát triển.

Chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh thành bão

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai vừa có công điện gửi Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Đà Nẵng đến Cà Mau và Kiên Giang, chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.

Huyện Đà Bắc: Phát động vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ tại xã Yên Hòa, Đoàn Kết

(HBĐT) - Được hỗ trợ của Chương trình vùng Đà Bắc (tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam), vừa qua, Trung tâm Y tế huyện Đà Bắc tổ chức buổi phát động vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ tại xã Yên Hòa và xã Đoàn Kết.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính

(HBĐT) - Thời gian qua, Sở TT&TT đã tham mưu UBND tỉnh triển khai nhiều chính sách, chương trình, dự án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh tới cấp xã nhằm hiện đại hóa hành chính và phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục